Ta Là Tiểu Lang Trung

Chương 229: Quân đội vào thành.

Huyện thành Thạch Kính tuy không lớn, nhưng đi bộ cũng mất hết bốn mươi phút, đó là ước tính dựa theo cảm giác của Tả Thiếu Dương, y vẫn chưa quen với cách nhìn mặt trời đoán giờ ở thời này. Đôi lúc y thấy vô cùng thần kỳ, cha y chỉ cần ngẩng đầu lên trời, chẳng biết dựa vào cái gì có thể nói đúng giờ được.

Tả Thiếu Dương sáng nay cũng đi vòng vòng nửa thành đặt đủ thử hàng rồi, lần này lại phải ra ngoài thành nữa, mà toàn là đi bộ chứ, thực sự thấy lưng trùng gối mỏi. Thế nhưng khi Nghê quản gia chỉ vị trí ruộng nhà họ thì mệt mỏi bay biến hết, nói ra cũng khéo số ruộng này gần ngay cái con suối nhỏ có chỗ đất y định khai hoang, chỉ cách vài trăm bước chân, đứng xa xa đã thấy.

50 mẫu ruộng này liền thành một mảnh, rất bằng phẳng, chỉ có chưa tới mười mẫu ruộng do mấy nông hộ ở Hà Loan thôn thuê trồng, hiện giờ là lúc nông nhàn, ngoài ruộng toàn là đống rơm cỏ chất ở đó, chẳng có ai cả. Số ruộng khác thì cỏ hoang mọc lan khắp nơi, do mùa đông này tuyết rơi liên tục, nước ngập kín ruộng, lại kết thành bằng, trắng phau phau cả mảng.

Tả Thiếu Dương theo Nghê quản gia xem hết một lượt ruộng, lại tới Hà Loan thôn, tìm lý trưởng và mấy điền hộ thông báo chuyện chuyển nhượng đất, bảo với họ sau này nộp tô thay bằng nộp cho Quý Chi Đường. Mấy điền hộ chỉ vâng dạ qua loa, Tả Thiếu Dương hỏi ra mới biết, trong thôn hay tin phản quân sắp đánh tới đều thu dọn đồ chuẩn bị chạy nạn, đâu để ý tới chuyện ruộng đồng gì nữa.

Mấy câu này làm Tả thiếu Dương cảm giác tính toán của mình như có sơ hở gì đó, nhất thời không nghĩ ra sơ hở ở đâu, theo Nghê quản gia quay về thành.

Rời thôn đi ra quan đạo thì bất ngờ thấy từng đội thiết kỵ đằng xa tung vó chạy tới, mặt đất rung bần bật, vó ngựa dẫm tàn tuyết bắn tung tóe, cờ trong tay bay phần phật, khải giáp sáng loáng, đao kiếm rợp trời, ngựa đi chỉnh tế, khí thế vô địch. Tả Thiếu Dương trông mà lòng khâm phục, quả nhiên là quân của Lý Thế Dân có khác, chẳng trách không một đám phản tặc nào chống chọi nổi một hai tháng.

Thế nhưng y mừng hơi sớm rồi, đội kỵ binh khí thế nuốt trời ấy qua đi tới bộ binh, đội ngũ có phần lỏng lẻo, từ từ đi đến.

Hợp Châu địa hình hiểm trở, đường xá đều vòng vèo qua đồi núi sông suối, dù là quan đạo cũng chỉ có thể cho hai cái xe ngựa đi song song, mấy vạn đại quân trên đó kéo dài liên miên không thấy điểm cuối.

Người dân thấy binh sĩ là tránh, bất cần biết là quân triều đình hay là quân phản loạn, đại đội binh sĩ như thế tới đâu cũng không phải chuyện tốt đẹp. Nghê quản gia cáo lỗi chạy mất, chỉ có mấy đứa trẻ con bạo gan cùng Tả Thiếu Dương ngô nghê lần đầu thấy đại quân là cứ đứng bên đường há mồm xem hết sức mới mẻ, tạo thành cảnh tượng khá buồn cười.

Đội quân này trai tráng ít, đa phần là thiếu niên và ông già, những khuôn mặt hoặc non nớt ngơ ngác hoặc già nua tang thương, có cả người vừa đi vừa thở, thi thoảng thấy cáng hoặc là người tập tễnh vịn vai đồng đội bước đi, nếu không phải vì gươm giáo trên người họ, rất dễ nhầm đây là nhóm nạn dân.

Không có gì lạ cả, từ cuối thời Tùy đến chiến loạn liên miên, trải qua mấy chục năm đánh nhau trai tráng chết nhiều lắm rồi, nguồn quân không đủ chỉ đành gọi cả thiếu niên mười bốn mười lăm tuổi đầu, kết hợp với đám lính giá chưa được giải ngũ, tạo nên đội quân lôm côm này. Đặc biệt đây chỉ là dẹp loạn cục bộ, đối phó với đám phản quân đánh du kích trong rừng núi, còn đội quân tương đối tinh nhuệ hơn đa phần điều lên tây bắc đối phó với người Đột Quyết rồi.

Đám quan binh buổi sáng phái đi cưỡng ép mua lương thực với giá thấp hẳn là do đội ngũ này phái ra, nhưng mà cho dù thế không đủ cho đội quân đông kinh khủng này ăn. Hợp Châu đâu có dư dả gì, nếu đám quân sĩ này ăn hết lương thực mua được sẽ làm gì? Rất nhiều chuyện kinh khủng người ta làm ra khi đói, Tả Thiếu Dương không dám nghĩ tiếp.

Tả Thiếu Dương đang đứng ngây ra nhìn đội quân dài dằng dặc thì thấy đoàn người dân gọi nhau í ới chạy qua bên cạnh, ai nấy đều vội vàng. Lại có chuyện gì nữa thế này, Tả Thiếu Dương tóm vội một người hỏi, người đó rất tức mình giật tay ra, chửi um lên:” %#$, không đi mau đội quân đông thế này biết bao giờ mới vào thành hết.”

Chết thật, lời của người đó làm Tả Thiếu Dương sực tỉnh, ra sức co chân chạy, nhưng về tới cổng thành thì không vào được nữa rồi, hai bên có hai hàng binh sĩ làm hàng rào ngăn cản người khác, ưu tiên giành đường cho binh sĩ vào thành.

Có rất đông bách tính mang theo xe đẩy chất đầy nồi niêu chân mền chờ đợi, chỉ mới một ngày thôi mà tin phản quân muốn đánh Hợp Châu đã truyền khắp trong ngoài. Đánh trận thì khổ nhất là bách tính, nhất là bách tính hương thôn, người ít thế mỏng, một đội tàn binh cũng đủ tắm máu cướp sạch toàn thôn. Còn huyện thành ít nhất có tường cao, có quân đội canh giữ, mọi người đồng tâm hợp lực. Ở cái thời vũ khí lạnh này, bên phòng thủ luôn chiếm ưu thế, lấy ít đánh nhiều không thành vấn đề.

Bách tính hương thôn khắp nơi nghe nói sắp đánh trận đều mang tài sản vợ con chạy nạn, người muốn tránh xa thì chạy ngày chạy đêm, song đó là số ít, người xưa đa phần quyến luyến với quê hương đồng ruộng, không muốn bỏ đi liền kéo vào thành trốn, đợi quan binh dẹp loạn xong mới về nhà.

Trông tình cảnh này Tả Thiếu Dương rất lo cho nhà Miêu Bội Lan, định chạy tới Mai Thôn xem nàng ra sao, nhưng chạy được một đoạn nghĩ, họ là người sống trong thời đại này còn có kinh nghiệm hơn mình, Miêu Bội Lan là cô nương thông minh, trưởng thành sớm, giờ này hẳn nàng đưa cả nhà tránh nạn rồi, mình đến chắc chắn chẳng gặp được, về thành không kịp lỡ phản quân đánh tới thì chết oan uổng.

Thở dài bất đắc dĩ, chuyển sang cái cổng thành khác, tốn mất quá nửa canh giờ, may là phía này không có binh sĩ, nên thuận lợi vào thành.

Trên đường phố đã thấy binh sĩ ở khắp nơi, ngồi nằm nghiêng ngả ngổn ngang như dân chạy loạn, song bọn họ đều tập trung hai bên đường chứ không vào nhà hay là lấn chiếm lòng đường, cũng không nói chuyện, rất trật tự, kỷ luật nghiêm minh.
Bạn cần đăng nhập để bình luận