Trùng Sinh Thế Gia Tử

Chương 1082: Đê Lộc Sơn

Nhiếp Chấn Bang bước vào thang máy, Hồng Phong đi theo sau, tay xách hai túi hành lí. Dáng vẻ này rõ ràng là đã chuẩn bị sẵn sàng để “trường kì kháng chiến” ở Lộc Sơn.
Trong thang máy đúng lúc có cả Hứa Hồng Chuyên. Nhìn thấy Nhiếp Chấn Bang, ông ta bèn mở lời chào:
- Chào Bí thư Nhiếp.
Nhiếp Chấn Bang mỉm cười gật đầu, nhìn thang máy đóng cửa rồi mới lên tiếng:
- Anh vừa từ văn phòng của anh Phương ra phải không?
Điều này rất dễ nhận thấy. Từ khi tan họp đến giờ chỉ khoảng 20 phút, Hứa Hồng Chuyên vẫn ở tầng trên, chắc chắn là cùng Phương Viễn Sơn thảo luận một số chi tiết về lần đi Cảnh Sơn này trong văn phòng của ông ta. Bởi vì Phương Viễn Sơn cũng có văn phòng trong Tỉnh uỷ.
- Vâng, có bàn về tình hình của thành phố Cảnh Sơn và việc hồ Hồng Dương. Bí thư cũng biết rõ, chi tiết nhỏ cũng có thể làm hỏng việc lớn. Công tác chống lũ của Hồng Giang không giống tỉnh Sở Nam là chỉ bó hẹp trong vài khu vực, vị trí địa lí của hồ Vân Mộng và hồ Hồng Dương cũng hoàn toàn khác nhau.
Trước mặt Nhiếp Chấn Bang, Hứa Hồng Chuyên không có gì phải giấu giếm nên thẳng thẳn nói ra.
Nghe Hứa Hồng Chuyên nói, Nhiếp Chấn Bang rất đồng tình, bèn gật đầu nói:
- Hồng Chuyên này, lần này công tác ở Cảnh Sơn anh phải lao tâm khổ tứ nhiều, có tình hình gì thì gọi ngay cho tôi. Dù gì chủ tịch Phương cũng chưa từng trải qua việc thế này nên chưa đủ kinh nghiệm cũng là lẽ đương nhiên. Nên thường xuyên trao đổi và phối hợp. Tôi vẫn tin tưởng anh.
Hứa Hồng Chuyên gật đầu rồi cười nói:
- Bí thư cứ yên tâm, có tôi thì Cảnh Sơn không có vấn đề gì đâu.
Thang máy kêu “tinh” một tiếng rồi mở cửa, lúc này ở đại sảnh toà nhà Tỉnh uỷ có rất nhiều người. Thời gian chuẩn bị của các uỷ viên cũng đã hòm hòm, vừa lúc này họ cũng đều đã xuống sảnh.
Nhiếp Chấn Bang mỉm cười rồi gật đầu ra hiệu, hai tay chắp lại nói:
- Trăm sự nhờ các đồng chí. An toàn tính mạng và tài sản của 50 triệu người dân Hồng Giang đều nhờ vào các đồng chí đó.
Nói đoạn Nhiếp Chấn Bang liền ra khỏi đại sảnh, Hồng Phong đã giương ô đi tới, hành lí cũng đã cất xong rồi.
Giúp Nhiếp Chấn Bang mở cửa lên xe rồi, Hồng Phong đóng cửa rồi quay người ngồi vào ghế lái phụ.
Xe từ từ khỏi động, chạy ra khỏi sân Tỉnh uỷ. Đột nhiên Nhiếp Chấn Bang nói:
- Tiểu Đới, bật đèn nháy đi. Tiểu Hồng, cậu hỗ trợ nhé, khi cần thiết có thể mở loa cảnh báo.
Lời dặn dò này không chỉ khiến Đới Phi mà cả Hồng Phong cũng ngẩn cả người. Xe dành cho Nhiếp Chấn Bang mang biển xe cảnh sát vũ trang, tuy nóc xe không có đèn cảnh sát, nhưng phía trước xe có lắp đèn nháy của cảnh sát, trên xe cũng có nút báo động và loa cảnh báo.
Nhưng trước đây thì còn dùng. Kể từ khi Nhiếp Chấn Bang lãnh đạo Hồng Giang, đã hai năm rồi, những thiết bị này cơ bản đã trở thành thừa thãi.
Bây giờ đột nhiên Nhiếp Chấn Bang nói những lời này cũng đủ thấy tình hình chung của việc chống lũ ở Hồng Giang đã vượt qua tất cả, thậm chí khiến Nhiếp Chấn Bang không để tâm đến những việc khác nữa.
- Vâng thưa Bí thư.
Xưa nay Đới Phi ăn nói đều vô cùng ngắn gọn đơn giản, thể hiện đặc trưng tính cách của một quân nhân tại ngũ.
Khi đang nói chuyện, Đới Phi đã bật đèn nháy. Trong màn mưa thậm chí vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng xanh đỏ lấp loé phản chiếu lại.
Tốc độ xe cũng tăng lên một chút, đi thẳng lên đại lộ chính là đường Kiến Thiết. Từ đây có thể đi thẳng lên vành đai hai, sau đó vào đường cao tốc Hồng Lộc. Đây là tuyến đường đi nhanh nhất.
Sau khi xe chạy ra khỏi nội thành, tốc độ cũng tăng thêm, khi gần đến trạm thu phí cao tốc Hồng Lộc, Đới Phi liền bật còi hụ.
Nghe tiếng còi, trạm thu phí liền lập tức mở rào chắn. Xe chuyên dùng của Nhiếp Chấn Bang, hệ thống công an và hệ thống đường quốc lộ toàn tỉnh đều nắm rõ biển số, nên lúc này đương nhiên không gặp bất kì trở ngại gì.
Xe lên tới đường cao tốc, ở làn đường được phép vượt, mấy chiếc xe con phía trước đều giảm tốc độ. Hồng Phong bèn cầm loa cảnh báo nói:
- Xe ô tô màu đỏ biển số D-99281 phía trước xin chạy sát về bên phải, xin chạy sát về bên phải.
Cảnh tượng đó khiến các phóng viên của đài truyền hình Hồng Giang trên những xe việt dã theo sau đều hơi bất ngờ. Vệ Lam, phóng viên chính của mục thời sự đài truyền hình vệ tinh Hồng Giang, tuy mới 28 tuổi nhưng đã nổi tiếng là dám đưa tin. Lần này được là phóng viên đi theo suốt hành trình của Bí thư Nhiếp, Vệ Lâm cảm thấy rất phấn chấn.
Nào ngờ vừa mới bắt đầu, Vệ Lam đã được thấy một phong cách khác. Nhìn anh chàng quay phim bên cạnh, Vệ Lâm lên tiếng:
- Anh Từ này, hôm nay Bí thư Nhiếp có vẻ hơi khác nhỉ.
Người quay phim là một chàng trai vạm vỡ. Anh ta nhìn phía trước rồi cũng gật đầu:
- Xem ra lần này Bí thư Nhiếp nóng ruột thật rồi. Tình hình chống lũ toàn Hồng Giang nghiêm trọng như thế nên khiến Bí thư Nhiếp không còn để tâm những việc này nữa. Đèn nháy cảnh sát, còi hụ, loa cảnh báo yêu cầu nhường đường, theo trí nhớ của tôi thì đây là lần đầu tiên.
Khoảng cách từ Hồng thành đến Lộc Sơn vào khoảng 130 km. Vốn dĩ chỉ mất một tiếng là đến nơi thì với thời tiết này, thời gian đã bị kéo dài không ít.
Khi xe vào đến địa phận Lộc Sơn, cách thành phố Lộc Sơn khoảng chừng 30 km thì mưa cũng ngớt đi nhiều. Tốc độ xe cũng tăng lên đáng kể, lên đến 120 km/h.
Nhìn đồng hồ cũng đã xấp xỉ 12 giờ, Nhiếp Chấn Bang liền nói:
- Tiểu Đới, mưa cũng ngớt rồi, tắt đèn nháy đi. Xe không vào Uỷ ban thành phố Lộc Sơn mà đi thẳng ra đê nhé. Tiểu Hồng, cậu gọi điện cho Lưu Tuấn Uy ở Lộc Sơn để tôi nói chuyện.
Hồng Phong lấy điện thoại ra bấm số của Lưu Tuấn Uy, Bí thư Uỷ ban thành phố Lộc Sơn. Chuông reo, đầu dây bên kia có tiếng nói của Lưu Tuấn Uy:
- Chào thư kí Hồng.
Hồng Phong cũng lên tiếng:
- Bí thư Lưu, anh chờ chút nhé, Bí thư Nhiếp muốn nói chuyện với anh.
Lưu Tuấn Uy cũng đang ở trên xe. Bí thư Nhiếp đích thân đến Lộc Sơn để chỉ đạo công tác chống lũ, Lưu Tuấn Uy là Bí thư thì nhất định phải đến đón tiếp.
Nghe Hồng Phong nói, Lưu Tuấn Uy lập tức ngồi ngay ngắn lại, chờ đầu dây bên kia có tiếng “alô”, Lưu Tuấn Uy lập tức đáp lại:
- Chào Bí thư Nhiếp. Tôi là Lưu Tuấn Uy ở Lộc Sơn.
Giọng nói của Nhiếp Chấn Bang không có gì thay đổi mà rất nghiêm túc và bình tĩnh:
- Chào đồng chí Tuấn Uy. Tình hình đê Lộc Sơn bây giờ thế nào rồi?
- Báo cáo Bí thư Nhiếp, trước mắt đê Lộc Sơn vẫn đang an toàn. Hiện đã tổng động viên toàn thành phố rồi. Người dân trong phạm vi 10 km ven đê đều đã sơ tán khẩn cấp. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi việc. Xin Bí thư Nhiếp yên tâm.
Nghe tin đó, Nhiếp Chấn Bang cũng yên tâm hơn nhiều, bèn nói tiếp:
- Đồng chí Tuấn Uy, tôi cũng sắp đến nội thành Lộc Sơn rồi, trong thành phố không cần bố trí người đón tiếp đâu, tôi sẽ đi thẳng ra đê, anh đợi tôi ở đê là được rồi.
Cúp điện thoại rồi, vẻ mặt Lưu Tuấn Uy cũng trở nên vô cùng nghiêm túc, bèn dặn dò lái xe:
- Quay đầu về phía đê.
Lưu Tuấn Uy biết rất rõ tính cách của Nhiếp Chấn Bang, lời nói hành động xưa nay đều không sơ sót chút nào, nói một là một, nhất định không thay đổi. Nếu tưởng rằng Bí thư Nhiếp chỉ ra vẻ khách sáo rồi vẫn cố tình ra đón thì đợi đấy, chắc chắn là sẽ bị trách mắng.
Sau khi gọi điện xong, khi đoàn xe của Nhiếp Chấn Bang đi đến khu vực đê Lộc Sơn, lúc này đã là một giờ chiều.
Lúc này trời thương nên mưa cũng đã tạnh, nhưng bầu trời vẫn xám xịt, mây đen âm u, dường như đang ấp ủ một trận bão tố lớn hơn.
Xe chạy thẳng đến đê Lộc Sơn, ở đoạn đê chính đã có rất nhiều người. Xe của Nhiếp Chấn Bang vừa dừng lại thì một đoàn người do Lưu Tuấn Uy dẫn đầu cũng tiến tới đón.
Lưu Tuấn Uy bước tới bên trái cửa sau xe, đợi Nhiếp Chấn Bang vừa mở cửa ra liền cung kính chào:
- Bí thư Nhiếp.
Nhiếp Chấn Bang gật đầu, sắc mặt có vẻ khá nghiêm trọng. Sau khi bắt tay, Nhiếp Chấn Bang liền sải bước về phía đê.
Đôi giày da đen, áo sơ mi trắng lúc này có vẻ sạch sẽ lạ thường. Mặt đường đê hơi lầy lội, ở bên đường cứ cách một đoạn lại chất một đống cát sỏi, dựng một lều trại, có cát sỏi đã nhét hết vào bao và xếp ngay ngắn bên cạnh lều trại. Dây điện được kéo từ dưới lên, kéo dài cả con đê, suốt một đoạn mấy chục cây số dường như nối liền thành một đường thẳng.
Phóng tầm mắt ra xa có thể nhìn thấy từng dãy cờ đỏ, có cái viết là Đội cờ đỏ Sở công an Lộc Sơn, có cái viết là Doanh trại bộ đội đột kích nào đó, có cái lại viết là Đội đảng viên làng nào đó.
Nước lũ đục ngầu cứ xô vào bờ đê, vang tiếng ào ào. Mặt nước rộng mênh mông. Tận mắt nhìn thấy hiện trường, sự nóng ruột của Nhiếp Chấn Bang cũng dịu đi nhiều. Công tác chuẩn bị phòng chống lũ lụt đã rất chu đáo, vật tư dồi dào, nhân lực đầy đủ. Các công việc trên mọi lĩnh vực đều có trật tự. Điều này cũng khiến Nhiếp Chấn Bang phải gật đầu.
Nhiếp Chấn Bang quay lại nhìn Lưu Tuấn Uy nói:
- Đồng chí Tuấn Uy, trước mắt tình hình thuỷ văn thế nào? Vượt quá mức cảnh báo là bao nhiêu? Ngoài ra, các nhánh sông lớn trong tỉnh lưu lượng là bao nhiêu, có ảnh hưởng gì đến đê Lộc sơn không? Còn nữa, sau khi nước lũ ở trung thượng lưu đổ về, đê Lộc Sơn có bảo đảm được không?
Nghe những câu hỏi của Nhiếp Chấn Bang, vẻ mặt Lưu Tuấn Uy cũng nghiêm nghị hẳn lên. Từ mấy câu hỏi này có thể biết được chuyên môn của Nhiếp Chấn Bang. Mực nước cao hay thấp là một chỉ tiêu quan trọng trong phòng chống lũ lụt, lưu lượng nước đổ vào bao nhiêu cũng là một nhân tố mấu chốt, tình hình đê điều lại càng đặc biệt quan trọng.
Trầm ngâm một lát, Lưu Tuấn Uy mới trả lời:
- Thưa Bí thư, trước mắt, mực nước đã vượt quá mực nước nguy hiểm, theo như vừa đo đạc khi nãy, mực nước vẫn tiếp tục dâng lên, mỗi giờ dâng lên 5cm. Nếu cứ tiếp diễn ba ngày nữa, tôi lo là đê sẽ gặp nguy hiểm. Vừa rồi đê Lộc Sơn đoạn qua thị trấn Hắc Thạch có tin báo rằng, bên đó đã có dấu hiệu rò rỉ.
Nghe đến đây, Nhiếp Chấn Bang liền chau mày. Rò rỉ ư? Đây không phải là tin tốt. Một khi xuất hiện dấu hiệu này, nếu không xử lí kịp thời sẽ khiến kết cấu đê yếu đi, cuối cùng sẽ bị vỡ.
Lập tức Nhiếp Chấn Bang trầm giọng nói:
- Đi thôi, lên xe đến thị trấn Hắc Thạch.
Bạn cần đăng nhập để bình luận