Thập Niên 60: Làm Giàu Dạy Con

Chương 144: Tất niên năm 1971

Tam Oa đáp: “Không ạ. Cô út đi một mình nhé.”

Hiển nhiên bọc kẹo trên tay cô út không hấp dẫn nó lắm. Kẹo thôi mà, có gì lạ đâu. Hôm nọ mẹ mới mua hai gói, vẫn còn một gói chưa ăn hết đang để ở nhà kia kìa.

Chu Hiểu Mai cầm theo gói kẹo sữa sang nhà Lâm Thanh Hoà.

Sau khi nghe cô em chồng nói xong, Lâm Thanh Hoà thoải mái đáp: “Được chứ, chỉ cần cô giúp chị một tay là được.”

Mối quan hệ giữa cô và vợ chồng cô út khá thâm tình, đương nhiên có thể ăn chung.

Chu Hiểu Mai tươi cười: “Thể để em chạy về mang đồ sang đây.”

Lâm Thanh Hoà trả gói kẹo lại cho cô út, nói: “Cầm gói kẹo này đưa cho mấy đứa Đại Ni đi. Thỉnh thoảng mẹ bận việc, mấy đứa nó cũng giúp trông em.”

Chu Hiểu Mai: “Bên đó vẫn còn hai gói.”

Ý tứ này nghe chừng không có phần nhà anh chị hai. Lâm Thanh Hoà cười: “Mang về đi, chia đều cho mấy đứa nhỏ. Không lẽ cô út về ăn Tết lại đứa có đứa không.”

“Vâng.” Chu Hiểu Mai nhận lấy, gật đầu, rồi quay về Chu gia xé mấy bọc kẹo ra phân phát hết cho đám cháu trai cháu gái.

Riêng chị ba Chu được thêm hai con cá, hai cân thịt heo.

Còn lại bao nhiêu, mang hết sang nhà Lâm Thanh Hoà.

Lâm Thanh Hòa không khách sao, nhận hết. Dù gì cả nhà toàn dựa hết vào công điểm của Chu Thanh Bách. Hai vợ chồng Chu Hiểu Mai tới ăn Tết, xách theo lương thực là hợp lý quá rồi còn gì.

Chu Hiểu Mai: “Chị tư, đợt trước Đại Lâm về quê không gặp anh chị. Hai người đi đâu đấy?”

“Ra bên ngoài thăm thú một chút, đi có ba ngày là về ấy mà.” Chỉ nói đôi câu rồi Lâm Thanh Hoà khéo kéo di dời đề tài: “Nhóc Tô Thành tới tuổi cai sữa rồi ấy nhỉ?”

Chu Hiểu Mai: “Lần này em có mua về 1 túi sữa bột đây, nhưng đang không biết nó có chịu ăn không nữa.”

Tô Thành đã lớn, cô tính trong năm nay cai sữa cho con, tập cho nó ăn cháo dần là được rồi.

Lâm Thanh Hoà: “Ăn nhiều tự khắc quen. Nhóc con háu ăn phết. Lần trước thấy Tam Oa uống nó cũng nhào qua đòi. Tam Oa thương em nên đút cho em uống luôn. Chị hết hồn, cứ lo lạ bụng tiêu chảy thì chết.”

Sữa bột tốt thì có tốt nhưng không thể cho uống tuỳ tiện. Trẻ nhỏ non nớt, vô cùng nhạy cảm với mấy thứ lạ. Cũng may cái bụng của thằng nhóc Tô Thành khoẻ, không bị kích ứng gì.

Lâm Thanh Hoà: “Sau đợt đấy chị bảo mẹ thường xuyên pha cho nó uống, mỗi ngày uống một chút, không đau bụng tiêu chảy gì.”

Chu Hiểu Mai ngại ngùng: “Làm chị tư tốn tiền rồi.”

Nhất định chị tư mua về là để bồi dưỡng mấy đứa nhỏ nhà chị ấy, không ngờ con mình lại nhào vào uống ké. Ngại quá đi mất!

Lâm Thanh Hoà nào đâu có để ý mấy chuyện này, cô phất tay: “Có gì đâu.”

Kể ra thì Chu Hiểu Mai kinh ngạc là điều hết sức bình thường.

Một túi sữa có giá 3 đồng, quá đắt đỏ, hiếm có người nào dám mua cho con ruột mình uống nói chi con người khác.

Nhưng Lâm Thanh Hoà có phải người thời đại này đâu. Mặc dù cô đang từng bước nỗ lực hoà nhập nhưng có những cái rất khó thay đổi. Ví như một túi sữa bột nguyên chất, không bị pha phụ gia hoá học chỉ với giá vài đồng bạc, đối với cô giá này quá hời.

Vì thế cho bọn trẻ nhà mình hay nhóc Tô Thành uống cô chưa bao giờ cảm thấy tiếc rẻ gì hết.

Ngoài ngạc nhiên, Chu Hiểu Mai còn rất xúc động khi thấy chị tư thương con mình như con ruột. Hiện tại thu nhập hàng tháng của cô là 18 đồng, đã tăng so với trước kia vài đồng, nhưng bỏ từng ấy ra mua sữa bột cho con trai thì thú thực cô cũng có chút luyến tiếc.

So ra thì, cô tự nhận mình không hào phóng được như chị tư.

Lâm Thanh Hoà hỏi: “Sang năm thôn mình bắt đầu bán sữa tươi. Tới lúc ấy chị định mỗi ngày mua hai chai cho 3 anh em Đại Oa. Em có muốn cho Tô Thành uống luôn không?”

Chu Hiểu Mai: “Giá cả thế nào, có đắt lắm không chị tư?”

Lâm Thanh Hoà: “Có hào mốt một chai thôi, không đắt. Nếu không phải sợ mẹ lại nói phá của thì chị còn muốn mua cho mỗi người 1 chai uống hàng ngày cơ. Thằng nhóc Tô Thành ăn uống khá lắm, nó thừa sức uống hết 1 chai ngon ơ. Mình đặt tiền rồi người ta giao sữa tươi tới nhà mỗi ngày, tính ra không đắt hơn sữa bột bao nhiêu.”

Chu Hiểu Mai bối rối: “Chị tư, sữa bò tốt lắm à?”

Lần này cô mua về 1 túi sữa bột là để hỗ trợ Tô Thành cai bú ti thôi. Uống hết là thôi, sẽ không mua tiếp nữa bởi sữa này vừa phí tiền lại rất khó mua. Huống hồ sữa tươi, còn đắt hơn cả sữa bột. Tiền đâu ra mà uống trường kỳ cơ chứ.

Lâm Thanh Hoà nghe ra ý tứ của cô út: “Cô không định cho nhóc Tô Thành tiếp tục uống sữa thật hả? Mấy đứa Đại Oa lớn vậy mà chị vẫn duy trì cho chúng nó uống đấy.”

Chu Hiểu Mai hỏi ngược lại: “Tốt lắm à?”

Lâm Thanh Hoà: “Nhà quê đồ ăn thức uống chỉ cốt no bụng, làm gì có dinh dưỡng gì. Sữa bò có nhiều chất dinh dưỡng. Trẻ nhỏ uống nhiều chắc chắn không có hại. Nhưng nếu cô không định cho Tô Thành uống cũng không sao. Bảo mẹ nấu cháo rồi chịu khó đút cho nó là được. Có điều, về mặt dinh dưỡng không thể so sánh. Nó còn nhỏ quá, chị thấy cô nên cho nó uống sữa thêm 2, 3 năm nữa đi. Hay là cô tìm dượng út bàn bạc thêm xem.”

Chu Hiểu Mai gọi Tô Đại Lâm lại thương lượng. Tất nhiên Tô Đại Lâm không có ý kiến, 1 chai sữa bò một hào mốt, 1 tháng tốn có 3 đồng 3. Lương tháng của anh 35 đồng, chút tiền sữa cỏn con này có gì đáng suy nghĩ, anh thừa sức cho con trai uống sữa bò trường kỳ.

Tô Đại Lâm nói ngay: “Nhờ chị chị…tư…đặt đặt…giúp. Mỗi tháng tháng…em em…gửi tiền.”

“Được.” Lâm Thanh Hoà gật đầu rồi quay qua nói với Chu Hiểu Mai: “Đừng để con nhà mình thua ngay ở vạch xuất phát. Về mặt này, dượng út giác ngộ hơn cô nhiều.”

Chu Hiểu Mai: “Em không nghĩ nó có tác dụng lắm.”

Lâm Thanh Hoà: “Có hay không sau này cô biết ngay thôi.”

Hai vợ chồng Chu Hiểu Mai tới ăn chung, không khí trong nhà đã náo nhiệt nay càng rộn ràng hơn. Lâm Thanh Hoà trổ tài nấu rất nhiều món.

Con gà Tô Đại Lâm xách về, cứ tạm nuôi trong chuồng, đợi tới Tết sẽ ngả món.

Bữa cơm,

Chu Hiểu Mai gắp liên tục, vừa ăn vừa khen không dứt: “Chị tư, tương ớt này là tự tay chị làm hả?”

Lâm Thanh Hoà: “Ừ, chị làm hai bình, mới ăn có 1 bình, vẫn còn dư lại 1 bình nguyên. Nếu cô thích thì qua Tết quay lại thành cầm về mà ăn.”

Chu Hiểu Mai cười tít mắt: “Vậy em không khách sáo nha. Cám ơn chị tư.”

Vậy là một năm nữa lại trôi qua, hôm nay là ngày cuối cùng của năm 71.

Không theo thông lệ hàng năm, bữa cơm tất niên năm nay nhà nào ăn nhà đấy.

Anh hai Chu tiếc xanh ruột: “Không ăn chung à?”

Ai dà, chờ mãi mới tới ngày tất niên, cứ tưởng lại như mọi năm, vợ chú tư sẽ bưng mấy khay đồ ăn đầy ú ụ toàn thịt là thịt tới ăn chung. Ăn riêng thế này thì nói làm đếch gì nữa. Chán!

Chị hai Chu thấy vẻ mặt tiếc rẻ của lão chồng thì cười khẩy: “Thế nào, cái mặt này là sao? Cứ làm như tôi bỏ đói anh không bằng?”

Anh hai Chu: “Thôi đi. Cả năm mới có ngày Tết, đừng gây sự cãi nhau.”

Đối với việc này, chỉ có nhà anh chị hai là lộn xộn, ngoài ra hai nhà còn lại không có ý kiến gì, ăn riêng từng nhà càng tốt chứ sao.

Tới bữa, chị cả và chị ba Chu đều bưng một chén đồ ăn sang nhà Lâm Thanh Hoà để hiếu kính ông bà Chu. Hai chén tuy nhỏ nhưng bên trong đựng không ít thịt. Điều này đủ thể hiện tấm lòng và bổn phận người làm con cái với cha mẹ.

Lâm Thanh Hoà vui vẻ nhận lấy rồi tặng lại mỗi chị một chén thịt viên, coi như trả lễ.

Còn nhà chị hai Chu thì thôi dẹp. Không có đi làm sao có lại.
Bạn cần đăng nhập để bình luận