Bảo Tàng Sơn Hải

Chương 686

Lão Yên lập tức ra hiệu mọi người im lặng để không quấy rầy suy nghĩ của tôi, tôi cười khổ, nói với ông ấy không cần như vậy, vì linh cảm vừa xuất hiện đã gần như biến mất rồi.
"Không sao, chúng ta mới tới đây hai ba ngày, không gấp." Giáo sư Hứa mỉm cười, nhưng vẻ mặt lại không giấu được sự lo lắng.
Tôi biết ông ấy lo lắng cho Nha Tử, nhưng lại không biết phải an ủi ông ấy như thế nào, đành phải kìm nén sự nóng nảy của mình và từ từ chờ đợi.
Đong!
Đột nhiên, một tiếng trống vang vọng trời đất từ làng chài truyền đến, tôi chợt giật mình, sau đó lại nghe thấy tiếng trống dồn dập, đến mức khiến cho nước biển sôi trào.
“Xảy ra chuyện gì?" Lão Yên biến sắc.
Sắc mặt của giáo sư Hứa u ám, da mặt rung lên theo từng nhịp trống, mở miệng giải thích: “Đây là khúc nhạc đưa tang, nhưng theo phong tục tang lễ của cả nước, không có nơi nào đưa tang ngay trong ngày xảy ra chuyện cả.”
Lão Yên cũng sửng sốt, ông ấy trầm mặc gần một phút rồi mới ra lệnh: "Chờ thêm năm phút nữa."
"Lão Yên!" Giáo sư Hứa kích động quát lên.
Nhưng lão Yên chỉ bình tĩnh trả lời: “Hôm nay mấy người có nghe thấy những lời thầy tôi nói không?”
Lúc đó mọi người đều ở trong phòng, nên dù giọng của đội trưởng Bạch yếu đến đâu thì vẫn có thể nghe thấy được.
Giáo sư Hứa lập tức xìu xuống, nhưng lại không cam lòng nói: "Vậy tôi tự mình đi."
"Lão Hứa!" Lão Yên hét lớn: "Chỉ năm phút, hơn nữa với năng lực của Nha Tử thì có thể xảy ra chuyện gì chứ?"
Giáo sư Hứa không nói nữa, chỉ là nhìn chằm chằm vào ngôi làng với đôi mắt đỏ như máu.
Nhìn thấy ông ấy như vậy, tôi cảm thấy rất khó chịu, Nha Tử là vì yêu cầu của tôi nên mới đi, vì vậy anh ta tuyệt đối không thể xảy ra chuyện.
Năm phút nghe có vẻ ngắn, nhưng khi chúng tôi im lặng, nó lại kéo dài đến kỳ lạ.
“Đến lúc rồi!” Giáo sư Hứa đang nhìn chằm chằm đồng hồ đột nhiên lên tiếng. Ông ấy không đợi lão Yên nói gì đã chạy như điên về phía làng chài.
Lão Yên cũng không nói nhảm, vung tay ý bảo mọi người đuổi theo.
Khi đoàn chúng tôi đến gần làng chài thì chạm mặt một đội ngũ đang đánh chiêng gõ trống.
Cả đội ngũ đều là những ngư dân bọc kín người, cứ bốn người lại mang một chiếc trống lớn, một người đi theo sau gõ trống, tổng cộng có năm đội.
Đi phía sau đội đánh chiêng gõ trống là những người đàn ông lực lưỡng đỡ quan tài cùng với một nhóm người mặc áo tang, họ là người nhà của người chết, đi đầu là một người phụ nữ tầm ba mươi tuổi khóc đến lạc cả giọng.
Chúng tôi tránh sang hai bên, giáo sư Hứa nôn nóng muốn xen ngang nhưng lão Yên đã giữ chặt lấy ông ấy: "Tang lễ là chuyện lớn, nếu chúng ta quấy rầy bọn họ thì những việc tiếp theo sẽ rất khó khăn!"
Đương nhiên giáo sư Hứa biết nặng nhẹ nên đành phải cố chịu đựng. Chỉ là cặp mắt đỏ hoe đáng sợ của ông ấy lại rất phù hợp với không khí của đám tang.
Tôi nhìn đội chiêng trống đi ngang qua, trong số họ chúng tôi nhận ra Trịnh Tam, ông ta thờ ơ liếc nhìn chúng tôi, nhưng không có hành động nào khác mà chỉ hát bài tang lễ và đi về phía bờ biển.
Ngoài nhóm người thân mặc áo tang đang khóc ra thì sắc mặt của những người còn lại đều lạnh lùng vô cảm, trông rất kỳ lạ.
Trong đó có một người không hợp với bọn họ!
Mặc dù cũng mặc tang phục màu trắng và đội mũ tang, nhưng phong thái của người này chênh lệch rất lớn với những người kia, trừ khi tôi bị mù, nếu không chắc chắn tôi sẽ nhận ra.
"Lão Yên..." Tôi khẽ nói, nhưng lão Yên đã ngăn tôi lại.
Dựa theo vẻ mặt của họ thì hẳn là đã phát hiện ra từ lâu rồi.
Tôi không khỏi kích động, cô ấy thực sự đến … Ngay sau đó tôi lại vô cùng lo lắng. Việc cô ấy đến chứng tỏ nơi đây cực kỳ nguy hiểm, hơn nữa cô ấy còn xen lẫn vào đội ngũ đưa tang để làm gì?
Cô Tứ, rốt cuộc cô muốn làm gì?
Giáo sư Hứa không còn lo lắng như vừa rồi nữa, có lẽ vì sự xuất hiện của cô Tứ đã khiến ông ấy yên tâm.
Tất cả chúng tôi dừng việc dõi theo đội ngũ đưa tang ra bờ biển. Khi đang định đi về phía làng chài, lão Yên đột nhiên kêu chúng tôi ngừng lại.
Tôi quay đầu hỏi ông ấy có chuyện gì, ông ấy đen mặt nói: “Các cậu đã bao giờ thấy đám tang nào được khiêng ra bờ biển chưa? Chuyện này không đúng lắm, lập tức quay lại đuổi theo họ.”
"Có lẽ đó chỉ là phong tục của làng chài bọn họ thôi." Giáo sư Hứa nói.
Đồng thời ông ấy còn giải thích, nói mình đã nhìn thấy quá nhiều phong tục kỳ lạ, trong đó có tục thiên táng, huyền quan ... Tục thủy táng này không chừng cũng là một nét đặc trưng của vùng ven biển.
Đôi mắt của lão Yên lóe lên, lão Hạ nhạy bén chớp chớp mắt: "Vừa rồi các cậu có để ý đến quan tài không?"
“Quan tài…” Tôi lẩm bẩm, sau đó đột nhiên ngẩng đầu: “Không ổn!”
Nói xong tôi cũng không thèm quan tâm gì cả, chạy nhanh đuổi theo đội ngũ đưa tang.
Chiếc quan tài lớn màu đỏ đó rất nặng, kích thước lại khá bình thường!
Nếu người chết là một đứa trẻ tầm bảy tám tuổi thì một là sẽ không dùng quan tài thông thường như vậy mà phải dùng loại nhỏ hơn, hai là nó sẽ không nặng đến thế!
Quan tài được bốn người đàn ông khỏe mạnh khiêng, nhưng bọn họ lại đổ mồ hôi đầm đìa và đi lại khó khăn, rõ ràng là trọng lượng không đúng.
Mồ hôi lạnh đổ đầy trán, tôi chạy nhanh hết mức để đuổi theo, mắt thấy suýt nữa đã đuổi kịp thì lại bị ai đó đẩy một cái lảo đảo.
Bạn cần đăng nhập để bình luận