Thập Niên 60: Làm Giàu Dạy Con

Chương 356: Vui mừng

Chu Thanh Bách cũng chỉ nghỉ ở nhà một ngày, hôm sau anh lại bắt tay vào công việc.

Tuy rằng đôi lúc bất chợt nhớ tới, trong lòng anh không nén được cảm xúc mất mát cùng chua xót nhưng dẫu vậy cũng đâu thể chìm đắm trong đau buồn mãi được, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn mà.

Anh lên dây cót tinh thần, đồng thời âm thầm ra quyết định, từ giờ về sau sẽ ăn thật nhiều đồ bổ, tập trung rèn luyện cơ thể, phấn đấu để cái bụng bà xã xuất hiện kỳ tích.

Thấy chồng cả ngày nấu này nấu nọ điều dưỡng cơ thể, thậm chí còn tìm mua cả cao dán đông y, Lâm Thanh Hoà mù mờ chẳng hiểu tại sao.

Mãi cho tới khi bà dì cả đi được ba ngày, Lâm Thanh Hoà mới hiểu rõ nguyên nhân. Cô khóc cạn một dòng sông, anh xã… quá dẻo dai, quá dũng mãnh! Không biết anh ấy kiếm đâu ra mấy phương pháp bổ trợ sức khoẻ lợi hại tới vậy. Nhưng có gào khóc thì cũng chỉ âm thầm trong tâm thôi chứ cô nào dám hó hé, mình mới khiến người ta tan nát cõi lòng một phen, giờ phải ngoan ngoãn bồi thường chứ sao nữa.

Thoắt cái đã tới ngày mồng 8 tháng chạp. Theo phong tục dân gian, từ sáng sớm Chu Thanh Bách đã nổi lửa nấu một nồi cháo thật to cho toàn thể gia đình cùng nhau ăn sáng.

Tuyết rơi ngày một dày, việc làm ăn buôn bán chậm đi trông thấy. Kể cả cửa hàng quần áo của Lâm Thanh Hoà cũng vậy, doanh thu sụt giảm rõ rệt.

Ế ẩm thế này, mở cửa cũng chẳng bán được bao nhiêu, vậy nên Lâm Thanh Hoà liền hỏi ba đứa cháu: “Năm nay ba đứa có muốn về quê không? Thím cho nghỉ từ 20 tháng chạp tới qua tết Nguyên Tiêu rồi lên.”

Chu Nhị Ni lắc đầu: “Cháu không về đâu.”

Hổ Tử cũng gật lia lịa: “Cháu cũng thế, cháu cũng ở lại, còn phải đi học nữa mà.”

Thật ra lớp bổ túc chỉ học tới 15 tháng chạp là nghỉ, nhưng thằng nhóc này muốn ở lại Bắc Kinh chủ yếu là để xem xem không khí đón năm mới ở thủ đô như thế nào.

Hứa Thắng Mỹ ngẩn người, lát sau mới chần chờ lên tiếng: “Nhưng…nhưng cháu muốn về.”

Hổ Tử nhún vai: “Muốn về thì về, nhưng bọn em không có thời gian đưa chị về đâu, chị tự ngồi xe một mình được không?”

Lâm Thanh Hoà xua tay: “Nếu Thắng Mỹ muốn về vậy thì Hổ Tử đưa chị về đi.”

Hổ Tử thở dài thườn thượt: “Nhưng cháu không muốn về mà.”

Lâm Thanh Hoà nhướng mày: “Vậy không lẽ để Thắng Mỹ về một mình. Thằng nhóc thúi không biết thương hoa tiếc ngọc, mai này làm sao cua được vợ hả?”

Hổ Tử toét miệng cười: “Mợ út, cháu vẫn còn nhỏ mà, còn lâu mới lấy vợ haha…”

Lâm Thanh Hoà phì cười: “Gớm anh ơi, nhỏ là vì anh lên Bắc Kinh thôi, chứ giờ mà còn ở nhà có khi mẹ cháu đang rục rịch tìm đối tượng xem mắt rồi cũng nên. Nếu ưng thuận có khi tầm này sang năm đã rước vợ qua cửa ấy chứ.”

Cái này Hổ Tử biết, năm nó 16 tuổi, mẹ đã đề cập tới vấn đề này rồi. Tuy nhiên kế hoạch không đuổi kịp biến hoá, giờ nó đã chạy tít lên Bắc Kinh, mẹ còn lâu mới ép được nó lấy vợ, may quá!

Suy nghĩ một lát Hổ Tử miễn cưỡng gật đầu: “Được rồi, em đưa chị về. Nhưng em nói trước nha, chỉ năm nay thôi đấy, sang năm em phải ở lại đây ăn tết, em còn chưa biết Tết ở Bắc Kinh ra làm sao đâu.”

Lâm Thanh Hoà phì cười, nó nói giống y những lời thằng nhóc Tiểu Khải từng nói: “Vậy tốt rồi, có cháu đi cùng Thắng Mỹ, sẽ không sợ xảy ra bất trắc gì.”

Thật ra thì ngồi xe về quê không phải chuyện gì khó khăn, con nhóc Chu Lục Ni còn một thân một mình mò tận lên đây cơ mà, huống hồ mấy đứa này vừa lớn tuổi hơn lại ra đời đi làm được gần một năm, ít nhiều cũng học được sự dạn dĩ và biết cách tự bảo vệ bản thân.

Sau khi quyết định cho Hổ Tử và Hứa Thắng Mỹ nghỉ phép, Lâm Thanh Hoà liền đi tìm ông chủ Vương thông báo tạm dừng đơn hàng, đợi khai xuân sẽ tiếp tục.

Cô cũng tính toán cho xưởng may mặc nghỉ Tết. Mặc dù hiện tại vẫn chưa lưu hành cái gọi là “xuân vận”, nhưng cô vẫn quyết định cho công nhân xưởng mình nghỉ một tháng, từ 15 tháng chạp tới rằm tháng Giêng.

(*) Xuân vận (春運 hoặc 春运 - chūn yùn) là chuyến trở về nhà ăn Tết, đoàn tụ gia đình, đón đêm Trừ Tịch của các lao động làm việc ở các nước khác, địa phương khác trong ngày Tết (chủ yếu diễn ra ở Trung Hoa lục địa). Xuân vận kéo dài 40 ngày.

Hôm nay, Lâm Thanh Hoà tới xưởng thông báo lịch nghỉ tết.

“Nghỉ sớm vậy à?” Bà Từ luyến tiếc hỏi.

Tiếc chứ, nghỉ một tháng tức là không có lương với lại cả tháng trời quanh quẩn ở nhà cũng chẳng biết làm gì. Nếu cứ tới đây may quần áo thì tốt biết mấy, đi làm vừa vui lại vừa ấm áp. Ở xưởng có cái lò than, âm ỉ cháy suốt cả ngày, không hề bị lạnh một chút nào.

Điều kiện lao động phải nói là quá tốt, không phải một mình bà Từ mà tất cả công nhân đều luyến tiếc không muốn nghỉ.

Lâm Thanh Hoà cười: “Làm cả năm rồi, cũng phải cho cơ thể xả hơi chứ. Ra giêng chúng ta lại tiếp tục.”

Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng thời trang, Lâm Thanh Hoà quyết định cho chạy chương trình khuyến mãi giảm giá chào năm mới.

Liên tiếp ba ngày từ ngày 15 cho tới ngày 18 tháng chạp, trước cửa hai tiệm quần áo nam và nữ treo một tấm biển rất to: Xả hàng cuối năm, đại hạ giá 20%.

Khách hàng gần như đổ xô đến, chen chúc bẹp ruột cho dù trời rét căm căm. Toàn bộ số quần áo nữ trong kho bị quét sạch sành sanh, không còn sót lại một bộ nào. Phần cửa hàng nữ coi như xong việc, Hứa Thắng Mỹ không cần nghĩ ngợi, đi thẳng về nhà ông bà ngoại chơi, chỉ có Chu Nhị Ni ở lại, nó đóng cửa tiệm bên này rồi chạy sang giúp đỡ tiệm quần áo nam đối diện.

Trang phục nam không chạy hàng bằng cho nên vẫn còn dư lại mấy chục cái áo khoác. Vì thế hôm nay nhân dịp chị dâu em chồng rủ nhau đi tắm chung, Lâm Thanh Hoà thuận miệng hỏi Chu Hiểu Mai có muốn lấy hàng về bán không.

Chu Hiểu Mai gật đầu cái rụp: “Muốn, mấy ngày nay em rảnh sắp mốc cả người lên đây.”

Tiệm bánh bao cũng chịu chung ảnh hưởng của thời tiết, dạo này khách ít hẳn đi, về cơ bản chỉ cần một người trông hàng là đủ.

Chu Hiểu Mai để kệ tiệm cho chồng trấn giữ, hào hứng xách mấy chục cái áo ra vỉa hè bày bán. Phải công nhận một điều cô ấy khá có duyên bán hàng, chỉ trong vòng hai ngày đã có thể bán hết toàn bộ. Đút túi một khoản kha khá, Chu Hiểu Mai cười còn hơn địa chủ được mùa.

Hôm nay sang nhà chị dâu trả tiền hàng, Chu Hiểu Mai hớn hở nói: “ Chị tư sang năm nhớ tăng cường thêm hàng cho em nhé, em phải khuếch trương cái sạp của em lên, buôn bán được quá mà haha”

Lâm Thanh Hoà thu tiền rồi nhún vai nói: “Chỉ cần cô không bận thì cứ tới đây lấy.”

Chu Hiểu Mai cười toét miệng: “Có cha mẹ sợ gì bận.”

Phải công nhận ở cùng với cha mẹ sướng thật đấy. Nếu không có hai ông bà đỡ đần thì cô chịu chết, chỉ quanh quẩn lo cho 4 đứa nhóc cũng hết ngày, làm gì có thời gian rảnh rỗi làm những chuyện khác. Hai thằng lớn đi học đã có ông ngoại nhận nhiệm vụ đưa rước, hai đứa nhỏ thì để ở nhà với bà ngoại hoặc cho đi bán hàng cùng cô luôn, không thì đưa ra tiệm bánh bao với Tô Đại Lâm cũng được. Nói chung là nhà đông người thể nào cũng sắp xếp được hết.

Chu Hiểu Mai nói thêm: “À, mẹ cứ nói ngại quá từ hồi lên đây tới giờ không giúp được gì cho anh chị bên này.”

Lâm Thanh Hoà trộm nghĩ bà không cần giúp gì chỉ cần đừng mang thêm phiền phức tới là cô đã cảm ơn lắm rồi, nhưng ngoài miệng vẫn nói: “Có gì đâu, cha mẹ vất vả cả đời nuôi con cái lớn khôn, giờ con cái trưởng thành là lúc cha mẹ an hưởng tuổi già. Với lại vợ chồng chị đón hai ông bà lên đây là để hưởng phúc mà, ông bà không cần làm gì cả, cứ sống vui sống khoẻ là anh chị mừng rồi.”

Còn việc hai ông bà tình nguyện giúp đỡ con gái và con rể âu cũng là chuyện thường tình ở đời.

Về nhà, Chu Hiểu Mai thuật lại nguyên xi lời chị tư đã nói. Nghe xong, bà Chu nở một nụ cười mãn nguyện. Hiểu được tâm ý của con dâu, lòng bà cũng yên tâm phần nào.

Chu Hiểu Mai hâm mộ nói: “Nếu sau này con cũng có đứa con dâu giống như chị tư thì những năm tháng cuối đời có thể hưởng phúc rồi.”

“Thành Thành mới bao lớn, tương lai nó còn phải vào đại học nữa chứ. Hơn nữa mới từng này tuổi đầu đã mong có con dâu, toàn nói nhăng nói cuội.” Bà Chu quở mắng con gái nhưng trên mặt lại tràn đầy nét vui mừng….
Bạn cần đăng nhập để bình luận