Thập Niên 70: Cuộc Sống Hoàn Mỹ Của Nữ Phụ Thanh Niên Tri Thức

Chương 453 - Cung Phụng




Trời chưa sáng hẳn, anh đã lại ra đồng thu hoạch lương thực.
Mặc dù tin tức về kỳ thi đại học đang làm chấn động các thanh niên trí thức khắp nơi nhưng đối với người dân địa phương, nó cũng không ảnh hưởng nhiều lắm.
Bởi vì chuyện thi đại học đối với họ quá xa vời.
So ra thì việc thu hoạch lúa trên cánh đồng còn nhanh chóng thiết thực hơn và mang lại sự an tâm cho họ.
Còn họ có biết mức độ cố gắng cho kỳ thi đại học của những thanh niên trí thức kia là thế nào không?
Chẳng hạn như Mã Quyên nhà anh Trần, khi mọi người thức dậy đi làm, Mã Quyên cũng đã dậy ôn bài.
Anh tư Trần còn chế giễu Mã Quyên nhưng cô ta đều lờ đi.
Cô ta thực sự chán ngấy cuộc sống ở nông thôn này rồi. Cô ta nhất định phải học tập chăm chỉ, nhất định phải cố gắng học tập. Cô ta muốn thi đỗ đại học, muốn thoát khỏi cuộc sống như địa ngục này!
Cô ta biết rằng từ trước đến nay, Sở Sương và Hứa Nhã đều có ôn tập sách vở, Bạch Nguyệt Quý cũng vậy, còn cả Đổng Kiến và Đặng Tường Kiệt, những người này đều đang ôn tập.
Chẳng phải ngay cả con nhỏ đê tiện Dương Nhược Tình kia cũng đã mấy tháng không ra khỏi nhà rồi sao?
Theo như cô ta biết, chắc chắn Dương Nhược Tình đã biết tin từ sớm nên tránh né mọi người âm thầm cố gắng!
Cô ta đã chậm hơn những người này rất nhiều rồi, bây giờ cô ta phải nỗ lực gấp nhiều lần mới được!
Vì vậy, Mã Quyên mặc kệ đứa con trai mới sinh, chỉ biết toàn tâm toàn ý ôn tập sách vở.
Bà Trần nhìn thấy bộ dạng của cô ta mà trong lòng vô cùng bực bội!
Kể từ khi cô vợ thanh niên trí thức này về nhà, không nói đến việc kiếm được bốn mươi đồng một tháng như vợ nhà Chu thì ít nhất cũng phải đi dạy học kiếm công điểm như cô vợ nhà họ Niên chứ?
Kết quả cô ta không làm gì cả.
Ngày ngày chỉ quanh quẩn với việc ăn uống, ngủ nghỉ của con trẻ, lười biếng chết đi được, còn không biết quan tâm đến anh tư Trần.
Ngày nào cũng cãi nhau với anh ta, như vậy, nếu cô ta thật sự thi đỗ đại học, cô ta còn không vứt bỏ chồng con mà bỏ trốn sao?
Trong lòng bà Trần liền chôn giấu một ý định.
Khác với Mã Quyên, bên kia Trần Tùng lại có đãi ngộ vô cùng cao cấp!
Lý Phong Mai đã sinh cho anh ta một cô con gái nhưng cô ta mơ ước được theo Trần Tùng về thành phố.
Bởi vì Trần Tùng ở nông thôn vốn dĩ không nuôi nổi hai mẹ con nên cô ta mới ở cữ được nửa tháng đã phải ra đồng làm việc kiếm công điểm.
Không kiếm không được, không kiếm thì không sống nổi!
Nhưng cô ta cũng không ít lần nhờ nhà mẹ đẻ giúp đỡ, nhà mẹ đẻ cũng thực sự giúp đỡ không ít, vì họ đều mong có thêm một người thân ở thành phố.
Mong mỏi mãi, cuối cùng cũng mong đến chuyện khôi phục kỳ thi đại học, quả là niềm vui ngoài mong đợi!
Nếu Trần Tùng thi đỗ đại học, vậy thì cô ta sẽ là vợ của sinh viên đại học. Sau khi tốt nghiệp thậm chí sinh viên đại học còn có thể làm quan!
Vì vậy, so với việc ôn thi đại học, những việc khác đều không đáng kể.
Lý Phong Mai trực tiếp cung phụng Trần Tùng, không chỉ cô ta, mà cả cha Phong Thu cũng coi trọng con rể, thậm chí Lý Phong Mậu và vợ Phong Mậu cũng vậy.
Cha Phong Thu còn trực tiếp gánh một bao tải lương thực đến cho con rể ăn. Lương thực mới của năm nay chưa thu hoạch, tuy đây là lương thực cũ của năm ngoái nhưng được bảo quản rất tốt.
Lý Phong Mậu và vợ cũng đầu tư rất nhiều vào người em rể mới này.
Bọn họ không chỉ làm thịt một con gà để bồi bổ sức khỏe cho em rể mà còn đưa cho Lý Phong Mai năm đồng bảo cô ta cất giữ, còn bảo cô ta đi mua những thứ tốt bồi bổ cho em rể!
Cho nên đãi ngộ của Trần Tùng còn cần phải nói nữa sao? Anh ta không cần làm gì cả, chỉ cần ở trong nhà ôn thi là được.
Trần Tùng vốn không có tài liệu học tập. Nhưng Đổng Kiến có, cho nên anh ta chạy đến tìm Đổng Kiến mượn.
Không chỉ có anh ta mà những người khác, từng người một đều đến tìm Đổng Kiến mượn, cũng đến tìm Sở Sương mượn.
Ngay cả bên phía Hứa Nhã cũng có người đến tìm cô ấy mượn.
Hứa Nhã cũng không keo kiệt, bởi vì cô ấy và Sở Sương đều học theo Bạch Nguyệt Quý, đều ghi chép lại những kiến thức trọng tâm. Cho dù cho người khác mượn sách giáo khoa cũng không sao.
Bạch Nguyệt Quý cũng vậy, những cuốn sách giáo khoa đó đều được những thanh niên trí thức ở các thôn mượn đi. Nhưng cô chỉ cần xem vở ghi chép để ôn tập là đủ.
Mợ út vô cùng ủng hộ việc Bạch Nguyệt Quý muốn thi đại học, nhưng bà Niên lại không có tâm tư và suy nghĩ như vậy.
Bà ấy thấy Hứa Nhã cặm cụi đọc sách, hận không thể chui vào đống sách liền buồn bã nhiều ngày.
Mãi đến khi Niên Viễn Phương trở về, bà ấy mới nhịn không được kéo con trai ra sân sau nói chuyện.
"Sau này con dâu đi học đại học, hai chị em Dao Dao phải làm sao? Con lại đi làm xa, như vậy chẳng phải là con một nơi, anh em Dao Dao một nơi, con dâu lại một nơi sao?"

Bạn cần đăng nhập để bình luận