Nguyên Thủy Chiến Ký

Chương 397: Hóa giải

Chương 397: Hóa giải
Rất nhiều người cho rằng, hoa văn và đồ trang sức trên các loại đỉnh, li,… chỉ đơn thuần là để trang trí cho đẹp, hoặc để đánh dấu, trước kia Thiệu Huyền cũng nghĩ vậy. Nhưng càng tiếp xúc sâu với những thứ này, Thiệu Huyền mới phát hiện ra, bên trong chúng ẩn chứa không ít điều huyền diệu.
Giống như cái đỉnh trước mặt, Thiệu Huyền vốn tưởng rằng những gì thể hiện trên đỉnh toàn là công lao to lớn của một vị chủ nô nào đó ở An Ba thành, hoặc là những sự tích anh dũng khác, hay là ghi chép lại những sự kiện có ý nghĩa kỷ niệm. Nhưng khi tỉ mỉ quan sát, hắn mới phát hiện có rất nhiều chỗ không hiểu nổi.
Đúng vậy, chỉ riêng những văn tự này, quả thực đã bao hàm một vài lịch sử huy hoàng của An Ba thành. Mấy câu nói phía trên, mặc dù có vài chữ Thiệu Huyền không hiểu, nhưng cũng không ảnh hưởng đến việc lý giải ý nghĩa của chúng, đó là những lời ca tụng bộ lạc An Ba cổ xưa, cùng với mấy câu chúc từ. Nếu chỉ có vậy thì thôi, nhưng những vân văn nhìn như để trang trí hoặc làm nền trên đỉnh lại luôn cho Thiệu Huyền một loại cảm giác rất cổ quái.
Có rất nhiều người bộ lạc thích loại vân văn như vậy, năm đó khi tiếp xúc, Hồi bộ lạc cũng thích sử dụng vân văn. Có lẽ bởi vì những vân văn dạng xoáy nước này vừa có thể coi như phần bổ sung trang trí, lại vừa mang một kết cấu phức tạp cùng cảm giác thần bí, tự do tùy ý mà phong cách lại đa dạng. Cái đỉnh này có chân dẹt, phần trên của vân văn lại càng tỉ mỉ phức tạp, mỗi một xoáy nước của vân văn đều hướng vào trung tâm, có cái giống như mây cuộn, có cái lại tựa như mây trôi. Vô số vân văn tạo thành, không phải là kiểu kết cấu lặp đi lặp lại hai phương liên tục trên dưới đơn giản, mà là kết hợp với nhau theo một phương thức tự nhiên hơn.
So với vân văn mà Hồi bộ lạc sử dụng thì phức tạp hơn nhiều, cũng là loại vân văn phức tạp mà tự nhiên nhất Thiệu Huyền từng gặp.
Thoạt nhìn, hoa văn này thật đẹp. Tuy không hấp dẫn như những văn tự lớn hơn trên thân đỉnh, nhưng chỉ cần nhìn thấy những vân văn kia, cũng sẽ bị thu hút, đó là một loại cảm giác đánh vào thị giác không nói nên lời.
Với tư cách là hoa văn, chúng đã đạt được mục đích, nhưng thật sự chỉ có vậy thôi sao?
Thiệu Huyền nhìn chằm chằm hoa văn trên thân đỉnh một hồi, muốn sao chép lại những vân văn phức tạp dày đặc kia. Nhưng xung quanh lại không có giấy, dùng vải thì quá mức xa xỉ. Thiệu Huyền bèn đứng dậy đi ra ngoài, tìm mấy chiếc lá cây to và dài, sau đó bôi một chút thuốc màu lên vòng vân văn ở thân đỉnh, dùng lá cây in ấn lên trên, để cho đồ văn hiện ra trên mặt lá. Sau đó, Thiệu Huyền mới sao chép lại những vân văn kia lên một mảnh vải.
Không chỉ có vân văn trên thân đỉnh, mà trên ba chân dẹt của đỉnh cũng có. Chẳng qua, khác với những vân văn tỉ mỉ phức tạp trên thân đỉnh, đường cong vân văn ở chân bẹp lại thô hơn, toát lên vẻ hùng hậu đơn giản.
Vân văn ở chân bẹp, Thiệu Huyền cũng lần lượt ấn xuống, sau đó từ từ nghiên cứu.
Chinh La nói, người chế tạo cái đỉnh này là người Hạp. Người Hạp thích dùng vân văn, hơn nữa, theo Thiệu Huyền biết, vân văn là một trong những loại văn dạng sinh ra sớm nhất. Tựa hồ mỗi một bộ tộc sử dụng vân văn đều có lịch sử vô cùng lâu đời.
Văn lửa của Viêm Giác sinh ra cũng sớm, nhưng so về độ phổ biến, lại không rộng rãi như vân văn, bởi vì vân văn cân bằng, có loại cảm giác vận động và hài hòa, văn dạng lặp lại hai phương liên tục cũng không tỏ ra đột ngột. Chỉ là, vân văn do người Hạp làm trên đỉnh tựa hồ bao hàm càng nhiều ý nghĩa.
Sẵn không có việc gì làm, lại sắp đến mùa đông, số lần ra ngoài cũng sẽ giảm bớt, Thiệu Huyền sẽ có càng nhiều thời gian rảnh rỗi để nghiên cứu những thứ này.
Sau khi đem tất cả vân văn trên thân đỉnh sao chép lên hai tấm vải, Thiệu Huyền còn đi tìm Vu, hỏi thăm về cách sử dụng một số chữ viết cổ xưa ở bên này. Chỉ là, Vu cũng không biết nhiều, chỉ có thể từ ghi chép của tổ tiên mà nhìn thấy đồ vật của mấy trăm năm trước. Nhưng tổ tiên Viêm Giác truyền lại ghi chép, phần lớn do Vu sở hữu, sử dụng cũng đa phần là văn tự bên kia, mà không phải là văn tự địa phương bên này.
Không thể có được sự trợ giúp từ Vu, Thiệu Huyền chỉ có thể tự mình suy nghĩ trước.
Nghĩ đến những vân văn này, Thiệu Huyền cảm thấy như trở lại thời điểm học kết ngữ. Vạn vật thế gian đều tràn đầy trật tự và quy tắc, bất kể là mãnh thú trong rừng, hay là người ở các nơi, cơ năng sinh lý trong cơ thể cũng đều vận chuyển bình thường theo trật tự.
Các giác quan nghe, nhìn, ngửi, vị và cơ năng của bản thân con người tác động lâu dài đến đại não, có thể sinh ra tác dụng ngầm đối với sáng tác của mọi người, từ đó sinh ra các loại nghệ thuật và kỹ thuật. Loại cảm giác trật tự này cũng được thể hiện đầy đủ trên ký hiệu đồ văn sáng tạo ra, tỷ như vân văn Thiệu Huyền đang nhìn thấy bây giờ.
Nhiều, nhưng không loạn.
Người sáng tạo ra hình vẽ vân văn phức tạp mà tự nhiên như vậy, khẳng định cũng theo đuổi cảm giác cân bằng và trật tự trong sáng tác, như vậy mới có thể tạo ra được loại vân văn trên thân đỉnh này.
Vậy thì, dưới trật tự, loại vân văn có tổ hợp phức tạp như vậy, rốt cuộc đại biểu cho cái gì?
Thiệu Huyền nhìn chằm chằm những vân văn kia suốt một ngày, cũng không thể nhìn ra được gì. Sau khi suy tư, Thiệu Huyền đi vào rừng nhặt một ít lá cây. Lá cây rơi trên mặt đất đã ngả vàng, nhưng không khô héo, phiến lá tương đối rộng, mỗi một mảnh đều to hơn bàn tay người trưởng thành một chút, cũng tương đối dày.
Nhặt lá cây về, trải qua ép, phơi nắng, chỉnh lý rồi cất đi để dự phòng.
Đồng thời, Thiệu Huyền còn làm một cái sa bàn hình vuông, sa bàn không sâu, rộng khoảng một mét vuông, bên trong sàng lọc một ít cát mịn, Thiệu Huyền cầm nhánh cây vẽ trong sa bàn.
Tổ hợp vân văn phức tạp xem ra quá khó, Thiệu Huyền thử nghiệm chia những vân văn kia thành mấy khối, vẽ trong sa bàn, tháo rời ra. Mà mỗi khi tháo ra một cái, liền đem hình vẽ vân văn đơn lẻ đã hóa giải vẽ lên trên mỗi một chiếc lá.
Mất năm ngày, Thiệu Huyền mới hóa giải xong vân văn trên đỉnh, đó vẫn chỉ là hóa giải sơ lược, không biết đúng hay không, cũng không có cách nào chỉnh sửa, bởi vì không có gì để so sánh, cũng không ai nói cho Thiệu Huyền biết đúng sai. Tính phóng đại và thổi phồng của nghệ thuật tồn tại, mà tính nghệ thuật của đồ văn lại khiến cho việc hóa giải của Thiệu Huyền gặp rất nhiều khó khăn.
Cứ suy tư như vậy năm ngày, trừ ăn uống kéo dài ra, tất cả thời gian đều đặt ở việc hóa giải. Đợi đến khi vẽ xong vân văn cuối cùng, Thiệu Huyền cũng mệt mỏi, quầng mắt thâm đen. Hắn ăn một nồi canh thịt hầm quả núi lớn, ngủ một giấc thật ngon, rồi từ trong nhà đi ra ngoài.
Ánh mặt trời bên ngoài tuy không rực rỡ như trước, nhưng đối với Thiệu Huyền vùi trong phòng năm ngày mà nói, có chút chói mắt.
Trong hoảng hốt hoàn hồn, Thiệu Huyền dự tính đi xuống núi, dạo quanh những nơi khác, thả lỏng thần kinh một chút. Căng thẳng mãi cũng chưa chắc hữu ích, có lẽ đi đây đó nhìn xem, còn có thể có được chút linh cảm.
Gần đây thời tiết hạ nhiệt độ rất nhanh, cơ hồ mỗi ngày đều có thể cảm nhận được chênh lệch nhiệt độ so với ngày trước.
Từ trên núi nhìn ra xa, năm ngày trước còn có thể nhìn thấy không ít bụi cây ngả vàng, bây giờ đã thưa thớt đi nhiều.
Gần đây những người đi ra ngoài giao dịch đều đã trở về, không chỉ có Đa Khang dẫn người giao dịch của An Ba thành đi ra ngoài, mà còn có những người đi giao dịch ở các bộ lạc khác, bố trí đồ vật do ty chức chế tạo hoặc là các vật phẩm khác.
Thịt đi săn có một ít được treo bên ngoài phơi khô, dọc theo con đường đi xuống, Thiệu Huyền nhìn thấy trước cửa mỗi nhà đều treo không ít chân thú, các loại thú vật.
Nhìn thấy một bóng người quen thuộc, Thiệu Huyền gọi: "Chiếu Minh, đang làm gì vậy?"
Chiếu Minh đang ôm trái cây cắm đầu đi vào trong phòng, nghe tiếng bèn nhìn về phía Thiệu Huyền, vui vẻ nói: "Thiệu Huyền… Trưởng lão!"
Thiệu Huyền nhìn Chiếu Minh dùng lá cây lớn bao các loại trái cây, đây đều là những loại rất ít ăn trong bộ lạc, bèn hỏi: "Những thứ này là để làm gì? Nấu canh sao?"
Có một số loại quả không thể ăn trực tiếp, người bộ lạc liền coi như gia vị để nấu canh.
"Không phải, đây là cho mấy con heo thú ăn." Nói đến đây, mặt Chiếu Minh đầy vẻ hồng hào.
Thiệu Huyền nhớ tới, lúc đi săn hắn có mang về một ổ heo, cả lớn lẫn nhỏ, một lưới bắt hết mang về, cho thằng nhóc Chiếu Minh này nuôi.
"Ca của ngươi đâu? Không có ở nhà à?" Thiệu Huyền quét mắt trong phòng, không thấy người lớn.
"Cùng những người khác đi đốn củi rồi."
Chiếu Minh dẫn Thiệu Huyền đi xem mấy con heo hắn nuôi. Đàn heo con so với lúc Thiệu Huyền mang về đã lớn hơn một vòng, lông cũng mọc dày hơn. Thời tiết càng lạnh, lông trên người loại heo này sẽ càng nhiều, có lợi cho việc chống lạnh.
Thấy Thiệu Huyền qua đây, chúng đều chen về phía heo mẹ, cả lớn lẫn bé đều rúc vào góc đống nhánh cây và cỏ khô.
"Giỏi lắm, nuôi không tệ, lớn thêm chút nữa là có thể ăn được rồi." Thiệu Huyền nhìn những con heo, nói.
"Mẹ của Tiểu Bích nói, mấy con heo thú này sau mùa đông sẽ lớn nhanh hơn, mùa đông chúng ăn ít đồ, nên lớn chậm." Nhớ tới điều gì đó, Chiếu Minh rất cao hứng nói với Thiệu Huyền: "Nhưng mà đợi chúng lớn lên, ta cũng sẽ không ăn ngươi."
"Vì sao?" Thiệu Huyền nghi hoặc. Mấy đứa nhóc này không phải thường xuyên nhìn những con thú nuôi chảy nước miếng sao? Sao lại không ăn?
Chiếu Minh cười đến lộ ra hàm răng trắng, không lên tiếng. Nhưng mà, trên mặt hắn, hiện ra một vài đường vân nhàn nhạt, đường vân đang dần đậm hơn, không nhanh như Thiệu Huyền bọn họ, nhưng quả thật là đang vững bước đậm thêm.
"Đồ đằng văn?!" Thiệu Huyền kinh ngạc, ngay sau đó cười nói: "Chúc mừng, ngươi sắp trở thành một chiến binh đồ đằng rồi."
Mặc dù trước kia đã nghe những người khác nói qua, nhưng đây là lần đầu tiên Thiệu Huyền nhìn thấy người bộ lạc thức tỉnh mà không phải trong nghi thức tế lễ. Có lẽ, đây chính là sự khác biệt do mồi lửa biến mất mang lại. Mồi lửa đã dung nhập vào huyết mạch của mỗi một người Viêm Giác, chỉ cần chạm đến giới hạn thức tỉnh, lực lượng mồi lửa trong huyết mạch có thể giúp bọn họ tùy thời thức tỉnh, không cần phải chờ đến nghi thức tế lễ.
Còn việc Chiếu Minh nói "không ăn heo thú" đương nhiên là bởi vì, sau khi trở thành chiến binh đồ đằng, có thể ăn một số loại mãnh thú cấp bậc cao hơn, tỷ như hung thú.
Nuôi không thể ăn, nhưng có thể đổi lấy thứ khác từ những người khác, cũng không thiệt thòi.
Đi vòng quanh chân núi một vòng, Thiệu Huyền liền bị Quảng Nghĩa đang gánh một bó củi lớn gọi lên núi.
Trước kia bởi vì Thiệu Huyền cứ không ra khỏi cửa, nhìn giống như đang bận việc gì đó, mọi người đều không quấy rầy hắn. Bây giờ thấy Thiệu Huyền ra ngoài đi dạo, liền gọi lên núi trò chuyện.
Sống chung lâu, Quảng Nghĩa "mù mặt" này rốt cuộc cũng có ấn tượng với Thiệu Huyền. Cho dù vẫn mơ hồ về khuôn mặt của Thiệu Huyền, nhưng chỉ cần nhìn thấy đồ trang sức bằng xương mà Thiệu Huyền đeo, liền có thể nhận ra hắn.
"Mùa đông sắp đến rồi, Vu nói trong vòng ba ngày nữa sẽ bắt đầu có tuyết rơi. Thủ lĩnh hai ngày nay đang thương nghị chuyện đi săn mùa đông." Quảng Nghĩa nói với Thiệu Huyền.
Thông thường mà nói, khi mùa đông ở đây bắt đầu, cũng sẽ không có tuyết rơi nhiều. Bộ lạc còn tổ chức một đợt đi săn, đợi đến khi tuyết rơi dày, sẽ không ra ngoài nữa.
Sau khi lên núi, Đa Khang hỏi thăm Thiệu Huyền, hắn có đi săn mùa đông hay không. Đi săn mùa đông có nguy hiểm của nó, không phải ai cũng thích hợp để đi săn vào mùa đông.
"Ta sẽ đi săn." Thiệu Huyền nói. Hắn còn muốn thừa cơ hội này săn một con mồi tốt một chút, làm thú tế để tham gia nghi thức tế lễ sắp tới.
Mùa đông ở đây không tính là quá dài, sau khi mùa đông kết thúc, sẽ có nghi thức tế lễ quan trọng nhất trong năm, đây cũng là nghi thức tế lễ đầu tiên Thiệu Huyền tham gia kể từ khi đến đây.
Bạn cần đăng nhập để bình luận