Thập Niên 60: Làm Giàu Dạy Con

Chương 425: Chu gia tiến bộ

Mục đích Lâm Thanh Hoà đưa Tứ Ni lên Bắc Kinh không hẳn chỉ vì kết thân với Ông Quốc Đống.

Đương nhiên nếu thành công thì đó là chuyện tốt, nhà họ Ông rất có nề nếp gia phong, gia cảnh lại không tồi, chị Ông là người thiện lương, cởi mở, con dâu vào cửa chắc chắn sẽ không bị làm khó làm dễ. Nhưng duyên phận là do ông trời sắp đặt thế nên Lâm Thanh Hoà không quá đặt nặng vấn đề này.

Cái cô quan tâm là tương lai của tụi nhỏ, Đại Ni thì đã lỡ mất rồi, lúc nó đi lấy chồng nhà cô vẫn chưa có cơ hội chuyển lên Bắc Kinh. Bây giờ có điều kiện hơn, cô rất muốn giúp chúng nó được tiếp cận gần tới tri thức và ánh sáng văn minh. Đương nhiên tiền đề phải là người có đạo đức và tam quan ngay thẳng.

Thế nhưng một lần bị rắn cắn, cả đời sợ dây thừng, đã có cái gương Hứa Thắng Mỹ to như cái liếp lúc nào cũng treo lơ lửng ở trước mắt cho nên bây giờ đón đứa nào đi Lâm Thanh Hoà cũng có phần hơi ái ngại.

Không phải cô nói Tứ Ni không tốt, con bé rất tốt là đằng khác! Cô chứng kiến nó từ nhỏ đến lớn, tính tình nó ra sao, khả năng làm việc tới đâu cô đều biết rõ. Tuy nhiên Lâm Thanh Hoà không dám nói trước bất cứ điều gì, đợi về quê gặp trực tiếp rồi hẵng hay.

Tháng 5, Lâm Thanh Hoà gọi điện thoại về cho chị cả Chu.

Hai chị em dâu rất thường xuyên trao đổi qua điện thoại với nhau, mỗi tháng tầm một tới hai lần, lúc thì Lâm Thanh Hoà gọi về, khi thì chị cả Chu chủ động gọi lên. Vì dù sao chị cũng là dâu trưởng Chu gia, đã không trực tiếp chăm nom cha mẹ chồng thì cũng nên có vài lời thăm hỏi, quan tâm cho phải đạo, tổng không thể bỏ bẵng cho chú thím tư được.

Lần này, qua điện thoại chị cả Chu nói lên việc nhà chú thím ba: “À, thím tư này, ngày hôm qua chú ba về nhờ chị chuyển lời tới em nếu tiện thì hè này em đi phương Nam mua hộ chú ấy một chiếc xe máy nhé.”

Lâm Thanh Hoà liền cười: “Anh chị ấy nghĩ thông suốt rồi à?”

Hè năm ngoái, cô mang về cho cậu ba Lâm một chiếc xe với giá hơn 700 đồng, tất nhiên đây là một khoản tiền rất lớn và không có gì bất ngờ khi cả anh ba lẫn chị ba đều chần chờ không dám quyết định. Lúc ấy Lâm Thanh Hoà cũng không nói gì nhiều, chỉ đưa ra gợi ý còn lại để vợ chồng anh ba tự suy tính. Chỉ là không ngờ anh chị ấy cũng quyết đoán ra phết, từ đó tới nay cũng mới có một năm chứ mấy.

Chị cả Chu cười: “Ừ, nghĩ thông suốt rồi. Thím không biết đâu, cậu ba Lâm nhà thím giờ oách lắm, mỗi lần cậu ấy phóng xe máy về là oanh tạc cả thôn luôn.”

Thập niên 80, xe máy không còn là cái gì quá ghê gớm, đặc biệt là trên các thành phố lớn người ta đã bắt đầu lên đời xe hơi bốn chỗ, nhưng ở nông thôn thì khác, nhiều người còn chẳng có xe đạp huống chi xe gắn máy. Thế nên mỗi lần mà nghe tiếng động cơ “…ìn…ìn…” hay tiếng còi xe “…tin…tin” là người lớn trẻ nhỏ thi nhau nhào ra ngó nghiêng xem ai tới.

Từ khi có chiếc xe máy, cậu ba Lâm như đi mây về gió, không chỉ chở được nhiều đồ hơn mà bản thân cũng không cảm thấy mệt mỏi như trước nữa.

Nhớ cái hồi còng lưng đạp xe ngược xuôi ngày bốn chuyến, cứ tới tối là cả người cậu mỏi nhừ như rã từng khớp xương. Làm như vậy một thời gian ngắn không sao chứ duy trì quanh năm suốt tháng thì không ổn tí nào. Dù nghị lực có phi thường tới đâu thì sức người cũng không thể chống đỡ nổi.

Không chỉ đi nhanh mà xe máy còn đưa cậu ba tới được những vùng xa hơn. Dạo gần đây cậu chạy tận tới khu vực đập chứa nước, thu mua trứng vịt và vịt sống của một trang trại vịt gần đó, ngoài ra cậu còn nhập thêm cả cá sông, tôm, tép tươi. Vì vậy sạp hàng của mợ ba càng thêm đa dạng và phong phú, khách hàng kéo tới ngày một đông, công việc làm ăn theo đó phất lên như diều gặp gió.

Còn về phần anh ba Chu, hồi xưa cùng đạp xe đạp giống nhau thì không sao, nhưng giờ đây khoảng cách ngày một kéo dãn, bảo sao anh không động tâm cho được.

Tuy nhiên nhìn ra vấn đề là một chuyện còn giải quyết vấn đề lại là một chuyện khác. Giá một chiếc xe máy đắt quá xấp xỉ bằng cả căn tiệm chứ nào có ít ỏi gì, vậy nên anh chị cứ tính tới tính lui do dự không dám quyết. Cho tới một hôm, có người khách phi xe máy tới mua gà. Anh ba Chu tiện câu chuyện nên hỏi thăm chiếc xe này bao nhiêu? Người khách liền nói anh ta không trực tiếp đi mua mà nhờ bạn đi phương Nam mua giúp, tốn 1100 đồng.

Anh ba nghe con số mà hãi hùng, nhưng vẫn phải khen hai câu xe đẹp quá, nhìn rất uy phong. Đợi khách đi khuất, anh mới quay qua nhìn vợ, hai vợ chồng chắc lưỡi lắc đầu, bạn bè gì mà sang tay một phát kiếm lời tận 400 đồng. Đúng là càng quen càng lèn cho đau!

Vậy mới biết thím tư nhà mình phúc hậu thật, bỏ công bỏ sức hỗ trợ anh em trong nhà, không ăn chênh lệch một đồng một cắc.

Chính vì có sự việc này thúc đẩy mà anh chị ba cắn răng quyết tâm nâng cấp phương tiện di chuyển cũng chính là cần câu cơm của gia đình mình. Nhân tiện một chuyến về thôn thu trứng, anh ba liền rẽ vào nhà nhờ chị cả chuyển lời tới thím tư hộ.

Nghe xong, Lâm Thanh Hoà sảng khoái đồng ý ngay, cũng chẳng cần rào trước đón sau vấn đề giá cả. Vì anh ba Chu mua sau nên khả năng cao khó được cái giá như hồi cậu ba Lâm, nhưng cô nghĩ có chênh thì cũng chênh không đáng kể. Vậy nên, không cần thiết vì chuyện này mà đắn đo quá nhiều, mua bao nhiêu cứ báo bấy nhiêu là được.

Gần ngắt điện thoại mới sực nhớ ra chuyện trứng vịt, chị cả Chu cười nói: “À, đúng rồi, năm nay chị đã muối sẵn rất nhiều trứng để dành lần này chú thím về thì cầm lên Bắc Kinh cho mọi người cùng ăn.”

Lâm Thanh Hoà cười: “Vậy em xin nhá, em không khách khí với chị đâu đấy.”

“Dào ôi, còn khách khí gì nữa.” Chị cả Chu cũng bật cười.

Sau khi cúp máy, chị cả Chu mới quay sang trả tiền phí cho vợ ông bí thư chi bộ rồi cười nói: “Chị ơi, em gửi tiền này, ngại quá cứ thỉnh thoảng lại chạy sang dùng điện thoại.”

Vợ ông bí thư chi bộ nhận tiền rồi cười: “Gì mà ngại chứ, cần thì cứ gọi đi. Nhưng phải công nhận tình cảm chị em dâu nhà em tốt thật đấy, ở thôn mình chẳng có mấy nhà hoà thuận được như vậy đâu.”

Hiện giờ ở Chu gia thôn, Chu gia là môn hộ rất có danh vọng nên ít nhiều gì dân làng đều nể nang vài phần, hơn nữa nghe gọi điện thoại đều phải trả phí đàng hoàng chứ có dùng chùa đâu.

Chị cả Chu nói đôi câu khách khí rồi chào ra về.

Chị vừa đi khỏi, vợ ông bí thư chi bộ liền buôn chuyện với chồng: “Bây giờ cả nhà chú sáu chỉ còn mỗi vợ chồng thằng hai là giậm chân tại chỗ nhỉ, chứ ba nhà kia đều phát triển vù vù cả rồi.”

Ông bí thư chi bộ rít một hơi thuốc rồi nhăn mày: “Đừng ăn cơm nhà nói chuyện thiên hạ nữa.”

Bà vợ biết điều bèn ngậm miệng, chuyện nhà mình còn chưa xong, lý nào chõ mũi sang chuyện nhà người khác.

Cuối năm ngoái, cả gia đình anh chị cả nô nức dọn sang nhà mới, căn nhà cũ trở thành kho chứa củi khô. Còn anh chị ba thì Tết nhất mới về quê ở vài ngày lại đi. Như vậy có nghĩa là, hiện giờ nhà cũ Chu gia chỉ còn lại mình gia đình anh chị hai.

Đợi lần kế tiếp chú ba về thôn thu nông sản, chị cả Chu liền đem lời thím tư chuyển trở lại.

Mặc dù đã đoán trước nhưng khi nhận được sự đồng ý của em dâu, anh ba Chu vẫn cảm thấy rất vui vẻ và hào hứng, anh cười nói: “Lại phải làm phiền chú thím ấy rồi.”

Anh biết chuyện này không hề dễ dàng. Phương Nam xa xôi cách trở, đi người không đã đủ mệt rồi đằng này lại còn phải vận chuyện thêm cả chiếc xe máy cồng kềnh nhưng anh nào có cách, chỉ đành dựa vào vợ chồng chú tư mà thôi.

Chị cả Chu lịch sự cười cười rồi thông báo cha mẹ ở trên Bắc Kinh rất khoẻ, mọi chuyện đều tốt đẹp, chú thím cứ yên tâm làm ăn, không cần lo lắng.

Anh ba Chu bỗng nhiên hỏi thêm: “À Cường Tử lên đó tình hình thế nào rồi chị?”

Chị cả Chu sửng sốt: “Cường Tử lên Bắc Kinh lúc nào?”

Anh ba Chu cũng ngạc nhiên: “Nó lên một thời gian rồi. Thế chị không biết à?”

Chị cả Chu lắc đầu: “Không, chị không thấy Thanh Hoà nói gì. Nó lên đó làm cho nhà thím ấy hay làm chỗ khác?”

Anh ba cũng lắc đầu: “Cái này thì em chịu. Hôm chị Hiểu Quyên đưa nó lên bến xe tiện đường rẽ vào nhà em nên em chỉ biết Cường Tử đi Bắc Kinh chứ cụ thể thế nào thì em không rõ.”

Chị cả Chu gật đầu, thầm nghĩ đợi hôm nào Nhị Ni gọi về phải hỏi nó xem thế nào mới được, chứ cái thằng Cường Tử tính khí nóng nảy, cho nó trông hàng nhỡ nó đánh nhau với khách thì chết dở.
Bạn cần đăng nhập để bình luận