Trùng Sinh Thế Gia Tử

Chương 1080: Hội nghị thường vụ khẩn cấp

Đây là tác phong làm việc của Nhiếp Chấn Bang, việc hôm nay có thể làm được thì quyết không để đến ngày mai. Việc hôm nay, hôm nay phải xong. Điều này đã thể hiện đầy đủ tinh thần làm việc thiết thực của Nhiếp Chấn Bang.
Hiện giờ, tình hình chống lũ của tỉnh Hồng Giang hết sức nghiêm trọng. Kéo dài thêm một ngày là nguy hiểm một ngày, việc điều động sắp xếp của Tỉnh ủy cũng không phải một chốc một lát mà làm tốt được.
So sánh một cách đơn giản nhất, việc chống lũ các lãnh đạo trong bộ máy Tỉnh uỷ sắp xếp thế nào, phân công ra sao, thảo luận việc này cho dù chỉ 10 phút nhanh chóng, nhưng các công việc tiếp theo vẫn vô cùng phức tạp. Từng lãnh đạo cũng phải chuẩn bị cho tốt, chạy qua chạy lại cũng mất cả ngày, đó chuyện bình thường.
Sau khi nhận được điện thoại của Hồng Phong, nghe Hồng Phong nói, Hứa Hồng Chuyên cũng nhăn trán, lẽ nào tỉnh Hồng Giang lại xảy ra chuyện gì rồi?
Trầm ngâm một lát, Hứa Hồng Chuyên mở miệng ướm hỏi:
- Thư kí Hồng, có phải có chuyện gì không?
Tuy rằng giữa Hứa Hồng Chuyên và Hồng Phong tính ra cũng có chút quan hệ họ hàng, nhưng lúc này, Hứa Hồng Chuyên mới thực sự cảm nhận được lợi ích của việc có người nhà sát cạnh lãnh đạo, ít nhất cũng có thể tìm hiểu và lĩnh hội ý muốn của lãnh đạo.
Vì vậy, cho dù Hồng Phong là bề dưới của Hứa Hồng Chuyên, nhưng ông ta cũng không dám có chút coi thường, tất cả đều làm theo qui tắc trong công việc.
Hồng Phong tự nhiên hiểu rõ Hứa Hồng Chuyên muốn hỏi về điều gì, bèn ngẩng đầu nhìn ra cửa, hạ giọng nói:
- Trưởng ban thư ký, anh không cần lo lắng, là về việc chống lũ thôi.
Là thư kí của lãnh đạo, Hồng Phong đều phải chú ý đến mọi phương diện. Công việc thư kí, nói đơn giản cũng đơn giản, nói khó khăn cũng khó khăn, ngoài việc hỗ trợ lãnh đạo làm tốt công việc ra, có lúc lời nói của thư kí cũng cần phải thận trọng. Thư kí là người thân cận bên cạnh lãnh đạo, nếu ở thời cổ thì giống như nội thị vậy. Nhiều việc, kể cả việc riêng trong đời sống của lãnh đạo cũng đều cần thư kí hỗ trợ. Như vậy, việc của lãnh đạo, thư kí là người quen thuộc nhất. Vì vậy, thư kí cần phải kín miệng, nếu không thì không được.
Hồng Phong phải hết sức chú ý trong việc này, nói thẳng ra, cho dù hiện tại rất được bí thư Nhiếp tin tưởng, nhưng nếu không thận trọng, rất có thể chỉ một việc nhỏ cũng làm hỏng hoàn toàn hình tượng của mình trong mắt bí thư Nhiếp. Cũng giống như bây giờ, sự việc thoạt nhìn thì tưởng như là việc nhỏ, nhưng nếu để bí thư Nhiếp biết được, thì ai nói chắc có để lại ấn tượng là kẻ không đáng tin trong mắt bí thư Nhiếp hay không.
Con đê ngàn dặm cũng bị huỷ hoại bởi một tổ mối, vì vậy, Hồng Phong tin rằng, thành bại là do tiểu tiết quyết định. Điều này Hồng Phong thấu hiểu rất rõ.
10 giờ sáng, lúc này là sau cuộc điện thoại khoảng 20 phút, Hồng Phong đứng dậy, bước vào văn phòng và nói:
- Thưa bí thư, đến giờ rồi. Bí thư xem thế nào?
Nhiếp Chấn Bang cũng đứng dậy, huơ tay về phía Giám đốc Sở thuỷ lợi Hà Chính Huy nói:
- Đồng chí Chính Huy, ta đi thôi.
Nhiếp Chấn Bang cùng Hà Chính Huy bước vào phòng họp. Lúc này, tất cả uỷ viên thường vụ Tỉnh uỷ Hồng Giang đều đã đến đủ. Nhiếp Chấn Bang nhìn một lượt, Trần Nhạc và Lý Uý Nhiên ngồi cạnh nhau, cùng cả Vi Lâm, ba người đang thì thầm trao đổi gì đó.
Bí thư Uỷ ban Kỉ luật Cung Chính thì vẻ mặt thẫn thờ, không có chút biểu cảm nào. Cung Chính xưa nay vẫn thế, là một người làm công tác kiểm tra kỉ luật thuần tuý, bất kể là ai, ông ta cũng đều có thái độ như vậy.
Tâm tính của Tần Quảng Hán đã có chút thay đổi. Sau khi nói chuyện với Nhiếp Chấn Bang, thời gian này, giữa Tần Quảng Hán và Lý Uý Nhiên tự nhiên cũng có liên hệ nhiều hơn, điều này cho thấy, tâm tính của Tần Quảng Hán đang thay đổi, đã hướng về phía Nhiếp Chấn Bang.
Lúc này Diêu Định Quốc đang đọc sổ ghi chép của mình, dáng vẻ rất nghiêm túc.
Uỷ viên thường vụ mới đến là Hoàng Văn Vĩ và Khương Xuân Dương vẻ mặt đều rất nghiêm nghị, còn Phương Viễn Sơn lúc này tại tỏ ra hết sức bình tĩnh.
Còn tư lệnh của quân khu Trần Đống Lương thì khỏi phải nói, lúc nào cũng là nhân vật đại diện trầm tĩnh kiệm lời.
Bước đến vị trí của mình, Nhiếp Chấn Bang ngồi xuống, đưa tay về phía Hà Chính Huy nói:
- Đồng chí Chính Huy, đồng chí ngồi cạnh Trưởng ban thư kí nhé.
Nói rồi, Nhiếp Chấn Bang hắng giọng một tiếng rồi nói:
- Bắt đầu họp thôi. Lần này cho mời mọi người đến là có cuộc họp rất quan trọng, cũng là một cuộc họp rất cấp bách. Mọi người đều biết, hai tháng nay, Hồng Giang mưa lớn không dứt, gây áp lực rất lớn cho công tác phòng chống lũ lụt của toàn tỉnh. Thêm nữa, các tỉnh ở thượng lưu cũng đều gặp mưa lớn, mực nước sông Trường Giang dâng cao liên tục, càng tăng thêm khó khăn cho việc chống lũ của Hồng Giang. Lần này, tôi đặc biệt mời đến đồng chí Hà Chính Huỷ ở Sở thủy lợi cùng dự họp, mục đích chủ yếu là để thảo luận về công tác phòng chống lũ lụt của Hồng Giang.
Vừa dứt lời, Nhiếp Chấn Bang cũng không đợi những người khác tỏ thái độ mà trực tiếp nói:
- Đồng chí Chính Huy, đồng chí trình bày qua về tình hình chống lũ của Hồng Giang hiện tại đi.
Hà Chính Huy gật đầu, đứng dậy nói:
- Thưa bí thư Nhiếp, thưa chủ tịch Phương cùng các vị lãnh đạo. Thời tiết mưa bão kéo dài hơn hai tháng nay đã là một thử thách rất lớn với việc chống lũ của Hồng Giang. Theo thống kê bước đầu, lượng mưa tích luỹ toàn tỉnh Hồng Giang đã vượt qua 6000mm, tức là, mực nước đã tăng lên 6 mét. Tất nhiên, đây chỉ là nói theo lí thuyết, còn tình hình thực tế thì không chỉ có như vậy. Theo số liệu đo đạc của các trạm thuỷ văn ở các huyện thị trên các nhánh sông cho thấy, trong thời gian hai tháng này, mực nước ở các nhánh sông toàn tỉnh đều dâng cao, thấp nhất là 13 mét, cao nhất là 21 mét. Hiện tại, tất cả các nhánh sông trong tỉnh đều đã vượt quá mực nước cảnh báo, trong đó mực nước của 5 sông lớn ở Hồng Giang hầu hết đều gần hoặc vượt quá mực nước nguy hiểm.
Hà Chính Huy nói rất trôi chảy. Thời gian này, Hà Chính Huy luôn sát sao trong công tác chống lũ, nên các tài liệu và số liệu thuỷ văn này đều rất thông thuộc.
Sau khi tường thuật lại tất cả những gì đã báo báo ở phòng làm việc của Nhiếp Chấn Bang, Hà Chính Huy tổng kết lại:
- Theo chỉ đạo và điều phối của Tổng cục phòng hộ quốc gia, lần này Hồng Giang phải đảm nhiệm công tác xả lũ ở trung thượng lưu, điều đó có nghĩa là, nước lũ trong hồ Hồng Dương chưa thể tiến hành xả lũ trong thời gian ngắn. Đây là một thử thách rất lớn với hồ Hồng Dương và việc chống lũ của toàn tỉnh.
Hà Chính Huy vừa dứt lời, các uỷ viên đều chau mày nhíu trán. Hoàng Văn Vĩ giơ tay nói:
- Bí thư Nhiếp, sao Tổng cục phòng hộ quốc gia lại có thể làm như vậy, chẳng phải là hi sinh Hồng Giang để bảo toàn tình hình chung sao? Như vậy thì tình hình chống lũ của Hồng Giang sẽ rất nghiêm trọng. Hay chúng ta đề xuất với Tổng cục phòng hộ quốc gia, trên tiền đề đảm bảo an toàn thì có thể tính đến việc xả lũ sớm ở hồ Hồng Dương.
Nhìn qua là biết, Hoàng Văn Vĩ còn thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đây cũng là lẽ thường tình. Nơi mà Hoàng Văn Vĩ từng làm việc chủ yếu là ở tỉnh Kim Mai, nơi đó vốn là khu vực khan hiếm tài nguyên nước, mấy chục năm cũng không chắc có thể gặp nước lũ, nhiều nhất thì sông Hoàng Hà có thể có chút ít mà thôi, nhưng cũng không thể so sánh với việc chống lũ ở phía Nam.
Nhiếp Chấn Bang mỉm cười không nói, không phản bác cũng không tán thành, quay sang nhìn Phương Viễn Sơn nói:
- Chủ tịch Phương, anh là tổng chỉ huy Ban chỉ huy phòng chống bão lũ tỉnh, anh thử nói suy nghĩ của mình xem sao?
Người đứng đầu Hội đồng nhân dân, kiêm cả chức tổng chỉ huy Bộ chỉ huy chống lũ chống hạn hán của tỉnh, đây là lệ thường trong thể chế. Tuy Phương Viễn Sơn không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chống lũ, nhưng ít nhất cũng đã trải qua lần chống lũ năm ngoái, ít nhiều cũng thông thạo hơn Hoàng Văn Vĩ.
Ông ta bèn hơi gật đầu rồi lên tiếng:
- Muốn Tổng cục phòng hộ quốc gia đưa ra chính sách, e là điều này khó mà thực hiện. Không riêng gì tỉnh chúng ta, hồ Vân Mộng của tỉnh Sở Nam cũng như vậy, có thể nói, áp lực chống lũ của tỉnh Sở Nam không kém gì chúng ta. Dưới sự điều phối của công trình Tam Hiệp, nước lũ ở trung thượng lưu nhất định phải xử lí, bất kể lúc nào cũng phải đảm bảo cho đập Tam Hiệp vận hành an toàn, vấn đề này không thể coi thường được.
Phương Viễn Sơn dừng một lát rồi nói tiếp:
- Ở hạ lưu, Giang Nam Giang Bắc và thành phố Thượng Hải đều là khu vực kinh tế phát triển, không thể để xảy ra chuyện gì. Vậy nên sự điều phối và sắp xếp của Tổng cục phòng hộ quốc gia không thể thay đổi nhún nhường gì được.
Nói đến đây, Phương Viễn Sơn nhìn quanh các uỷ viên khác rồi hạ giọng nói:
- Cụ thể về công tác chống lũ của tỉnh ta, Ban chỉ huy phòng chống bão lũ tỉnh đã gấp rút phân phát lượng lớn túi dệt và dự trữ đủ lượng cát sỏi. Đồng thời, theo lệnh của Quân uỷ, Quân khu tỉnh và toàn thể bộ đội vũ trang của Hồng Giang đã sẵn sàng chờ lệnh xuất phát đến vùng chống lũ hộ đê. Theo tôi nghĩ, đê dọc sông Trường Giang và các nhánh chính nên chia thành các đoạn, người đứng đầu mỗi thành phố cấp dưới chịu trách nhiệm toàn bộ, ở đâu có vấn đề thì đi tới đó. Người còn đê còn, đê mất người mất.
Lời của Phương Viễn Sơn uy lực đanh thép, âm điệu mạnh mẽ. Về cơ bản, đây là việc thông thường, công tác chống lũ hàng năm đều như vậy. Tỉnh giao cho các thành phố cấp dưới, thành phố lại giao cho các huyện thị. Cụ thể hơn, các thị trấn chịu trách nhiệm toàn bộ, các làng xã sẽ phụ trách, tổng động viên toàn dân, người dân các làng xã ven đê sẽ thành lập tổ tuần tra, trong thời gian lũ lụt phải ngày đêm trong coi đê, đảm bảo lúc nào cũng có người tuần tra, đảm bảo có thể phát hiện tình hình nguy hiểm ngay lập tức để giải quyết.
Lúc này Nhiếp Chấn Bang cũng ngẩng đầu lên nói:
- Đúng vậy, tôi tán thành ý kiến của chủ tịch Phương. Lần này, tình thế chống lũ nghiêm trọng trước nay chưa hề có, thậm chí đã vượt qua cả trận lũ lớn năm 96. So với hồi đó, công trình thuỷ lợi hiện này đã hoàn thiện hơn, đê điều cũng đều được sửa chữa lại. Cho dù khó khăn rất lớn, nhưng chúng ta nên có niềm tin là sẽ làm tốt công tác chống lũ. Người còn đê còn, đê mất người mất. Câu này rất hay. Tôi nghĩ có thể ban hành lệnh xuống các thành phố, ở đây xảy ra vấn đề thì trực tiếp cách chức lãnh đạo thành phố đó.
Nói đến đây, Nhiếp Chấn Bang ngừng một lát, nhìn quanh rồi nói:
- Các đồng chí, tình hình chống lũ của Hồng Giang rất nghiêm trọng. Là lãnh đạo, tôi cho rằng, chúng ta cần phải sát cánh cùng người dân, chiến đấu ở tuyến đầu chống lũ. Tôi đề nghị toàn thể lãnh đạo bộ máy của Uỷ ban thường vụ tỉnh đều chia về các thành phố tuyến đầu để đốc thúc và tham gia công tác phòng chống lũ lụt.
Bạn cần đăng nhập để bình luận