Tuyết Trung Hãn Đao Hành

Chương 291: Giang Tây có Long Hổ, Giang Đông có Hiên Viên (2)

Đứng bên cạnh Hiên Viên Thanh Phong là hai nam tử trẻ tuổi, người bên trái mặc nhu sam, đội khăn Hoa Dương, đi giày hoa văn hình mây, dung mạo anh tuấn, môi hồng nhưng không thuộc kiểu nhu mì như nữ tử, hắn đứng chắp tay, nổi bật hơn người.
Vị đứng bên phải Hiên Viên Thanh Phong có vầng trán rộng, thân hình cao to lực lưỡng, điều thú vị là hắn có khuôn mặt trẻ con, tổ hợp lại càng khiến người khác nhìn qua là nhớ, đặc biệt là đôi mắt, rực rỡ xán lạn, từ góc nhìn của Triệu Hi Chuyên, một nội đan sư kiêm luyện khí sĩ, vừa nhìn là biết nội lực của người này không tầm thường, nếu có cơ duyên là có thể bước vào cảnh giới nhất phẩm mà võ phu giang hồ hằng ước mơ, tuyệt đối không phải là người si nói mộng.
Người này đeo một thanh Bách Phích Đao, tỏa ra khí thế sắc bén và mạnh mẽ, Triệu Hi Chuyên nhíu mày, sát khí quá mạnh, chẳng lẽ là đao pháp luyện ra từ giết người vô số mà thành? Đừng nói là người ngoài, cho dù hơn phân nửa người ở Long Hổ sơn cũng không nhận ra đại thiên sư Triệu Hi Chuyên, đặc biệt là hai mươi năm qua, vị đạo sĩ này ít giống với thiên sư của Triệu gia nhất, chưa từng cùng Hiên Viên qua lại, Hiên Viên Thanh Phong đương nhiên không nhận ra, bè trúc và thuyền ngược hướng từng chút một lướt qua nhau, Hiên Viên Thanh Phong và nam tử cùng tộc đều kiêu ngạo như nhau, ngoảnh mặt làm ngơ với lão đạo ăn mặc luộm thuộm và thiếu niên gầy yếu trên bè, gã nho sĩ trẻ tuổi tuấn nhã kia vẫn luôn ngước nhìn đỉnh Vân Cẩm, ý thơ dạt dào, dường như không mở miệng thì thôi, hễ mở miệng thì trăm áng thơ tuôn trào. Chỉ có thanh niên đeo bội đao híp mắt nhìn về phía hai thầy trò, khóe miệng nhếch lên, Triệu Hi Chuyên cầm câu sào chèo bè đi, nhếch mép cười đáp lại.
Hiên Viên Thanh Phong liếc mắt nhìn Phượng Sồ của Tống gia mà hốt hoảng. Người này không thể nghi ngờ là xuất sắc, tổ phụ là Tống Quan Hải có thể nói là thấu hiểu đạo Thiền, giỏi giám tàng, làm thơ hay, giỏi thư pháp, tinh thông thủy mặc, thông thạo tất cả mọi thứ, khi còn trẻ ông dốc hết ngàn vàng bái sư cầu học, ân sư của Tống Quan Hải chọn ra ngẫu nhiên một người thôi đều là danh sĩ đại gia, ông bái Bắc địa Đại chân nhân Dương Phất học đạo, bái họa sư Hoàng Cự Vọng học họa, Tống Quan Hải học hành chăm chỉ, thu được kiến thức sâu rộng, vững chắc, cuối cùng thấu hiểu đạo lý, tuy già nhưng vẫn kiên định, tự sáng lập ra Tâm Minh Học.
Sau khi thống nhất Xuân Thu, ông được lệnh biên soạn bộ “Cửu Các Toàn Thư”, là một bộ sách khổng lồ, hai trăm quyển, kéo dài mười lăm năm, Hoàng đế bệ hạ rất vui mừng, đặc biệt ban cho Tống phu tử có thể cưỡi ngựa đi trong hoàng thành, ban đầu trong và ngoài vương triều dự đoán Tống phu tử có thể theo lệ được bổ nhiệm làm Thượng Thư Lễ bộ, nhưng không ngờ bị nguyên Quốc Tử Giám Hữu Tế Tửu thay thế, Tống Quan Hải thì chuyển đến Quốc Tử Giám càng thanh quý hơn hẳn, là cái đích mà mọi người cùng hướng tới.
Theo sự suy giảm dần dần của giới văn đàn lỗi lạc thuộc thế hệ trước, Tống Quan Hải trở thành người đứng đầu hoàn toàn xứng đáng trong giới văn đàn, trong những năm gần đây ông bắt đầu viết Thập Ngũ Bình, cứ vào mười lăm hàng tháng, các sĩ tử trong thiên hạ sẽ luận bàn rất sôi nổi, một khi sĩ tử nào được Tống phu tử đích thân bình luận, thì giá trị của sĩ tử đó lập tức sẽ được nâng lên gấp trăm lần. Sĩ tử luận bàn luôn tôn Tống phu tử làm thầy.
Tổ phụ đã hiển quý vô biên như thế, phụ thân hắn là Tống Chí Cầu còn có khuynh hướng hậu sinh khả uý, đặc biệt là thư pháp được ca ngợi là Thần Phẩm Thư Gia, chỉ lấy Quốc Tử Giám làm ví dụ, một nửa học sinh đều dùng chữ viết kiểu “Tống thể” để viết, bút tích lớn nhất của Tống tiểu phu tử chính là so sánh thư họa giữa hai trường phái Thiền Tông và Nam Bắc, tôn Bắc hạ Nam, tuy rằng có nghi ngờ về việc nâng cao địa vị của thư viện họa, nhưng nhóm sĩ tử phía bắc đạt được danh vọng to lớn, thêm nữa Tống Chí Cầu đã đi đầu trong việc phân định cảnh giới thư pháp bằng vận, pháp, ý, thần, xưng rằng “Chữ nước Thục lấy vận, là trung phẩm. Chữ nước Việt lấy ý, là thượng phẩm. Chữ nước Sở lấy pháp, là nhất phẩm. Mà ở triều của ta trọng thần nên là thần phẩm”, lời này vừa nói ra, Tống gia đương nhiên khiến vị hoàng đế vốn thường lén lút mô phỏng theo kiểu chữ “Tống thể” lại vui mừng quá đỗi, thăng Tống Chí Cầu là Hữu Thị Lang vào làm ở Lễ Bộ, ban hàm học sĩ, ân sủng to lớn vô cùng.
Thế nhân có suy nghĩ không hợp lẽ thường rằng, nếu Tống phu tử có thể sống thêm hai mươi năm nữa, đợi đến khi Hoàn Ôn nhường ra vị trí Tả Tế Tửu, hai Tế Tửu ở Quốc Tử Giám há chẳng phải là vật trong túi của hai phụ tử Tống gia đó sao?
Tống gia chỉ hai đời mà đã gây dựng nên thế gia bác học đa tài, có tổ phụ và phụ thân như vậy, vị Phượng Sồ của Tống gia đang đứng bên cạnh Hiên Viên Thanh Phong đây, sao có thể là nhân vật tầm thường?
Hiên Viên Thanh Phong không khỏi liếc nhìn sang phía bên kia, nếu nói Phượng Sồ của Tống gia là con cháu thế gia nhất lưu, thì nam tử cùng tuổi đeo bội đao kia có thể xem như là một thái cực khác, tình cờ chiếm được nửa bộ đao phổ không hoàn chỉnh, tự học thành tài, trải qua vô số lần đánh nhau ngàn cân treo sợi tóc, kiên cường từ trong chém giết mà có được tiền đồ, sau đó được một vị tông sư về đao pháp nhìn trúng, thu nhận làm đệ tử bế quan, nhưng chỉ trong thời gian ngắn sư môn bị diệt, hắn nhịn nhục ngủ đông ba năm, một kích mất mạng, lấy thực lực của cấp ba giết cấp hai, giết hết sáu mươi hai người trong tộc kẻ thù, lấy được một quyển bí tịch khác, cảnh giới tăng vọt, đao pháp có xu hướng hoàn hảo hơn, năm ngoái người này lên ngọn Huy Sơn đến núi Đại Cương Cổ Ngưu, đứng trong tuyết một ngày một đêm học đao pháp thượng thừa, gia tộc không cho phép, nhưng hắn vẫn lưu lại trên núi, một mình đứng trong thác Lục Điệp luyện đao, tính cách vô cùng lạnh lùng và ngoan cường, lần đầu gặp Hiên Viên Thanh Phong, hắn đã thẳng thừng nói muốn cưới nàng làm vợ.
Hiên Viên Thanh Phong đối với cái gã bị lão tổ tông gọi là “Lòng muôn dạ sói” này, không giận cũng không vui, nhưng thật sự là chán ghét không nổi, lần này đến Long Hổ sơn, thứ nhất là du ngoạn giải sầu, thứ hai là vào núi sâu bắt vài con linh thú quý hiếm chỉ có ở Long Hổ, có hắn theo cùng tiết kiệm được khá nhiều sức lực.
Tuy Long Hổ Sơn mát mẻ, nhưng dưới nắng nóng như thiêu như đốt, Hiên Viên Thanh Phong được nuông chiều từ bé vẫn quay vào trong thuyền. Không thể cùng con ếch ngồi trong đáy giếng luận bàn về biển cả, không thể cùng côn trùng mùa hè bàn luận về băng tuyết? Gia đình quyền quý sống xa hoa cũng không phải như thế, giống như vương phủ Bắc Lương có hồ lớn có thể nghe thủy triều, bên trong chiếc thuyền này đặt bốn cái thùng lớn, chứa đầy những khối băng được cất giữ trong mùa đông, đến mùa hè thì được lấy ra khỏi hầm băng.
Đây là câu nói của Trang tử. Nghĩa là “Không thể cùng con ếch ngồi trong đáy giếng luận bàn về biển cả, không thể cùng côn trùng mùa hè bàn luận về băng tuyết?” Kẻ trí sẽ cân nhắc ai mới là người xứng để cùng nhau luận bàn đạo lý. Hết giải thích.
Căn phòng mát mẻ như mùa thu, Hiên Viên Thanh Phong ngồi xuống nhìn Tống Khác Lễ đang tiêu diêu tự tại, mỉm cười nói: “Tống công tử không quản ngàn dặm xuôi nam hộ tống quan tài của ân sư, việc làm này rất tuyệt.”
Tống Khác Lễ lắc đầu nói: “Lễ nên như thế.”
Khóe miệng của thanh niên mang bội đao đang nhắm mắt tĩnh tọa nhếch lên đường cong mờ nhạt, mơ hồ mang theo ý châm chọc.
Tính tình của Hiên Viên Thanh Phong luôn lãnh đạm, dù ở cùng với Tống Khác Lễ, cũng sẽ không cố ý lấy lòng, khách sáo hàn huyên điểm đến là dừng lại, nhìn ra ngoài cửa sổ non xanh nước biếc, không khỏi nhớ tới một đôi khốn kiếp mấy năm trước, khẽ nhíu mày, vốn dĩ nàng đã quên mất hai gã lưu manh đó từ lâu, nhưng vừa gặp con cháu thế gia Tống Khác Lễ, mới phát hiện ra một trong hai tên khốn đó có khuôn mặt đẹp hơn cả Tống Khác Lễ, hai hay ba năm trước du ngoạn ở Miên Châu, nàng đụng phải hai gã háo sắc, áo quần rách rưới trong hội hoa đăng tết nguyên tiêu, một gã trong đó có dáng vẻ tuấn tú, nhưng hành vi thì rất bỉ ổi, gã còn lại thì không có gì nổi bật, nàng chỉ nhớ mang máng là gã đó có đeo một thanh kiếm gỗ trông rất buồn cười, lúc gặp nhau trên con phố hẹp ở hội lồng đèn Miên Châu, gã trông như ăn mày, mặt người dạ thú kia đứng chắn trên đường không chịu nhường đường, cười rất ghê tởm, ánh mắt gã trần trụi đảo quanh ngực nàng, thế là nảy sinh tranh chấp, không ngờ gã cầm kiếm gỗ kia là một kẻ điên, gọi một con chó bên đường là cha, sau đó quay đầu điên cuồng gọi nàng là “Mẹ”!
Có một lão già ngồi xổm một bên xem trò vui, há miệng thiếu mất cái răng cửa, cười rất ư là vô lễ, Hiên Viên Thanh Phong chưa bao giờ bị sỉ nhục đến bực này, nàng lập tức sai tôi tớ đuổi đánh khắp mấy con phố, định đánh gẫy chân bọn chó đó cho hả giận, nhưng không ngờ hai gã khốn đó được lão già thiếu hai cái răng cửa thuận lợi mang đi.
Cái gã chết tiệt kia trước khi biến mất còn la hét:
“Bé con, nhớ kỹ lão tử họ Từ, nàng chờ đó, lần sau gặp lại nàng sinh con cho đại gia nhé!”
Hiên Viên Thanh Phong nghiến răng nghiến lợi, lòng thầm nhủ: “Họ Từ kia, đừng để ta gặp lại ngươi ở Kiếm Châu!”
Bạn cần đăng nhập để bình luận