Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 242: U Tinh Hồn

Anh ba Lý cung kính cúi chào. Văn Trạch Tài khẽ gật đầu rồi nghiêm túc đánh giá tướng mạo đối phương. Ngồi bên cạnh, thôn trưởng Lý sốt ruột vô cùng, cứ mấp máy môi toan nói rồi lại thôi.

Mãi một lúc lâu sau, Văn Trạch Tài mới mở miệng: “Bản mệnh anh có ba người con, trong đó xác thực có một cặp song sinh long phượng và cả ba đứa không đứa nào có số chết yểu.”

Nghe thấy vậy, cha con ông thôn trưởng vỡ oà mừng rỡ. Nhưng rồi chợt nhớ tới hai đứa nhỏ xanh xao vàng vọt đang nằm trong buồng, anh ba Lý lại ủ rũ lắc đầu: “hai ngày rồi Cẩu Đản và Thuý Hoa chả ăn uống gì cả, gọi cũng không có phản ứng. Nếu không phải chúng vẫn còn thoi thóp thở thì tôi tưởng các con đã…”

Cẩu Đản và Thuý Hoa? Khoé miệng Văn Trạch Tài khẽ kéo nhưng cũng hiểu phong tục đặt tên xấu dễ nuôi nên anh không thể hiện thái độ gì mà chỉ khẽ nói: “Để tôi đi xem.”

Hai đứa bé thân thể suy nhược, không tiện ẵm tới ẵm lui thành thử Văn Trạch Tài chủ động vào thăm cho nhanh.

Lời đề nghị quá bất ngờ khiến anh ba Lý sửng sốt ngây người, đến mức thôn trưởng Lý phải đá vào chân nhắc nhở: “Ô hay, không mau dẫn đường cho đại sư đi, còn đứng đần ra đó làm gì?”

Phòng của vợ chồng anh ba Lý nằm ở dãy nhà bên trái. Lúc này chị vợ đang ngồi trong phòng giữ con, hai mắt chị sưng đỏ, vừa nhìn là biết mới khóc một trận dữ dội. Còn hai đứa nhỏ thì nằm ngay đơ trên giường, mắt nhắm nghiền. Nếu không phải lồng ngực chúng hơi phập phồng thì rất dễ khiến người khác hiểu lầm.

Văn Trạch Tài hơi khom lưng, quan sát khuôn mặt hai đứa bé. Ấn đường chúng chuyển đen, đôi môi tím tái, tình trạng này là bị mất hồn rồi!

Chính vì lạc mất tinh hồn cho nên mới không có sức sống. Nếu nội trong bốn mươi bốn ngày không tìm được hồn trở về thì hai đứa nhỏ sẽ ra đi.

Anh lần lượt sờ nắn tứ chi tụi nhỏ rồi khẽ lắc nhẹ kiểm tra. Thấy vậy, chị ba Lý hoảng lắm, song vốn bản tính nhút nhát, cộng thêm đại sư là khách quý cha chồng mời về nên chị nào dám lỗ mãng, chỉ len lén giật giật tay áo chồng.

Anh ba Lý hiểu ý vợ nhưng cũng chẳng dám tiến lên ngăn cản mà chỉ đứng tại chỗ chần chừ gọi: “Văn đại sư, thầy…”

Tất nhiên Văn Trạch Tài chẳng để ý, anh chuyên tâm kiểm tra cho hai bé. Xong xuôi đâu đó, anh mới đứng dậy nhìn về phía anh ba Lý: “Tụi nhỏ xác thật có vấn đề, nhưng không phải sinh bệnh mà là bị người khác câu mất Tinh hồn. Mỗi người đều có ba hồn bảy vía. Ba hồn lần lượt là Sảng Linh, Thai Quang và U Tinh. Nhưng trước năm ba tuổi thì vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ nên lúc này ba hồn mới chỉ tồn tại mỗi một U Tinh hồn.”

“Mất Tinh hồn, trong vòng ba ngày đứa trẻ sẽ trở nên ngây dại si ngốc, không nói không cười. Thời gian đầu vẫn còn có thể ăn được đôi chút, nhưng càng ngày sẽ càng ít dần, cho tới khi không ăn được gì nữa là hết cách, vô phương cứu chữa.”

Văn Trạch Tài nói tới đâu, mặt hai vợ chồng anh ba Lý tái dại tới đấy. Cẩn thận ngẫm lại thì trình tự đúng thật là như vậy, đầu tiên là không khóc không cười, sau đó là bỏ ăn, đến giờ thì cả ngày nằm ngay đơ như khúc gỗ, không buồn há miệng ọ ẹ gì.

Quá hoảng loạn, chị ba Lý nhào tới mép giường khóc lóc thảm thiết: “Ôi con tôi…giờ mẹ phải làm sao đây con ơi…”

Anh ba Lý cũng đỏ hoe đôi mắt: “Đại sư, Cẩu Đản bọn nó đã hai ngày không ăn uống gì rồi…”

Văn Trạch Tài khẽ nhíu mày: “Trước tiên nấu nồi cơm chắt lấy nước. Rồi đi tìm quanh đây xem có cây dã hương nào không, tốt nhất là loại một năm tuổi đổ lại, nhổ hai cây về đây, nhớ là phải đánh cả gốc. Đem về bỏ vào bình rồi đặt ở trái phải hai đầu, sát cạnh mép giường. Làm vậy không bao lâu tụi nhỏ sẽ ăn được chút ít.”

Cây dã hương có tác dụng xoa dịu tâm trí và nuôi dưỡng linh hồn.

Không cần hỏi nhiều lời, trưởng thôn Lý lập tức cầm cuốc ra khỏi cửa, anh ba Lý cũng cuống cuồng đuổi theo cha. Chưa đầy nửa giờ đồng hồ sau, hai cha con đã quay về, trên tay mỗi người ôm một cây dã hương. Đáng tiếc trong nhà lại chẳng có chậu bông hay bình hoa nào cả. Hết cách, thím Lý liền đổ bỏ hai vại dưa muối để lấy cái cắm cây.

Sắp xếp xong xuôi, bốn người nhà Lý gia xếp hàng đứng quanh giường, nín thờ chờ đợi phản ứng của hai đứa nhỏ.

Còn Văn Trạch Tài cùng Tần Dũng thì ra phòng khách ngồi nghỉ ngơi và ăn “nước sôi”.

Cái gọi là “nước sôi” kỳ thực chính là món trứng chần cơm rượu. Có lẽ đây là ngôn ngữ địa phương hoặc cách gọi riêng của gia đình ông Lý. Trứng chần cơm rượu là một món ăn của người Khách Gia hay còn gọi là người Hẹ. Cách làm là đun sôi cơm rượu, rượu ở đây là rượu nếp. Đợi đến khi gần cạn nước thì đập một quả trứng vào trần sơ tới khi hình thành lòng đào là được.

Khoảng chừng mười lăm phút sau, Cẩu Đản và Thuý Hoa mở mắt. Bị mùi hương của chén nước cơm thu hút, hai đứa không hẹn mà cùng nhìn về phía đầu giường. Tuy ánh mắt vẫn ngây dại nhưng chúng đã có phản ứng và quan trọng nhất là biết đói bụng đòi ăn.

Thím Lý mừng đến phát khóc, vội vàng chia cho con dâu một bát, mỗi người phụ trách đút cho một đứa.

Xong xuôi đâu đó, mọi người trở lại phòng khách, anh ba Lý trực tiếp quỳ xuống trước mặt Văn Trạch Tài: “Đa tạ Văn đại sư.”

Văn Trạch Tài lập tức tránh sang một bên, Tần Dũng nhanh nhẹn nâng người dậy như mọi lần.

“Chỉ có thể nói là nhà anh quá xui. Trường hợp hiếm vậy mà cũng đụng phải!” Văn Trạch Tài thở dài cảm thán, nhưng anh cũng buộc phải nhắc nhở: “Hai đứa trẻ bị người ta giữ mất hồn, nếu không lấy lại được thì dù có cắm bao nhiêu gốc Dã hương cũng vô ích.”

Anh ba Lý mếu máo: “Cẩu Đản chúng nó mới một tuổi. Trong một năm này vợ chồng tôi không cho các cháu đi đâu hết, kể cả nhà ông bà ngoại cũng không qua. Tại sợ gió máy với cả đi đường vất vả. Tính là đợi thêm một thời gian nữa chờ tụi nhỏ cứng cáp hẳn rồi vợ chồng tôi mới đưa các cháu sang chơi với ông bà. Nhưng nào ngờ lại gặp phải chuyện này…”

Cũng không biết có vô tình chạm phải thứ dơ bẩn gì không nữa, kỳ thực bọn họ không tài nào nhớ nổi.

Bởi vì anh ba Lý làm nghề thợ mộc cho nên trong nhà chất rất nhiều gỗ, đủ các thể loại khác nhau. Văn Trạch Tài đi một vòng, từ kho chứa củi ra tới ngoài sân, cẩn thận kiểm tra cả những sản phẩm sắp sửa hoàn thành lẫn đống gỗ vụn vun trong góc.

Anh chỉ vào một khối gỗ bé bé nằm ẩn khuất trong góc kẹt: “Đây là cái gì?”

Anh ba Lý thò đầu lại nhìn rồi đáp: “À, đây là gỗ cây đào. Hôm bữa nhà Trần Đại Lâm đặt đóng giường tủ còn thừa lại.”

Tại còn ít quá, chẳng làm thêm được gì nên anh thuận tay ném vào góc kho, cũng quên béng đi luôn.

Gỗ đào thuần tuý có tác dụng trừ tà, nhưng miếng gỗ này còn có thêm một công dụng khác, đó là hút hồn.

Trong truyền thuyết cũng có nhắc tới, kiếm được làm từ gỗ đào đã qua khai quang, luyện phép, sẽ có uy lực hút hồn thí hồn, khiến ma quỷ sợ hãi, không dám lại gần.

Văn Trạch Tài hỏi ngay: “Nhà Trần Đại Lâm có trẻ con không?”

Anh ba Lý ngơ ngác đáp: “Có!”

Văn Trạch Tài hỏi tiếp: “Bao lớn rồi?”

“Sàn sàn hai đứa nhà tôi…” nói được một nửa, anh ba Lý im bặt, sắc mặt thoắt cái trắng bệch…

“Nếu con hắn sàn sàn tuổi Cẩu Đản và Thuý Hoa, nhưng đứa bé kia khi sinh ra đã ốm đau, yếu ớt thì rất có thể chính hắn đã dùng gỗ đào hút lấy tinh hồn hai đứa Cẩu Đản để dưỡng hồn cho con nhà mình”, nói đoạn Văn Trạch Tài nhặt khối gỗ lên, đặt vào tay anh ba Lý: “Ngày mai anh mang cái này sang tìm Trần Đại Lâm.”

Anh ba Lý run rẩy siết chặt khối gỗ, trong mắt ngập tràn phẫn nộ cùng bàng hoàng.

Song anh vẫn lo lắng khôn nguôi: “Nhưng làm vậy liệu có rút dây động rừng không đại sư?”

Nhỡ hắn chó cùng dứt giậu, hại chết hai đứa nhỏ luôn thì sao?

Văn Trạch Tài khẽ nhếch môi cười tủm tỉm: “Qua đêm nay, sáng mai anh cứ việc đi. Nếu hắn vẫn còn chút ít lương tâm thì tôi sẽ không ra tay quá tàn nhẫn. Nhưng nếu trước mặt, hắn vẫn cố làm bộ làm tịch rồi sau lưng âm thầm giở thủ đoạn thì cái tôi đòi về không phải chỉ đơn giản là U Tinh hồn thôi đâu, mà còn hơn thế gấp bội!”

Anh ba Lý mím chặt môi suy nghĩ. Nói thật, quan hệ giữa anh và Trần Đại Lâm không tệ. Con Trần Đại Lâm vì sinh non cho nên rất yếu ớt, phải lưu lại bệnh viện mấy ngày mới được về nhà.

Để cứu con, Trần Đại Lâm gần như đào rỗng toàn bộ của cải. Trước đó vài ngày, hắn mang gỗ tới đây đặt làm một chiếc cũi em bé, nói là để trừ tà cho con.

Khi ấy, anh ba Lý còn nảy sinh lòng trắc ẩn, biết Trần Đại Lâm đang túng thiếu thế nên đã hào phóng cho nợ trước, khi nào có trả sau cũng được.

Nhưng Trần Đại Lâm lại cứ sống chết đòi trả ngay lập tức, nhất quyết không chịu thiếu nợ. Giờ ngẫm lại mới thấy lúc ấy sắc mặc hắn ta thận trọng cực kỳ, hoàn toàn không giống với bình thường.

Nếu thời điểm đó anh tinh ý một chút thì có thể đã sớm phát giác ra vấn đề.
Bạn cần đăng nhập để bình luận