Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 178: Rổ rá cạp lại

Vì anh họ quá nhiệt tình, An Trân không nỡ khước từ cho nên vui vẻ nhận lấy rồi xúc động nói: “Anh chị, ân tình sâu nặng của anh chị, cả đời An Trân em xin mãi mãi khắc ghi.”

Điền Tú Phương mỉm cười hiền từ còn Văn Trạch Tài thì phóng khoáng phất tay: “Cái con bé này, đều là người một nhà cả nói chuyện ân nghĩa làm gì.”

An Trân vừa đi khỏi không bao lâu thì cửa hàng lại xuất hiện một người quen khác. Chỉ có điều thái độ người này rất không thiện chí, cô ta dùng ánh mắt ghét bỏ dò xét khắp xung quanh, thậm chí còn lấy tay che mũi như thể ghê tởm chỗ này ô uế, bẩn thỉu lắm không bằng.

Triệu Đại Phi lạnh mặt hỏi theo đúng nghĩa vụ: “Xin hỏi muốn đoán mệnh hay gì?”

Văn Trạch Quyên khinh bỉ liếc xéo rồi chẳng nói chẳng rằng ngang nhiên đi thẳng vào bên trong, kéo ghế ngồi xuống trước mặt Văn Trạch Tài: “Em nói anh chứ, cửa hàng cửa hiệu gì mà xập xệ trông chẳng ra thể thống gì, đã thế còn mướn cái thằng bảo vệ y như đám cô hồn các đảng, mặt mũi hằm hằm thế kia làm sao kéo được khách.”

Văn Trạch Tài buông chén trà, đáp tỉnh bơ: “Còn phải xem khách kiểu nào đã. Muốn tính cái gì, nói luôn đi.”

“Tính cái gì là sao?” Thoắt cái sắc mặt Văn Trạch Quyên cứng đơ: “Tốt xấu gì chúng ta cũng là hai anh em cùng cha cùng mẹ, em gái tới thăm anh trai không được à?”


Triệu Đại Phi khoanh hai tay trước ngực, cười mỉa: “Không có việc không lên điện Tam Bảo cũng như không tự nhiên mà chồn đi chúc tết gà. Dĩ nhiên sư phụ tôi không phải gà rồi nhưng cô thì nhất định là một con chồn thúi hoắc.”

Vãi cả so sánh, Văn Trạch Tài nhất thời á khẩu. Còn Văn Trạch Quyên tái mét mặt: “Mày…mày nói linh tinh cái gì đấy? Anh cả…anh không quản được người làm của anh à?”

Tuy nhiên cái cô ta nhận về chỉ là câu trả lời hết sức lạnh lùng của Văn Trạch Tài: “Nếu muốn xem bói đoán mệnh thì gieo quẻ, còn không thì đứng dậy đi ra ngoài. Chỗ này của tôi không chào đón Văn gia các người.”

Không tìm được bậc thang leo xuống, Văn Trạch Quyên thẹn quá tính đứng dậy đi về nhưng rồi nhớ lại mục đích ngày hôm nay tới đây, cô ta buộc phải nín nhịn ngồi trở lại: “Em có một việc muốn hỏi anh…”

Bất thình lình Triệu Đại Phi vươn tay cắt ngang: “Mười đồng…”

Văn Trạch Quyên tối sầm mặt, nghiến răng nghiến lợi: “Đây là chuyện nhà họ Văn chúng tôi.”

“Đừng quên tôi và Văn gia mấy người đã cắt đứt quan hệ, thế nên cứ theo luật mà làm, có tiền thì hỏi không tiền thì biến. Tôi đây mở cửa kinh doanh, ăn mặc ở cái gì cũng cần đến tiền, cuộc sống khó khăn lắm. Nghe nói nhà các người sung sướng lắm hả, dư nhiều không cho mượn chút xài chơi coi…” Văn Trạch Tài vắt chân chữ ngũ, rung đùi tít mù, bộ dáng vô lại cực kỳ. Triệu Đại Phi lập tức học theo, cậu chàng vớ lấy cây gậy ở góc nhà vác lên vai, khệnh khạng đứng sau lưng sư phụ, ánh mắt gườm gườm đầy vẻ hăm dọa .

Quả nhiên, Văn Trạch Quyên sợ run, tự giận bản thân sao có thể quên ông anh cả vốn bản chất côn đồ cơ chứ. Cô ả thức thời điều chỉnh thái độ, mềm mỏng mở lời: “Anh à, có thể tính rẻ chút không. Hôm nay ra đường em chỉ mang có năm đồng.”

“Cũng được thôi, nửa giá trả lời nửa câu.” Văn Trạch Tài hất hàm ra hiệu cho thằng đệ thu tiền.

Văn Trạch Quyên cắn cắn môi, thấp giọng nói: “Nhà mình có bảo vật gia truyền thật không? Anh biết ba mẹ giấu ở chỗ nào không?”

Văn Trạch Tài nhổm người, trả lời bằng tông giọng thì thào tương tự: “Đích thực Văn gia có bảo vật gia truyền, hiện nằm trong tay bà Văn. Còn giấu ở chỗ nào thì tôi không biết.”

Hai mắt Văn Trạch Quyên vụt sáng nhưng rất mau liền ảm đạm đi xuống. Tưởng ở trong tay ba còn dễ lấy chứ vào tay mẹ thì mệt mỏi đây. Ai chẳng biết bà thiên vị anh hai nhất, có cái gì tốt thể nào chẳng phần anh ấy đầu tiên.

“Kể ra em cũng tội nghiệp thật”, bỗng nhiên Văn Trạch Tài thở dài cảm thán: “Anh thì thôi không nhắc tới làm gì nhưng em thì khác, dù sao cũng đều là con cái trong nhà, ít nhiều gì cũng phải công bằng tí chứ, sao có thể nhất bên trọng nhất bên khinh như vậy được.”

Gãi đúng chỗ ngứa, Văn Trạch Quyên liền bắt đầu ca thán: “Đúng vậy á, mẹ bất công kinh lên được, hễ có cái gì ngon cái gì tốt là đều dành hết cho con trai cưng, chẳng thèm để ý đến em.”

Văn Trạch Tài cười cười: “Chuyện nhà các người không liên quan gì tới tôi. Nhưng mà cô sắp gặp huyết quang tai ương đấy, thế nào, muốn tính một quẻ không?”

Văn Trạch Quyên cắn môi do dự chốc lát rồi cuối cùng gật đầu cái rụp.

Chỉ chờ có thể, Văn Trạch Tài nói ngay: “Hai mươi đồng một quẻ, Đại Phi thu tiền!”

“Cái gì cơ, hai…hai mươi đồng á?” Văn Trạch Quyên choáng váng ôm chặt túi tiền, chỉ kịp bỏ lại một câu “Em có việc, em đi trước”, rồi hối hả chạy mất dạng.

Triệu Đại Phi tặc lưỡi tiếc nuối: “Nếu thầy nói nghiêm trọng thêm chút nữa kiểu gì cô ả cũng phải xì tiền cho xem.”

Văn Trạch Tài trừng mắt nạt: “Này thằng kia, sư phụ ngươi không phải kẻ lừa đảo nhá.”

Triệu Đại Phi cười hắc hắc, nhanh chân vọt sang tiệm quần áo lánh nạn.

Từ đầu chí cuối, Tần Dũng chỉ ngồi một chỗ cười hiền, không tham gia vào câu chuyện.

Lát sau, Văn Trạch Tài cầm la bàn, hướng về phía cậu ấy vẫy tay: “Đi, anh em mình tới trấn Thanh Phong gặp khách.”

Tần Dũng lập tức đứng bật dậy, đeo tay nải sẵn sàng lên đường. Lúc đi ngang qua tiệm quần áo, còn cố tình gọi với vào bên trong: “Đại Phi về canh cửa hàng nha, anh theo đại sư đi công tác.”

Nghe tiếng í ới, Triệu Đại Phi tức tốc phi ra nhưng chỉ bắt được cái bóng lưng đắc ý của Tần Dũng, cậu chàng ghen tỵ la toáng lên: “Sao anh giành đi hoài vậy, lần sau là đến phiên em đấy nhé.”

Tần Dũng buồn cười nghĩ bụng còn khướt ấy, đi theo Văn đại sư là cơ hội vàng để học hỏi sự đời, anh nhất định phải tranh thủ đi càng nhiều càng tốt.

Lý do Văn Trạch Tài tới trấn Thanh Phong là bởi vì hôm qua có một vị khách họ Từ đến tiệm nhờ xem tà bệnh. Thím ấy nói chồng mình thường xuyên xuất hiện rất nhiều cử chỉ, hành vi quái dị. Gia đình đã tốn khá nhiều tiền bạc thăm khám nhưng bác sĩ đều bó tay, không tài nào tra ra bệnh tình. Nghe nói Văn đại sư giỏi tướng số, rành phong thuỷ vậy nên bà thím liền tới thử vận may. Với lại quanh khu vực này có mỗi Văn Trạch Tài hành nghề bói toán, không tới nơi này thì thú thực bà cũng không biết đi nơi nào thỉnh thầy nữa.

Đáng lý có việc là phải xử lý ngay nhưng hôm qua Văn Trạch Tài thực sự bận tối mắt mũi, một chút thì giờ cũng không cách nào dành ra được vậy nên anh liền lùi lịch hẹn sang buổi sáng hôm nay.

Và cũng chính bởi thế cho nên trời còn chưa sáng, bà Từ đã đi bộ ra đầu thôn thấp thỏm ngóng trông. Hành động lạ lùng của bà nhanh chóng thu hút sự chú ý của dân làng. Một vài người không kìm nổi lòng hiếu kỳ, liền tiến lại tò mò hỏi: “Ủa bà Từ, mới sáng sớm ra đây đứng làm gì thế? Bộ có việc gì à?”

Bà Từ cười cười, trả lời qua loa: “À ra đây phơi nắng ấy mà, già rồi người ngợm sinh lắm bệnh, nghe bảo chịu khó phơi nắng sẽ trị được bệnh nên tôi thử làm theo xem có tác dụng thật không.”

Cái gì kỳ cục vậy trời, trước giờ chỉ thấy bảo phơi nắng sẽ bị cảm sốt chứ chưa nghe nói phơi nắng trị bệnh bao giờ. Thế nhưng mọi người cũng chả rảnh rỗi đứng lại đôi co bởi còn bận vác cuốc ra đồng kẻo trễ mất chấm công buổi sáng.

Thời gian chậm chạp trôi qua, mặt trời gần lên đỉnh rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng đại sư đâu, sốt ruột quá thím Từ định đi tìm thì may thay nhìn thấy hai bóng dáng quen thuộc đang từ từ tiến lại gần. Thím mừng quýnh cả lên: “A Văn đại sư, cuối cùng thì thầy cũng tới rồi.”

“Chào thím, ngại quá bắt thím đợi lâu”, Văn Trạch Tài thoáng chút áy náy.

Thực tình đây là lần đầu tiên anh và Tần Dũng đến trấn Thanh Phong, cả hai anh em đều lớ nga lớ ngớ không biết đường biết lối. Mà cũng tại đường sá ở đây ngoằn ngoèo, rắc rối quá, nó không hề có trục đường chính mà toàn các con đường nhỏ đan xen, cắt ngang nhau. Cứ đi một đoạn là lại bắt gặp ngã rẽ, hai anh em toát cả mồ hôi suýt chút lạc đường mấy lần, cũng may có la bàn cứu nguy chứ đi vo thì chẳng khác nào lạc vào mê cung.

Mặc dù đích thực đứng đợi mỏi cả chân nhưng thím Từ vẫn tươi cười như hoa: “Không lâu tẹo nào, thím vừa ra là gặp thầy ngay đấy. À, hai thầy đã ăn gì chưa, đi về nhà đợi thím nấu ù một tí là xong ngay.”

Văn Trạch Tài vội xua tay: “Thôi thôi thím ơi, chúng cháu ăn rồi.”

Thím Từ cười cười gật đầu, rảo bước đi trước dẫn đường, đưa Văn Trạch Tài cùng Tần Dũng về nhà mình.

Kỳ thực thím Từ là vợ sau. Hai chú thím ấy là hai nửa cô đơn, tìm tới và nương tựa vào nhau khi tuổi tác đã xế chiều mà thiên hạ vẫn hay ví von là rổ rá cạp lại.

Vợ đầu chú Từ không may mất sớm, để lại hai thằng con cho một mình chú chăm bẵm. Cảnh gà trống nuôi con vất vả trăm bề nhưng chú Từ vẫn ráng hoàn thành trách nhiệm, nuôi nấng chúng khôn lớn trưởng thành, dựng vợ cho các con xong xuôi rồi mới nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình.

Đáng tiếc điều này đã vấp phải sự phản đối vô cùng kịch liệt, hai người con cảm thấy chú Từ làm vậy là tạo thêm gánh nặng cho con cái. Thứ nhất, bọn họ đã lớn không cần mẹ kế. Thứ nữa, giả dụ vớ phải bà nào có con gái thì lại càng mệt mỏi hơn. Sau này con gái bà ta đi lấy chồng, chú Từ trăm tuổi quy tiên thì ai sẽ là người đứng ra chăm sóc, dưỡng lão bà ấy. Há chẳng phải sẽ lôi đầu hai anh em họ ra chịu trách nhiệm hay sao? Đang yên đang lành tự dưng phải bỏ công bỏ của phụng dưỡng một người không liên quan, thử hỏi như thế chẳng phải phiền phức thì là gì?!
Bạn cần đăng nhập để bình luận