Làm Công Tiên Tri

Chương 94: Gạch đỏ

So với việc rèn đúc sắt thép, kỹ thuật đốt gạch đơn giản hơn nhiều, cơ bản thuộc loại có tay là làm được. Tương tự, những nền văn minh phát triển kỹ thuật làm gốm đều sẽ tiện thể học được cách đốt gạch, tiến xa hơn có thể phát triển việc chế tạo men hoặc thủy tinh. Có thể khác với ấn tượng của nhiều người, lịch sử của thủy tinh vô cùng lâu đời. Không tính đến việc sét đánh xuống sa mạc, làm tan chảy cát tạo ra các trụ thủy tinh tự nhiên (còn gọi là thạch quản silic hoặc dung nham sét đánh, loại thủy tinh này vì lẫn nhiều tạp chất nên nhìn đen sì như than cốc, ngoài việc đem ra hù dọa thì chẳng có tác dụng gì khác). Lịch sử tạo ra thủy tinh nhân tạo sớm nhất của nhân loại có thể truy ngược về thời cổ đại Ai Cập và Hy Lạp trước công nguyên, tất nhiên, người cuối cùng đưa thủy tinh đạt tới đỉnh cao lại là La Mã. Người La Mã phát minh ra gương kính bằng cách tráng vàng lên sau tấm thủy tinh, ngoài ra còn nắm giữ các công nghệ phức tạp hơn như thổi, tạo hình, cắt, khắc, cuốn sợi,... thậm chí có thể chế tạo các dụng cụ thủy tinh thành mỏng tinh xảo (chỉ là bên trong hơi nhiều bọt khí). Nhưng sau khi đế chế La Mã sụp đổ, kỹ thuật thủy tinh của họ dần thất truyền, thời Trung cổ châu Âu thậm chí chỉ còn lại công nghệ khảm thủy tinh màu. Ngược lại, các đế quốc phương Đông thời đó đã phát triển về kỹ thuật vật liệu vượt trước thế giới gần một nghìn năm, nhưng có lẽ vì quá cuồng đồ sứ, mà kỹ thuật thủy tinh ở Trung Quốc lại chậm chạp không phát triển được. Mãi đến thế kỷ 19, người phương Đông gần như không thể nhìn thấy bóng dáng thủy tinh trong cuộc sống hàng ngày, do đó bỏ lỡ phát minh ra kính viễn vọng và kính hiển vi. Còn tại đại lục Bratis thì tình hình phức tạp hơn một chút, nghe nói bí mật chế tạo thủy tinh bị tinh linh nắm giữ. Các tinh linh tuyên bố kỹ nghệ này là quà tặng của rừng rậm và Mẫu Thần Sinh Mệnh ban cho tộc tinh linh, bọn họ có thể dùng loại vật liệu mỏng trong suốt này để chế tạo các loại dụng cụ xa hoa lộng lẫy. Thậm chí có lời đồn rằng, trong rừng sâu có cất giấu một tòa cung điện trong suốt hoàn toàn bằng thủy tinh. Lý Du có thái độ hoài nghi về cách nói này, bởi vì thủy tinh có khả năng chống va đập quá kém, xây một phòng kính cũng không an toàn, nói gì đến cả một cung điện. Nhưng nhờ đó mà thấy được, công nghệ thủy tinh mà các tinh linh nắm giữ chắc sẽ không tệ, có khi so được với người La Mã cổ. Nói chuyện hơi xa rồi, quay lại chuyện đốt gạch. Đế quốc Hồng Sư dù không hiểu rõ bí mật sản xuất thủy tinh của tinh linh, nhưng gạch thì vẫn đốt được, chỉ là Lý Du nghe ngóng mới biết, chỉ có một vài khu vực nhỏ ở ven biển phía nam mới có lò gạch rải rác. Chung quy lại, thứ gạch đá này, các quý tộc trong đế quốc không để vào mắt, họ thường thích những tòa thành đá có khả năng phòng ngự cao hơn, vẻ ngoài rộng lớn hơn, dù chi phí xây thành đá đắt hơn gạch nhiều, chỉ riêng việc khai thác đá, gia công và vận chuyển cũng đã tốn một lượng lớn tiền vàng. Còn dân thường thì có thể thích, nhưng lại không đủ khả năng. Cho dù chi phí đốt gạch không cao, nguyên liệu đất sét lại dễ kiếm, ở đâu cũng có. Đối với phần lớn quý tộc mà nói, bất kể là dân tự do hay nông nô cũng đều chỉ là công cụ sản xuất đơn thuần, chỉ cần đảm bảo điều kiện sinh tồn cơ bản nhất, không để bọn hắn bị chết đói hay chết cóng là được, cho nên thuế của lãnh địa thường rất cao. Thêm vào đó các loại lao dịch, tỉ như mỗi người mỗi năm cần phải cày cấy một số đất đai cho lãnh chúa, xây dựng hoặc sửa chữa thành trì, nghĩa vụ quân sự, và những phí tổn lặt vặt khác, ví dụ như phí sử dụng lò bánh mì và giếng nước, phí giao phối lợn đực, tiền cưới hỏi ma chay vân vân. Cuối cùng số tiền thực tế rơi vào tay nông hộ lại càng ít. Ngoài ra, chiến loạn và trộm cướp hoành hành cũng là một yếu tố không thể xem nhẹ, vất vả lắm mới dựng được nhà gạch nếu bị người phóng hỏa thiêu rụi hoặc bị phá đổ, thiệt hại rất lớn. Vậy chi bằng nhà tranh vách đất thông thường xây lại còn tiện hơn. Vì thế mà gạch xây tại đế quốc Hồng Sư tự nhiên khó mà phát triển được, thực tế thì nếu Lý Du không nhớ nhầm, nơi vũ trụ hắn từng sống thì mãi đến thế kỷ XII, gạch ngói mới bắt đầu dần nhiều lên ở châu Âu. Lý Du đương nhiên không có hứng thú chờ lâu như vậy. Ở giai đoạn hiện tại, chi phí xây dựng bằng bê tông cốt thép còn quá cao, Lý Du đành phải từ bỏ, nhưng xây vài cái lò gạch thì hắn hoàn toàn có thể làm được. Hơn nữa đất phong của gia tộc Thỏ tiểu thư tuy hoang vu, nhưng không phải là hoàn toàn không có ưu điểm, ít nhất thì chiến sự không dễ dàng lan đến đây. Dù sao thì đánh nhau cũng cần phải có lý do, vùng Lục Dã vốn không có gì đặc biệt, căn bản không đáng để ai đó điều động đại quân, dù đánh thắng cũng chỉ có thể đoạt chút cà rốt về. Gọi đó là khải hoàn thì tự mình nghe cũng thấy xấu hổ. Trước đây phiền toái lớn nhất trên vùng đất này là những tên cường đạo người thằn lằn sống trong đầm lầy, còn giờ những người thằn lằn này đã bị Lý Du chiêu an, bọn hắn không đi cướp người khác là tốt rồi, xung quanh cũng chẳng ai dám trêu vào họ. Xem ra, chi phí xây lại nhà cửa không cần quá lo lắng. Vấn đề duy nhất là Lý Du không thể trực tiếp chiêu mộ những thợ làm gạch ở Tây Cảnh đến đây. Mà phía nam lại quá xa, dù thợ thủ công đồng ý đến xây lò gạch cho hắn, thì nhanh nhất cũng phải hai tháng sau mới tới, đó là còn phải Lý Du đưa ra mức giá không thể từ chối, thì họ mới bằng lòng rời bỏ quê hương, lặn lội một đường đến lãnh địa của gia tộc Arias. Lý Du tuy có tiền, nhưng sau này còn cần rất nhiều tiền để tiêu, hắn không muốn tiêu xài như thế, hơn nữa cũng không muốn phải chờ lâu, nên dứt khoát tự mình động thủ xây lò gạch. Chẳng khác gì con chuột trong trò chơi, chỉ cần một cú click là có thể mở khóa được kỹ thuật mới. Còn trong hiện thực, để phát minh một kỹ thuật, dù chỉ là kỹ thuật đã có, mà còn đưa nó đến mức có thể dùng được thì chẳng dễ dàng gì. Cũng may Lý Du đã có sự chuẩn bị tâm lý, sau khi đặt ra kế hoạch xây dựng, hắn liền bỏ ra tinh thần như khi viết luận văn, bắt đầu tìm kiếm tư liệu trên mạng, học hỏi các yêu cầu kỹ thuật, còn mượn sách trong thư viện đọc mấy quyển sách liên quan. Đến khi thực hành, Lý Du lại mua một ít công cụ thiết bị trên trang 1688, bao gồm nhưng không giới hạn như là nhiệt kế đo nhiệt độ lò gạch, khuôn đúc gạch tiêu chuẩn vân vân. Hắn thậm chí còn tìm cách tháo rời từng bộ phận để mang lậu một chiếc máy ép gạch thủ công cỡ nhỏ đến Bratis, nhờ đó mà tốc độ làm gạch được tăng lên đáng kể. Dù vậy, phải mất ba tuần thời gian ngoài đời, tức khoảng hai tháng ở đại lục Bratis, Lý Du mới đốt được những viên gạch tạm gọi là hài lòng. Nhưng nhìn một hàng gạch đỏ đều tăm tắp, vuông vắn ngay ngắn, Lý Du vẫn cảm thấy quãng thời gian này vất vả không uổng phí. Tiếp theo là mở rộng quy mô lò gạch, Lý Du dự định nâng sản lượng gạch lên đến 50.000 viên mỗi ngày, con số này không sai biệt lắm sẽ đủ cho việc xây dựng sau này.
Bạn cần đăng nhập để bình luận