Thập Niên 60: Làm Giàu Dạy Con

Chương 291: Nhận kết nghĩa

Chu Khải mang đồ ăn tới thư viện cho ông Vương.

Nhìn hộp sủi cảo ông cũng rất bất ngờ: “Chà, ba cháu gói cái sủi cảo lớn thế này thì có thể kiếm được bao nhiêu chứ.”

Chu Khải cười hì hì: “Ba cháu bảo cốt là để khách ăn được no bụng, kiếm ít đi mấy xu cũng không sao.”

Ông Vương gật gù: “Ừ, mặt bằng là của mình thế nên cũng đỡ.”

Thường thì chi phí thuê cửa hàng tương đối nặng, hàng tháng đỡ được khoản này coi như cũng không quá áp lực về vấn đề doanh thu, kiếm nhiều kiếm ít cũng được, quan trọng là có cái công việc cho đỡ nhàm chán.

Bản thân ông Vương cũng vậy, ông không thiếu tiền nhưng vẫn đến quản lý thư viện cho trường đại học, chủ yếu là muốn tìm việc làm cho khuây khoả tinh thần.

Thấy ông ngồi trầm ngâm, Chu Khải giục: “Ông ơi ông ăn đi. Cháu đi chơi bóng rổ đây. À, ăn xong ông cứ để đó, tí cháu mang về quán rửa cho ạ.”

“Ừ, cháu đi đi.” Ông Vương gật đầu.

Chu Khải lao nhanh như một cơn gió. Ông Vương ngồi lại trong hiên bưng hộp sủi cảo vừa ăn vừa nhìn theo bóng cậu thanh niên tràn đầy nhựa sống.

Chơi một hồi, cả người mướt mát mồ hôi, mặt đỏ bừng bừng, Chu Khải thở hồng hộc quay lại lấy cái hộp không, nó cười toe toét: “Ông ơi cháu về đây.”

Ông Vương gọi với theo: “Còn chưa lấy tiền này.”

“Thôi không cần đâu ông ạ, sau này ông đi dạo thấy quyển sách nào hay mua về cho cháu là được.” Chu Khải nở nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời rồi vẫy vẫy tay đi mất.

Ông Vương gật đầu đồng ý rồi bật cười, cái thằng nhóc này…

Ban đêm, Lâm Thanh Hoà kể cho chồng nghe về chuyện bà Mã gợi ý nhà mình kết nghĩa với ông Vương.

Lâm Thanh Hoà nói: “Bác Vương thương thằng Đại Oa nhà mình cực kỳ. Đi đâu cũng kiếm sách hay sách quý về cho nó.”

Ông đối đãi với Đại Oa như chính cháu nội ruột của mình. Hơn nữa ông Vương còn giúp đỡ nhà cô rất nhiều. Ví như căn hộ này chẳng hạn, sở dĩ ông sang tay cho trường còn không phải là để cho gia đình cô sớm ngày đoàn tụ hay sao? Cả cái tiệm sủi cảo nữa chứ, tất đều là một tay ông hỗ trợ.

Suy đi nghĩ lại một lúc, Lâm Thanh Hoà chẹp miệng: “Cơ mà bác ấy giàu quá, nhỡ đâu có người nói ra nói vào nhà mình kết nghĩa là muốn chiếm đoạt tài sản thì mệt lắm.”

Đi xa quê lập nghiệp, lạ nước lạ cái, nếu có thể kết thân với một người bản xứ thì không còn gì tốt hơn, tuy nhiên cái khiến Lâm Thanh Hoà lăn tăn chính là miệng lưỡi người đời, không dưng vướng vào thị phi rất là phiền phức.

Chu Thanh Bách không đưa ra bình luận gì, anh chỉ nói: “Cứ để xem thế nào.”

Anh cũng đã gặp ông Vương, từ ngày tiệm sủi cảo khai trương tới nay, thỉnh thoảng ông lại rẽ qua quán ủng hộ.

Vấn đề kết nghĩa cứ thế bị gác qua một bên, không ai nhắc lại nữa. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn như lẽ thường, ơn đức của ông Vương, cả Chu Thanh Bách lẫn Lâm Thanh Hoà đều ghi tạc trong lòng và thầm hứa nếu sau này ông cần gì chắc chắn hai vợ chồng anh sẽ không nề hà mà sẵn sàng ra mặt đầu tiên.

Thật ra chuyện này, bà Mã là người khởi xướng. Lúc ấy bà cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ buột miệng nói một câu, nhưng về nhà càng nghĩ lại càng cảm thấy chủ ý này của mình quá hoàn mỹ. Nếu thực sự việc này thành thì sau này lão Vương có nơi nương tựa rồi, không còn lo tuổi già xế bóng cô đơn hiu quạnh nữa.

Còn về vấn đề cô giáo Lâm băn khoăn…có gì đáng băn khoăn đâu nhỉ? Gia đình cô ấy phụng dưỡng lão Vương thì tất nhiên của cải của lão Vương sẽ thuộc về nhà cô ấy rồi. Cái này là danh chính ngôn thuận, có gì đâu phải lo lắng?

Nghĩ là nghĩ vậy thôi, chứ bà Mã cũng chẳng có thời gian đi tìm ông Vương, còn ông Vương rất ít khi quay về tiểu khu, phần lớn thời gian ông đều ở trong thư viện. Mãi tận nửa tháng sau, bà Mã mới nhìn thấy ông Vương lững thững đi bộ về hướng này.

Thấy ông bạn già tới, bà Mã cười sang sảng: “Ai da, lão Vương tới đấy hả.”

“Sao bà lại tới đây rửa chén?” Ông Vương đã lâu không đến cho nên không biết bà Mã tới đây làm việc.

“Tôi làm ở đây được một tháng rồi.” Từ ngày có công việc, bà Mã cảm thấy vui vẻ, trẻ khoẻ ra nhiều.

Thời gian ở quán tuy dài nhưng nếu gom lại thì mỗi ngày bà chỉ làm khoảng ba tiếng mà thôi, có hôm không tới ấy chứ, còn lại thì cứ ngồi trên ghế hỗ trợ nhặt rau nhặt cỏ, nói chuyện phiếm gì đó thôi. Nói chung là rất nhàn.

Hôm qua vừa tròn một tháng bà ra quán phụ việc. Chu Thanh Bách gửi bà 20 đồng, bà Mã cười sang sảng như bắt được mùa xuân.

Ông Vương quay qua trêu chọc Chu Thanh Bách: “Quán thì nhỏ, sủi cảo thì gói nhiều nhân, mà cũng có tiền mướn người cơ à.”

Chu Thanh Bách cười trừ rồi mời: “Ông ăn quả dưa chuột cho mát miệng nhé, hay là cà chua?”

“Cho ông quả cà chua đi.” Ông Vương không khách sáo.

Chu Thanh Bách liền đi vào giỏ rau lấy trái cà chua mang ra cho ông. Rau trái trong tiệm đều được anh rửa sạch sẽ và để khô ráo rồi mới đặt vào giỏ bán cho khách.

Ông Vương ngồi ăn, nhân tiện trò chuyện với bà bạn một lát. Lúc sau, ông đứng dậy định rời đi, vừa bước chân ra khỏi cửa tiệm thì bà Mã vội vàng đuổi theo gọi với lại: “Lão Vương, chờ tôi với.”

Ông Vương xoay người, khó hiểu hỏi: “Có chuyện gì à?”

Bà Mã đi thẳng vào vấn đề: “Này lão Vương tôi bảo, có bao giờ ông nghĩ tới việc kết nghĩa với ba Tiểu Khải chưa?”

Ông Vương ngây người một lúc rồi hỏi: “Lời này ai nói?”

Bà Mã: “Tôi nói. Tôi thấy được đấy. Nếu ông nhận ba Tiểu Khải làm con nuôi thì tức là ba anh em Tiểu Khải sẽ trở thành cháu nội ông còn gì.”

Đúng là trước giờ ông Vương chưa từng nghĩ tới chuyện này, nhưng hôm nay nghe được lời đề nghị của bà bạn, ông liền động tâm.

Thật ra đã từ lâu, ông bất tri bất giác coi Chu Khải như con cháu nhà mình. Nếu năm đó, con trai và con dâu ông không vượt biên ra nước ngoài thì chắc có lẽ bây giờ ông cũng có đứa cháu nội lớn từng này rồi. Hai đứa nó đi bao năm mà không có lấy một dòng tin tức. Ông cũng đã dò hỏi, nghe ngóng nhiều nơi thì có tin đồn hình như con thuyền năm đó bị đắm….

Bao năm rồi, ông chờ mãi cũng không thấy một phong thư gửi về, ông biết, có lẽ…hai vợ chồng nó lành ít dữ nhiều…

Bà Mã hỏi: “Sao? Ông thấy được không? Chứ tôi là tôi thấy được lắm đấy. Nhưng mà nghe chừng cô giáo Lâm sợ, sợ bị người ta nói ham tiền, ham gia tài của ông.”

Ông Vương nhíu mày: “Xằng bậy. Nó là giáo viên tiếng Anh tiền đồ vô lượng, ba thằng con vừa thông minh vừa ngoan ngoãn, chồng cũng là đứa giỏi giang, sống có trách nhiệm. Lý gì cần phải tham tiền của ai.”

Bà Mã tán đồng: “Ông nói đúng. Theo tôi thì ông nhận đi. Sau này về già khỏi cần phải suy nghĩ ba cái chuyện dưỡng lão. Còn cái vấn đề tài sản, sau này ông có để lại cho vợ chồng nhà nó thì cũng chẳng ai dám nói gì đâu. Không cho người phụng dưỡng mình thì còn cho ai được nữa? Ông nói đúng không?”

Ông Vương gật gù.

Tính ra thì ông cũng không có bao nhiêu, tiền mặt hơn một vạn, chức vụ thủ thư trường đại học và một căn tứ hợp viện, thế thôi.

Bà Mã nói tiếp: “Nếu ông thấy được thì để tôi đi nói giúp cho. Nhưng mà suy cho cùng chuyện kết nghĩa nhận thân không phải chuyện nhỏ, ông cứ về suy nghĩ thật kỹ đi, nếu ông nghĩ thông suốt rồi thì tới đây nói với tôi một tiếng, tôi giúp ông.”

“Ừ, cứ thế đi.” Ông Vương gật đầu rồi xoay người rời đi.

Bà Mã đi vào tiệm, nói với Chu Thanh Bách: “Ba Tiểu Khải này, thím bảo, thím nghe cô giáo Lâm nói tốt nghiệp xong Tiểu Khải muốn vào bộ đội có phải không? Lão Vương chắc chắn có cách giúp thằng bé, hơn nữa ông ấy còn là bạn lâu năm với hiệu trưởng trường đại học Bắc Kinh, sau này con đường thăng tiến của cô giáo Lâm tha hồ rộng mở.”

Chu Thanh Bách cười lắc đầu: “Những cái này không cần đâu thím.”

Bà Mã: “Thím biết, về chuyện kết nghĩa nhận thân, cô giáo Lâm băn khoăn rất nhiều, sợ người ngoài họ nói nọ nói kia. Lão Vương cũng tội, lủi thủi sống có một mình, nếu thím mà là ông ấy hả, ai tốt với mình, ai phụng dưỡng mình, sau này trăm tuổi liền cho người đó toàn bộ gia tài, đây là chuyện thiên kinh địa nghĩa, có gì phải lăn tăn.”

Chu Thanh Bách bật cười: “Chuyện này còn lâu lắm, cháu thấy bác Vương rất khoẻ mạnh, thọ thêm ba mươi năm nữa cũng không thành vấn đề.”

Bà Mã lắc đầu thở dài: “Ông ấy lăn lộn vất vả cả đời, sống thêm mười năm nữa cũng là tốt lắm rồi.”

Chu Thanh Bách liền nói: “Ý bác Vương thế nào ạ?”

Bà Mã lại cười sang sảng: “Còn ý gì nữa, lão già mừng muốn chết. Nhưng thím bảo ông ấy cứ về nhà suy nghĩ cho kỹ rồi nói tiếp.”
Bạn cần đăng nhập để bình luận