Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 35: Lòng tham vô đáy

Hai anh em vô thức đánh mắt sang nhìn nhau, do dự giây lát rồi cuối cùng cũng quyết định đuổi theo. Đi mãi đi mãi, vòng vèo len qua hết bụi cây này tới lùm cây khác, ước chừng chục phút sau bạch hồ mới dừng lại, hai anh em cũng lập tức thả chậm bước chân. Ngay khi còn đang ngơ ngác không hiểu đây là đâu thì họ gần như chết sững bởi cảnh tượng trước mắt. Trước một hang động nhỏ ẩn khuất sau gốc cây cổ thụ sừng sững, có một con hồ ly đen tuyền nằm thoi thóp trên mặt đất, hình như nó đang bị thương khá nặng. Nhìn miệng vết thương thì có vẻ là do chó sói gây ra.

Anh hai Hạ sốt sắng đứng ra giúp đỡ, anh chủ động ngồi xuống bụm lấy miệng vết thương rồi rối rít chỉ huy cậu ba Trần, người có chút ít kiến thức về y thuật đi xung quanh tìm thảo dược.

Sau khi xử lý cầm máu và băng bó thật cẩn thận, hai anh em tính đứng dậy ra về thì bỗng nhiên bạch hồ từ đâu chạy tới, trên miệng ngậm hai con gà rừng, thả xuống trước mặt họ thay cho lời cảm ơn.

Thế là mỗi người xách một con gà phấn khởi quay trở về thôn nhà mình. Tuy nhiên trước sự việc ly kỳ có một không hai này, từng người lại có thái độ và cách nhìn nhận khác nhau. Trong khi cậu ba Trần hoàn toàn giữ bí mật, không hề nhắc tới nhắc lui nửa lời thì anh hai Hạ chẳng thể nào ngừng suy nghĩ vẩn vơ. Anh cảm thấy hồ ly quá thông minh, quá có nhân tính, nếu khống chế được nó trong tay thì từ giờ về sau Hạ gia khỏi cần lo lắng chuyện thiếu thốn thực phẩm, muốn bao nhiêu gà rừng, dã thú đều được hết.

Nghĩ là làm, ngay đêm hôm ấy, anh hai Hạ liền kéo theo anh em rồi cả cháu chắt Hạ gia, âm thầm lẻn lên núi. Mò mẫm theo trí nhớ, cuối cùng anh ta cũng tìm được tới động hồ ly. Lúc này, bạch hồ đã ra ngoài săn mồi nên trong ổ chỉ còn lại hắc hồ đang bị trọng thương cùng đám hồ ly con lít nha lít nhít.

Nhóm người Hạ gia nhanh chóng bắt trọn cả ổ. Không những vậy bọn họ còn dùng dây vải cột chặt miệng mấy con hồ ly nhỏ để tránh tụi nó kêu la ầm ĩ.

Lần theo hơi thở chồng con, bạch hồ nhanh chóng tìm tới Hạ gia. Chỉ chờ có vậy, anh hai Hạ lập tức đưa ra yêu cầu, nếu nó chịu cống nạp đủ thịt thú rừng thì tự khắc họ sẽ thả hắc hồ cùng lũ hồ ly con ra.

Bạch hồ tuy có nhân tính nhưng lại chưa đủ tu vi để hoá thành người. Thế nên vì chồng vì con nó đành phải răm rắp làm theo yêu sách của đối phương. Nó lao đi tìm kiếm con mồi ở khắp nơi, không quản ngày đêm cũng chẳng màng hiểm nguy, gian khổ. Tận tới tối mịt, bạch hồ mới mệt mỏi tha chiến lợi phẩm quay trở về Hạ gia.

Nhìn đống thú rừng chất đầy trước mắt, người nhà họ Hạ sung sướng phát điên. Thế nhưng bản chất con người vốn vậy, luôn được voi đòi tiên, đã có một ắt sẽ muốn hai. Thành ra bọn chúng bắt đầu lật lọng, chỉ thả ra đúng một con tiểu hồ ly và nói “Từng đấy chỉ có thể giải cứu một đứa, nếu muốn cứu hết thì phải mang về đây gấp mấy lần chỗ này nữa.”

Biết vợ bị lừa, hắc hồ phẫn nộ vô cùng, nó vùng vẫy xé tan dây trói tính thoát thân nhưng còn chưa kịp lao ra thì đã bị người nhà Hạ gia vung dao chém một phát đứt đầu.

Chứng kiến cái chết đầy thương tâm của chồng, bạch hồ trốn vào núi khóc vang ba ngày ba đêm không dứt.

Nghe tiếng kêu dị thường, cậu ba Trần sốt ruột, vội vã chạy lên núi Thanh Sơn ứng cứu vì cứ nghĩ rằng vết thương của hắc hồ chuyển biến xấu. Thậm chí dọc đường lên núi cậu còn cố tình hái theo rất nhiều thảo dược. Tuy nhiên khi vừa tới nơi, còn chưa kịp mở miệng hỏi câu nào thì đã bị bạch hồ lau đến cắn đứt một ngón tay…

Như để chứng minh cho lời nói của mình, cụ Trần trực tiếp xòe bàn tay trái đã bị cụt mất ngón út tới trước mặt Văn Trạch Tài.

Kế đó, ông lại trầm ngâm kể tiếp….

Trong cơn giận dữ điên cuồng chuẩn bị xé xác đối phương thành trăm nghìn mảnh thì bạch hồ chợt nhìn thấy sọt thảo dược đổ kềnh trên mặt đất. Nó bất thình lình khựng lại, kinh ngạc và hốt hoảng vô cùng vì biết mình đã trót trách lầm người tốt. Nhưng tiếc thay mọi thứ đã quá muộn. Giờ đây, bạch hồ đã hoàn toàn mất hết niềm tin và thiện cảm vào loài người. Nó chán nản phun ngón tay ra trả lại rồi lao vụt đi trước con mắt ngỡ ngàng của cậu ba Trần.

Chật vật ôm bàn tay đầy máu xuống núi, cậu ba Trần tình cờ chạm mặt anh hai Hạ. Nhìn ngón tay cậu bạn đứt lìa, anh hai Hạ bắt đầu run lẩy bẩy. Thôi xong, bạch hồ sinh lòng thù hận rồi. Mà đã gọi là súc sinh thì làm gì có lý trí, làm gì phân biệt được phải trái đúng sai, chúng sẽ chỉ biết hành động theo bản năng mà thôi.

Một khi đã như vậy thì thể nào nó cũng tìm cách trả thù Hạ gia cho xem. Ngộ nhỡ nó tập hợp tất cả dã thú trong rừng cùng đánh xuống là chết cả nhà. Không được rồi, phải tìm cách thoát thân thôi! Tròng mắt vừa chuyển, anh hai Hạ lập tức nghĩ đến việc kiếm kẻ chết thay. Và người đó không ai khác, chính là cậu ba Trần.

Đầu tiên, anh hai Hạ giả vờ quan tâm, dìu cậu bạn đến thôn y băng bó vết thương, rồi còn chu đáo đưa về tận cửa. Xong đâu đó, anh ta ba chân bốn cẳng chạy về nhà khuân cái xác của hắc hồ cùng đàn tiểu hồ ly mang tới Trần gia, bàn giao tất cả lại cho cậu ba Trần.

Kể đến đây, cụ Trần không khỏi lắc đầu cười khổ: “Hắn nói, bởi vì tay tôi là do bạch hồ cắn đứt nên tôi có toàn quyền quyết định, muốn xử lý chồng con nó thế nào thì tuỳ.”

Nói đoạn, ông vô thức ve vuốt bàn tay thiếu mất một ngón rồi tiếp tục đắm chìm vào câu chuyện cũ…

Vừa nhìn thấy thi thể hắc hồ, cậu ba Trần tức khắc đoán ra sự việc kinh khủng mà Hạ gia đã làm. Thoạt đầu là kinh hoàng rồi sau đó là phẫn nộ và giận dữ không ngừng bùng lên, xâm chiếm tâm trí cậu. Cực chẳng đã, cuối cùng cậu đành ôm thi thể hắc hồ và cõng cả đàn tiểu hồ ly lên núi, cố gắng mò mẫm theo trí nhớ tìm về hang động mà khi xưa đã trị thương cho hắc hồ.

Nhờ tiếng kêu sợ hãi và hoảng loạn của đám hồ ly con, chỉ chưa đầy vài giây sau bạch hồ đã xuất hiện. Đứng trước con hồ ly trắng muốt, hằm hè cảnh giác, cậu ba Trần cố gắng giải thích mục đích cũng như bày tỏ tấm lòng mình. Cậu đến là hoàn toàn bằng thiện chí chứ không hề có ý định làm hại ai cả. Nói xong, cậu gấp gáp rời đi ngay. Song, một khắc trước khi xoay người, cậu nhìn rõ bạch hồ mấp máy môi nói ra ba chữ “thực xin lỗi!”

Vì quá bất ngờ nên cậu không kịp phản ứng, đến khi bình tâm quay đầu lại thì không biết bạch hồ cùng đám tiểu hồ ly đã biến đi đâu mất, chỉ còn mỗi cái xác hắc hồ nằm trơ trọi trên nền đất ẩm ướt và lạnh lẽo.

Ngẫm nghĩ thế nào, cậu ba Trần liền tiến lại gần, đào một cái hố thật sâu rồi chôn hắc hồ xuống đó.

Không bao lâu sau, anh hai Hạ đột nhiên biến mất biệt tăm biệt tích, người thân trong gia đình thậm chí bạn bè hàng xóm cũng không biết anh ấy đã đi đâu, đi từ lúc nào. Vì chuyện này quá lạ lùng nên cậu ba Trần lại lên núi tìm xem thế nào. Kết quả là không những không tìm thấy người mà ngay cả xác hắc hồ do chính tay cậu chôn cất hôm nọ cũng không cánh mà bay.

Chuyện đến đây xem như kết thúc, cụ Trần vô thức buông một câu cảm thán: “Tôi có thể sống thọ tới cái tuổi này tất cả đều là nhờ hồ tiên chiếu cố.”

Ngay lập tức, chú Trần tức cháu nội ông cụ hấp tấp tiến lên đỡ lời: “Ôi ông ơi, ông lại nói giỡn rồi, hiện tại là xã hội văn minh, làm gì có thần tiên yêu quái ở đây. Ông nói thế Văn thanh niên trí thức cười chết.”

Cụ Trần bặm môi, đánh cho thằng cháu một cái: “Cái thằng nhóc thúi hư đốn này chuyên môn không nghe lời ông, cẩn thận ông đánh mày đấy!”

“Thì ông đánh rồi còn cẩn thận cái gì nữa!” Chú Trần bĩu môi đầy vẻ ủy khuất.

Trời đất, đường đường là một người đàn ông hơn bốn mươi tuổi mà còn bày ra cái bộ dạng nhõng nhẽo như con nít, Văn Trạch Tài cạn lời, vội vàng đứng dậy cáo từ.

Thế nhưng bất ngờ thay, vào rạng sáng ngày hôm sau, chú Trần đã khoác áo tang lại đây báo tin. Ông Trần đã quy tiên rồi, buổi sớm nay con cháu gọi cụ dậy ăn sáng thì phát hiện cụ đã ra đi nhưng trên khoé miệng vẫn còn treo một nụ cười mãn nguyện. Và điều khiến con cháu Trần gia ngỡ ngàng hơn cả chính là cái ngón tay út của cụ tự dưng mọc lại, bình thường như thể chưa hề có bất cứ sứt mẻ, tổn hao gì.

Tiễn chú Trần đi rồi, Văn Trạch Tài liền vào nhà lấy ra cây nhang, anh châm lửa đốt lên rồi cắm về phương hướng Hạ gia. Bất ngờ thay, chưa đầy ba phút sau, cây nhang tự nhiên bị gãy làm đôi.

Ài… Hương nhang gãy đoạn, ân oán chưa tan.

Văn Trạch Tài khẽ lắc đầu, nhổ chân hương lên. Ngày hôm qua sau khi gặp mặt cụ Trần thì anh có thể khẳng định, dựa theo tướng mạo, cụ ấy không phải là người sống thọ. Và anh cũng biết câu chuyện hồ ly này là bí mật của Trần gia, có lẽ hôm qua là lần đầu tiên ông cụ kể với người ngoài. Hoặc cũng không loại trừ khả năng chính bạch hồ đã mượn ông để chuyển lời tới anh.

Đúng là cứu vật vật sẽ trả ơn, chỉ đáng tiếc có đôi khi lòng tham con người lại vô đáy. Thôi thì ai gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy, thiện có thiện báo, ác có ác báo, đây vốn là lẽ công bằng của đất trời xưa nay!

Có thể nói đám tang của cụ Trần chính là hỷ tang có một không hai trong vùng. Thậm chí không ít người tranh nhau xin quần áo của ông cụ về mặc, với mong muốn được hưởng ké chút phúc phần, hy vọng mình cũng sẽ có may mắn được trường thọ giống vậy.

Vài ngày sau, vào một buổi chiều tà, khi Văn Trạch Tài tan làm đạp xe về tới đầu thôn thì bắt gặp một đám người đang lúi húi đo đo đạc đạc bên vệ đường. Trông thấy loáng thoáng có bóng dáng cha vợ đứng lẫn trong đó, anh dứt khoát xuống xe chào hỏi.

“A đây rồi, con về đúng lúc lắm, mau lại đây xem giúp cha mấy cái số này đã đúng chưa?” Điền đội trưởng mừng quýnh, vội vàng đưa cho con rể một tờ giấy bên trên ghi chi chít các thông số.

Văn Trạch Tài nhận lấy, cẩn thận kiểm tra một lượt rồi gật đầu xác nhận: “Đúng hết rồi cha, không có vấn đề gì cả.”

Một người đứng gần đó liền bật cười nói lớn tiếng: “Đương nhiên là phải đúng rồi. Điền đội trưởng à, chúng tôi đã làm việc thì ông cứ yên tâm đi.”


“Ha ha, vì việc này có liên quan đến từng hộ dân trong thôn nên đương nhiên cha tôi sẽ phải cẩn thận hơn bình thường rồi. Các vị thông cảm chút nha. Nào, mời mọi người hút điếu thuốc cho thơm miệng!”

Nói đoạn Văn Trạch Tài hào phóng bóc gói thuốc, niềm nở mời tới tay từng người một.

Chỗ thuốc này anh mua trên trấn, đâu đó vài xu một bao thôi ấy mà, mỗi bao độ hai chục điếu. Bởi vì giá thành rẻ nên mẫu mã bao bì khá đơn giản và hương vị cũng chỉ dừng lại ở mức thường thường mà thôi.

Anh để ý thấy nhóm người này xuống thôn đo đạc đã hai ngày rồi, để công việc thông suốt trôi chảy hơn, hôm nay anh quyết định mua năm bao thuốc, tính đưa cho cha vợ bốn bao để tiếp khách, ai dè lại gặp ngay ở dọc đường.

Quả nhiên, có điếu thuốc có khác, bầu không khí bỗng chốc rôm rả hơn. Mấy người công nhân phấn chấn tinh thần, vừa vui vẻ nói nói cười cười, vừa nhiệt tình lăn xả với công việc, khác xa cái thái độ uể oải, chậm rì rì ban nãy.

Sau khi phân phát xong một lượt, còn bao nhiêu Văn Trạch Tài đặt hết vào tay Điền đội trưởng.

Ông Điền trừng mắt mắng: “Lại tiêu tiền phung phí nữa rồi!”

Văn Trạch Tài cười xoà: “Nên mà nên mà, trước giờ con chưa mua thuốc lá cho cha và anh cả lần nào.”

Anh để ý hầu như đàn ông nông thôn, đặc biệt là những người từ 40 tuổi trở ra đều không thích hút cái loại thuốc lá bán sẵn, họ chê mùi của nó quá nhẹ. Bởi vậy họ thích tự trồng, tự phơi khô rồi tự cuốn. Như vậy mới đảm bảo đúng liều lượng và hương vị nồng đậm theo sở thích cá nhân.

Tối nay trong nhà mời khách, bà Điền gọi cả vợ chồng con gái sang ăn chung cho vui. Tất nhiên Văn Trạch Tài không hề khách khí mà gật đầu đồng ý ngay.

Trên bàn cơm, mấy anh công nhân vô tư trêu chọc một anh chàng còn độc thân, hỏi anh ta khi nào mới dắt vợ chưa cưới đi lãnh giấy chứng hôn.

Lời này khiến Văn Trạch Tài giật mình sực nhớ anh và Tú Phương cũng chưa đăng ký kết hôn. Thật ra nói “anh” thì không đúng lắm, phải nói là “tiền kiếp của anh” thì chính xác hơn. Sở dĩ “Văn Trạch Tài ở tiền kiếp” cứ luôn nấn ná trốn tránh vấn đề này là bởi vì hắn muốn sau này có thể rảnh rang bỏ về thành phố một mình, mà không phải lằng nhằng dắt díu vợ con theo.

Kỳ thực không phải một mình hắn mà trong thôn cũng có khá nhiều trường hợp tương tự như vậy. Bởi lẽ muốn tiến hành đăng ký kết hôn thì buộc phải có sổ hộ khẩu và giấy tờ tuỳ thân. Thế nhưng thanh niên trí thức toàn là người từ vùng khác tới, làm gì có sẵn sổ hộ khẩu bên người. Nếu muốn thì bọn họ phải gọi cho gia đình, nhờ người thân gửi bưu điện về tận đây, sau đó mới có thể đi lên cục dân chính trên huyện để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, Văn Trạch Tài không hề khó khăn như những người khác. Ngay lúc biết tin anh chuẩn bị cưới một cô thôn nữ làm vợ, cha mẹ đã lập tức tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ. Không những vậy hai đứa em “ngoan ngoãn” còn cẩn thận tách anh ra khỏi hộ khẩu Văn gia rồi chu đáo gửi tất cả giấy tờ xác nhận xuống tận đây cho anh. Mục đích của chúng nó là hoàn toàn triệt đường, vĩnh viễn không cho anh quay lại thành phố. Cũng nhờ vậy mà vô hình trung nó lại có lợi cho anh ngay tại thời điểm này.

Không thể chần chừ do dự thêm, ngày hôm sau đi làm, Văn Trạch Tài lại một lần nữa đưa đơn nghỉ phép với ly do giải quyết chuyện gia đình. Đương nhiên quản lý Vương gật đầu cái rụp, chỉ cần Văn Trạch Tài muốn là được, kể cả không có lý do thì anh cũng đồng ý chứ đừng nói tới việc gia đình.

Buổi tối về nhà Văn Trạch Tài không nói gì nhiều, chỉ đơn giản bảo hai mẹ con ngủ sớm, ngày mai anh sẽ dẫn họ đi chơi.

Thế là mới tờ mờ sáng, Hiểu Hiểu đã thức dậy, hào hứng rối rít tít mù. Mau chóng xử lý xong bữa sáng, Văn Trạch Tài chở vợ và con gái lên hiệu sách cất xe. Sau đó một nhà ba người đi nhờ máy kéo lên huyện thành.

Ngồi trên xe, Điền Tú Phương không khỏi thở phào một hơi: “Hôm nay nhà mình may ghê, suýt chút nữa là không bắt kịp xe rồi.”

Khoảng cách từ thị trấn lên huyện thành rất xa. Phương tiện di chuyển cũng rất hên xui, may mắn thì gặp được xe kéo, xe bò, xui xui thì chỉ có nước đi xe căng hải nhưng chắc cuốc bộ gãy giò mới lên được tới nơi mất!

Một giờ sau xe dừng bánh, cuối cùng cũng đã đến huyện thành. Trước khi xuống xe, Văn Trạch Tài dúi vào tay bác tài gói thuốc lá rồi hỏi thăm mấy giờ xe sẽ quay về trấn.

Cầm bao thuốc lá mới tinh chưa bóc, bác tài tủm tỉm cười tiết lộ thời gian cụ thể, còn ngỏ ý nhất định sẽ đợi bọn họ về cùng.

Ban đầu Điền Tú Phương cứ tưởng ông xã dắt hai mẹ con đi dạo chơi xung quanh huyện thành thôi. Ai ngờ anh ấy dắt tuột một đường tới trước cổng Cục Dân Chính.

Điền Tú Phương không khỏi luống cuống: “Ông xã, sao anh…anh không nói trước, làm em chả kịp chuẩn bị gì cả.”

Nói rồi, cô sốt ruột cúi xuống kiểm tra quần áo trên người. Cũng may hôm nay cô lựa bộ đồ mới chứ không thì đúng thật là mất hết mặt mũi.

“Vợ anh đẹp lắm rồi, không cần phải chuẩn bị gì hết” Văn Trạch Tài cười xoà, nắm tay vợ kéo tuột vào bên trong “Đáng lẽ thủ tục này phải hoàn thiện sớm hơn mới phải. Là anh khiến em chịu thiệt thòi rồi, xin lỗi bà xã!”

Một cỗ chua xót lập tức dâng lên, hai hốc mắt Điền Tú Phương đỏ hồng vì xúc động. Cả quá trình cô cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn, chồng dẫn đi đâu thì đi đấy.

Văn Trạch Tài tới trước quầy nộp hồ sơ, sau đó rành rọt trả lời các câu hỏi của cán bộ, rồi kế đến là đóng dấu ký tên.

Tới tận khi chân chính cầm tờ giấy hôn thú trên tay, Điền Tú Phương mới dám tin đây là sự thật. Cô vui mừng khôn xiết, nước mắt vòng quanh trực chờ rơi xuống.

Trong khi ấy, Văn Trạch Tài lại đang mải để ý tới vấn đề khác. Giấy đăng ký kết hôn mà không có ảnh chụp cứ thấy thiếu thiếu sao ấy nhỉ? Ngẫm nghĩ thế nào, anh bèn dắt vợ con tới tiệm chụp hình.

Đầu tiên là chụp chung một tấm gia đình, rồi mỗi người chụp riêng một tấm chân dung và cuối cùng hai vợ chồng ghé đầu làm một pô ảnh đầy tình tứ.

Trước khi ra về, bác phó nháy không quên căn dặn: “Cái này nhanh nhất thì cũng phải một tháng sau mới có ảnh. Tôi nghĩ tối nhất anh chị cứ đợi hẳn hai tháng cho chắc ăn, chứ mất ngày mất giờ chạy từ xa tới đây mà không lấy được gì thì uổng công lắm.”

Văn Trạch Tài gật đầu tỏ ý đã hiểu rồi đưa tờ giấy hẹn cho vợ giữ.

Bước ra khỏi tiệm chụp hình cũng vừa hay đúng giờ cơm trưa, vả lại Hiểu Hiểu đi bộ sáng giờ đã mỏi nhừ cả chân rồi, bé con bắt đầu xiêu xiêu vẹo vẹo nghiêng chỗ nọ, dựa chỗ kia. Thấy vậy, Văn Trạch Tài không khỏi bật cười, anh cong lưng ẵm con lên rồi dắt tay vợ đi tìm quán ăn.

Cả nhà ba người xơi ngon lành sáu cái bánh bao cùng hai dĩa rau xào. Bởi vì Văn Trạch Tài không có tem phiếu nên giá thành hơi đắt chút nhưng anh không ngại vấn đề này. Mấy khi mới có dịp dắt vợ con đi chơi một lần, cứ thoải mái tiêu pha xả láng đi rồi về lại cá kiếm sau. Tiền thôi mà, có gì khó đâu!

Sau khi ăn uống phủ phê no nê, Văn Trạch Tài tính đưa vợ con đi tản bộ, thăm thú đường sá thì tình cờ gặp được bí thư Mã, Mã Trung Nguyện.

Lúc nhìn thấy Văn Trạch Tài, Mã Trung Nguyện vừa mừng vừa sợ. Anh tha thiết mời bọn họ về nhà mình làm khách.

Bởi vì việc chính của ngày hôm nay đã xong thành ra vợ chồng Văn Trạch Tài rất vui vẻ đi theo Mã Trung Nguyện về Mã gia.

Lúc này trong sân nhà, bà Tả đang nhàn nhã dựa lưng trên chiếc ghế bố nằm phơi nắng, bên cạnh có hai cô bé chừng bảy tám tuổi hiếu động chạy tới chạy lui, chốc chốc lại chọc bà bật cười vui vẻ.

Đẩy cổng vào nhà, Mã Trung Nguyện liền chủ động đứng ra giới thiệu: “Đây là hai cô con gái nhà anh, còn đây là vợ anh.”

Vợ Mã Trung Nguyện là gái thành phố, vừa xinh đẹp đoan trang lại khéo ăn khéo nói. Rất nhanh, cô ấy đã làm thân được với Điền Tú Phương và Hiểu Hiểu. Thế là mấy mẹ con bà cháu túm tụm tại góc sân tán gẫu mặc kệ cánh đàn ông vào nhà bàn chuyện chính sự.

Mã Trung Nguyện mời hẳn Văn Trạch Tài vào thư phòng riêng. Văn Trạch Tài khẽ đánh mắt nhìn thoáng qua kệ sách đặt ngay ngắn trong góc nhà rồi mới từ tốn lên tiếng: “Trông có vẻ tinh thần của bà Tả đã khá hơn trước rất nhiều.”

Mã Trung Nguyện tươi cười đáp lời: “Đúng đúng, may mắn là tình trạng của bà tiến triển rất tốt. Dạo gần đây còn thích sang hàng xóm tán gẫu với mấy cô, mấy thím nữa cơ. Ban đầu anh cứ sợ bà đi lạc nhưng không, bà minh mẫn lắm, nhiều khi anh còn lẫn hơn cả bà ấy chứ!”
Bạn cần đăng nhập để bình luận