Ta Mô Phỏng Trường Sinh Lộ

Chương 14: Hi vọng le lói

Năm 13 sau Lưu Điểm, lại có các loại sách cổ như "Thượng Thư", "Lễ" được khai quật, người đọc sách trong thiên hạ càng thêm ngưỡng mộ đoạn lịch sử bị thất lạc trong lời đồn.
Năm 15 sau Lưu Điểm, Hoàng đế lâm bệnh nặng, muốn tìm tiên đan kéo dài tính mạng nên ra lệnh cho mười vạn đại quân ngày đêm khai quật mộ cổ, tìm kiếm vết tích của Tiên nhân.
Quần thần, tuy có người dị nghị, nhưng không dâng sớ phản đối với quy mô lớn.
Đáng tiếc, tiên đan khó cầu, dù cho binh lính đã tìm kiếm qua cả trăm mộ cổ nhưng chẳng tìm được viên nào.
Cuối năm đó, Hoàng đế qua đời trong nuối tiếc, trước lúc lâm chung truyền lại ngôi cho Lang Gia Vương.
Lúc này, Lý Phàm lại nắm thiên hạ trong tay một lần nữa.
Dưới sự thúc đẩy của Lý Phàm, làn sóng tìm kiếm mộ, di tích cổ trong thiên hạ ngày càng dâng cao.
Năm 17 sau Lưu Điểm, một hộ săn bắn trong núi vì tìm được một ngôi mộ cổ, làm cho Thái sư vui mừng nên được phong tước. Từ đó về sau, người trong thiên hạ đối với việc tìm kiếm di tích cổ càng thêm điên cuồng. Núi rừng vắng vẻ đến cỡ nào, cũng có thể bắt gặp từng tốp người kết thành đoàn đội vào đó tìm di tích.
Thời gian thoi đưa, năm 23 sau Lưu Điểm.
Lý Phàm ngồi trong phủ Thái sư, đọc những manh mối mấy năm gần đây được thu thập bởi quan lại và dân thường ở khắp nơi .
Trước đó, sách sử đời này ghi lại rằng ba nghìn năm nay đã trải qua tổng cộng 23 triều đại.
Khi từng toà mộ cổ được khai quật, phần lịch sử bị thất lạc cũng theo đó được bổ sung.
Trước 23 triều đại còn có 16 triều đại xuất hiện trong khoảng sáu, bảy ngàn năm trước.
Triều đại xuất hiện sớm nhất có tên là Khải.
"Sáu bảy ngàn năm, cũng gần khớp với thời gian diễn ra Đại Di Dời." Lý Phàm ngẫm nghĩ.
Lập tức, hắn ra lệnh cho thuộc hạ đẩy mạnh việc khai quật mộ cổ thời Khải.
Hắn cũng treo giải thưởng toàn thiên hạ, người nào tìm thấy mộ cổ thời nhà Khải đều sẽ được phong hầu.
Tin tức vừa truyền ra, người trong thiên hạ ai nấy đều đổ xô đi tìm.
Dù lịch sử có phủ đầy bụi thì cũng không giấu nổi dưới sự khai quật rầm rộ của cả thiên hạ.
Năm 25 sau Lưu Điểm, ngôi mộ của Hoàng đế nhà Khải đầu tiên, Y Hành cuối cùng cũng được phát hiện.
Lý Phàm nghe tin, lập tức dẫn theo thân tín đến hiện trường, phong toả cả khu vực.
Mười mấy năm qua đi, kỹ thuật đào mộ của Đại Huyền triều được phát triển nhanh chóng, tổng kết ra nhiều phương pháp mở huyệt mộ cực kỳ hiệu quả.
Tuy mộ của vị Hoàng đế đầu tiên này có quy mô khổng lồ với vô số cơ quan nhưng dưới sự nỗ lực của Khảo Cổ Doanh, chỉ sau hơn một tháng, một lối đi thông đến gian mộ chính đã được đào ra.
Sau khi dọn dẹp mọi vật cản, Lý Phàm dẫn theo đám người vây xung mình tiến vào mộ.
Lý Phàm chậm rãi dạo bước, nhìn ngắm đủ loại bích hoạ dọc đường đi.
Bích hoạ được phân ra mấy phần lớn.
Phần thứ nhất vẽ nhân vật chính là vị Hoàng đế nhà Khải đầu tiên, Y Hành ngồi trên đỉnh núi. Trong mây trắng mịt mù, bóng dáng của những Tiên nhân tựa như đang nói với hắn điều gì đó.
Phần thứ hai vẽ tai ách hắc ám giáng xuống, máu tươi vấy đỏ mặt đất. Dưới sự dẫn dắt của Y Hành, người may mắn sống sót leo lên một con thuyền lớn bay qua biển mây mênh mông. Sau khi trải qua vô số hung hiểm, họ đi đến một bình nguyên rộng lớn rồi an cư lạc nghiệp tại đây.
Phần thứ ba vẽ Y Hành được mọi người tôn làm Hoàng đế, lập ra nhà Khải.
Phần thứ tư vẽ Y Hành đang xử lý chuyện triều chính lặt vặt.
Xem bích hoạ xong, Lý Phàm cũng đã đến gian mộ trung tâm.
Không gian của ngôi mộ cao khoảng 40 đến 50 mét, chiều dài và chiều rộng lên đến mấy ngàn thước. Trần của ngôi mộ được khảm ngàn vạn viên dạ minh châu diễn tả các vì tinh tú.
Phần còn lại của mộ thất được mô phỏng theo một sơn môn với những đỉnh núi san sát bao phủ bới mây trắng.
Biển mây này không biết được tạo dựng như thế nào mà chỉ trôi lơ lửng tại chỗ chứ không phiêu động, trải qua mấy ngàn năm vẫn không tiêu tán.
Mọi người cùng đi tới nhưng không thấy đường dẫn lên đỉnh núi bèn tấm tắc lấy làm kỳ lạ, tán thưởng không ngớt.
"Quả nhiên là thủ đoạn tiên gia." Lý Phàm thầm nghĩ.
Bên dưới ngọn núi cao nhất là một ngôi nhà tranh trông có vẻ đơn sơ, bờ ruộng xung quanh cũng đã hoang tàn.
Khi đến gần, mọi người mới phát hiện thì ra ngôi nhà tranh này lại do vô số sợi tơ vàng tỉ mỉ bện thành.
Rõ ràng, gian nhà tranh này chính là nơi chôn cất Y Hành.
Lý Phàm hạ lệnh cho người mở cửa gian nhà rồi tiến vào trong.
Trái với tưởng tượng của mọi người, di hài của Y Hành lại không có trong phòng.
Bên trong chỉ có cắm một bài vị làm bằng gỗ.
Bài vị được khắc lên mấy chữ to vàng óng: "Thái Diễn tông ngoại môn đệ tử Y Hành mộ".
Ngoài bài vị này ra thì không có thứ gì khác.
"Xem ra người này tuy gia nhập tông môn Thái Diễn tông nhưng mới chỉ là đệ tử ngoại môn, còn chưa bước lên tiên đồ. Cuối cùng, y lại bị các tu tiên giả đày đến nơi này."
"Trước khi chết, y vẫn nhớ mãi không quên tông môn của bản thân, không ghi thân phận Hoàng đế của mình mà lại lấy thân phận đệ tử ngoại môn Thái Diễn tông."
"Nhưng mà, theo lời Khấu Hồng nói lúc trước, tông môn trong thiên hạ đáng ra đã tan biến trước thời Đại Di Dời rồi mới phải. Bây giờ xem ra chuyện này còn có nhiều ẩn tình khác."
Lý Phàm không ngừng suy nghĩ trong đầu.
"Y Hành này được tu tiên giả của Thái Diễn tông giao cho việc phụ trách di dời phàm nhân đến giới này. Chỉ là không biết có thể tìm thấy phi chu ở đây hay không."
Tìm khắp gian mộ chính mà không có kết quả, Lý Phàm đành phải ra lệnh Khảo Cổ Doanh đào móc tất cả gian một xung quanh để tìm manh mối.
Mấy ngày sau, một tin tức xấu truyền đến khiến cho Lý Phàm cảm thấy vô cùng giận dữ và bất đắc dĩ.
Thì ra, Khảo Cổ Doanh tìm thấy trên danh sách vật bồi táng của một gian mộ có ghi lại vật phẩm giống như phi chu. Đáng tiếc là gian mộ này rất có thể đã từng bị trộm trước đó.
Căn cứ vào vết tích phá hư, vụ trộm này đã xảy ra được cả nghìn năm rồi.
"Lại là như vậy, lại là như vậy! Lần nào để cho ta thấy được hi vọng thì cuối cùng chỉ như hoa trong gương, trăng trong nước, không thể đạt được!"
Lý Phàm hiếm khi giận dữ đến vậy, đập phá vài kiện vật phẩm xung quanh.
Thuộc hạ xung quanh lần lượt câm như hến.
Qua hồi lâu, Lý Phàm mới tự mình bình phục tâm tình.
Hắn vẫn ra lệnh Khảo Cổ Doanh khai quật cổ mộ khắp nơi, tìm kiếm vết tích tiên thuyền còn bản thân thì trở về thành Huyền Kinh, cũng chẳng ôm bao nhiêu hi vọng.
Như vậy lại qua mười năm, thời gian đã đến năm 35 sau Lưu Điểm, sự việc bỗng xuất hiện bước ngoặt.
Một ngày này, Lý Phàm nhận được cấp báo.
"Phát hiện mộ của Tiên nhân?" Lý Phàm có phần ngạc nhiên, sau đó mừng rỡ, hỏi kĩ.
Hoá ra, tuy những năm gần đây Lý Phàm đối với chuyện đi tìm mộ cổ có chút nhụt chí nhưng nhiệt huyết trong dân gian lại chưa hề giảm bớt. Vô số mộ cổ trên đất Đại Huyền đã bị đào móc.
Khi những mộ cổ loại lớn bị đào bới gần như không còn, người ta bắt đầu dời ánh mắt sang những mộ nhỏ ít được chú ý.
Mấy ngày trước, một nhóm người trẻ tuổi lúc đang đào móc một ngôi mộ vẻ ngoài tầm thường thì bỗng nhiên bị lực lượng vô hình nào đó tấn công, tử thương thảm trọng.
Người còn sống vội vàng báo cáo việc này cho quan lại.
Phải biết, trong mấy chục năm khắp Đại Huyền tìm kiếm di tích, dù có thương vong xảy ra thì nguyên nhân cũng chỉ do các loại cơ quan được sắp đặt sẵn gây nên. Về chuyện chưa đào mộ mà lại bị tấn công thì mới diễn ra lần đầu tiên.
Khảo Cổ Doanh không dám chậm trễ, phái người điều tra mấy đêm liền.
Tuy lực lượng được huy động bao gồm nhiều lính vũ trang đầy đủ và người có kinh nghiệm lão luyện nhưng ngôi mộ này vẫn không lung lay tẹo nào.
Mọi người vừa mừng vừa sợ, vội nhanh chóng báo cáo lại việc này cho Lý Phàm.
Lý Phàm nghe tin lập tức chạy đến, vận dụng Tiên Phàm chướng phá hư lực lượng vô hình xung quanh ngôi mộ.
Sau khi tiến vào, hắn bỗng nhìn về phía xa, lẫn trong đám đồ bồi táng là một con thuyền gỗ nho nhỏ đang nằm yên.
Bạn cần đăng nhập để bình luận