Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Chương 179: Âm bùn trùng

Không được con cái cảm thông, chú Từ vừa buồn vừa giận song trời không chịu đất thì đất phải chịu trời chứ biết sao bây giờ. May thay bà mai trong thôn thương cảm cho hoàn cảnh của chú vì thế liền mai mối cho một bà thím goá chồng từ trẻ, sống cô đơn không con không cái.

Ngay lần đầu gặp mặt, đôi bên đã đem lòng cảm mến đối phương. Còn về phần hai cậu con trai, sau khi xác nhận người phụ nữ này không con cái thì thái độ cũng bớt gay gắt hơn. Tuy nhiên hai ông bà muốn ở bên nhau thì phải cho bọn họ phân gia.

Điều kiện này khiến chú Từ bất mãn vô cùng. Rõ ràng khi còn bé, hai thằng con rất ngoan ngoãn, hiếu thuận. Thế mà giờ khôn lớn lại bắt đầu biết uy hiếp, ra điều kiện với cha cơ đấy. Vốn bản tính nóng nảy, ăn mềm không ăn cứng, chú Từ đùng đùng dọn ra ở riêng, cùng thím Từ dựng đôi gian nhà gỗ đơn giản, hai vợ chồng già sống nương tựa vào nhau. Hơn nữa chú thím vẫn khoẻ mạnh, thừa sức nuôi sống bản thân mình, đếch cần đứa nào phụng dưỡng.

Thật ra giận dỗi thì nói vậy thôi chứ hàng năm hai thằng con đều trợ cấp thêm lương thực, dầu muối vậy nên cuộc sống của hai ông bà cũng khá đầy đủ và tươm tất.

Trên đường về nhà, thím Từ tranh thủ bổ sung thêm thông tin tại hôm qua vội quá không kịp nói rõ ràng: “Ông ấy bắt đầu có những biểu hiện lạ kể từ tháng trước. Đầu tiên là mất vị giác, ăn bất cứ cái gì cũng kêu nhạt, không có hương vị. Thím cũng thông cảm già cả khó ăn khó uống cho nên ngày thường nấu nướng đều chú ý nêm nếm quá tay một chút để ổng ăn được ngon miệng.”

Thế nhưng bình thường được vài hôm chú Từ lại tiếp tục dở chứng, tự dưng không chịu làm ăn gì hết, cả ngày chỉ thích nằm ườn ở nhà. Nghĩ chồng mệt, thím Từ cũng không nói gì, một mình lúi húi cuốc đất trồng vài luống rau phục vụ bữa ăn hàng ngày.

Tất nhiên chỉ dám tranh thủ tí đất ngoài rìa chứ đất ruộng của nhà nước thì nào dám đụng vào.

Bên cạnh đó, hễ đội sản xuất có công việc nào nhẹ nhàng hợp sức, thím Từ sẽ xung phong nhận ngay. Cộng dồn vào cũng kiếm được chút ít công điểm, thêm thắt gọi là.

Dần dà nửa tháng trôi qua, chú Từ lười càng thêm lười, đã không đi làm thì chớ đằng này công việc nhà cũng vất đấy, chả thèm ngó ngàng. Cơm nước không nấu, nhà cửa không quét, suốt ngày trốn tiệt trong phòng, miệng lẩm nhẩm nói chuyện một mình. Hai người con sang thăm, hỏi có khó chịu chỗ nào không thì ông lắc đầu nói không có, chỗ nào cũng tốt hết.

Nhưng thím Từ phát hiện hình như chồng mình rất sợ thái dương, ban ngày mà muốn rủ ra ngoài e rằng còn khó hơn lên trời. Thêm vào đó, ông ấy đột nhiên cực mê đồ lạnh, từ thức ăn cho tới nước uống đều phải lạnh hết, nóng chút xíu là quạu cọ khó chịu ngay. Còn nữa, buổi tối đi ngủ chả thích mặc quần áo. Nếu không phải thím Từ ngăn cản thì còn đòi vận đồ ướt nữa cơ. Không phải ẩm ẩm bình thường mà là ướt chèm nhẹp, nước càng nhỏ tỏn tỏn càng khoái.

“Hôm kia thím mải việc nên xuống công trễ, về tới nhà thấy nhà cửa im phăng phắc, trong ngoài tối om như mực. Thím hoảng gần chết, cuống cuồng đi tìm. Mãi sau mới phát hiện ông chồng đang ngủ trong lu nước phía sau hậu viện.”

Nhắc lại chuyện này, thím Từ vừa bực vừa lo: “Lúc ấy mặc kệ thím khuyên nhủ thế nào ông ấy cũng không chịu chui ra, cứ ngồi lỳ trong đó, đã vậy còn nổi nóng la mắng thím nữa chứ. Hết cách, thím đành phải chạy sang gọi hai thằng con. Thế mà ba người chật vật mãi mới lôi được ông ấy ra khỏi lu nước đấy.”

Tuy nhiên đến khi hai người con về rồi, thím Từ lại phát hiện chân ông chồng bám đầy bùn đất. Thím lật đật đi giặt khăn lau cho chồng nhưng lau hoài lau mãi cũng chả sạch tí nào. Đến khi rọi đèn lại gần mới tá hoả nhận ra kỳ thực không phải chân dính bùn mà toàn bộ gan bàn chân của chú ấy nhão nhoét thành đống bùn luôn rồi.

“Thím sợ bủn rủn cả người, tính lấy tay cậy ra nhưng ông ấy kêu đau, sống chết không cho thím đụng vào. Thế là thím bèn múc chậu nước cho ông ấy ngâm chân nhưng mà lạ lắm, làm như bùn đất nó dính chặt vào hay sao ấy. Ngâm một hồi lâu mà nước trong chậu vẫn trong vắt như cũ. Cảm thấy sự tình nghiêm trọng, sáng hôm sau thím lập tức chạy đi tìm đại sư luôn.”


Từ đầu tới cuối, Văn Trạch Tài chỉ tập trung lắng nghe, không hề phát biểu ý kiến. Còn Tần Dũng thì khỏi nói rồi, cậu chàng đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, không hiểu bùn đất kiểu gì mà bám chắc thế, lau không sạch, ngâm không tan, kỳ quái vậy sao?!

Rất nhanh, ba người đã về tới, thím Từ nhanh nhẹn mở cổng mời khách vào trong. Bầu không khí tĩnh mịch đến rợn người, sân nhà yên ắng không một tiếng động, cửa đóng then cài im ỉm.

Thím Từ nặng nề lau khoé mắt, dẫn đường đưa Văn Trạch Tài vòng ra sau hậu viện.

Giữa sân sau dựng một lu nước khá to, bên trong thò ra cái đầu đen xì, lâu lâu lắc lư qua lại theo nhịp.

Cảnh tượng quá mức khủng bố, đủ sức dọa chết bất cứ ai vô tình trông thấy. Nhưng kỳ thực đó là chú Từ đang ngâm mình giải nhiệt, nước dâng tới tận cằm nhưng hai mắt ông ta vẫn nhắm nghiền, say mê ngủ ngon lành.

“Ông à, sao lại vào đây nữa rồi.”

Chiếc lu này được đúc bằng đá, chuyên dùng để chứa nước ăn vậy nên xung quanh dựng ống trúc, trên đầu che tấm nan đan dày, đảm bảo ánh nắng không thể xuyên qua. Cho dù giữa trưa hè gay gắt thì chỗ này vẫn râm mát như thường.

Nghe tiếng vợ gọi, ông Từ không buồn mở mắt, miệng lầm bầm than: “Nóng…nóng quá…”

Văn Trạch Tài và Tần Dũng không nói không rằng, nhanh chóng xắn ống tay áo, hợp sức lôi ông chú ra ngoài.

Hiển nhiên, chú Từ ra sức quẫy đạp chống cự, thậm chí còn há to miệng đính cắn Văn Trạch Tài. Cũng may Tần Dũng nhanh tay lẹ mắt tóm chặt lấy cái cằm: “Ông già, bình tĩnh chút nào.”

Phát hiện giọng nói lạ hoắc, chú Từ mở bừng mắt, điên cuồng hét lớn: “Các người là ai? Ai cho các người vào nhà tôi? Mau thả tôi ra, tôi muốn ngâm nước, thả tôi ra !”

Văn Trạch Tài rút kim, dứt khoát cắm thẳng vào gáy. Tích tắc, chú Từ ngất lịm, tay chân xụi lơ.

Thím Từ sợ gần chết: “Ôi ông ơi, ông sao thế này?”

Văn Trạch Tài trấn an: “Không sao đâu, cứ để chú ấy ngủ một lát đi. Chắc cả đêm ngủ không ngon giấc đúng không?”

Thím Từ vội gật lấy gật để: “Đúng đúng, đêm nào cũng quậy inh ỏi đòi nhảy vào lu nhưng thím ngăn cản bằng cách xả hết nước trong lu ra. Tuy nhiên ban ngày cản không được, tại thím phải đi làm. Cứ vừa đi một cái là ông ấy chui tọt vào ngay.”

Sau khi đặt chú Từ lên giường. Văn Trạch Tài và Tần Dũng ý tứ bước ra ngoài tránh mặt để thím Từ lau khô người, thay quần áo sạch cho chú ấy.

Ban nãy lúc nhấc người lên, Tần Dũng không kìm được tò mò lén nhìn một chút: “Anh Văn, vừa rồi em thấy bùn đất lan tận lên mu bàn chân chú ấy luôn rồi.”

Văn Trạch Tài kéo chiếc ghế gỗ ngồi xuống nghỉ chân. Nắng hè chênh chếch mái liên, lững lờ buông vài giọt trên vạt áo anh.

Không cần kiểm tra, anh cũng có thể dễ dàng phán đoán ngay: “Đó là âm bùn.”

“Âm bùn?!”

Hai từ này sao nghe quen thế nhỉ, Tần Dũng nhíu mày suy nghĩ lung lắm. Mãi sau, cậu chàng vỗ đầu đánh bốp: “À, em nhớ ra rồi, ở Mạnh gia. Lúc đó anh đã từng nhắc tới ba loại bùn không hề có mùi vị chính là âm bùn, dương bùn và sát bùn. Bữa ấy ở hậu viện Mạnh gia chúng ta tìm được Sát bùn trùng. Như vậy không lẽ trên người chú Từ đang có Âm bùn trùng?”

“Trí nhớ tốt đấy!” Văn Trạch Tài hào phóng khen ngợi, sau đó anh phóng tầm mắt nhìn ra khoảng sân dát vàng màu nắng, nhàn nhạt giải thích: “Âm bùn trùng đặc biệt thích những nơi âm u, lạnh lẽo. Khả năng sinh tồn của chúng cực mạnh, một khi bám được lên cơ thể vật chủ là bám rất chắc, phủi không rớt, cắt không rụng. Từ một đốm nhỏ trên da, nó chậm rãi lan rộng ra, tới khi bùn đất bao phủ toàn bộ cơ thể cũng là lúc trùng bắt đầu nhấm nháp con mồi. Nói cách khác, cơ thể người chính là thức ăn của Âm bùn trùng.”

Nghe tới đâu, da ga da vịt nổi lên tới đó. Tần Dũng nhăn mặt, kéo ghé ngồi xuống bên cạnh Văn Trạch Tài: “Thế nhưng tại sao thím Từ không bị tấn công hả anh? Thím ấy cũng ăn chung, ngủ chung với chú Từ mà.”

“Âm bùn trùng chỉ lựa chọn những cơ thể nặng âm khí. Thím Từ tuy là nữ nhưng bản mệnh thuộc dương, trên người dương khí bao phủ, không hề có một chút âm khí nào. Nhưng chú Từ thì khác, chú ấy chính là âm nam, thành ra nghiễm nhiên trở thành miếng mồi ngon cho Âm bùn trùng. Nhưng vấn đề là chú ấy đi đâu mà lại để dính phải cái loại này?”

Nói tới đây, Văn Trạch Tài không khỏi nhíu mày khó hiểu. Về cơ bản Âm bùn trùng không di chuyển, nó chỉ nằm im bất động một chỗ. Người nào chẳng may đi qua đạp trúng, nếu hợp thì mới bị bám theo, còn không thì thôi. Ở đây, chú Từ là thuần âm, vậy nên chúng bám riết không buông là phải rồi.

“Các anh là ai? Sao lại ngồi trong nhà chúng tôi?”

Hai anh em đang nói chuyện đột nhiên giật bắn mình vì tiếng quát quá lớn. Tiếp theo đó là hai người đàn ông tầm hơn ba mươi tuổi bước vào, cảnh giác nhìn bọn họ như nhìn ăn trộm.

Văn Trạch Tài đứng dậy, đang định mở lời thì cánh cửa buồng bật mở, thím Từ nhanh nhẹn tiếp lời: “A, thằng cả thằng hai sang đấy hả? Đây là đại sư, dì thỉnh tới xem bệnh cho cha.”

“Đại sư gì? Sao lại kêu đại sư tới đây?”

Anh cả Từ nhăn nhó mặt mày còn anh hai Từ chẳng nói chẳng rằng, lừ lừ lướt qua người Văn Trạch Tài, đi thẳng vào trong buồng.

Một giây sau, anh ta hoảng loạn hét toáng lên: “Cha, cha làm sao thế này…anh cả, chết rồi… cha không có phản ứng…”

Cái gì…anh cả Từ thất điên bát đảo chạy xộc vào…
Bạn cần đăng nhập để bình luận