Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 223: Phong bế

Lát sau, Văn Trạch Tài đi mua điểm tâm sáng về tới. Trông thấy Chung Nhiên, anh liền vui vẻ mời: “Ồ Chung Nhiên đến rồi đấy à? Cùng ăn sáng chung luôn nhé?”

Chung Nhiên lắc đầu cười khúc khích: “Anh chị ăn đi, em ăn rồi. Nếu em mà không ăn còn lâu anh Vệ Quốc mới cho em ra khỏi nhà.”

Văn Trạch Tài nhất thời câm nín, vợ chồng trẻ đúng là vợ chồng trẻ, cứ đợi có con đi rồi biết! Anh lẳng lặng quay ra sắp đồ ăn cho vợ, rồi mình cũng nhanh chóng và ù vài miếng cho xong để còn chạy về xem tụi nhóc thế nào. Để hai đứa nhỏ ở nhà một mình cả đêm, anh có chút không yên tâm.

Ngờ đâu vừa về gần tới cổng nhà, anh đã nghe thấy tiếng nô đùa ầm ĩ. Văn Trạch Tài nhướng mày thầm nghĩ: “Hai con khỉ nhỏ này, mới sáng ngày ra đã nghịch ngợm rồi!”

Đẩy cổng bước chân vào sân, Văn Trạch Tài liền trông thấy Thiên Nam và Hiểu Hiểu mỗi đứa cưỡi một chiếc xe gỗ ba bánh. Phía sau là Tất Trường Lâm cùng Uông Quân Đào đang chổng mông đẩy. Gớm, chỉ có bốn đứa thôi mà hò hét nháo loạn cả một góc sân. Xa xa trên bậc thềm, Viên Việc Quốc nhàn nhã khoanh tay trước ngực đứng nhìn.

Thấy cha về, hai đứa nhóc cười toe toét, mừng rỡ gọi toáng lên: 


“Cha!”

“Cha tới chơi chung với chúng con đi, vui cực luôn!”

Văn Trạch Tài bật cười, vẫy vẫy tay ý bảo các con cứ tiếp tục chơi thoải mái. Rồi anh tiến thẳng tới chỗ Viên Vệ Quốc, mỉm cười thông báo: “Mẹ tròn con vuông, lo mà chuẩn bị tiền lì xì đi.”

Viên Vệ Quốc nguýt dài: “Xì, còn cần anh nhắc chắc!”

Văn Trạch Tài cũng chả tức giận, anh vươn vái ngáp dài một cái: “Thôi, anh đi ngủ chút đây, cơm nước trưa nay phiền chú nhé. À đúng rồi, nhớ hầm một con gà, cơm ở cữ!”

Tức khắc, gân xanh trên trán Viên Vệ Quốc giật tăng tăng: “Được rồi được rồi, cơm nước để tính sau. Em có chuyện quan trọng cần nói với anh trước đây. Một người bạn của em muốn thỉnh anh đoán mệnh.”

“Thỉnh anh đoán mệnh?” Văn Trạch Tài nghi hoặc nhìn chằm chằm Viên Vệ Quốc: “Chẳng phải cậu cũng là đoán mệnh sư hay sao?”

Viên Vệ Quốc thở dài: “Nếu em có thể nhìn thấu thì đâu cần tìm đến anh.”

Văn Trạch Tài thoáng ngạc nhiên. Kỳ lạ nha, xét về tướng thuật, Viên Vệ Quốc nào phải hạng kém cỏi. Ấy thế mà lại có người khiến cậu ấy nhìn không thấu hay sao?

Anh hỏi ngay: “Tính huống thế nào?”

Viên Vệ Quốc lắc đầu: “Một hai câu e rằng khó nói rõ ràng. Em đã cho nó địa chỉ cửa hàng rồi, ngày mai nó sẽ tới gặp anh. Đợi gặp trực tiếp rồi anh đánh giá cho khách quan. À đúng rồi, nó tên Mông Nghĩa.”

Ngày hôm sau, Mông Nghĩa tới từ rất sớm. Cậu ấy có vóc dáng cao lớn, trên mặt để râu quai nói, hai con mắt sáng ngời rất có thần, giọng nói sang sảng đúng kiểu người ăn to nói lớn.

Tiệm thì nhỏ mà tiếng nói chuyện thì lại quá lớn, khiến Văn Trạch Tài có chút nhức tai. Chốc chốc anh lại phải kín đáo xoa xoa lỗ tai tội nghiệp của mình, nhưng mắt vẫn chăm chú quan sát Mông Nghĩa không rời.

Một lát sau, Viên Vệ Quốc tới. Cậu sốt ruột hỏi: “Tình hình thế nào anh?”

Văn Trạch Tài nhướng mi đáp: “Cậu ta bị phong bế.”

Viên Vệ Quốc há hốc miệng: “Sao lại vậy?”

Ở đời, mỗi người đều có chỉ tay và tướng mạo riêng biệt, biểu thị cho vận mệnh xuyên suốt cuộc đời mình và được gọi chung là “Tương”. Tuy nhiên cũng có trường hợp các đoán mệnh sư dù cao tay đến mấy cũng không thể xem tướng cho một người. Khi ấy xuất hiện ba khả năng, một là người đó còn quá nhỏ, “Tương” chưa hình thành đầy đủ nên không thể tính quá xa. Hoặc cũng có thể người đó nhân sinh bình thường, không có điểm gì nổi bật nên “Tương” cũng không biểu hiện rõ ràng.

Và một loại cuối cùng phức tạp hơn, đồng thời cũng khiến người ta sợ hãi hơn cả chính là kiểu người bị phong bế tướng mạo.

Một khi “Tương” bị phong bế, đồng nghĩa với việc vận thế bị cướp mất, nhân sinh cũng theo đó mà thay đổi. Giải thích đơn giản tức là, một người đáng lý ra nên được sống cuộc đời phong phú đầy màu sắc, may mắn ngập tràn, tiền đồ vô lượng. Nhưng cuối cùng lại phải trải qua những tháng ngày nhạt nhẽo vô vị, lay lắt sống một đời tầm thường không chút gì nổi bật.

Và xui xẻo thay, Mông Nghĩa lại rơi trúng vào trường hợp cuối cùng, bị người khác phong bế “Tương”, cướp đoạt vận mệnh.

Nghe đến đây, sắc mặt Viên Vệ Quốc bỗng trở nên vô cùng khó coi. Bởi lẽ bạn bè cậu không nhiều, có thể nói là cực kỳ ít. Tính đi tính lại thì ngoài Văn Trạch Tài ra, cũng chỉ có mình Mông Nghĩa là Viên Vệ Quốc cảm thấy đáng để kết giao. Ấy thế mà bạn thân bị hạ thuật, cậu lại chẳng hề hay biết gì. Trước giờ cứ chủ quan nghĩ rằng cuộc đời Mông Nghĩa vốn định sẵn an nhiên, bình đạm. Không ngờ phía sau lại có ẩn tình sâu như vậy!

Thấy hai vị đại sư căng như dây đàn, Mông Nghĩa chẳng hiểu mô tê gì hết, đắn đo mãi mới dám lên tiếng hỏi: “Tôi…bộ trên người tôi có chỗ nào không ổn hả?”

Văn Trạch Tài và Viên Vệ Quốc thoáng liếc nhau rồi cơ hồ đồng thanh hỏi: “Từ nhỏ tới lớn ký ức nào là sâu đậm nhất với cậu?”

Đối với người xui xẻo gặp phải tình cảnh này, cuộc sống trước và sau khi bị phong bế hoàn toàn khác biệt, có thể nói là chênh lệch một trời một vực. Mà cụ thể ra sao, bắt đầu từ khi nào cũng chỉ bản thân họ hiểu rõ nhất.

Quả nhiên, vừa nghe thấy câu hỏi của đại sư, nụ cười hiền hậu trên môi Mông Nghĩa tức khắc tan biết, sắc mặt dần trở nên tái xám, nhợt nhạt.

Anh buồn buồn kể lại cuộc đời mình:

“Trước năm mười tuổi, vận khí của tôi phải nói là vô cùng, vô cùng tốt. Nghe mẹ tôi kể, năm tôi sinh ra, lần đầu tiên trong nhà có đủ lương thực ăn tới tết. Bà con họ hàng rồi láng giềng xung quanh đều chúc mừng cha mẹ tôi đẻ được đứa con may mắn, vượng tài. Lên năm tuổi, tôi bắt đầu được cha dạy chữ. Tới tám tuổi thì bái sư học nghề điêu khắc. Chưa tới một năm, tôi đã được xuất sư.”

Khi ấy, tin tức này đã gây chấn động khắp một vùng. Bởi lẽ không ai tin nổi một nhóc con mới chín tuổi đầu lại có thể xuất sư hành nghề. Và thế là một đồn mười mười đồn trăm. Ban đầu, khách hàng kéo đến chỉ đơn giản là vì hiếu kỳ nhưng khi biết đó là sự thật, họ không ngừng tán thưởng Mông Nghĩa tài không đợi tuổi và lũ lượt đặt đơn. Chính vì vậy, công việc làm ăn của sư phụ cậu cũng theo đó mà phất lên như diều gặp gió.

Tuy nhiên sau năm mười tuổi, mọi thứ bỗng nhiên thay đổi 180 độ. Những món đồ Mông Nghĩa điêu khắc ra không còn đẹp và tinh xảo như trước. Chưa nói tới những thiết kế cầu kỳ, mà ngay cả những thứ đơn giản nhất cậu cũng làm không xong. Mặc kệ Mông Nghĩa chăm chỉ và nỗ lực luyện tập thế nào thì tay nghề cũng không thể so được với trước đây.

Từ đó trở đi, không có việc gì là thuận lợi suôn sẻ, thậm chí đến cả tình duyên cũng trắc trở, lận đận. Thế mới chán chứ!

Mông Nghĩa thở dài, đôi mắt đượm buồn nhìn xa xăm: “Năm mười chín tuổi, tôi có đối tượng. Nhưng êm đẹp đâu được khoảng hai tháng thì kết thúc, đến cả lý do chia tay là gì em ấy cũng chẳng buồn nói với tôi.”


Thật ra cũng oan cho cô gái ấy. Không phải cô không muốn nói mà là không biết phải nói thế nào bởi ngay chính bản thân cô cũng mông lung, không rõ ràng. Chỉ là đột nhiên cảm thấy đôi bên không hợp, không muốn tiếp tục yêu đương với Mông nghĩa nữa, vậy thôi!

Ban đầu, Mông Nghĩa cho rằng đối phương không hề thích mình, đến độ một lý do chia tay cũng chẳng thèm bịa ra. Nhưng rồi sau đó, những sự kiện phi lý liên tiếp xảy ra, khiến anh lờ mờ cảm nhận có lẽ mình và cô ấy thực sự không có duyên phận.

Dừng một chút, Mông Nghĩa kể tiếp: “Đến năm tôi 22 tuổi, sư phụ tôi đột ngột qua đời. Không thể tiếp tục với công việc điêu khắc, tôi liền đổi sang nghề làm mộc.”

Vào xưởng mộc, vất vả học nghề suốt hai năm trời, Mông Nghĩa cũng thành công lên được thợ chính. Song niềm vui ngắn chẳng tày gang, hôm trước vừa nhận được quyết định của chủ xưởng, còn chưa kịp ăn mừng thì ngay sáng hôm sau đi làm đã bị bảo vệ chặn ngay tại cổng. Họ bảo tên anh không đủ may mắn cho nên họ muốn thuê người khác.

Trời thần, bị đuổi chỉ vì cái tên không hợp ý chủ. Thử hỏi trần đời có chuyện gì phi lý hơn được nữa không?

Đối với chuyện này, Mông Nghĩa vẫn canh cánh trong lòng bao lâu nay, không tài nào buông xuống được: “Tôi nỗ lực cực khổ đi từ vị trí thấp nhất đi lên. Trải qua bao nhiêu cuộc kiểm tra, khảo hạch, tới khi đủ tiêu chuẩn được nhận vào biên chế thì lại bị gạt ra chỉ vì một lý do cực kỳ trời ơi đất hỡi. Chắc trên đời này cũng chỉ có mình tôi là xui xẻo tới vậy.”

Khi ấy, Mông Nghĩa ra sức lạy lục van xin, năn nỉ hết nước hết cái mong họ suy nghĩ lại. Nhưng không, họ chấp nhận trả tiền bồi thường cho anh chứ nhất quyết không nhận anh vào làm.

Đến giờ Mông Nghĩa vẫn còn nhớ như in, đợt đó xưởng mộc tổ chức kỳ thi để tuyển tám thợ chính từ nhóm học việc. Đáng lẽ Mông Nghĩa đã bị gạt khỏi danh sách thì phải có một người khác thế vào. Nhưng kỳ lại thay, trước sau không ai nhắc tới người thay thế đó. Và rồi, mọi chuyện dần bị chìm vào quên lãng đồng thời sự thắc mắc của Mông Nghĩa cũng mãi mãi không có lời giải đáp.

Theo thói quen Mông Nghĩa gãi gãi bộ râu quai nón, rồi mơ mơ hồ hồ hỏi Văn Trạch Tài: “Không biết số tôi có phải là số sao chổi hay không mà đen thế cơ chứ. Hay tôi chính là ngôi sao chổi chuyển thế? Trước năm mười tuổi, sao chưa chiếu nên sóng yên biển lăng. Sau năm mười tuổi, sao chổi thức tỉnh cho nên vận hạn, xui rủi mới ồ ạt kéo tới?!”
Bạn cần đăng nhập để bình luận