Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Trừng phạt

Xong việc, Văn Trạch Tài và Tần Dũng liền bắt xe về nhà. Xe dừng ngay trước khu phố cổ, hai anh em vừa bước xuống liền nhìn thấy mẹ và vợ của Tần Dũng đang lững thững đi bộ tới.

Tần Dũng kích động, đôi mắt lấp la lấp lánh, chưa kịp nói gì thì Văn Trạch Tài đã tủm tỉm phán một câu: “Chú đi theo anh như vậy cũng đủ lâu rồi.”

Ba người Tần gia sợ nhảy dựng, đại sư nói vậy là muốn đuổi việc Tần Dũng hay sao?

“Văn…Văn đại sư…có phải thằng Dũng có chỗ nào làm không tốt khiến đại sư phiền lòng phải không?” Thím Tần lo lắng hỏi, vợ Tần Dũng đứng bên cạnh cũng bối rối không kém.

Văn Trạch Tài lắc đầu: “Không phải không tốt, mà là quá tốt. Tất nhiên cháu rất muốn giữ Tần Dũng, nhưng có một điều kiện.”

Thím Tần không chút do dự: “Mời đại sư nói, điều kiện gì nhà tôi cũng chấp nhận hết.”


Văn Trạch Tài khẽ cười: “Nếu muốn tiếp tục đi theo cháu vậy thì phải lấy lương. Chứ cứ làm không công thế này thì lấy gì nuôi gia đình đây? Ấy Tần Dũng, chú không cần phải nói thêm gì nữa, nếu lần này còn từ chối thì anh mời chú đi nơi khác kiếm việc.”

Tần Dũng là nhân tài, tin chắc đi tới đâu cũng sẽ được trọng dụng. Văn Trạch Tài anh không muốn lợi dụng hay bóc lột người khác. Vả lại ơn nghĩa gì thì tới giờ cũng trả xong rồi, cậu ấy cần được hưởng một mức lương xứng đáng.

Văn Trạch Tài ấn định con số sáu mươi sáu đồng mỗi tháng. Tần Dũng giãy nảy, cảm thấy khả năng của mình chỉ đáng hai mươi đồng là dư. Nhưng trước thái độ kiên quyết của Văn đại sư, cuối cùng Tần Dũng đành phải chấp nhận.

Tạm biệt ba mẹ con thím Tần, Văn Trạch Tài xách tay nải về nhà mình.

Lúc này, Điền Tú Phương và Trần Vân Hồng đang thảnh thơi ngồi hóng mát trong sân. Nói qua nói lại một hồi, hai chị em chợt nhắc tới vợ Tần Dũng.

“Đúng là bầu song thai có khác, cái bụng nhìn như tám tháng ấy sư mẫu nhỉ?”

“Ừ, nghe cô ấy bảo không dám ăn nhiều, mỗi bữa chỉ ăn lưng lửng vừa tới thôi, vì sợ con to quá khó sinh” Điền Tú Phương cười cười đáp, theo thói quen vuốt ve cái bụng mới hơi nhú, khéo léo giấu dưới lớp áo rộng thùng thình của mình.

Trong khi hai bà vợ rôm rả buôn chuyện tầm phào thì cánh đàn ông pha bình trà ngồi bàn chuyện cửa hàng cửa hiệu.

Triệu Đại Phi báo cáo lại tình hình những ngày sư phụ vắng nhà: “Mấy hôm nay có một gã đàn ông lởn vởn trước tiệm nhà mình sư phụ ạ. Hắn không đi vào mà cứ thập thà thập thò đứng ngoài nhìn. Con định đi ra hỏi xem có chuyện gì thì vừa trông thấy con, hắn đã co giò chạy mất. Hôm sau lại thấy lảng vảng ở bên ngoài, thầy bảo thế có lạ không cơ chứ?”

Văn Trạch Tài nhíu mày hỏi: “Có quen mặt không?”

Triệu Đại Phi vuốt cằm ngẫm nghĩ rồi lắc đầu quả quyết: “Không quen sư phụ ạ, nom lạ lắm. Con đảm bảo không phải dân sống ở khu này. Với cả trông hắn nhếch nhác lắm, quần áo cũ kỹ bẩn thỉu, còn vá lỗ chỗ nữa, xem chừng gia cảnh có vẻ khó khăn.”

“Ừ, để ngày mai thầy ra xem sao”, Văn Trạch Tài bưng lên tách trà Thiên Nam đặc biệt pha cho cha.

Hương trà thoang thoảng, nhiệt độ thời gian chính xác, vừa lúc thưởng thức.

“Còn có”, Triệu Đại Phi nói tiếp, “Bên phía Văn gia vẫn im thin thít, chẳng thấy hó hé gì, liệu bọn họ có bùng không sư phụ?”

“Không đâu”, Văn Trạch Tài chẳng chút lo lắng, “đợi Văn Trạch Dũng ly hôn xong sẽ tự khắc mang tiền tới.”

Sáng hôm sau, khi Văn Trạch Tài và Triệu Đại Phi ra tới tiệm đoán mệnh thì Tần Dũng đã đến trước, quét tước trong ngoài sạch sẽ, đun nước pha trà tinh tươm, nói chung là đâu vào đấy, rất chỉn chu và chuyên nghiệp.

Triệu Đại Phi cười hi hí, nổi hứng chọc ghẹo: “Trời ơi, ông anh giành hết việc thế này thì thằng em thất nghiệp mất thôi.”

Tần Dũng bật cười đáp trả: “Được thế thì anh đây lại chẳng vui quá!”

Triệu Đại Phi phá lên cười ha hả rồi thụi cho ông anh một quả.

Một vài câu bông đùa vui vẻ khiến tinh thần thoải mái hẳn, sẵn sàng bước vào một ngày làm việc nhiều năng lượng và tràn đầy nhiệt huyết.

Trời hửng nắng, người qua lại trên phố mỗi lúc một đông, bởi hôm nay là ngày họp chợ.

Trong dòng người hối hả tấp nập ngược xuôi, có một gã đàn ông lôi thôi lếch thếch đứng lặng bên đường, mắt đau đáu nhìn về tiệm đoán mệnh. Đúng thế, ông ấy chính là người mà hôm qua Triệu Đại Phi đã nhắc tới.

Người đàn ông trung niên ước chừng bốn mươi tuổi, mặt mũi nhăn nheo khắc khổ, cả người dơ hầy, ống tay áo cuộn lên như cái lò xo bám đầy bùn đất và dầu mỡ, đen kít lại!

Nhưng có vẻ hôm nay hắn ta không định đứng nhìn nữa, mà cắn răng đi thẳng vào trong tiệm, bộ dáng trông rất quyết tâm.

Và đây cũng là vị khách đầu tiên mở hàng ngày mới có vinh dự được ông chủ Văn Trạch Tài đích thân tiếp đón: “Chào anh, xin hỏi anh muốn tính cái gì?”

Giả Quốc Khánh câu nệ ghé vào mép ghế, cái lưng cứng đờ vì mất tự nhiên, căng thẳng ngước nhìn vị đại sư rất ung dung, bình thản ngồi ở phía đối diện: “Tôi muốn biết khi nào mình chết.”

Một câu hỏi quá đột ngột và bất ngờ, khiến Triệu Đại Phi và Tần Dũng đang bận việc cũng phải ngoái đầu nhìn.

Đây là lần đầu tiên có khách đề cập tới vấn đề này bằng phương thức trực tiếp…và thản nhiên tới vậy!

Thấy tất cả ánh mắt đều đổ dồn về mình, Giả Quốc Khánh càng mất bình tĩnh tợn. Hắn cúi thấp đầu, hai tay bấu chặt lấy đầu gối, cố đè nén tiếng thở dồn dập, gấp gáp.

Văn Trạch Tài nhẹ giọng nói: “Mời anh ngẩng đầu.”

Giằng co do dự chốc lát, Giả Quốc Khánh từ từ nâng đầu nhìn về phía Văn Trạch Tài.

Nghiêm túc quan sát giây lát, Văn Trạch Tài nhíu mày nói: “Anh tam đình cân đối, dái tai đầy đặn, màu sắc hồng hào, là người có tướng trường thọ. Tuy anh đã tự sát ba lần nhưng không lần nào thành công. Bởi vì nhiều đời trước chịu tu thân tích đức, phúc phần sâu dày cho nên kiếp này mới có được thọ mệnh lâu dài như vậy.”

Nghe tới đây, đôi môi Giả Quốc Khánh khẽ run lên: “Nếu đã cho tôi số trường thọ vậy tại sao lại bắt tôi sống cuộc đời thống khổ như thế này chứ? Hai mươi tuổi kết hôn, hai mươi hai tuổi có con nhưng tới năm hai mươi lăm tuổi thì con mất, vợ lại bị điên bỏ nhà đi biệt tích. Năm nay tôi bốn mươi tuổi, không cha mẹ, không vợ con, thậm chí căn nhà đang ở cũng sắp bị phá bỏ. Thử hỏi một cuộc đời khốn nạn như vậy thì sống làm gì, chẳng thà chết quách đi cho rồi! Một lần kết thúc tất cả, nhẹ nhàng, thoải mái…”

Giả Quốc Khánh khép chặt bờ mi như thể cũng muốn đóng lại cuộc đời mình ngay lập tức. Đúng vậy, hắn đã ba lần tự tử, nhưng không một lần thành công. Cứ phải lay lắt lần sờ qua từng ngày chán chường và tuyệt vọng!

Văn Trạch Tài nhìn chằm chằm đối phương, hai mắt sáng quắc đầy sắc bén: “Tai nạn dẫn tới cái chết của con anh là do anh mà ra, đúng không?”

Cả người Giả Quốc Khánh run lên, điên cuồng lắc đầu chối đây đẩy: “Không, không, không phải tôi…thằng bé tự chết…tôi không giết con…không phải tôi…”

Dứt lời, hắn ta đứng bật dậy, lảo đảo chạy trối chết, tiếng cười tiếng khóc điên dại, hoảng loạn hoà lẫn vào nhau, vang vọng trong không gian, mỗi lúc một xa!

Người đi đường sợ hãi, tự động dạt sang hai bên vì sợ đụng phải kẻ tâm thần.

Triệu Đại Phi há hốc miệng đứng đờ ra, tận tới lúc Tần Dũng vỗ bụp vào vai mới giật bắn mình, ngơ ngác hỏi: “Ơ thế này là sao hả sư phụ, rõ ràng nhìn tướng mạo anh ta đâu có điểm nào thể hiện việc con anh ta bị chết yểu đâu?”

“Đứa con vì hắn mà chết nên phúc phần cả đời đã đã hoá thành đau khổ, bi ai. Đây là hình phạt ông trời dành cho hắn!”, Văn Trạch Tài nhàn nhạt đáp rồi mở sách, yên tĩnh đọc.

Triệu Đại Phi gãi gãi đầu, đi về phía bàn làm việc của mình, kéo ghế ngồi xuống.

Tần Dũng cũng tự tìm một góc, trầm ngâm suy nghĩ.

Ba người đàn ông, hai người đã có con và một người sắp sửa làm cha, không hẹn mà cùng lâm vào trầm tư.

Cứ nghĩ Giả Quốc Khánh sẽ một đi không trở lại, nào ngờ sau giờ cơm trưa, lại thấy hắn xuất hiện trước cửa tiệm.

Tần Dũng về nhà ăn cơm nên bữa trưa chỉ có gia đình Văn Trạch Tài và Triệu Đại Phi ăn với nhau.

Thấy vị khách quá nhếch nhác đói khổ, Điền Tú Phương ghé vào tai chồng nói khẽ: “Trong cặp lồng vẫn còn cơm và thức ăn.”

Văn Trạch Tài hiểu ý, liền xách chỗ cơm và thức ăn còn dư lại sang tiệm đoán mệnh, đưa cho Giả Quốc Khánh.

Từng này, đủ cho hắn ăn một bữa no nê.

“Ăn cơm trước đi.” Văn Trạch Tài đặt hai chiếc cặp lồng xuống bàn.

Giả Quốc Khánh nuốt nước miếng cái ực. Không ngửi thấy thì còn cố đánh lừa bản thân lướt qua cơn đói, đằng này hương thơm ngào ngạt xộc thẳng vào mũi, những hạt cơm trắng phau đập thẳng vào mắt, bên cạnh còn có mấy miếng thịt kho tàu vàng óng ả. Chịu hết nổi, Giả Quốc Khánh chỉ kịp nói mỗi tiếng cảm ơn rồi hục đầu lùa lấy lùa để.

Khi hắn ngẩng đầu lên được thì hai chiếc cặp lông đã sạch loáng và Tần Dũng cũng đã quay trở lại chuẩn bị cho giờ làm buổi chiều.

Giả Quốc Khánh uống ngụm trà rồi bắt đầu nói về cái chết thương tâm của đứa con: “Ngày ấy vợ tôi có việc về nhà ngoại, để lại thằng con ba tuổi ở nhà cho tôi giữ. Giữa đêm tôi dậy đi tiểu, vô tình lật chăn ra mà quên không đắp lại cho con. Đến khi tôi đi xong quay lại thì thằng bé đã lạnh run cầm cập.”

Nó sốt rất cao, cả nhà tá hoả bế lên bệnh viện trấn. Bác sĩ cho uống thuốc và nói tình trạng vô cùng nguy kịch. Nếu uống thuốc vào mà hết sốt là coi như được cứu, còn không thì ngược lại.

Và rất không may, thằng bé đã không vượt qua được giai đoạn nguy hiểm. Tới đêm ngày thứ ba thì nó trút hơi thở cuối cùng, ra đi mãi mãi!
Bạn cần đăng nhập để bình luận