Dựa Vào Livestream Huyền Học Trở Thành Đỉnh Lưu Ở Địa Phủ

Chương 220: Ăn Nhờ Ở Đậu (2)

Nhìn thấy người thân duy nhất của mình tức giận nên Tiểu Thành cũng có chút sốt ruột.
“Em nói, em đều nói hết cho chị nghe là được. Chị đừng tức giận nữa.”
Anh ấy do dự một lúc, sau đó nhìn thẳng về phía ống kính máy quay và cắn răng nói:
“Tôi biết tôi đã làm chuyện không đúng. Sau khi chương trình phát sóng thì tất cả cư dân mạng chắc chắn sẽ muốn mắng chửi vì việc tôi đã làm, tôi sẽ chấp nhận hết tất cả.”
“Nhưng mà, ngày hôm nay, tôi cũng phải xé rách mặt nạ của những người đó, để cho tất cả nhân dân trên cả nước nhìn xem, bọn họ là loại lòng lang dạ sói như thế nào!”
Từ lời kể của Tiểu Thành, mọi người đã được nghe một phiên bản chi tiết hơn về thời thơ ấu của hai chị em.
Hóa ra nhà bọn họ là một gia đình có bốn thế hệ cùng sống chung một nhà.
Cha ruột của hai người có ba em trai và một em gái. Ông nội của hai người sinh ra tổng cộng năm đứa con nhưng chỉ có cha của bọn họ là người duy nhất đi ra khỏi vùng núi này và chuyển đến sống ở trên huyện.
Lúc ấy, điều kiện kinh tế của nhà bọn họ là tốt nhất trong thôn. Vào những ngày lễ ngày tết, cha của bọn họ cũng thường xuyên tiếp tế cho gia đình em trai và em gái bên nội.
Đối với chuyện này, mẹ của bọn họ tuy rằng cũng có chút ý kiến nhưng cuối cùng cũng không ngăn cản hành động của ông ấy.
Còn ở thế hệ của ông nội thì chỉ có mỗi ông nội là con trai, thế hệ cao hơn thì chính là cha của ông nội tức là ông cố của bọn họ.
Lúc đó, cả nhà bọn họ luôn coi ông cố như người đứng đầu cả gia đình.
Sau khi cha mẹ bọn họ gặp chuyện không may thì Tiểu Khê mới hơn chín tuổi, còn Tiểu Thành vừa mới sáu tuổi.
Hai đứa trẻ có cô chú ruột thịt nên tất nhiên không thể gửi đến trại trẻ mồ côi.
Vì vậy, ông cố và ông nội đã triệu tập tất cả mọi người trong gia đình đến và mở một cuộc họp để thương lượng xem nên nuôi dưỡng hai đứa trẻ như thế nào.
Ngày trước khi gia đình bọn họ tiếp tế cho anh em trong nhà thì những người đó luôn một câu anh, hai câu em. Bây giờ, khi nghe rằng phải nuôi dưỡng hai đứa trẻ thì những người đó bắt đầu tìm mọi cách từ chối.
Trùng hợp thay, người gây ra tai nạn hại chết cha mẹ của bọn họ là một ông chủ lớn, có mở một nhà máy ở địa phương. Người đó đã tìm đến nhà và nói muốn giải quyết riêng, sẽ bồi thường cho bọn họ hai trăm nghìn đồng.
Hơn mười năm trước, số tiền hai trăm nghìn đồng đối với dân quê vùng núi không khác gì là một khoản tiền khổng lồ đột nhiên rơi từ trên trời xuống.
Cho dù ông nội đã khăng khăng đòi báo cảnh sát nhưng một các chú thím và các cô trong nhà lại không ngừng khuyên can.
Những người đó nói rằng cha mẹ của bọn họ đã chết rồi, chi bằng cứ cầm lấy số tiền bồi thường này thì mới có thể cho hai đứa trẻ điều kiện nuôi dưỡng tốt hơn.
Cuối cùng, những người đó đã mang chuyện này đến trước mặt ông cố nội để xin ý kiến.
Ông cụ trầm mặc, không nói gì, chỉ nhìn quanh sân nhà rách nát cùng với thế hệ cháu chắt xanh xao, vàng vọt và cuối cùng đã quyết định chấp nhận giải quyết riêng.
Tiểu Khê và Tiểu Thành đang trong cơn bối rối, chưa kịp hiểu gì đã bị sắp xếp luôn số phận về sau.
Sau khi mấy người đó thương lượng xong, nói rằng sẽ cùng nhau dùng số tiền bồi thường này để chăm sóc hai đứa trẻ. Bọn họ vỗ ngực cam đoan rằng tuyệt đối sẽ không để hai đứa trẻ mồ côi mà anh trai mình để lại phải chịu khổ.
Nhưng trên thực tế, hai đứa trẻ chỉ có thể miễn cưỡng đủ ấm no. Anh em, chị em họ trong nhà có thể ăn thịt thì bọn họ chỉ có thể uống canh, cũng không còn được cho tiền tiêu vặt và mua quần áo mới nữa.
Không những vậy, bọn họ còn phải làm công việc vệ sinh nhà cửa, cho gà và ngỗng ăn, còn bị bắt nạt và chế giễu bởi các anh chị em họ cùng nhà.
Thậm chí, có một lần, hai chị em đã nghe lén được một người chú nói rằng trong thôn có một tên lưu manh không cưới được vợ. Ông ta muốn nhận nuôi Tiểu Thành làm con thừa tự và hứa hẹn sẽ cho gia đình bọn họ năm mươi nghìn đồng để làm “phí nhận nuôi”.
Hai chị em đã náo loạn ầm ĩ, thậm chí còn lôi chuyện này đến trước mặt ông nội và ông cố để khẳng định rằng hai người tuyệt đối sẽ không bao giờ tách ra.
Hai ông cụ cũng thật sự tức giận và không đồng ý chuyện này, còn mắng mỏ người chú nêu lên ý kiến kia.
Nhưng kể từ đó, tình cảnh của hai chị em lại càng khó khăn hơn.
Mỗi khi hai người mở miệng muốn xin tiền nộp học thì đó chính là thời điểm mà bọn họ cảm thấy khó chịu nhất.
Các chú thím và cô dì sẽ chỉ cây dâu, mắng cây hòe, nói rằng bọn họ lén lút ăn cắp tiền, liên tục kêu ca nuôi dưỡng một đứa trẻ thì sẽ chịu lỗ nặng như thế nào.
Bạn cần đăng nhập để bình luận