Thập Niên 60: Làm Giàu Dạy Con

Chương 557: Cuồng con gái

Hổ Tử cảm khái vô cùng, may mà nó có mợ út soi đường chỉ lối, khuyến khích học tập, chỉ cần bản thân thiếu cái gì đều có thể học hỏi bổ sung.

Ngay lúc làm thuê ở cửa hàng quần áo nam, Hổ Tử đã học được rất nhiều điều ví như việc giao tiếp và chào mời khách hàng bởi vậy cho nên hiện tại sạp quần áo của nó mới đắt khách tới vậy.

Bằng không một thằng nhóc chân đất quê mùa làm sao có đủ can đảm và bản lĩnh buôn bán tại đất Bắc Kinh?!

Cho tới bây giờ, Hổ Tử vẫn ghi lòng tạc dạ câu mợ út dạy “Làm ăn cũng chính là làm người, nếu chưa biết làm người thì đừng ra ngoài làm ăn, sớm hay muộn cũng rước hoạ vào thân mà thôi.”

Hôm nay lúc nhìn thấy Hứa Thắng Cường như vậy, Hổ Tử định bụng qua nói hai câu nhưng người ta ngứa mắt nó, nhất là thấy sạp nó đắt như tôm tươi còn sạp bên ấy vắng đến độ ruồi không thèm đậu.

Lâm Thanh Hoà nhướng mày hỏi: “Có phải việc làm ăn của nó không tốt bằng cháu không?”

Chẳng cần chứng kiến tận mắt, chỉ cần dựa vào bản chất con người Hứa Thắng Cường là Lâm Thanh Hoà tự đoán ra được rồi. Đừng nói buôn bán ế ẩm, nếu chẳng may chọc phải người không nên chọc thì coi chừng cả tính mạng ấy chứ.

Hổ Tử không hề tỏ chút đắc ý mà rầu rĩ nói: “Cháu có mợ út dạy bảo, được đi học mở mang tầm mắt, lại nhờ cậu út hướng dẫn cách nói chuyện với khách sao cho ôn tồn và lịch sự, còn Thắng Cường không có ai chỉ dạy cho nên công việc làm ăn ảm đạm âu cũng là lẽ thường tình.”

Lâm Thanh Hoà nói ngay: “Cái này không hẳn, vấn đề không phải không ai dạy mà mấu chốt nằm ở chỗ có người dạy nhưng nó không chịu học thì cũng thua.”

Vì bị ngã ở chỗ Hứa Thắng Mỹ cho nên Lâm Thanh Hoà ác cảm lây sang Hứa Thắng Cường nhưng cô cũng không tỏ thái độ gì nhiều, vẫn để Chu Thanh Bách đi xin học cho nó, những mong nó sẽ biết nắm bắt cơ hội, học hành nên người. Chỉ đáng tiếc giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời, đâu cũng lại hoàn đó cả thôi.

Chuyện đã qua thôi không nhắc lại nữa, dù sao thì bàn tay năm ngón còn có ngón ngắn ngón dài, cháu chắt cũng vậy, đứa nào có ý chí vươn lên thì mình giúp còn những đứa không biết cố gắng thì thôi. Trâu không uống nước ai ghì được đầu trâu, đúng không?! Với lại nhà cô đâu có nợ Hứa gia, đâu có nợ Hứa Thắng Cường cho nên không cần phải đứng ra lãnh trách nhiệm.

Lâm Thanh Hoà không quên căn dặn Hổ Tử: “Cứ lo tập trung làm buôn bán của mình cho tốt đi, đừng có mà nhiều chuyện sang bên đấy. Chưa chắc cháu nói mà nó đã chịu nghe đâu nên đừng có quản nhiều.”

Chu Thanh Bách lên tiếng: “Ừ, cứ nghe lời mợ út đi, làm tốt chuyện của bản thân cháu là được.”

Hổ Tử gật đầu tỏ vẻ đã hiểu.

Lâm Thanh Hoà phất tay: “Đi dọn bàn đi, chuẩn bị ăn cơm.”

Năm nay cô không khách khí, thu mỗi đứa 10 đồng tiền cơm nhưng kể cả có như vậy thì cũng không quá đáng chút nào. Cứ thử cầm 10 đồng ra ngoài xem có ăn ngon được tới vậy không? Tỷ như bữa hôm nay thôi, trứng gà bác, khoai tây hầm thịt ba chỉ, cải chua xào thịt thăn, cải thảo xào và một nồi canh xương sườn rong biển to vật vã.

Món chính là màn thầu gồm hai loại màn thầu bột mỳ tinh và màn thầu bột bắp.

Màn thầu bột bắp là làm theo yêu cầu của Lâm Thanh Hoà, từ dạo mang thai tới giờ cô đặc biết thích ăn ngũ cốc.

Trên bàn cơm hội tụ đủ mặt anh tài, Chu Toàn, Chu Quy Lai, Cương Tử, Hổ Tử, chỉ thiếu mỗi Tứ Ni. Bắt đầu từ tháng 4 nó mới chính thức quay lại làm, hiện giờ vẫn ở bên nhà Nhị Ni phụ giúp trông hai đứa trẻ.

Cương Tử cắn một miếng màn thầu rồi gắp một đũa cải chua xào thịt bỏ vào họng. Trời quá đã!

Nó cười tít mắt: “Cháu nghe nói nhiều năm trước nhà cậu út cũng ăn sang như thế này ạ?”

Lâm Thanh Hoà bật cười: “Khoa trương quá đi!”

Chu Quy Lai trợn trắng mắt: “Đúng rồi, làm gì mà nhiều đồ ăn thế này.”

Cương Tử ngạc nhiên: “Không phải ạ? Nhưng đợt hè Dương Dương lên đây nói vậy mà.”

Lâm Thanh Hoà cười: “hai ba món thôi, không nhiều như thế này.”

Hồi còn ở nông thôn, cả nhà chỉ có mình Chu Thanh Bách xuống đất làm việc, chứ cô là cô nhất định không chịu lội ruộng rồi đấy cho nên công điểm không nhiều bằng nhà người ta, lương thực thực phẩm được phát cũng ít hơn. Tuy nhiên trên cơ bản mỗi ngày đều có thịt, có trứng bởi lúc bấy giờ trong không gian ê hề đồ ăn thức uống.

Một phần là như vậy, một phần là do quan niệm thời đại khác nhau, Lâm Thanh Hoà không thể nào vì tiết kiệm chút tiền lẻ mà bạc đãi Chu Thanh Bách. Anh đi làm quần quật cả ngày, lại toàn công việc nặng nhọc, nếu không được ăn uống tử tế thì sức đâu chịu cho nổi. Kể cả cô có nấu đại nấu đùa qua loa đại khái thì anh cũng chẳng dám có ý kiến gì đâu nhưng suy cho cùng cô không thể làm thế được, vì lương tâm không cho phép.

Chu Quy Lai nhớ mang máng: “Nếu anh Dương Dương nói vậy thì chắc đúng rồi đấy. Em thì chỉ nhớ Tết thôi, mỗi lần Tết tới là quá trời đồ ăn.”

Kỳ thực nếu nói tới vấn đề này thì người nhớ nhất chắc là Chu Khải vì có một ký ức nó không bao giờ quên được. Cái hồi còn học cao trung, nó về nhà một người bạn cùng lớp chơi. Gia cảnh cậu bạn đó không tệ lắm, mẹ cậu ấy cũng rất nhiệt tình tiếp đãi nhưng mâm cơm đơn giản vô cùng, nếu so sánh ra thì thua xa bữa cơm bình thường nhất của nhà nó chứ đừng nói tới mấy dịp thiết đãi khách khứa hay lễ Tết.

===

Buổi tối đi ngủ, Lâm Thanh Hoà gối đầu lên tay chồng tâm tình: “Sao từ khi mang thai em lại cứ nhớ tới cuộc sống hồi nhà mình còn ở dưới quê nhỉ?!”

Haiza, mới bao tuổi mà đã bắt đầu ức khổ tư điềm rồi! (1)

Mà nói trước đây khổ thì cũng không đúng, cô ngầm buôn bán thịt heo và lương thực kiếm được rất nhiều tiền, lại có không gian riêng cho nên cuộc sống tương đối đủ đầy.

Chỉ là chẳng hiểu sao hiện tại lại cứ có cảm giác này?!

Chu Thanh Bách suy nghĩ nửa ngày, mãi chẳng biết nói gì cuối cùng mới thốt ra một câu: “Có thể là em đang mang trong bụng đứa con của hai đứa mình….”

Lâm Thanh Hoà thiếu chút nhảy dựng lên mắng chửi ầm ĩ: “Anh nói cái gì? Hả? Ý anh là mấy đứa kia không phải con em?”

Thấy vợ bỗng nhiên kích động, Chu Thanh Bách sợ xanh mặt, anh vội vàng xoa dịu: “Không không, anh không có ý đó.”

Lâm Thanh Hoà hừ lạnh: “Em thách anh dám có ý đó đấy!”

Đúng là hồi mới xuyên tới cô chỉ nghĩ nuôi nấng chúng nó nên người, không đi khắp nơi gây hoạ là mình hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng trái tim con người làm bằng thịt, nuôi riết mến tay mến chân, cả ba thằng đều do một tay cô chăm bẵm và cô cũng coi chúng nó như con đẻ của mình. Giờ tự nhiên bị nói thế, cô không điên lên mới là lạ?!

Chu Thanh Bách cuống quýt: “Em cẩn thận một chút, đừng nóng giận hại thân.”

Lâm Thanh Hoà trừng mắt, xoè tay ra: “Thu nhập mấy tháng gần đây đâu? Sao em không thấy anh nộp lên, lại đi mua cửa hàng đúng không?”

Chu Thanh Bách lập tức đi lại ngăn tủ, lấy hai hay tờ khế đất và chứng từ có liên quan.

Lâm Thanh Hoà đón lấy đọc một lượt rồi ngây ngẩn cả người, trời đất, không phải mặt tiền cửa hàng mà là nhà xưởng?!

Chu Thanh Bách giải thích: “Hiện có nhiều nhà xưởng giải thể, anh đi hỏi thăm, người ta nguyện ý bán cho nên anh mua luôn, mỗi cái tốn ba mươi ngàn.”

Lâm Thanh Hòa gật đầu rồi hỏi tiếp: “Thế tiền tháng này đâu?”

Chu Thanh Bách liền nói: “Anh đã dùng hai mươi ngàn đặt cọc trước hai cái mặt tiền cửa hàng rồi, chúng đều nằm trên những đoạn đường cực kỳ đẹp.”

Lâm Thanh Hoà nhìn thẳng vào chồng nghiêm túc nói: “Em nói trước với anh, ở trước mặt mấy đứa Đại Oa không được phép nói mấy câu đại loại như là sẽ không chia tài sản, con trai phải tự thân vận động. Sau này chúng ta về già, có bao nhiều là phải chia đều cho cả bốn đứa. Không được thiên vị một đứa nào hết, anh nhớ chưa?”

Chả trách người đời hay truyền tai nhau có mẹ kế liền có cha kế. Người đàn ông này chỉ nhìn thấy đứa con gái còn chưa ra đời thôi, quên luôn ba thằng con trai rồi. Nhưng cô không phải mẹ kế, cô - là - mẹ - ruột !

Ai ngờ Chu Thanh Bách thẳng thừng lắc đầu: “Không thể.”

Lâm Thanh Hoà nhìn chằm chằm anh đợi câu giải thích.

Chu Thanh Bách nhàn nhạt nói: “Mấy đứa Đại Oa có ưu thế là được ba mẹ đồng hành suốt quãng đời thơ ấu, dậy thì, trưởng thành. Cần gì là có ba mẹ đứng ra giúp sức ngay, kể cả sau này Tam Oa muốn mở xưởng sủi cảo chúng ta cũng có thể giúp đỡ bởi vì chúng ta còn trẻ còn khoẻ. Nhưng sau này con gái lớn lên, hai ta đã già yếu rồi, có muốn giúp cũng lực bất tòng tâm.”

Lâm Thanh Hòa trừng mắt bất mãn.

Chu Thanh Bách nói tiếp: “Thế nên không phải không cho ba đứa Đại Oa nhưng anh phải để dành phần nhiều cho con gái. Tất nhiên chúng không dám có ý kiến mà đứa nào có ý kiến thử xem, anh sẽ đánh gãy chân chúng, một phân tiền cũng không cho!”

Lâm Thanh Hoà cạn lời, cuồng con gái kiểu này thì sợ rằng hết thuốc chữa rồi!

===

(1) Ức khổ tư điềm là một thành ngữ tiếng Hán, có nghĩa là nhớ lại những đau khổ của quá khứ, để trân trọng, biết ơn cuộc sống hạnh phúc hiện tại.
Bạn cần đăng nhập để bình luận