Tuyết Trung Hãn Đao Hành

Chương 1197: Quan to quan nhỏ, cuồn cuộn cát vàng (3)

Một cỗ xe ngựa dừng lại ở vùng ngoại ô thành Lương Châu, một công tử trẻ tuổi, đeo đao mang ngọc bước xuống xe, tay xách theo bình rượu lục nghĩ mới mua. Đưa mắt nhìn quanh, những cây hồng mọc thành từng cụm trên bình nguyên, từng đám quả vàng óng ả treo lủng lẳng trên cành. Khung cảnh này miễn cưỡng mang đến cho vùng Tây Bắc khô cằn chút hình ảnh bội thu. Người trẻ tuổi chậm rãi bước tới, thỉnh thoảng nhìn những cây hồng quen thuộc, có cây gần có cây xa. Kí ức ùa về, hồi còn bé thường xuyên trốn ra khỏi thành đi dạo nơi này. Hắn rất thích đặt cho chúng những biệt danh thân mật. Cây hồng cách nửa dặm, cành cây trông như đang giương nanh múa vuốt, hắn gọi nó là "treo giáp", nếu nhìn vào lúc hoàng hôn thì hơi đáng sợ. Cây hồng thấp bé, vốn nương tựa lẫn nhau kia, mấy năm không gặp đã cao lên vài phần, nhìn thoáng qua thì càng thấy nhiều quả sai trĩu nặng, toàn thân vàng óng, rất là vui mắt. Năm xưa, hắn đã đặt biệt hiệu cho nó là "tiểu hoàng bào". Người trẻ tuổi men theo con suối nhỏ khô cạn tiếp tục bước đi, cuối cùng dừng trước một căn nhà tranh không tường bao quanh, phía sau nhà mọc vài cây thương du cổ quái, thân cây nghiêng ngả.
Căn nhà đã không có chủ nhân.
Người trẻ tuổi bước đến trước một gốc cây, ngồi xổm xuống dùng ống tay áo lau sạch bụi bặm, sau đó ngồi lên trên, ngó quanh bốn phía. Hắn nhẹ nhàng đặt bình rượu lục nghĩ xuống áo choàng, rồi cất giọng gọi:
"Lão Hứa mù lòa, ta mang rượu đến cho ngươi rồi đây."
Nếu như là vào những năm cuối Vĩnh Huy, chắc chắn sẽ có một ông lão mù, què lẩy bẩy chạy nhanh ra, đón lấy bình rượu từ tay hắn, thành thạo bóc lớp bùn niêm phong, cúi đầu hít mạnh một hơi. Sau đó, trên khuôn mặt già nua, tang thương sẽ nở một nụ cười tươi như cây hồng mùa thu. Có điều, mỗi lần uống rượu chung với mình, lão già sẽ được thể tiện nghi rồi lại lên mặt dạy dỗ hắn, bảo rằng có chút tiền dư thì đừng có mà phung phí. Dù là đồng tiền nhỏ, từng xu từng xu phải tích lũy mới cưới được vợ. Đời người bao la, cưới vợ sinh con mới là chuyện lớn nhất. Lúc đó, lão Hứa hay nheo mắt lại, lẩm bẩm rằng ở U Châu phía Bắc Lương có vùng Yên Chi quận, con gái ở đó rất xinh đẹp, nếu Từ tiểu tử mà lấy được cô nương Yên Chi quận làm vợ thì khi mang tin vui đến đây, ta, lão Hứa này dù phải đi bộ ba ngày ba đêm cũng muốn đến nhà ngươi cọ một chầu rượu mừng.
Nhớ lại có một lần, lão già nói xong những lời này, lại cẩn thận dò hỏi hắn, uống rượu mừng là chuyện lớn vui vẻ như vậy, liệu có để một lão già mù như hắn đến dự tiệc thì có bị chê cười không. Nếu như người lớn và người nhà bên nhà Từ tiểu tử ghét bỏ thì lão Hứa này sẽ không tham gia náo nhiệt nữa, chỉ cần chuẩn bị hai hũ rượu lục nghĩ là được.
Người trẻ tuổi, thường xuyên mang rượu lục nghĩ cho lão già, hoặc là trộm gà vịt của nhà ai đó, lúc đó đã vỗ ngực nói rằng hắn có tiếng nói nhất trong nhà. Nếu khi đó mở tiệc rượu mừng mà lão Hứa không đến thì hắn sẽ ăn thua với lão già, còn nói nhất định phải cho lão Hứa ngồi ở mâm chủ.
Lúc đó, lão nhân chỉ thấy người trẻ tuổi hay trò chuyện cùng mình là một gã trai trẻ thường thấy ở chợ Bắc Lương, tính tình giống như hắn thời trẻ, lúc nào cũng lêu lổng không an phận. Nên khi nghe nói sẽ được mời ngồi ở bàn chủ tiệc mừng thì vui thì có vui, cũng không nghĩ nhiều. Càng không hề liên tưởng đến người trẻ tuổi ngông cuồng đó với Thanh Lương Sơn kia. Họ Từ ở dưới gầm trời này có biết bao nhiêu là người cơ chứ. Hồi đó, người trẻ tuổi hay nói trong lúc tán gẫu rằng hắn mơ ước một thế giới bên ngoài Bắc Lương, muốn trở thành một du hiệp giang hồ hành hiệp trượng nghĩa, dùng thanh kiếm tốt nhất, uống loại rượu cay nồng nhất, tìm được người con gái xinh đẹp nhất trên giang hồ, người ấy nhất định phải đẹp hơn cả con gái Yên Chi quận. Lão nhân thì luôn trái ngược với người trẻ tuổi, bằng giọng điệu của một người từng trải mà nói với hắn, rằng chớ có mơ mộng quá lớn, dù Trung Nguyên có tốt thì chung quy cũng không phải nhà. Lúc ấy, người trẻ tuổi cũng cảm khái, nói đạo lý này hắn cũng hiểu, vị thầy dạy chữ của hắn cũng từng nói, "người trẻ tuổi rời nhà mười năm không tính là lâu, nhưng người già mà đã ra khỏi nhà một bước tức là đi xa". Lão nhân nghe xong, cười bảo thầy giáo nhà ngươi có học thức thật, vậy mà dạy ra một tên học trò dở dang.
Thỉnh thoảng hai người sẽ ngồi lại cùng nhau hàn huyên. Khi đã lớn tuổi, lão Hứa mù lòa sẽ ngồi dựa vào gốc cây, hai tay chống chiếc gậy gỗ, lim dim ngủ gật dưới ánh mặt trời.
Có lẽ, nhiều năm về trước, tại chiến trường ở Tây lũy, có một binh sĩ trẻ thuộc chữ doanh, chân không bị tật, mắt cũng không mù. Nhưng cũng giống cảnh tượng này, anh ta sẽ ngủ gà ngủ gật dưới ánh mặt trời. Chỉ có điều chiếc gậy chống trên tay anh ta được thay bằng một ngọn giáo sắt, và đâu đó gần đó là một lá cờ lớn chữ Từ, tung bay phấp phới trong gió lớn.
Giờ đây là vào thu năm Tường Phù thứ ba, lão Hứa mù lòa đã qua đời từ lâu, tự nhiên sẽ không còn những lời nói nhảm vặt nữa.
Lão nhân không sống đến ngày được uống rượu mừng của người trẻ tuổi.
Người trẻ tuổi từng hứa với lão nhân rằng, sau khi lão nhân qua đời, hắn sẽ đích thân khiêng quan tài đưa tang cho lão.
Nhưng người trẻ tuổi đã không làm được.
Lúc đó, hắn đang ở tận Giang Nam xa xôi.
Hắn không đến mộ của lão Hứa mù lòa, chỉ nhẹ nhàng đổ bình rượu lục nghĩ xuống đất trước gốc cây, cúi người đổ rượu rồi khe khẽ nói:
"Lão Hứa, rượu này là ta lén mua ở chỗ của Tây Thi bán rượu, dạo này thế đạo bất ổn, sắp phải đánh trận đến nơi rồi, Bắc Lương cấm người dân tự nấu rượu, nên bình rượu này cũng không rẻ đâu, nếu không phải chỗ quen biết, chắc gì tiệm đã dám bán cho ta, con gái bà chủ bây giờ đã ra dáng thiếu nữ rồi, con gái lớn thay đổi khác xưa là có thật. Nghe nói nha đầu đó đang để ý một sĩ tử trẻ tuổi ở nơi khác đến, đang dạy học tại trường tư gần nhà nàng ấy, lúc ta mua rượu bà chủ còn trêu ghẹo ta rằng, ta đến trễ rồi, khuê nữ của bà đã đợi ta nhiều năm rồi. Ngươi coi xem, năm đó ta không hề khoác lác với ngươi, ta đã nói là nha đầu đó có mắt nhìn mà, nếu không thì làm sao lọt mắt ta được..."
Có chút tiếc nuối, như một con chó già nằm co ro ở góc đường khẽ than khóc, tỉ mỉ chậm rãi, cào xé tâm can.
Hắn để lại bình rượu bên gốc cây, đứng dậy rời đi.
Xe ngựa quay về Thanh Lương Sơn.
Vương phủ Bắc Lương bây giờ có hai nơi nổi danh thiên hạ, Ngô Đồng viện được ví như phượng các, còn phủ phó kinh lược sứ do Tống Động Minh chủ trì, đặt ở giữa sườn núi, được gọi là long môn. Vừa về đến Thanh Lương Sơn, một quan viên của long môn đã hớt hải chạy đến, bẩm báo rằng phó kinh lược sứ đại nhân có chuyện muốn thương lượng.
Khi nhìn thấy Tống Động Minh tự mình đứng chờ trước căn nhà mái thấp ở dinh thự, hắn biết rằng tin tức này dù tốt hay xấu cũng đều không nhỏ. Bằng không thì với sự trầm ổn của một trữ tướng Ly Dương năm xưa, tuyệt đối không đến mức phải sốt sắng ngồi không yên như vậy.
Quả nhiên, khi chờ hắn đến gần, Tống Động Minh cùng nhau quay người bước vào trong dinh thự, giọng điệu hơi gấp gáp:
"Có bốn tin tức dồn lại cùng một lúc, liên quan đến Lưu Châu, Trung Nguyên, kinh thành và Bắc Mãng, đều cần vương gia cân nhắc."
Từ Phượng Niên cười đáp:
"Vậy thì trước tiên nói về tin tức từ Lưu Châu."
Tống Động Minh gật đầu nói:
"Bên Phượng Tường quân trấn, nơi giáp Tây Vực nhất, vừa có tin báo khẩn cấp, Tào Ngụy và Tạ Tây Thùy đã tự ý thay đổi chiến lược cố định của đô hộ phủ, lựa chọn chủ động tấn công, muốn trong trận chiến ở miệng Mật Vân Sơn, một trận thành danh, nuốt trọn kỵ binh Chủng Đàn!"
Sắc mặt Từ Phượng Niên vẫn bình thường, đáp:
"Có lẽ là Lạn Đà Sơn không theo kỵ binh Chủng Đàn cùng khởi hành."
Tống Động Minh lo lắng nói:
"Dù thế, hai bên vẫn không chênh lệch bao nhiêu, liều chết đánh đổi như vậy chẳng phải trái với dự định ban đầu của Lưu Châu sao?"
Từ Phượng Niên lắc đầu nói:
"Nếu như trong trận chiến miệng Mật Vân Sơn này, chúng ta không thể tiêu diệt toàn bộ kỵ binh Chủng Đàn thì trận đánh này không còn ý nghĩa gì nữa, thậm chí có thể nói bọn họ liều lĩnh, khiến cả Lưu Châu rơi vào thế bị động lớn. Nhưng ngay cả Tạ Tây Thùy cũng chấp nhận mạo hiểm cùng Tào Ngụy, ta tin vào tầm nhìn của bọn họ."
Tống Động Minh thở dài một tiếng, cười khổ nói:
"Hai người này thật khiến người ta không thể an lòng."
Từ Phượng Niên cười đáp:
"Nhỡ đâu đánh thắng, có lẽ sẽ có bất ngờ."
Tống Động Minh hiểu rõ trong lòng, "Cũng đúng, nếu kỵ binh Chủng Đàn toàn quân bị tiêu diệt, có lẽ Lạn Đà Sơn sẽ phải suy nghĩ lại."
Từ Phượng Niên hỏi:
"Tin tức từ Trung Nguyên là gì? Có phải là do Ôn Thái Ất và Mã Trung Hiền lại gây khó dễ trong việc vận chuyển lương thực bằng đường thủy không?"
Tống Động Minh cười nói:
"Chuyện này không tính là gì quan trọng."
Từ Phượng Niên hơi ngạc nhiên:
"Lại còn có biến động lớn hơn thế sao?"
Tống Động Minh cùng Từ Phượng Niên sau khi ngồi xuống ở nghị sự đường, vị phó kinh lược sứ đạo Bắc Lương đã được Lại bộ triều đình Ly Dương gật đầu thừa nhận, ánh mắt suy tư nói:
"Vị Tĩnh An Vương Triệu Tuần vốn trung thành tuyệt đối với triều đình, lại vừa mới đầu quân vào hai vị phiên vương phản loạn."
Từ Phượng Niên sững sờ.
Tống Động Minh cười nhạo nói:
"Chờ thời cơ để bán, chiêu này thật đẹp mắt, ta đoán chừng vị phiên vương thức thời này đã bán mình với một cái giá trên trời."
Từ Phượng Niên thấy chuyện thật hoang đường, nhíu mày nói:
"Chẳng lẽ Triệu Bỉnh và Trần Chi Báo hai người muốn đẩy Triệu Tuần lên làm hoàng đế?"
Tống Động Minh cười nói:
"Vương gia nói trúng rồi!"
Từ Phượng Niên rơi vào trầm tư.
Nếu thêm vào Tĩnh An đạo nằm ở xương sống Trung Nguyên, cộng thêm Tây Thục Nam Chiếu đã bị Trần Chi Báo khống chế, vậy thì toàn bộ khu vực phía Nam Quảng Lăng Giang hoàn toàn hợp thành một khối, nửa giang sơn Ly Dương đã rơi vào tay ba phiên vương.
Vào thời điểm này, Yến Sắc Vương Triệu Bỉnh là người dẫn đầu khởi binh và có thực lực hùng hậu nhất, có vẻ là người thích hợp nhất đăng cơ xưng đế, đối kháng với chính thống Ly Dương, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, Triệu Bỉnh không hề thích hợp sớm thay long bào, dù Tống Ngọc Thụ trong phong chiếu thư kia có nói hoàng đế Ly Dương không ra gì, nhưng triều chính trên dưới, đặc biệt là sĩ tộc thiên hạ, mà Giang Nam đạo dẫn đầu vẫn một lòng hướng về Thái An Thành. Triệu Bỉnh không thích hợp làm chim đầu đàn, Trần Chi Báo danh không chính ngôn không thuận lại càng không thích hợp, vậy Tĩnh An Vương Triệu Tuần trở thành ứng cử viên bất đắc dĩ, hai cha con Triệu Hành Triệu Tuần, trong triều đình Ly Dương còn chưa thôn tính Trung Nguyên này, trên thực tế phù hợp với thân phận chính thống hơn nhiều so với Triệu Đôn Triệu Triện, lão Tĩnh An Vương Triệu Hành sau khi tranh đoạt ngôi vị thất bại bị "Sung quân" Thanh Châu, sở dĩ ôm hận sâu sắc cũng không phải là vô cớ, hiện tại triều Tường Phù, chỉ sợ không mấy quan viên biết được bí mật trước đây, trước khi ông của Triệu Triện đăng cơ, vì dòng dõi thuần thân vương không con, Tông nhân phủ đã đề nghị để Triệu Hành làm con thừa tự cho dòng thuần thân vương, chỉ là quá trình đăng cơ của ông Triệu Triện so với con trai Triệu Đôn còn gian nan hơn nhiều, tóm lại cuối cùng thân phận của Triệu Hành trở thành một mớ sổ sách rối tinh rối mù mà ngay cả lão nhân trong Tông nhân phủ cũng không nhớ rõ. Nhưng nếu bây giờ đem chuyện cũ này nhắc lại, quả là khéo không gì bằng, có thể nói đúng lúc.
Đối với chuyện Triệu Tuần một bước lên trời, Từ Phượng Niên lại không có chút ghen tị, chỉ cảm thấy buồn cười, nghĩ đến tên thế tập võng thế đáng thương trước sau hai lần bị mình ném xuống hồ Xuân Thần, vậy mà lại được mặc long bào ngồi lên ghế rồng ư?
Từ Phượng Niên thu lại suy nghĩ, "Trung Nguyên có loạn cũng chỉ đến thế thôi, à mà, Thái An Thành bên kia có động tĩnh gì không?"
Tống Động Minh theo thói quen dùng ngón cái và ngón trỏ vuốt ve chiếc khuyên tai ngọc đeo bên hông, cười nói:
"Mấy tên thái giám cầm quyền Ấn Thụ giám đều đã xuất phát, đang trên đường đến dịch trạm Bắc Lương, lĩnh một đống lớn thánh chỉ cáo sắc vừa ra lò."
Từ Phượng Niên buồn bực nói:
"Một đống lớn?"
Tống Động Minh buồn cười nói:
"Nếu không sao cần ba bốn hoạn quan Ấn Thụ giám đồng loạt xuất mã, trong đó quan trọng nhất là danh hiệu Đại Trụ quốc của ngươi, còn có truy phong cho các tướng lĩnh biên quân Bắc Lương như Lưu Ký Nô, Vương Linh Bảo, ví dụ như Thái An Thành truy phong Lưu Ký Nô làm nhất đẳng Bá tước, ban tước tên 'Khác tĩnh', ngoài ra chính là chuẩn bị cẩn thận cáo phong phụ thân cho hai vị tương lai vương phi Lục Thừa Yến, Vương Sơ Đông, đám hoạn quan Ấn Thụ giám kia sở dĩ đi chậm là muốn chờ ngươi thành thân để lấy Tam Hỉ Lâm Môn đặt cược. Từ đó có thể thấy, lần này thành ý của Thái An Thành khác một trời một vực so với hai lần trước."
Từ Phượng Niên rơi vào trầm tư.
Tống Động Minh không làm gián đoạn suy nghĩ của vị phiên vương trẻ tuổi.
Tống Động Minh yên lặng nhìn ra ngoài phòng, tâm trạng cũng thoải mái.
Cảm xúc lớn nhất của người thứ hai trong quan văn Bắc Lương là sự lên như diều gặp gió của Lô Thăng Tượng trong triều đình Ly Dương, người này có thể phong hầu bái tướng không phải do tên Xuân Tuyết Lâu xưa cũ này trên quan trường lão luyện mà là do tài năng quá cao, quân công đều có cả, nhưng thời cơ quật khởi của Lô Thăng Tượng đáng để suy ngẫm. Tin rằng bản thân Lô Thăng Tượng chưa chắc đã đắc ý vừa lòng như quan trường kinh thành tưởng tượng, mà còn bất an hơn lúc làm chủ soái nam chinh, khi đại thế nghiêng ngả mà chức vị cao, thì nên làm như thế nào? Có thể công thành thân lui? Lão Lương Vương Từ Kiêu ác thụy, lão thủ phụ Trương Cự Lộc bị xét nhà diệt tộc, chẳng lẽ không phải vết xe đổ? Hai đời hoàng đế Ly Dương trước Triệu Triện, trên hai long bào mỗi người đều có những vệt máu, một người anh minh Thần Võ, một người độ lượng khoan dung, nhưng không thể phủ nhận sự nhuốm máu nơi ống tay áo, hai vị hoàng đế tuyệt đối không phải là hôn quân giết người bừa bãi, nhưng một khi bọn họ muốn giết người thì từ trước đến nay đều là những người có công lao lớn nhất. Lô Thăng Tượng có lẽ lo lắng, mình sẽ trở thành vật tế khi tân quân Triệu Triện lên ngôi chăng?
Tống Động Minh cuối cùng đã hiểu rõ, làm quan trong triều Ly Dương không khó, Thái An Thành cho phép những người đọc sách tài đức như Tề Dương Long Hoàn Ôn, cho phép những kẻ mua danh chuộc tiếng như Ôn Thủ Nhân, Tấn Lan Đình, cho phép những kẻ một lòng công môn tu hành như Tư Mã Phác Hoa, nhưng lại không dung được những người đáy lòng kiên trì dân vì quý quân vì nhẹ, cũng không dung được những người lập công không thể phong.
Ly Dương và Trung Nguyên, vì Triệu gia làm quan thì dễ, còn làm việc vì dân thì chưa chắc.
Rất nhiều chuyện, cho dù hoàng đế, cũng sẽ bị cản trở đủ đường, năm xưa mắt xanh nhi quản lý thủy vận và tư lại, có lẽ bản thân là việc mà tiên đế Triệu Đôn muốn làm, nhưng thế lực phức tạp trăm năm bao quanh Triệu thất, hay tân quý mới lên nắm quyền trong triều đều có chỗ cầu, đều có tư tâm, như một tấm lưới lớn chằng chịt, che trời lấp đất, phủ lên bản đồ Trung Nguyên, trên tấm lưới lớn này, lại trộn lẫn những tình thế phức tạp khó lường, tranh đoạt quyền lực của hoàng quyền, tranh đoạt phe cánh, tranh chấp văn võ, tranh chấp sĩ tộc hàn tộc, tranh chấp khu vực Nam Bắc, tranh chấp kinh thành và địa phương, tranh chấp quân tử và tiểu nhân, trong mỗi nha môn lại có sự tranh đoạt giữa các vị trí cao thấp, giữa nha môn với nha môn lại có tranh chấp trong ngoài.
Vì vậy Tống Động Minh càng lúc càng thừa nhận Bắc Lương.
Ở nơi này, làm việc tương đối đơn giản. Nhưng lúc này đồng thời, Tống Động Minh cũng hiểu rõ, sự đơn giản đáng ngưỡng mộ này, nếu sau này Từ gia ở Bắc Lương không giới hạn ở đạo bốn châu thì cũng sẽ nhanh chóng biến chất.
Ví dụ như giữa hắn và Bạch Dục, giữa lục vương hai nhà "Ngoại thích", giữa những người trẻ tuổi như Từ Bắc Chỉ, Trần Tích Lượng và các lão tướng biên quân, giữa Hoàng Thường có danh vọng tốt và những kẻ tai tiếng như Hoàng Phủ Bình, Lí Mạch Phiên, giữa kỵ quân Bắc Lương và bộ quân, giữa các chi biên quân tinh nhuệ, vân vân.
Thậm chí có một ngày, mâu thuẫn sẽ xuất hiện giữa Từ Phượng Niên và "Mọi người".
Giờ phút này, Tống Động Minh trăm mối cảm xúc ngổn ngang.
Bên tai vang lên một giọng nói, "Tống đại nhân, bên Bắc Mãng có chuyện gì?"
Tống Động Minh hoàn hồn, cười nói:
"Vị quận chúa Bắc Mãng có biệt danh Phiền Bạch Nô từ Kế Châu vào quan, sau đó đến U Châu, tự báo danh hiệu với Hoàng Phủ Bình, sau cùng được kỵ quân Đồng Quan 'Hộ tống', đại khái hai ngày sau sẽ đến Thanh Lương Sơn."
Từ Phượng Niên ngạc nhiên nói:
"Nàng đến làm gì?"
Tống Động Minh lắc đầu nói:
"Ta cũng đoán không ra. Bất quá bên cạnh nàng mang theo mấy tùy tùng, đều là Khiếp Tiết vệ Bắc Đình vương trướng."
Từ Phượng Niên tự giễu nói:
"Bắc Lương khi nào trở nên náo nhiệt như vậy rồi."
Tống Động Minh thần thái rạng rỡ, phong mang bộc lộ, xòe bàn tay, sau đó nắm chặt, "Thiên hạ thuộc về ai, đều ở một ý niệm của Bắc Lương ta."
Từ Phượng Niên cười nói không lý do:
"Lời này, lúc Từ Kiêu còn sống thích nghe nhất đấy."
Tống Động Minh cười hỏi:
"Chẳng lẽ vương gia không thích?"
Từ Phượng Niên mỉm cười thẳng thắn nói:
"Trên đời này ai mà chẳng thích nghe người ta nịnh bợ."
Nói xong câu đó, vẻ mặt Từ Phượng Niên có chút cô đơn.
Sau khi Từ Kiêu công thành danh toại, khi ông dần dần già yếu, có lẽ điều hối tiếc duy nhất trong cuộc đời của ông chính là không được nghe con trai mình nói một lời hay với mình.
Giống như một câu cũng không có.
Bạn cần đăng nhập để bình luận