Chuyện Làm Mai Mối, Trước Giờ Ta Chưa Phục Ai Cả

Chương 231: Dù Có Năng Lực Đặc Biệt Cũng Không Thể Khiến Mọi Chuyện Đều Như Ý

Hai mươi lăm âm lịch.

Thôn Long Sơn.

Giang mẫu, cô, thím, chị dâu họ và những người khác đang chia những chiếc bánh nếp ngọt thành từng phần to cỡ nắm tay và gói chúng trong những chiếc túi ni-lông nhỏ màu trắng, khi ăn thì không cần cắt, rất tiện lợi.

Lúc này bánh nếp mới được hấp chín, sờ vào vẫn còn nóng tay nhưng vẫn phải nhanh chóng chia bánh. Bởi sau khi bánh nguội thì phải cho ngay vào ngăn đá tủ lạnh.

Bước này rất quan trọng, muốn giữ được độ mềm dẻo của bánh nếp ngọt thì khi bánh vừa nguội phải cho ngay vào ngăn đá tủ lạnh. Khi muốn ăn thì lấy ra rã đông, bánh sẽ mềm dẻo như lúc mới làm.

Nếu để lâu bánh sẽ bị cứng, dù bỏ vào ngăn đá thì cũng không có tác dụng.

Giang mẫu và những người khác không hiểu nguyên lý cụ thể ra sao nhưng họ lại có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Giang mẫu vừa chia bánh vừa nói: “Đợi bánh đông cứng rồi, lúc mọi người về nhớ lấy thùng xốp cho bánh vào. Về đến nhà lại bỏ vào ngăn đá, lúc muốn ăn thì lấy ra rã đông thì sẽ ngon như lúc mới làm vậy.”

Lúc trước khi cô Giang Xuân Liên vẫn ở nhà mẹ đẻ, trong thôn vẫn chưa có ai có tủ lạnh nên không ai biết mẹo này cả. Sau này gả đi rồi, cô chẳng mấy lần về nhà mẹ, hơn nữa lại không phải dịp tết nên không biết bánh nếp ngọt bảo quản như vậy sẽ giữ được hương vị ban đầu.

Lúc này nghe chị dâu cả dặn dò, Giang Xuân Liên gật đầu lia lịa thể hiện đã hiểu.

Vài người cùng chia bánh nên chẳng mấy chốc bánh đã được chia thành các phần nhỏ.

Bây giờ trời có hơi lạnh, chia xong thì bánh cũng đã nguội. Sau đó mọi người bèn cho bánh vào tủ đông được mua dành riêng cho bánh nếp.

Sau khi làm xong bánh nếp ngọt, Giang mẫu lại hướng dẫn mọi người làm bánh nếp tro.

Bởi ngày mai cô của Giang Phong phải về Thâm Quyến đón tết rồi, nên hôm nay phải làm xong bánh để cô còn gói mang về.

Bánh nếp tro năm nay được Giang mẫu dùng tro mè đen để làm nước ngâm nếp. Ở Long Sơn không ai trồng mè đen nên Giang mẫu phải tốn không ít công sức, nhờ vả đủ người mới gom đủ số mè này.

Chỉ có người có kinh nghiệm phong phú mới làm tốt việc dùng nước tro làm bánh nếp. Bởi tỷ lệ nước tro rất quan trọng, nếu quá ít sẽ không có mùi thơm dịu, quá nhiều thì mùi sẽ hắc, sẽ có vị hơi nồng.

Chỉ cần lượng nước tro phù hợp, bánh nếp tro sẽ làm ra sẽ có mùi thơm dịu, ngon không cưỡng lại được.

Thật ra hiện nay ở thôn Long Sơn có rất nhiều người làm bánh nếp tro mà không cần dùng nước tro, họ trực tiếp dùng bột nở. Cách này vừa nhanh vừa tiện, lại có thể nắm được tỉ lệ.

Đương nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay ít người làm nông. Hai, ba mươi năm trước có rất nhiều người trong thôn trồng mè, trồng đậu, mấy cây thông trên núi cũng nhiều nên trước giờ chưa từng thiếu nước tro làm bánh nếp tro.

Nhưng hơn mười mấy năm trở lại đây, trong thôn rất ít người trồng mấy thứ này, cây thông trên núi cũng bị chặt chỉ còn sót lại vài cây, muốn dùng nước tro làm bánh cũng càng ngày càng khó.

Nên để đỡ rắc rối, mọi người dần bắt đầu dùng bột nở.

Bánh nếp ngọt thì làm bằng máy nhưng bánh nếp tro đều được làm thủ công.

Ngâm nếp với nước tro, sau đó bỏ vào nồi hấp chín, tiếp theo đổ vào hố tròn được đào bằng một hòn đá lớn (lúc trước là dùng khúc gỗ lớn đào), dùng búa gỗ lớn đập mạnh liên tục tới khi hạt nếp nhuyễn mịn là được.

Làm cái này khá tốn sức, cũng cần chú ý cách dùng lực. Mấy người vừa khoẻ vừa biết cách dùng lực thì cả ngày đập mấy chục phần bánh nếp tro cũng không thành vấn đề, người bình thường dù đập không ngừng nghỉ cũng không thể làm xong một phần bánh.

Đàn ông trong Giang gia không ít, hơn nữa Giang phụ với Giang Phi đều là cao thủ, đập mười mấy phần bánh nếp mà cứ như chơi vậy, thậm chí không cần đến Giang Phong động tay, anh họ cũng chỉ làm một chút mà thôi.

Anh họ và chị dâu họ chưa từng thấy cảnh giã bánh nếp tro nên rất hứng thú. Chị dâu họ luôn cầm điện thoại quay video, nhất là khi anh họ lên giã bánh, chị dâu họ đều quay lại hết quá trình.

Đợi giã hết số bánh nếp, anh chị họ liền lựa video để gửi cho bạn bè.

Giang Phong thấy vậy cũng quay video gửi cho Hoàng Linh Vi, hắn nói: “Đố em đây là cái gì?”

Hoàng Linh Vi: “Đây không phải bánh dày sao?”

Giang Phong: “Chỗ anh gọi là bánh nếp tro, khá giống với bánh dày nhưng mùi vị lại không giống. Em muốn ăn thử không?”

Hoàng Linh Vi: “Đợi có cơ hội đã. Ngưỡng mộ mọi người thật đó! Hôm qua thì mổ heo, hôm nay thì làm bánh nếp, ngày mai thì cúng thần. Mỗi ngày đều có những hoạt động khác nhau, nghe thôi cũng thấy không khí tết rồi. Không giống chỗ em ở, ngoài việc đón tết có cảm giác vắng vẻ hơn ngày thường thì không có gì đặc biệt hết.”

Giang Phong: “Đây chính là sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Tuy tết bây giờ ở nông thôn cũng không được như trước nữa nhưng vẫn tốt hơn nhiều so với thành thị. Đến cuối năm thì những người đi làm ăn xa đều về quê đón tết, nhà nhà đều chuẩn bị đón năm mới, thật sự vẫn còn chút không khí tết.

Hoàng Linh Vi: “Em từ nhỏ đến lớn đều không biết không khí tết là gì.”

Giang Phong: “Đợi em gả cho anh, anh sẽ dẫn em về quê đón tết. Lúc đó em sẽ biết cái gì gọi là không khí tết rồi.”

Hoàng Linh Vi: “…”

Sau hơn một tiếng trò chuyện với Hoàng Linh Vi, Giang Phong vẫn chưa nói cho cô biết việc hắn sẽ đến Thâm Quyến vào mùng năm tháng Giêng. Hắn định tạo bất ngờ cho cô ấy, cũng nhân cơ hội cưa đổ cô ấy.

Dù sao mối quan hệ giữa hai người sớm đã đạt đến giới hạn. Bất kể bên nào chủ động trước đều sẽ dễ dàng chọc thủng được lớp ngăn cách mỏng manh ấy.

------

Dịch: MBMH Translate

Bạn cần đăng nhập để bình luận