Bảo Tàng Sơn Hải

Chương 618

"Được." Tôi đáp.
Nha Tử mỉm cười nhấc ba lô lên, tay cầm bút đao kim cương dẫn đầu đi về phía lỗ chó kia: "Đi thôi."
Tôi cũng cười một cách sảng khoái. Sau khi Côn Bố rời đi, hai chúng tôi đều không nghĩ đến gì khác, chỉ cần anh ta không quay lại, chúng tôi nhất định sẽ đi theo con đường này.
“A?" Nha Tử bò vào trước rồi lại a một tiếng.
Tôi tăng tốc theo anh ta bò vào trong. Không ngờ lại đập đầu vào mắt cá chân của anh ta.
Anh ta đưa tay kéo tôi lên, sau đó tôi mới biết thứ khiến anh ta ngạc nhiên là gì, sau khi chui ra khỏi lỗ chó là một hành lang rất rộng lớn.
Điều này thực sự khác với những gì chúng tôi tưởng tượng. Tôi vốn nghĩ nơi này sẽ tối tăm giống mấy chỗ khác, thậm chí sẽ giăng đầy những cạm bẫy và quái vật. Nhưng không, xung quanh nơi này chỉ có những ngọn đèn dầu sáng rực chiếu sáng cả đại sảnh.
Nha Tử tắt đèn pin: "Trên tường có cái gì vậy?"
Tôi nhìn quanh, thấy bốn bức tường được bao phủ bởi những bức tranh đầy màu sắc, mỗi mặt có bốn bức, tổng cộng là mười hai bức.
Nội dung của mười hai bức tranh này đều khác nhau, nhưng đều không có ngoại lệ, nhân vật chính trên đó tuy đổi từ trang phục sặc sỡ sang áo cà sa, nhưng ngoại hình vẫn không thay đổi.
Tôi ấp úng nói: “Này e là ... cuộc đời của Địa Tạng Vương Bồ Tát?”
Nha Tử nháy mắt trở nên phấn khích, ánh sáng trong mắt anh ta gần như muốn tràn ra khỏi chiếc kính râm luôn.
Anh ta lấy một chiếc máy ảnh nhỏ từ trong túi ra và định chụp ảnh. Tôi tóm lấy anh ta nói: “Đừng có hấp tấp vậy, còn chưa biết được nơi này có thứ gì đâu."
Ngay khi bước chân Nha Tử vừa thu lại, anh ta đã lấy một hòn đá từ trong túi ra và ném nó ra ngoài.
Cục đá?
Tôi ngạc nhiên nhìn Nha Tử, sao trong túi anh ta lại có cục đá?
Thấy tôi nhìn mình chằm chằm như vậy, Nha Tử xấu hổ gãi gãi đầu: “Trước khi xuống hồ tôi thấy cục đá này đẹp quá nên mới nhặt mấy viên.”
Tôi không biết phải nói gì luôn, chỉ có thể nói anh ta thật vô tri, vào lúc mấu chốt như vậy mà còn có tâm tư đi nhặt đá?
Cục đá đập xuống đất lại nảy lên, cuối cùng nằm yên.
“Chắc là không có cơ quan đâu." Nha Tử nói.
Nhưng tôi lại không yên tâm, Côn Bố đã biến mất ở chỗ này. Nếu ở đây không có gì thì chính là gặp quỷ rồi.
Nha Tử lắc đầu: “Đúng là không có cơ quan đâu."
Nói xong, anh ta nôn nóng cầm máy ảnh chạy tới chụp, chụp xong còn hào hứng vẫy tay với tôi: “Mau đến đây xem, chuyện xưa của vị hòa thượng này khá thú vị đó nha.”
"Tôn trọng!" Tôi nhẹ nhàng nói ra hai chữ.
Nha Tử lập tức che miệng, cười hì hì.
Chúng tôi nhìn xung quanh rồi hướng ánh mắt về bức tranh vẽ Địa Tạng Vương Bồ Tát khi vẫn còn là người phàm tên Kim Kiều Giác. Trong tranh vẽ là một chàng trai mặc trang phục kỳ lạ, ngồi trên một cỗ xe ngựa dát vàng, dưới chân còn có một con chó trắng đang nằm.
Nha Tử chỉ vào con chó trắng và nói đây chắc chắn là Đế Thính.
Tôi nhìn chằm chằm vào con chó trắng, nó híp mắt như đang tận hưởng ánh nắng mặt trời. Ngoài việc to hơn so với mấy con chó bình thường thì nó thực sự không có gì đặc biệt cả.
Ngay cả kích thước cũng nằm trong phạm vi người bình thường có thể chấp nhận được, chắc chắn không khổng lồ như những gì tôi đã thấy trước đó!
Nha Tử ngẩng đầu lên và nói đây là lúc Kim Kiều Giác còn là hoàng tử của nước Tân La thời cổ đại, bảo tôi đừng nóng vội mà hãy xem tiếp.
Mấy bức tranh tiếp theo tương đối đơn giản, đại khái miêu tả người dân phát động bạo loạn, nhà vua quyết định dùng vũ lực để trấn áp, hoàng tử Kim Kiều Giác thỉnh cầu cha mình hãy dùng tình thương để cảm hóa con dân.
Nhưng dĩ nhiên lời đề nghị của Kim Kiều Giác đã bị từ chối. Khi ngài cưỡi ngựa trắng đuổi tới nơi thì chỉ nhìn thấy xác chết nằm rải rác khắp nơi, máu chảy thành sông.
Kim Kiều Giác ôm lấy thi thể của một đứa trẻ, ngửa đầu lên trời mà khóc, thề sẽ đến triều Đường xa xôi để nghiên cứu Phật giáo, dạy người dân trên toàn thế giới cách sống hòa thuận.
Cùng ngày hôm đó, ngài từ chối yêu cầu ở lại của cha mình, một người một chó cùng nhau vượt biển, đi đến nước Đại Đường.
Vua nhà Đường rất khâm phục sự quyết tâm của ngài, bèn cho phép ngài mở đạo tràng.
Nhưng mục đích của Kim Kiều Giác lại là khổ tu, vậy nên ngài không muốn hưởng thụ ở kinh thành mà đã đi bộ đến núi Cửu Hoa!
Nghe nói một số ngọn núi bên cạnh núi Cửu Hoa lúc đó thuộc về một địa chủ tên là Mẫn Công.
Người này đã đánh đố Kim Kiều Giác, nói ông ta có thể để Kim Kiều Giác xây dựng chùa miếu ở núi Cửu Hoa, nhưng quy mô của chùa miếu sẽ phụ thuộc vào chiếc áo cà sa của Kim Kiều Giác có thể che phủ được bao nhiêu diện tích đất.
Đây rõ ràng là vì muốn Kim Kiều Giác biết khó mà lui, nhưng không ngờ Kim Kiều Giác lại lập tức đồng ý.
Mẫn Công liền gọi những người dân trong thôn đến làm chứng, mục đích chính là để xem vị hòa thượng nước khác này xoay xở như thế nào.
Ai ngờ Kim Kiều Giác cởi áo cà sa ra, mỉm cười và nhẹ nhàng ném nó lên trời. Chiếc áo cà sa kia càng lúc càng lớn, trực tiếp bao phủ toàn bộ núi Cửu Hoa.
Bạn cần đăng nhập để bình luận