Cẩm Y Xuân Thu

Chương 621: Người chèo thuyền

Tề Ninh ôm Xích Đan Mị đến bờ sông, đến bên chiếc thuyền có mái che. Hắn gọi với vào phía trong khoang thuyền:
- Có ai không?
Mới đầu không có tiếng người trả lời. Hắn lại cất tiếng gọi thêm hai lần, chợt thấy mảnh vải rách che khoang thuyền được vén lên, ai đó ló đầu ra, nhìn về phía Tề Ninh, kêu lên thật to:
- Có người! Muốn qua sông à?
Tề Ninh không khách khí, nhảy lên đầu thuyền, bấy giờ người đó đã đi ra khỏi khoang thuyền, là một tráng hán khoảng chừng ba mươi bốn hoặc ba mươi lăm tuổi.
Nhìn thấy Tề Ninh ôm một người, gã dựng thẳng một ngón tay lên, nói:
- Hai người qua sông, ba mươi văn tiền.
Tề Ninh gật đầu, không nói gì, bước thẳng vào khoang thuyền.
Trong khoang hơi tối, có treo một chén đèn dầu. Ngoài trời mưa rất to, làm cho chiếc thuyền cũng lắc lư chao đảo theo, ngọn đèn dao động sáng bừng lên, hắt ánh sáng ra khắp khoang thuyền. Tề Ninh nhìn thấy trong khoang thuyền còn một người nữa, ngồi xổm trong một góc hẻo lánh. Bên cạnh người đó có một bếp lò nhỏ, trong lò đã nhóm lửa, một làn khói mỏng, không đủ làm người khác bị sặc. Người nọ đang phe phẩy một chiếc quạt rách để giữ cho lửa cháy đều, nghe thấy tiếng động khi Tề Ninh bước vào, quay đầu lại nhìn thoáng qua rồi gật đầu cười thân thiện.
Tề Ninh đoán chừng lão khoảng sáu mươi tuổi, có lẽ do quanh năm làm việc tay chân, cơ thể có vẻ khá rắn chắc. Hắn gật đầu đáp lại cái chào của lão. Lão hán thấy Tề Ninh ôm một người trong ngực thì khẽ chau đôi mày, hỏi:
- Bị bệnh à?
Tề Ninh gật đầu. Ông lão chỉ tay vào một chỗ ở bên cạnh, nói:
- Nếu không chê hãy nằm nghỉ ở đó một chút.
Nhìn theo tay ông lão, hắn nhìn thấy một tấm chăn cũ kỹ được trải ra trên sàn thuyền. Trong khoang thuyền tỏa ra mùi nấm mốc, cái chăn đã cũ lắm, có lẽ đã được dùng rất nhiều năm rồi. Nhưng lúc này không còn lựa chọn nào khác, Tề Ninh cẩn thận đặt Xích Đan Mị nằm lên tấm chăn. Lúc này Tề Ninh mới nhìn thấy sau khi khuôn mặt của nàng bị nước mưa táp vào, xuất hiện rất nhiều nếp gấp, phần lớn da mặt nàng vẫn vàng như nến, nhưng vài chỗ lại trắng nõn như tuyết.
Hắn hiểu. Trước khi Xích Đan Mị trà trộn vào trong cung đã dùng dịch dung sửa mặt, nhưng sau khi mặt nàng bị nước mưa thấm ướt, thuật dịch dung đã bị mất hiệu quả. Hắn đưa tay xoa khắp gương mặt của nàng, lần này hắn tẩy đi lớp dịch dung một cách dễ dàng.
Tay hắn lướt đến đâu, làn da trắng như tuyết lộ ra đến đấy. Ông lão vẫn ngồi quạt lửa bên bếp, không chú ý tới việc này.
Tề Ninh xé một mảnh áo làm khăn lau mặt cho Xích Đan Mị. Những mảnh vụn của lớp dịch dung bong ra khỏi mặt nàng, chỉ một thoáng sau, một gương mặt xinh đẹp tuyệt mỹ vô song liền hiện ra trước mặt hắn. Gương mặt phúc hậu xinh như một đóa quỳnh hoa, ngũ quan tinh xảo tuyệt mỹ nhưng làn da lại tái nhợt. Tề Ninh kiểm tra hơi thở nàng, thấy khá yếu.
Lòng hắn sầu lo. Sứ đoàn vẫn còn ở Lỗ thành. Dựa vào lời nói của Bạch Vũ Hạc, Xích Đan Mị có mười hai canh giờ để chạy thoát, nhưng với tình trạng của nàng hiện giờ, đừng nói là mười hai canh giờ, dù nàng có bảy mươi hai canh giờ cũng chẳng đi được bao xa. Hắn cũng không thể canh giữ bên cạnh Xích Đan Mị suốt cả mười hai canh giờ được.
Một cơn gió lạnh thổi ập đến.
Tráng hán vén rèm tiến vào, nói:
- Mưa to, gió thổi mạnh, mặt sông cũng dậy sóng lớn, giờ không phải lúc thích hợp để qua sông, mong khách nhân chờ chút nhé.
Tề Ninh hỏi:
- Nơi đây thuộc địa phương nào?
- Ngài không biết nơi này là nơi nào à?
Tráng hán suy nghĩ một hồi rồi cười xòa, nói:
- Thì ra mưa to quá nên hai người lạc đường. Đây là sông Kiều Thủy. Đi về hướng Bắc thêm một trăm dặm sẽ đến Lỗ Vương thành.
Phải chăng khách nhân muốn đến Lỗ Vương thành? Nếu thế thì hai người đi sai hướng rồi.
Thì ra dù không biết đường nhưng Tề Ninh cũng đã đi được trăm dặm. Với khoảng cách một trăm dặm, quân lính của Đông Tề không thể nhanh chóng đuổi kịp họ. Nghĩ vậy, hắn bớt căng thẳng, ngồi xuống một bên vách, tráng hán thì đến bên bếp lò. Tề Ninh quay đầu nhìn thoáng qua, thấy trên lò chỉ để một nồi sắt con con, hắn đoán đó là thứ hai người chèo thuyền dùng để nấu ăn.
Ông lão với tay lấy một túi nhỏ đặt gần đó. Lão lấy ra khỏi túi mấy khối muối ăn, mở nắp nồi ra bỏ vào, tiếp theo lão dùng thìa khuấy trong chốc lát rồi múc ra non nửa bát súp nhỏ đưa cho Tề Ninh, nói:
- Đây là cá tươi lão bắt dưới sông.
Bằng hữu của ngài bị bệnh, uống chút canh cá có lẽ sẽ khá hơn phần nào. Nếu khách nhân không chê, cũng húp chút canh cho ấm bụng.
Tề Ninh thấy cái nồi không lớn, không có nhiều nước canh, đó là lượng thức ăn vừa đủ cho hai người thuyền phu, đương nhiên mình không nên dùng ăn cùng họ.
Huống chi khi ra ngoài, lúc nào cũng cần phải cảnh giác đề phòng.
Thế là hắn cười, đáp:
- Xin đa tạ, hai vị cứ dùng tự nhiên đi.
Lão hán không nài ép, thu chiếc chén lại. Lão và tráng hán an vị bên chiếc nồi sắt dùng cơm. Bữa cơm của họ chỉ có canh cá, không còn món nào khác.
Tề Ninh buột miệng hỏi:
- Hai vị đang dùng cơm trưa à?
Lão hán gật đầu nói:
- Đúng thế. Hôm nay lão bắt được đấy. Ở sông không giống ở hồ, hơn nữa vào thời gian này cá sông rất thưa thớt, chẳng đánh bắt được mấy con cá.
Lão ta lắc đầu, thở dài:
- Nếu đổi lại lúc tuổi còn trẻ, năm nào cũng có thể phơi cá làm khô, sau khi bán đi một ít, trong nhà còn giữ lại được không ít.
- Sao thế? Cá sông ngày càng khó bắt à?
Tề Ninh hiếu kỳ hỏi.
Lão hán cười, nói:
- Cũng là một nguyên nhân, có điều…
Lão lắc đầu, nói:
- Mà thôi, không có gì, nghe khẩu âm của khách nhân, dường như không phải người vùng này?
Tề Ninh nói:
- Ta là người xứ khác, thường chu du khắp nơi nơi cùng bằng hữu.
Bằng hữu ta bệnh rồi, lại thêm lạc đường nữa.
- Thì ra là vậy.
Lão hán nói:
- Sau khi qua sông, ngài đi theo hướng Nam khoảng hai mươi dặm sẽ gặp môt rừng trúc, dễ nhận ra lắm. Chỗ đó có một ngôi miếu nhỏ, chỉ có hai hòa thượng. Lão hòa thượng y thuật rất cao minh, ngài đưa bằng hữu của mình ghé xem thử đi, có thể thuốc đến bệnh đi đó.
Tề Ninh vội nói:
- Đa tạ chỉ điểm.
Tráng hán uống canh rất nhanh, trong chớp mắt gã đã nuốt hết chén canh cá vào trong bụng, rồi không ăn thêm nữa. Lão hán nói với gã:
- Ăn thêm chén nữa đi.
Tráng hán lắc đầu nói:
- Ăn no rồi.
Gã đi qua xốc mảnh vải rèm che đằng sau thuyền lên. Bên ngoài mưa vẫn to, gió vẫn lớn, mưa to như trút nước trên boong thuyền.
Gã nhíu mày, nói:
- Trận mưa này xem chừng không tạnh nhanh được đâu. Khách nhân, thật có lỗi.
Tề Ninh biết rõ bây giờ không thể làm dược gì, lắc đầu nói:
- Trời không tốt cũng đành chịu thôi. Đúng rồi, vị lão ca này, ngày bình thường khách qua sông có nhiều không?
Tráng hán lắc đầu nói:
- Cũng không nhiều, kỳ thật đi về hướng Bắc hơn ba mươi dặm sẽ gặp quan đạo, người qua đường lui tới đều theo quan đạo mà đi, người đi đường này không nhiều lắm. Nghề chính của chúng tôi không phải là lái thuyền đưa khách sang sông. Thường thì chúng tôi sẽ ra sông đánh bắt ít cá để sống qua ngày, thi thoảng có khách muốn qua sông thì chúng tôi cũng đưa họ qua.
- Ở đây khó đánh được cá, sao hai người không chuyển đi nơi khác?
Tề Ninh hỏi:
- Hình như cuộc sống của phụ tử hai người ở đây không được sung túc lắm?
Tráng hán nói:
- Sung túc? Có được bữa cơm ăn là quý rồi.
Tráng hán ngồi xuống nói: - Chúng tôi không phải là cha con, đây là đại bá tôi, tôi là cháu của ông ấy.
- À?
Lão hán thở dài:
- Thực chẳng giấu gì ngài, ngày xưa cháu của tôi cũng có chút ít ruộng vườn, tài sản. Năm năm trước cường đạo làm loạn ở Thái Sơn, triều đình ban lệnh điều động trai tráng ở vùng lân cận Thái Sơn phải nhập ngũ làm dân phu vận chuyển lương thảo và xây dựng nơi trú quân. Đứa cháu này của tôi ở vùng phụ cận của Thái Sơn nên cũng bị điều đi. Đi hơn nửa năm thì triều đình diệt xong cường đạo, khi cháu tôi trở về thì người nhà và ruộng vườn, tài sản cũng không còn nữa.
Tề Ninh khẽ giật mình, ngạc nhiên nói:
- Vì sao lại như vậy?
Tráng hán cười mỉa, nói:
- Với cái cớ là tiêu diệt lũ phỉ Thái Sơn, triều đình tăng thuế, nếu ai nộp thuế không đúng hạn, sẽ bị bắt nhốt vào đại lao. Trong nhà tôi không có nhiều tiền bạc, chỉ có thể dùng vài mẫu đất cằn kia để thế chấp đổi chút ít tiền bạc. Trời không có mắt, năm đó đại hạn, hoa màu không thu hoạch được, nên ruộng đồng bị trưng thu hết sạch, trong nhà còn lại mấy người cũng không còn một hạt cơm để ăn. Họ đều chết đói cả rồi… Nói đến đây, hai tay gã nắm chặt lại, đôi mắt tràn ngập nỗi thống khổ sau đó chuyển sang uất hận lạ thường.
- Quê quán thành ra như thế, nó đành tìm tới nương nhờ lão.
Lão hán lắc đầu:
- Lúc trước lão cũng có con trai theo lão đi bắt cá, lúc nào nó cũng ở bên cạnh lão, nhưng mấy năm trước nó bị trưng binh rồi. Đi một cái là bặt vô âm tín luôn.
Dừng một chút, ông lão thở dài:
- Đông Tề là một nước nhỏ, mỗi miếng đất, ngọn đồi, con sông đều có chủ. Những nơi nước đẹp cá nhiều sao tới lượt chúng tôi, chỉ có thể ở tạm nơi quãng sông vắng không ai quản để kiếm miếng cơm ăn.
Lão uống cạn chén nước canh rồi thở dài, nói:
- Nếu Tiên đế còn sống thì đâu đến nổi này.
- Tiên đế?
Tề Ninh khẽ giật mình. có vẻ lão hán cảm thấy mình đã nói khá nhiều rồi, nên khoát tay cười nói:
- Không có gì, không có gì đâu, lão lại nói bậy rồi, khách nhân đừng tin là thật.
Tráng hán lại nhịn không nổi, buột miệng:
- Đại bá, sự thật là như vậy mà, cháu còn nhớ rõ lúc tuổi còn trẻ, chúng ta đều có thể ăn no mặc ấm, ở nhà mình cũng có vài ba mẫu đất để gieo trồng, không đến mức ăn đói mặc rách như bây giờ!
Tráng hán cười khổ, rồi nói tiếp:
- Giờ thì mỗi ngày một sa sút đi, hôm nay còn có thể ăn canh, chỉ sợ ngày mai súp cũng không có để uống nữa.
Tề Ninh liếc nhìn Xích Đan Mị, thấy trên gương mặt nàng khôi phục một chút sắc máu, hắn thấy yên tâm hơn, lại hỏi tiếp:
- Hẳn là Hoàng đế hiện tại không bằng Tiên hoàng?
- Hoàng đế hiện tại ư?
Tráng hán hừ lạnh một tiếng, hé miệng như muốn nói gì đó. Ông lão thấy thế, liền quắc mắt khiến cho tráng hán muốn nói lại ngậm miệng lại. Tuy vậy dường như gã vẫn sầu muộn lắm, tráng hán nhịn không được lại ném ra một câu nói:
- Chớ nói chi Tiên hoàng, đến Thái tử bị phế còn tốt hơn ông ta nhiều!
- Thái tử bị phế?
Tề Ninh khẽ giật mình, nhưng tráng hán không nói thêm lời nào.
Tề Ninh biết hai người này đang đề phòng mình, lập tức cười nói:
- Hai vị không cần lo lắng, bên ngoài mưa to gió lớn, chúng ta cứ xem như đang nói vài câu bông đùa thôi. Ta là người xứ khác, lại có nghe nói Hoàng thượng nước Tề hình như chẳng ra thể thống gì cả, vì nếu thật là một vị hoàng đế tốt, trong nước cũng không thường xuyên có người làm loạn.
Tráng hán cười nói:
- Không ngờ ngài cũng là người biết chuyện. Ngài nói không sai, nghe nói đầu lĩnh làm loạn Thái Sơn là người bên cạnh Thái tử bị phế năm xưa. Hắn ta dẫn người tạo phản, nghe đâu là để báo thù cho Thái tử bị phế, năm xưa chính người trong Hoàng cung đó đã hại chết Thái tử bị phế.
Tề Ninh có chút mơ hồ, hỏi:
- Lão ca, Thái tử bị phế mà huynh nói là người ra sao? Là Hoàng tử của đương kim Quốc quân Đông Tề sao? Ta nghe nói Quốc quân Đông Tề có hai nam ba nữ, mới sắc lập Thái tử cách đây không lâu, chẳng lẽ trước đây có Thái tử khác à?
Lão hán ngồi bên cạnh buồng nhỏ trên thuyền, lắc đầu đáp:
- Thái tử bị phế không phải Hoàng tử của Quốc quân, mà là huynh đệ của Quốc quân.
Lão hán trầm ngâm một chút rồi nói:
- Lão đi thuyền nhiều năm, gặp gỡ nhiều người, cũng nghe được phong phanh. Tiên hoàng có hai vị Hoàng tử, đương kim Quốc Quân chính là Nhị Hoàng tử. Trước lão, Tiên hoàng vốn đã lập một vị Hoàng thái tử, nhưng hơn hai mươi năm trước, vị Hoàng Thái tử kia bỗng nhiên tạo phản. Lão nghe họ nói, Thái tử bị phế còn đem theo quân lính nơi xung yếu đánh vào Hoàng cung, nhưng bị Tiên hoàng phát giác từ trước, thế là Thái tử bị bắt. Sau khi phế Thái tử, mấy tháng sau Tiên hoàng băng hà. Trước lúc băng hà người đã truyền ngôi cho Nhị Hoàng tử, chính là Quốc quân hiện giờ. Thái tử bị phế về sau sống chết như thế nào thì lão không biết.
Thank You to Phương Linh For This Useful

Bạn cần đăng nhập để bình luận