Bảo Tàng Sơn Hải

Chương 159: Người Cản Thi

Tôi vội chạy đi gọi mọi người, tiếng chuông leng ka leng keng cũng càng lúc càng tới gần, sắc mặt của lão Yên cũng sa sầm theo, ông ấy yêu cầu chúng tôi lặng lẽ thu dọn lều trại, sau đó lại bảo mọi người trèo lên cây. Làm xong tất thảy, ông ấy mới dám thở ra.
Tôi cảm thấy kỳ lạ, nhưng nhìn bộ dạng của lão Yên tôi cũng biết bây giờ không phải lúc để hỏi, đành phải nín thở tập trung lắng nghe những tiếng chuông đang dần tới gần.
Khoảng mười phút sau khi chúng tôi trèo lên cây, tôi đã nhìn thấy nguồn gốc của những tiếng chuông kia. Khoảng sáu người đang đi về phía chúng tôi. Người đi trước một tay rung chuông, một tay cầm cờ, tựa hồ như đang tụng kinh gì đó, theo sau gã có năm người nữa….
Không, năm người đó không phải là người!
Khi nhìn thấy rõ ràng hơn, hai đồng tử của tôi không khỏi co rụt lại, chỉ thấy năm “người” kia đều đội mũ phớt cao, trên trán còn dán một lá bùa, rõ ràng đó là năm cỗ thi thể.
Tôi vội che miệng lại, không dám phát ra một chút âm thanh nào vì sợ đánh động tới bọn họ.
Đây là người cản thi. Ở Tương Tây nổi tiếng nhất chính là những người cản thi, họ còn có cả một gia tộc chuyên làm nghề cản thi này. Theo như truyền thuyết, họ chỉ cần rung chuông, dán một lá bùa lên trên trán các thi thể, là thi thể sẽ tự động đi theo sau lưng họ, những người khác dù có muốn cũng không thể bắt chước được.
Nói như vậy, những người cản thi sẽ chuyên nhận dẫn người đã chết tha hương về quê nhà để chôn cất, để lá rụng có thể về cội, họ thường đến quê hương của người quá cố vào lúc nửa đêm, người nhà của người đã khuất nghe được tiếng chuông liền biết người đã khuất về, sẽ lập tức chạy ra đón.
Vào thời chưa có thuốc pháo, hình như người ta còn gõ trống khua chiêng để đón người đã khuất, các hộ gia đình khác sẽ đóng chặt cả cửa lớn cửa nhỏ, không để bất cứ sinh vật sống nào chạy ra ngoài, nếu không người đã chết hút phải sinh khí sẽ dễ dàng hóa thành cương thi.
Nhưng con đường này rõ ràng là đường dẫn lên núi mà…
Tôi nhìn chằm chằm vào người cản thi đang đi lên núi, trong lòng cảm thấy kỳ lạ. Từ đoạn đường này, hành trình sẽ càng ngày càng trở nên khó khăn hơn, nào có ai có thể sinh sống trong khu rừng sâu núi thẳm này chứ?
Chờ khi tiếng chuông của người cản thi đã đi xa, lão Yên mới gọi chúng tôi bò từ trên cây xuống. Sau đó ông ấy hất cằm về phía người cản thi kia: “Chúng ta đi theo họ, có gì đó rất kỳ lạ.”
Quả nhiên, lão Yên có cùng suy nghĩ với tôi, cho rằng người cản thi này dẫn đường cho những thi thể kia, nhưng không phải để cho họ trở về nguồn cội của mình.
Chúng tôi lặng lẽ bám theo, tuy nhiên không dám đến gần, cũng may nhờ có tiếng chuông nên chúng tôi cũng không đến mức bị mất dấu.
Chúng tôi đoán không sai, người cản thi này cố ý chọn con đường gập ghềnh khó đi, rõ ràng là muốn dẫn thi thể đi sâu vào trong núi. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là đường đi tuy hiểm trở nhưng lại vô cùng thuận lợi, thậm chí chúng tôi không hề gặp phải bất cứ loài rắn, chuột, côn trùng hay sâu kiến thường xuyên qua lại trong rừng nào cả.
Cứ bám theo như vậy non nửa đêm, cuối cùng người cản thi cũng dừng lại. Trước mặt gã là một chỗ đất trũng, trong bóng tối tôi không thể nhìn rõ tình hình cụ thể, chỉ cảm thấy từng đợt mùi tanh tưởi xông tới, khiến tôi không kìm được mà phải che kín mũi lại.
“Hóa ra là nước đen.” Lão Yên thì thầm một câu, lúc này tôi mới nương theo ánh trăng mà nhìn thấy rõ ràng, thứ màu đen bao phủ vùng đất trũng kia hóa ra lại là nước.
Tôi hỏi tại sao lại có nước đen, ông ấy cau mày nói rằng đó là thứ được tạo ra do xương cốt ở đây mục nát từ lâu.
Ông ấy vừa dứt lời, đã thấy người cản thi kia lại rung chuông, tiếng chuông càng lúc càng trở nên bén nhọn, như đang thúc giục cái gì đó, mà mấy thi thể đi theo phía sau gã thế nhưng lại lần lượt nhảy vào chỗ đất trũng.
“Lệ!”
Ngay khi mấy thi thể nọ vừa nhảy vào chỗ đất trũng, tôi đã nghe thấy hai tiếng chim kêu. Ngẩng đầu lên nhìn, tôi thấy hai con chim khổng lồ đang sải cánh bay lượn dưới ánh trăng và bắt đầu mổ vào thi thể…
Tôi không biết nên miêu tả hai con chim nọ như thế nào? Nhìn từ vẻ bề ngoài, hai con chim này có thân hình rất lớn, chúng lao thẳng xuống dưới như vậy, cứ như thể toàn thân chúng đã thoát ra khỏi mây và ánh trăng, thân hình trắng nõn của chúng luôn khiến tôi có cảm giác như chúng đang tỏa ra ánh sáng vàng nhạt.
Chỉ thấy chúng dừng lại trên những thi thể, rồi giống như lũ kền kền rỉa xác trong tục thiên táng của Tây Tạng, tốc độ rỉa thi thể của chúng cực nhanh. Chỉ mới qua mười mấy giây ngắn ngủi, một cỗ thi thể trong số ấy đã bị rỉa sạch sẽ, chỉ còn lại phần xương trắng hếu, dưới ánh trăng sáng trông càng thêm quỷ dị.
- Giải thích, Thiên táng là một hình thức mai táng phổ biến tại Tây Tạng, thường được áp dụng cho dân thường hoặc những người giàu có. Người ta sẽ đưa di thể của người đã khuất lên núi, để di thể tự phân hủy trong tự nhiên hoặc bị chim kền kền ăn thịt, bởi vậy tục “thiên táng” còn có tên gọi khác là “điểu táng.” Người Tây Tạng quan niệm rằng đây là cách con người hiến dân thi thể lấn cuối cùng cho trời đất, từ đó linh hồn sẽ bay lên trời và tái sinh trở lại.
Thực tế là điều kiện đất đai tại Tây Tạng rất cứng, lại nhiều núi đá, không tiện chôn cất, lại thêm thói quen sống du mục của người dân nơi đây, đây cũng là một phần nguyên nhân hình thành nên tập tục mai táng này. Hết giải thích.
Bốn thi thể còn lại cũng không thoát khỏi vận mệnh như vậy, dưới sự rỉa mổ của hai con chim trắng nọ, họ cũng nhanh chóng trở thành những bộ xương khô.
Bạn cần đăng nhập để bình luận