Ta Mô Phỏng Trường Sinh Lộ

Chương 153: Trận pháp, không cực hạn

"Ầm!"
"Ầm!"
Trên quảng trường, tiếng nổ vang lên không dứt bên tai.
Hai người Tô tiểu muội và Tiêu Hằng chỉ đánh nhau bằng chưởng pháp vừa mới ngộ ra nên tạm thời khó thể nào phân ra thắng bại.
Dựa vào Thiên Thị Địa Thính, Lý Phàm tinh tế cảm nhận chưởng pháp của hai người.
Kết hợp với những cảm ngộ về đạo vận trước đây, hắn lập tức cảm thấy nhiều chỗ khúc mắc được giải đáp.
Thì ra, có thể lý giải như vậy!
Mặc dù Lý Phàm chỉ có tư chất trung bình, không cách nào trực tiếp lĩnh ngộ ra thần thông.
Nhưng Tô tiểu muội và Tiêu Hằng đều chỉ là Trúc Cơ tiền kỳ, hắn vẫn có thể nhìn hiểu chưởng pháp của hai người.
Không biết làm bài, vậy thì sao chép không được sao?
Trước hết, tham khảo lĩnh ngộ của hai người, học lỏm thần thông chưởng pháp. Sau đó, thêm thắt vào chút cảm ngộ của bản thân. Cuối cùng, tạo ra một loại chưởng pháp của riêng mình.
Trong quá trình xem cuộc chiến, Lý Phàm lại phát hiện ra sự khác biệt trong chưởng pháp của hai người.
Tuy cả hai loại chưởng pháp đều đến từ cảm ngộ khi quan sát luồng đạo vận kia.
Thế nhưng, chưởng pháp của Tiêu Hằng có ý cảnh mờ ảo thoát tục như đại đạo, không thể nắm bắt.
Còn chưởng pháp của Tô tiểu muội lại hàm chứa một tia ý niệm bá đạo vô song.
Giống như một chưởng đánh ra, thiên địa vạn vật đều phải thần phục.
Hiện chưa thể nói ai tốt ai kém.
Chỉ có thể nói, Phúc Hải Nhất Chưởng trước kia quả thật kinh người, bao hàm toàn diện.
Chưởng pháp của hai người vừa là lĩnh ngộ của bản thân họ, cũng vừa là ý niệm của Phúc Hải Nhất Chưởng kia.
...
Cuộc chiến giữa Tiêu Hằng và Tô tiểu muội kéo dài đến hai ngày.
Cuối cùng, khi tiếng kêu dừng lại của Lý Phàm vang lên, cuộc chiến mới chấm dứt.
“Không tồi, xem ra các ngươi có thu hoạch không nhỏ. Tuy nhiên, nhớ kỹ, không thể tự mãn.”
“Các ngươi còn xa xa mới hiểu hết một luồng đạo vận này.”
“Tiếp theo, hai ngươi vừa tu hành, vừa cảm ngộ, vừa luận bàn lẫn nhau đi.”
Nghe Lý Phàm dặn dò, Tiêu Hằng và Tô tiểu muội đều gật đầu đồng ý.
Dưới sự trợ giúp của hai vị thiên kiêu, lĩnh ngộ của Lý Phàm đối với Phúc Hải Nhất Chưởng cũng càng ngày càng tăng.
Chỉ đáng tiếc, thời gian qua mau, chưởng pháp của Tiêu Hằng và Tô tiểu muội đều đã đại thành cả rồi.
Nhưng Lý Phàm vẫn luôn cảm thấy bản thân còn kém một chút xíu.
Hắn chỉ mới lĩnh ngộ được cách sử dụng một chưởng này, vẫn vỏn vẹn nằm trong phạm trù chiêu thức.
Còn xa mới có thể vươn đến cấp độ thần thông.
Tuy nhiên, Lý Phàm cũng không tỏ ra nóng vội.
Vẫn kiên trì tối ưu hoá và nâng cao một chưởng này.
Hai tháng sau.
Trong nơi bế quan bên dưới lòng đất.
Từng đường vân mỏng màu bạc hiện lên trên chiếc hộp nhỏ màu đen.
Trận pháp phong ấn phía trên đó rốt cuộc cũng được giải trừ.
Lập tức, những thứ nằm bên trong xuất hiện trong tầm mắt của phân thân Lý Phàm.
Một vật trong đó khá quen thuộc với Lý Phàm.
Đó chính là một ngọc giản mã hoá tứ giác màu vàng kim.
Có điều, nội dung bên trong ngọc giản này chắc chắn không phải là “Sơn Xuyên Bách Mạch Trận Đồ”, di tác của Hà Chính Hạo.
Thần thức của hắn tiến vào, đọc nội dung bên trong.
Không được bao lâu, Lý Phàm đã hoa mắt chóng mặt, thần niệm vội rút ra khỏi ngọc giản.
Hắn xoa xoa huyệt thái dương để giảm bớt cơn đau đầu.
Nhưng vẻ mặt của Lý Phàm lại mang theo biểu cảm hưng phấn.
Nội dung của ngọc giản này chính là sở học cả đời của Trương Chí Lương, trận pháp sư đệ nhất Tùng Vân Hải.
“Vô Hạn Pháp”.
Giờ đây, cảm ngộ về trận pháp của cả hai người Trương Chí Lương và Hà Chính Hạo đều đã rơi vào tay Lý Phàm.
Xem ra, trong một khoảng thời gian dài sau này, hắn không thể nhàn rỗi một giây nào.
Dốc lòng nghiên cứu, trận đạo của hắn chắc chắn sẽ có tương lai vô cùng tươi sáng.
Lý Phàm hết sức mong chờ, đợi sau khi được nói chuyện với Hà Chính Hạo, xem phản ứng của hắn như thế nào.
Hồi phục lại tâm trạng, Lý Phàm bắt đầu xem xét mấy thứ còn lại.
Một túi nhỏ màu trắng chứa đầy hương liệu màu bạc.
Đó là loại nhang Trương Chí Lương thường dùng để loại bỏ những mệt mỏi tâm thần của Lý Phàm khi hắn chăm chỉ học tập trận pháp trước đây.
Một quả cầu nhỏ màu đen, Thức Linh cầu, dùng để khảo nghiệm trình độ trận pháp.
Một tờ giấy vàng bạc óng ánh, một miếng ngọc giản bình thường.
Trước tiên, Lý Phàm xem ngọc giản nói gì đã.
Trong này, đương nhiên là di ngôn của Trương Chí Lương.
Trương Chí Lương không đề cập đến việc một đám Hoá Thần Vạn Tiên đảo mưu tính Xích Viêm.
Ông ta chỉ giải thích cho Lý Phàm về “Vô Hạn Pháp” của mình và công dụng của tờ giấy vàng bạc kia.
“Vô Hạn Pháp” là tâm huyết cả đời của Trương Chí Lương.
Ngày đó, cảnh tượng hơn mười vạn Trận Miện cùng khởi động giúp Nguyên Anh cảnh tham gia vào tranh đấu của Hoá Thần và Hợp Đạo, đã ấn tượng sâu sắc cho Lý Phàm.
Tuy nhiên, theo di ngôn của Trương Chí Lương, "Vô Hạn Pháp” ông ta tu hành hiện nay còn lâu mới đạt đến đại thành.
Khi giảng bài, Trương Chí Lương đã từng nói: trận pháp chính là chế định hoá pháp tắc.
Chế định hoá, tất nhiên có thể khiến việc vận dụng pháp tắc trở nên đơn giản, nhanh chóng hơn, nhưng cũng không thể nào tránh khỏi một khuyết điểm trí mạng.
Trận pháp trong thiên hạ, đều có thể bị phá.
Khi đã được bày ra, chế định hoá của pháp tắc đã cố định.
Người tinh thông trận pháp thì có thể hiểu rõ nhược điểm của nó, tốn chút thời gian để phá giải nó.
Từ “Thất Thải Lạc Tiên Trận” cho đến “Chư Thiên Tinh Đấu Trận”, tuy đều được xưng tụng có uy lực vô song.
Thế nhưng, nếu một đại sư trận pháp một lòng muốn phá giải chúng, vậy thì chỉ còn là vấn đề về thời gian mà thôi.
Thứ Trương Chí Lương nhắm đến chính là một trận pháp không thể nào bị phá giải.
Ông ta cho rằng, sở dĩ trận pháp bị phá giải là vì sau khi được bố trí, trận pháp đã không thể biến hoá khác đi được nữa.
Không biến hóa, thì dù phức tạp hơn nữa, to lớn hơn nữa, sớm muộn gì cũng có ngày nó bị người phá giải.
Thế nhưng, nếu có một trận pháp đạt đến mức độ có thể phát triển không ngừng, từng phút từng giây đều tự hoàn thiện bản thân.
Hơn nữa, nếu tốc độ biến hoá trưởng thành của nó nhanh hơn tốc độ phá giải của đại sư trận pháp mạnh nhất trên đời này.
Vậy thì, trận pháp này chính là trận pháp vĩnh viễn không thể nào bị người phá giải.
Đó là những gì Trương Chí Lương cố gắng vươn tới trong suốt cuộc đời.
“Vô Hạn Pháp”.
Đáng tiếc, tuy Trương Chí Lương có trình độ trận pháp siêu tuyệt.
Nhưng “Vô Hạn Pháp” của ông ta lại cách trận pháp trong mơ kia xa tít tắp.
Thứ quan trọng nhất còn thiếu chính là một hạch tâm.
Một hạch tâm có khả năng duy trì trận pháp tiến hoá vô hạn.
Trương Chí Lương đã thử mọi vật liệu có thể.
Thiên địa kỳ vật, ý thức của tu sĩ, pháp bảo thượng cổ…
Nhưng tất cả đều thất bại, không có ngoại lệ.
“Vô Hạn Pháp” yêu cầu lực tính toán của hạch tâm quá mức khủng khiếp, đến nỗi vượt quá giới hạn cao nhất Trương Chí Lương có thể nhận thức được.
Ngoại trừ yêu cầu tính toán ra, thứ không thể thiếu ở hạch tâm này chính là linh trí của nó.
“Vô Hạn Pháp” tiến hoá, có vô số khả năng và phương hướng.
Nếu trận pháp chỉ đơn thuần biến hoá không mục đích thì tốc độ tiến hoá sẽ giảm đi rất nhiều.
Còn nếu hạch tâm có linh trí của riêng mình, có lực tính toán vô hạn, nó sẽ có thể không ngừng điều chỉnh và tối ưu hoá phương hướng tiến hoá.
Đến nỗi, nó sẽ dựa vào phong cách của đại sư trận pháp đang phá giải mình để tiến hành tối ưu hoá tương ứng.
Khi đó, “Vô Hạn Pháp” mới được tính là “Vô Hạn Pháp” chân chính.
Đương nhiên, Trương Chí Lương cũng không ôm hi vọng rằng Lý Phàm có thể thực hiện được “Vô Hạn Pháp” lí tưởng này.
Ông ta chỉ mong Lý Phàm có thể kế thừa được y bát của mình là tốt rồi.
Sau đó, duy trì truyền thừa này.
Hi vọng đến một ngày, có thiên tài trận pháp chân chính nào đó có thể hoàn thành được nguyện vọng “Vô Hạn Pháp” vĩ đại.
Về phần tờ giấy vàng bạc kia, đó là thứ dùng để khích lệ Lý Phàm học tập trận đạo.
Tên của nó là “Di Đoái”.
Về bản chất, nó là một di chúc chứa rất nhiều điểm cống hiến.
Sau khi tu sĩ mất đi, nếu ai muốn nhận được điểm cống hiến trong di chúc thì người đó sẽ phải hoàn thành những điều kiện nhất định.
Tấm “Di Đoái” Trương Chí Lương lưu lại vậy mà chứa đến bốn mươi vạn điểm cống hiến.
Đây là tài sản cả đời của ông ta.
Được chia làm mười lần rút.
Mỗi lần rút có điều kiện khác nhau, đều là những khảo nghiệm về tri thức trận pháp thông qua Thức Linh cầu.
Tổng cộng mười cấp độ khảo nghiệm.
Nếu kế thừa hoàn toàn “Vô Hạn Pháp” của Trương Chí Lương, Lý Phàm có thể bỏ túi toàn bộ bốn mười vạn điểm cống hiến này.
Còn nếu ngay cả khảo nghiệm cấp thấp nhất cũng không vượt qua được, vậy thì Lý Phàm chỉ có thể tay không nhìn bảo sơn nhưng lại chẳng thể với tới.
Bạn cần đăng nhập để bình luận