Ta Là Tiểu Lang Trung

Chương 747: Nhận ơn báo đáp. (2)

" Minh oan cho Tả đai nhân ..." Bỗng nhiên có người hô lớn:

“ Đúng rồi, Tả đại nhân vô tội …”

“ Minh oan cho Tả đại nhân …”

Tiếng hô hào cứ như thế truyền đi, bọn họ sợ Tả đại nhân bị bắt đi rồi, sau này người khác đứng đầu y quán Xích Cước, bọn họ không kiếm tiền được nữa, kéo ra đường quỳ xuống cầu xin.

Người quỳ ngoài đường càng lúc càng nhiều, đây là sơ hở trong âm mưu của đám Đỗ Kính, trong mắt hắn, bách tính chỉ là đám ngu xuẩn dễ dàng giật dây thôi, không ngờ tới âm mưu của mình vô tình lại mang tới danh tiếng lớn cho Tả Thiếu Dương. Người chửi Tả Thiếu Dương rất nhiều, ví dụ vị Giả y quan kia, nhưng ông ta là người có của ăn của để, rảnh rỗi đứng tầm cao đạo đức chửi mắng Tả Thiếu Dương. Còn với bách tính sống bữa nay lo bữa mai, năm đồng thuốc đủ họ mua đấu gạo nuôi gia đình rồi, tất cả là nhờ Tả đại nhân thương xót.

Lưu Chính Hội không hiểu gì hết, sao đám ngu xuẩn này lại đi cầu xin cho Tả Thiếu Dương chứ? Không thể nào, y có hành y tích đức cả đời cũng làm sao cứu giúp được nhiều người như vậy. Thấy người quỳ kín đường, tiếng cầu xin vang vọng cả góc thành, đường đi bị tắc, người tụ lại càng lúc càng đông, Lưu Chính Hội không khỏi sợ hãi, chuyện này không khéo tới tai hoàng đế, e là có biến cố, tức giận quát:" Đứng dậy, cút đi! Các ngươi không đi, ta coi các ngươi là đồng đảng, bắt vào đại lao."

Bách tính mặc dù sợ quan, nhưng bọn họ hiểu cái đạo lý luật pháp không phạt được số đông, nhất là bách tính kinh thành càng giảo hoạt hơn nơi khác, hơn nữa người Quan Trung xưa nay tính cách hào hiệp lại ngang tàng, thấy có hơn trăm người quỳ xuống, lại có người khóc lóc thảm thương, tên quan kia ngồi trên cao vung roi ngựa quát tháo, thế là cũng có rất nhiều người góp lại quát tháo. Người thực sự biết việc, bênh vực Tả gia thì không có mấy bọn họ đơn thuần la hét góp vui, chửi bới quan lại thôi.

Cũng có người cùng khổ, biết thân thích bằng hữu được chữa trị miễn phí ở y quán, đồng tình với kẻ yếu là thiên tính, nghe nói là một vị lang trung chữa bệnh bị bắt, đối phương là quan lớn muốn báo thù. Vừa rồi Lý đại nương vì nói giúp vị lang trung kia mà bị đánh ngất, càng thương xót, thế là cũng quỳ xuống khẩu đầu, người cầu xin người chửi bới.

Xa hơn nữa là người mới chạy tới xem náo nhiệt, còn chưa hay biết chuyện gì, chỉ biết là chửi quan bênh vực bách tính thì cùng tham gia quỳ xuống la hét. Phía trước quỳ rồi, phía sau đứng như thế không hay cũng quỳ theo nốt, đơn thuần là hiệu ứng đám đông mà thôi.

Nhất thời cả Chu Tước đại nhai rộng thênh thang toàn người quỳ bái cầu khẩn.

Tả Thiếu Dương nào biết nguyên cớ phức tạp trong đó, hai mắt ướt nhòe, không ngờ vào lúc quan trọng, bách tính cùng khổ lên tiếng vì mình. Mình khám bệnh cho bọn họ chẳng qua là ơn nhỏ bằng giọt nước, nhưng họ lại dám cản trở quan quân, cầu xin cho mình, thậm chí không sợ bị gọi là đồng đảng bắt vào tù, ơn này lớn như sông biển. Trước kia có bao nhiêu uất ức, bao nhiêu phẫn nộ, thậm chí còn có ý nghĩ thiêu cháy cả Trường An, bây giờ nghĩ lại đều thấy vất vả, mệt nhọc của mình đều đáng.

Người Tả gia nhìn xung quanh là bách tính quỳ xuống cầu xin cho nhà mình, xúc động vô cùng, Tả Quý lúc này cổ đeo gông lớn, tự hào hết sức, tổ tiên trên trời linh thiên thấy cảnh này hẳn thỏa nguyện rồi, Tả gia không làm tổ tiên mất mặt. Ông quỳ xuống nghẹn ngào:" Chư vị hương thân, đa tạ! Đa tạ mọi người."

Đám Kiều Xảo Nhi cũng quỳ theo.

Lưu Chính Hội thì tức tới mất trí nhưng lòng dân không thể trái, lúc này ông ta dám ra lệnh bắt người hay đánh người tiến lên thì bị đám đông phẫn nộ ùa lên chết chắc, sống lưng lạnh toát không biết làm sao.

Đúng lúc này một chiếc kiệu nhỏ đi tới, trước sau hai đội thị vệ đại nội đeo đao, hai bên là cung nữ và thái giám. Đi ngay sát cửa kiệu là một lão thái giám, cao lêu nghêu, lông mày xếch cao, mắt nheo thành khe hẹp, trông không có vẻ ẻo lả làm người ta không thoải mái của thái giám bình thường, ngược lại mấy phần uy vũ, là Lý công công phó tổng quản đại nội.

Lý công công vốn không phải họ Lý, thời trẻ là cao thủ hành tẩu giang hồ, sau thành thị vệ của Tùy Dương Đế, về sau nữa quy thuận Đường cao tổ Lý Uyên. Thời chưa có Đại Đường, Lý Uyên dẫn quân làm phản, ông ta nhiều lần liều mạng cứu Lý Uyên trên trận, được Lý Uyên cực kỳ coi trọng, ban cho họ Lý.

Vĩnh Gia là công chúa được Lý Uyên yêu quý nhất, nhưng cô công chúa này từ nhỏ đã thích gây sự thị phi khắp nơi, để đảm bảo an toàn cho khuê nữ, Lý Uyên phái Lý công công tới làm hộ vệ thiếp thân. Nói Lý công công là cao thủ đệ nhất thiên hạ thì không chắc, nhưng chắc chắn trong thiên hạ không có mấy người đánh lại được ông ta, vì thế Vĩnh Gia càng không biết sợ là gì.

Kiệu nhỏ đi tới chỗ đông đúc, thị vệ lớn tiếng quát:" Vĩnh Gia công chúa giá đáo, kẻ không liên quan tránh đường."

Bách tính kinh thành thường xuyên thấy hoàng thân quốc thích xuất hành, cho nên nghe thấy tiếng quát một cái là biết phải làm sao, không ai hoảng sợ, người đang quỳ khấu đầu cũng đứng lên, lùi tới mái hiên hai bên đường, cúi đầu.

Đám thị về liền tản ra khắp nơi, đứng ở các đầu đường, tay đặt lên chuôi đao, lưng xoay lại nhìn bách tính, ai có chút gì bất thường là ra tay ngay.

Kiệu nhỏ thong thả đi tới trước mặt Lưu Chính Hội rồi dừng lại, Lý công công khom người vén rèm, đưa một cánh tay ra. Từ bên trong kiệu cũng vươn ra một cánh tay trắng như tuyết khẽ đặt lên cánh tay Lý công công, một nữ tử khoan thai đi xuống.

Nữ tử này mặc cổn phục màu hoàng kim, đầu búi mái tóc đen nhánh cao vút, đeo kim bộ diêu trạm khắc tinh xảo, phần chính giữa bướm màu bay lượn, mé trái trán đóa hoa ngọc dát vàng. Làn da láng mịn như phát sáng, má hồng mặt hạnh, hàng mi mỏng manh, mi tâm vẽ hoa mai, trông vừa đoan trang cao quý mà quyến rũ. Đôi mắt đan phượng hờ hững nhìn hết thảy chúng sinh, được Lý công công dìu, từng bước đi tới trước mặt Lưu Chính Hội.

Từng cử chỉ động tác của nàng đã diễn giải chính xác thế nào là công chúa hoàng gia tôn quý vô ngần, nàng đi tới đâu bách tính dạt sang hai bên như sóng. Hiện trường ồn ào huyên náo, bây giờ lặng ngắt như tờ.
Bạn cần đăng nhập để bình luận