Như Ý Tiểu Lang Quân

Chương 67: Sách luận khó khăn

Chương 67: Sách luận khó khăn
Bành Sâm từ bên ngoài đi tới, Đường Yêu Yêu liền vội vàng chạy tới, hỏi: "Thế nào, lần này hắn thứ mấy?"
Bành Sâm liếc Đường Ninh một cái, nhàn nhạt nói: "Giáp bảng thứ nhất."
Đường Ninh chú ý thấy ánh mắt Bành Sâm nhìn hắn rất không đúng, lần trước hắn thấy đám cầm thú chơi gái không trả tiền bị bắt vào nha môn cũng có ánh mắt này.
Hắn không phải cầm thú, hắn chỉ là đứng trên vai cầm thú.
Ôn Đình Quân là thủy tổ phái Hoa Gian, nhân vật khai sơn quái của Hoa Gian, là nam nhân nhưng viết khuê tình còn hay hơn cả nữ nhi, ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với từ đàn, tác phẩm đỉnh cao của hắn, sao có thể bình thường?
Nam nhân viết khuê tình hơn tuyệt đại đa số nữ nhi, đây mới đúng là cầm thú.
Vu Khiêm là tể tướng cứu quốc thời nhà Minh, có thể làm tể tướng thì đâu có phải hạng tầm thường, bài « Thạch Hôi Ngâm » này là bài thơ nổi danh nhất của ông, cũng là tín điều cả đời mà ông tuân theo. Đây mới thực là người khổng lồ, Đường Ninh chỉ là được hưởng hào quang của người khổng lồ này mà thôi.
Cho nên hắn thi châu trận thứ hai được thứ nhất, cũng không có gì vẻ vang bên ngoài cả.
Đường Yêu Yêu ngoài bất ngờ còn có cao hứng. Hai bảng đều nhất, nàng phát hiện Đường Ninh không có ngốc như nàng tưởng, có cơ hội phải hỏi Tiểu Như xem, trước đây hắn có thông minh vậy không, lẽ nào một quả tú cầu của nàng đã đập cho hắn khai khiếu?
Trên bàn cơm, nhạc phụ đại nhân hiếm thấy uống thêm mấy chén.
"Thi châu chỉ còn một trận cuối cùng..." Ông nhấp một ngụm rượu, nói: "Tuy nói triều đình những năm này dần dần coi trọng sách luận, lấy sách luận chọn người, nhưng hai trận đầu con song bảng đứng nhất, chỉ cần trận sau biểu hiện không sai, lần thi châu này con đã chắc mười phần."
Ba trận thi châu, tuy nói là thi theo vòng loại, nhưng hai trận đã thi xong rồi, cũng không chỉ có tác dụng loại bỏ.
Sau khi trận thứ ba kết thúc, giám khảo sẽ xem xét tổng hợp thành tích hai trận trước để xác định thứ tự cuối cùng, tất nhiên, đây là khi cả hai đều thể hiện sách luận tương đương, không có cách nào lấy bỏ mới dùng đến biện pháp này.
Đương nhiên, từ xưa tới nay, người có thể đoạt ngôi đầu trong hai trận trước đều là nhân tài trong số nhân tài, gần như không có ai bị gãy gánh ở trận thứ ba, tiếc là mọi chuyện đều có ngoại lệ.
Đường Ninh chính là ngoại lệ kia.
Tuy Bát Cổ văn còn chưa xuất hiện, nhưng khoa khảo đã có chương pháp cùng khuôn mẫu được mọi người quen thuộc, còn về chương pháp và khuôn mẫu của sách luận thì đến bây giờ hắn vẫn chưa học được.
Hai trận đầu nhất bảng, nếu trận thứ ba rớt thì coi như là quá mất mặt rồi, còn không bằng biểu hiện xoàng xoàng ở hai trận trước...
Hay là nên tranh thủ thời gian nịnh bợ Phương Tiểu Bàn một phen...
Nghĩ lại thì thôi đi, có hack là đủ rồi, nếu lại còn mua chuộc cả giám khảo...làm người vẫn nên có giới hạn cuối cùng.
Hắn còn hai ngày cuối cùng để mà đột kích trước khi thi.
Xem vô số các đề tài sách luận, Đường Ninh cũng dần dần ý thức được một vài điều.
Bát Cổ văn nuôi dưỡng một đám người đọc sách tư tưởng xơ cứng, không biết biến báo, dẫn chế độ khoa cử tuyển sĩ đi vào đường cùng, tuy thời điểm này Bát Cổ văn còn chưa xuất hiện, nhưng khoa cử của Trần quốc đã xuất hiện một vài hình thức cố định và lối mòn, hay nói cách khác là những lối rẽ khác với người xưa.
Sách luận trước đây, thí sinh có thể châm biếm thói xấu của thời thế, nói thoải mái, thậm chí có thể vạch ra những thiếu sót của triều đình và quân vương mà không bị xử tội.
Nhưng khoa cử ở đây, dù là hỏi về sách gì thì trước cũng phải dẫn ra vài câu của Thánh Nhân, ca tụng công tích vĩ đại của các bậc tiên hiền thời xưa, sau đó ca ngợi quân chủ đương triều anh minh thần võ, cuối cùng thể hiện một chút trung tâm, hết lòng muốn phò tá thánh thượng, làm nên nghiệp lớn, còn sách luận thực sự thì đa phần đều chỉ là lời sáo rỗng và khách khí...
Từ trên xuống dưới, nghe thì nói rất nhiều nhưng thực chất là không nói gì, văn chương thì hoa mỹ đến cực điểm, nào là chi, hồ, giả, dã...
Nói có hơi chua, vì Đường Ninh căn bản không viết ra được nhiều chi, hồ, giả, dã như vậy, cũng không dẫn được các bậc tiên hiền xa xưa tới vậy...
Xem thêm một lúc nữa, hắn liền trực tiếp đi rửa mặt rồi ngủ, ngày mai là trận cuối cùng, sau ngày mai có lẽ phải thư giãn một chút, ngủ liền mấy giấc ngon lành.
...
Trận thi cuối cùng của thi châu, Chung Ý cùng Tiểu Như đưa Đường Ninh đến bên ngoài trường thi, lúc hắn đi đến cửa, quay người lại vẫy tay với các nàng.
Tô Như thở phào nhẹ nhõm, mỉm cười nói: "Thi xong trận này là kết thúc thi châu rồi, ca Tiểu Ninh cũng không cần khổ cực nữa."
Đường Yêu Yêu nghĩ một lát, hỏi: "Nếu hắn trận này vẫn đứng nhất thì là cái gì vậy?"
"Giải nguyên." Chung Ý khẽ nói, nhưng trên mặt lại hiện lên một tia lo lắng.
Trận đầu hắn có thể đứng đầu bảng là do hắn tinh thông đủ loại sách, trận thứ hai thì vì hắn vốn giỏi thơ từ, nhưng còn trận thứ ba là sách luận... Chung Ý hết sức rõ ràng trong lòng, văn chương sách luận không phải sở trường của hắn.
Sách luận chính là trận quan trọng nhất trong ba trận, muốn trở thành giải nguyên thì đâu dễ như vậy?
Đường Ninh ngồi trong phòng thi, tâm tình hết sức bình tĩnh.
Giải nguyên hay không hắn thực sự không để ý, nếu không phải là vì không để cho Tiểu Như buồn, không làm Chung Ý thất vọng, không để cha vợ mẹ vợ phát hiện hắn là một con cá ươn thì có lẽ bây giờ hắn đã đang nghĩ xem làm sao phát tài rồi, chứ không phải ngồi đây làm bài thi.
Sau tiếng chiêng vang, rất nhanh đã có sai dịch phát đề và giấy nháp xuống.
Sách luận chung có ba đề, đề mục đều ở trong vòng năm chữ, thí sinh xoay quanh đề mục đưa ra kiến giải hoặc đối sách của mình.
Thật ra thì cũng là nghị luận ba nghìn chữ mỗi ngày, mỗi nghìn chữ tả hữu, một nghìn chữ văn đối với Đường Ninh chỉ là chút lòng thành, nhưng nếu để hắn viết bằng cổ văn, lại còn phải văn hay ý đẹp, toàn chi, hồ, giả, dã thì ba ngày hắn cũng không viết nổi.
Trận sách luận này với hắn mà nói khá gian nan.
Hắn lật đề, đề đầu tiên chỉ có bốn chữ.
Trị thủy phương lược.
Đề đầu tiên hỏi về cách trị thủy.
Đề tài của sách luận thông thường rất đơn giản, đề tài thi châu lần trước là “Thông cách quan tệ”, “Trù bị quân tiền”, “Chỉnh đốn doanh ngũ”, mỗi năm đề thi cũng khác nhau thường sẽ móc nối với thời sự.
Quản lý lũ lụt sớm nhất có thể truy nguyên đến thời Tam Hoàng Ngũ Đế, Đại Vũ trị thủy.
Trị thủy phải xem xét tình hình thực tế của từng khu vực khác nhau, Đường Ninh không hiểu rõ kỹ lưỡng về phương lược trị thủy thời này, nhưng tư tưởng đại khái là biến chặn thành khơi, kiến thức hạn hẹp, họ vẫn chưa đóng khung trong các lý niệm trị thủy tổng hợp hiện đại.
Đường Ninh không phải chuyên ngành thủy lợi, có hiểu biết về nó, nhưng cũng không tinh thông.
Hắn không thể trực tiếp viết, trước viết vào giấy nháp "nạo vét", "cắt cong lấy thẳng", "sửa trị sông ngòi", "trồng cây gây rừng", sau khi trình bày cụ thể cái lợi và cái hại mới nghĩ xem phải tổ chức ngôn ngữ như thế nào, để có thể trở thành văn chương.
Sau khi viết xong đề này thì có tiếng chiêng vang lên, chứng tỏ thời gian đã trôi qua ít nhất hai tiếng rồi.
Hắn tùy tiện ăn vài miếng, lấp đầy bao tử, sau đó liền nhìn đề tiếp theo.
Khi thấy đề này, hắn thoáng thở phào một hơi, đề này là để thí sinh trình bày cách khống chế tình hình bệnh dịch.
Đây không phải một đề về y học, với một quan địa phương, dù không hiểu Y đạo cũng phải biết nên ứng phó thế nào với loại tình huống đột phát này.
Ý nghĩa của đề này đại khái là nếu ngươi là một huyện lệnh, khi ở khu vực quản hạt của mình phát sinh tình hình bệnh dịch thì nên làm gì để có thể khống chế, mới có thể giảm thương vong đến mức nhỏ nhất...
Đề này không hỏi về trị mà hỏi về phòng, về đề tài này thì hắn đã có trao đổi sâu sắc với Tôn thần y.
Chú trọng nguồn nước, uống nhiều nước ấm, thường ngày phổ cập thêm kiến thức y học thường thức, phòng ngừa tình hình bệnh dịch phát sinh, một khi bệnh dịch đã phát sinh thì phải kịp thời cách ly, chú ý khử trùng, an táng thỏa đáng người chết…
Hai đề đã ngốn hết gần hai canh giờ, thời gian vẫn còn kịp, Đường Ninh nhìn vào đề mục thứ ba, một tay xoa cổ tay, một tay vừa suy nghĩ.
Đề cuối cùng là về cái gì nên xem trọng trong hình phạt và giáo hóa, cái gì nên xem nhẹ.
Về bản chất là hỏi giữa theo luật trị quốc và lấy đức trị quốc thì cái nào quan trọng hơn.
Cần phải kết hợp tình hình thực tế mà trả lời, loạn thế dùng trọng hình, thái bình thịnh thế thì đề xướng "Đức chủ hình phụ", mấy năm nay Trần quốc tương đối ổn định, thanh trừng ác quan, giảm bớt hình phạt, nghiêm cấm dùng nhục hình...từ một loạt động thái này có thể thấy có vẻ sẽ nghiêng về vế sau, đón theo ý này sẽ không sai sót gì lớn.
Đường Ninh đại khái đáp là đức trị và pháp trị nên hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy, viết xong phát hiện số chữ quá ít, dù sao hắn không dẫn ra các bậc tiên hiền, lại không ca ngợi quân vương, số chữ vẫn thiếu nhiều...
Cực chẳng đã, hắn đành phải lại lôi ra cả ưu điểm và tai hại của hai bên, phải nắm chắc tiêu chuẩn như thế nào, nên cải tiến thế nào, và còn chi tiết nào cần đặc biệt chú ý...
Tiếng chiêng nhắc nhở nộp bài đã vang lên từ lâu, Đường Ninh chép xong bản nháp, khi thu dọn đồ đạc thì đã có sai dịch đến thanh tràng.
Hắn đi ra khỏi trường thi, xung quanh chỉ còn lại lác đác vài thí sinh, chẳng qua lần này không phải là do hắn ra sớm, mà là đa phần thí sinh đã làm xong bài và rời đi hết rồi...
Đi ra khỏi trường thi, từ xa đã thấy bốn bóng người đang đợi phía xa.
Bạn cần đăng nhập để bình luận