Xuyên Thành Em Gái Của Tướng Quân Tài Ba

Chương 57


Trời còn chưa sáng, Dao Anh đã bị Tạ Thanh đánh thức.
Nàng nhớ hôm nay là ngày Đàm Ma La Già giảng kinh, đứng dậy rửa mặt, mặc bộ áo vải mộc mạc, vừa gặm bánh Hồ mè vừa cố xem nốt kinh trong ánh đèn chập chờn, thầm nhớ nằm lòng.
Tiếng chuông từ ngoài tường hoa vẳng đến, cách tầng tầng lớp lớp, nghe xa thăm thẳm.
Ánh bình mình vừa hé rạng, Duyên Giác tới đón Dao Anh đến đại điện, nhìn nàng ăn mặc giản dị, mái tóc dài đen nhánh búi gọn gàng cùng một cây trâm bích ngọc đơn giản, không phấn son hay đeo trang sức vàng ngọc gì khác, thỏa mãn gật gù.
Dao Anh ở viện tử góc Đông Bắc Phật Tự, cách đại điện rất xa, trên đường xuyên qua mấy hành lang thật dài bay giữa trời không. Nàng chỉ vào vài tòa viện lạc dưới chân, tò mò hỏi: “Đấy là chỗ nào?”
Mấy ngày qua nàng phát hiện ở ngoài cùng của Phật Tự có rất nhiều cung điện dinh thự xen lẫn nhau, có công sở, có dịch quán, có cửa hàng, có chỗ thanh tu dành cho Vương công quý tộc, tỷ như viện lạc nàng ở thuộc về khu này, nên nghiêm chỉnh mà nói nàng không tính là đang ở trong Phật Tự, vì vậy có thể tự do ra vào.
Phật Tự là chỗ Quân chủ Vương Đình tu tập, chiếm diện tích rất rộng, các sư tụ về, khắp nơi có thủ vệ, ngày ngày còn có rất nhiều người dân đến thăm viếng chiêm ngưỡng, vô cùng náo nhiệt, có điều trong Phật Tự có một góc viện lạc luôn bỏ trống, yên tĩnh âm u, rất ít người ra vào.
Chính là khu viện tử dưới chân nàng.
Duyên Giác theo ánh nhìn của Dao Anh, nhỏ giọng: “Đó là Hình đường.”
Dao Anh không hỏi tiếp. Nàng lán mán nhớ lại, từ lúc mới sinh Đàm Ma La Già đã bị giam cầm ở Phật Tự, Vương công quý tộc muốn dọa ngài, mài mòn ý chí, cố ý nhốt ngài vào Hình đường, mãi đến năm ngài mười ba tuổi.
Hình đường là một tầng bán hầm đào xuống đất, nắng sớm nghiêng chiếu qua mấy gian đình viện âm u như lọt vào đáy giếng cổ sâu không đáy, không thấy chút ánh sáng, u ám lạnh lẽo.
Ở đây hơn mười năm có bao nhiêu khó chịu? Gần đến đại điện, tiếng người ồn ào lọt vào tai Dao Anh.
Đàm Ma La Già cho phép dân thường vào chùa nghe bài tuyên giảng, không kể nam nữ giàu nghèo. Từ sáng sớm người dân thành kính tề tụ dưới điện, trước bậc thềm người người nhốn nháo, dù đã cố hạ giọng nói chuyện vẫn ong ong xôn xao.
Giảng kinh sắp bắt đầu.
Đại điện xây trên mỏm đá, không giống chùa Phật ở Trung Nguyên hương khói lượn lờ, hiển nhiên Phật giáo Vương Đình hay Trung Nguyên đều giống nhau, trong quá trình lưu truyền đã tiếp thu truyền thống bản địa rất nhiều, bốn bức tường vẽ đầy bích họa tinh xảo, đỉnh mái vòm là khung lam màu xanh thật lớn rất thanh nhã, trong điện đường trống trải sạch sẽ, rất thoáng, lối đi xung quanh được xây hẹp khoảng hai người đi lọt. 
Trong điện bố trí đài cao, dưới đài các vị sư ngồi đầy kín, chỗ ngồi góc bên trái trước nhất sắc vàng lấp lánh, là một đám Vương công quý tộc áo quần lộng lẫy, trong hành lang có tăng binh phòng thủ, dưới thềm có dân chúng thi thoảng tham quan.
Duyên Giác dẫn Dao Anh đến một chỗ ngồi trong góc kẹt, vô số ánh mắt b.ắ.n tới nàng, nàng thản nhiên, mỉm cười nhìn lại. Mặt họ cứng đờ.
Dao Anh vào chỗ, nhìn quanh một vòng, đa số là Vương công quý tộc và dân chúng nhìn nàng, các vị sư ổn định hơn nhiều, chỉ lặng lẽ đưa mắt dò xét nàng một lát rồi yên lặng thu về.
Các quý phụ liếc nhìn Dao Anh, nháy mắt nhau ra hiệu.
Dao Anh mắt nhìn mũi, mũi nhìn tim, tiếng Hồ của nàng không giỏi đến mức nghe hiểu các bà xì xào bàn tán, vừa vặn rảnh tai.
Chỉ sau chốc lát, các sư vây quanh Đàm Ma La Già đến.
Mắt Dao Anh trợn lớn, trong chốc lát không kịp phản ứng.
Đàm Ma La Già đi đến, người mặc áo cà sa rộng đỏ thắm, tay đeo cầm châu, bước đi ung dung, phiêu phiêu dục tiên, ánh mắt lạnh nhạt không chút khói lửa. Đây là lần đầu Dao Anh thấy Đàm Ma La Già bước đi, không khỏi dấy lên cảm xúc rất khác thường trong lòng, ánh mắt luôn yên lặng vây quanh chàng.
Vóc dáng chàng cao gầy, mắt như sao lạnh, khí chất trong veo.
Dao Anh nghĩ đến đôi chân trước đây không lâu còn sưng đến tím đen, áo cà sa rộng rãi che phủ, không biết chân ngài đã khôi phục thế nào.
Nhìn ngài đi ưu nhã thế này hẳn là sắp khỏi hẳn. Đề Bà Mông Đạt đã về Thiên Trúc, không rõ bệnh của ngài ấy cuối cùng là gì, Thủy mãng thảo chỉ là lấy độc trị độc, dùng lâu dài chắc chắn có hậu hoạn tiềm ẩn.
Bên cạnh có vài tiếng ho khan, có tiếng cười trộm, Duyên Giác thấp giọng nhắc nhở Dao Anh: “Công chúa…” Thấy nàng nhìn Đàm Ma La Già quá tập trung.
Dao Anh hồi phục tinh thần, phát hiện toàn bộ phụ nữ trong điện đều đang nhìn mình, phát giác được mình thất thố, thu tầm mắt.
Đàm Ma La Già đứng trên điện cao cao, vào chỗ ngồi, bắt đầu dẫn chúng tăng niệm kinh, dáng thật trang nghiêm.
Vương công quý tộc và dân chúng ngoài điện cũng ngồi nghiêm túc, cùng tụng theo, đám người sánh vai nhau, vẻ mặt tất cả rất thành kính.
Tiếng Phạn trong trẻo vang xa, nghiêm trang, rung động lòng người.
Dao Anh không khỏi nín thở, sửa tư thế ngồi ngay ngắn, tụng kinh cùng Duyên Giác. Đợi nàng tụng xong đống kinh văn mấy hôm liên tục ôm chân Phật học thuộc năm ba lần, tiếng tụng kinh ngừng lại.
Một tiểu tăng bưng quyển văn rất cung kính đi đến trước đài cao, Đàm Ma La Già tiện tay rút từ quyển văn ra một quyển, tiểu tăng cao giọng đọc lên tên một người.
Một vị sư dưới đài đáp lời bước lên, hành lễ với Đàm Ma La Già, bắt đầu đặt câu hỏi. Đàm Ma La Già trả lời vài câu, vị sư nhíu mày suy tư, chắp tay về chỗ.
Tiếp đến Đàm Ma La Già lại rút ra một quyển kinh văn, tiểu tăng liếc cái tên trên tấm vải đọc ra, một vị sư khác lại kích động đứng dậy, lớn tiếng đặt câu hỏi, nói cực nhanh, Đàm Ma La Già luôn lạnh nhạt, trả lời không hề chậm, vị sư không ngừng gặng hỏi, thậm chí còn hơi hùng hổ dọa người, chàng vẫn không đổi sắc, tuần tự trả lời. Cuối cùng, vị sư chắp tay trước ngực, vẻ rất bội phục, ngồi lại.
Tiểu tăng tiếp tục điểm danh, mỗi một vị sư được điểm danh đều phấn chấn, đặt câu hỏi cho Đàm Ma La Già, Đàm Ma La Già đáp từng câu với giọng bình thản.
Dao Anh không hiểu mấy. 
Duyên Giác nhỏ giọng giải thích, này gần như là bàn luận Phật pháp, chúng tăng viết câu hỏi lên cuốn da trình lên, Đàm Ma La Già rút trúng ai, người ấy có thể cùng ngài biện luận, vạn sự vạn vật, Phật pháp Phật lý, từ không tới có, mây trên trời, cỏ dưới đất, gì cũng tranh biện được. 
Dao Anh tặc lưỡi, kiên trì tiếp tục nghe, các vị sư và La Già tranh biện bằng tiếng Phạn, nàng nghe không hiểu, chỉ thấy tốc độ hai bên tranh biện rất nhanh, nhìn vẻ khó xử, hoặc mừng thầm, hoặc mất mát, hoặc vắt hết óc nghiền ngẫm cũng rất thú vị.
Sau khi Đàm Ma La Già rút khoảng mười quyển kinh văn, tiểu tăng hạ khay, vẻ mặt các sư lấy lại bình thản, bầu không khí trong điện trở nên dễ thở hơn nhiều, La Già bắt đầu thuyết pháp. Chàng giảng bằng tiếng Phạn, sau chuyển thành tiếng Hồ, ngẫu nhiên xen lẫn một ngôn ngữ khác, giọng trong trẻo, trầm ấm, âm điệu uyển chuyển như châu ngọc rơi xuống mâm, mang theo vần luật thư giãn. 
Trong ngoài điện ai cũng nghe như si như say, thỉnh thoảng có phụ nữ cúi đầu lau nước mắt.
Dao Anh nghe man mán ra Đàm Ma La Già đang giảng chuyện thiện ác nhân quả, rồi sau đó hết hiểu. Nàng ngồi sống lưng thẳng tắp, quỳ nửa ngày, cả người đau nhức, nhịn không được vụng trộm đổi một tư thế.
Một ánh mắt trong lạnh quét tới.
Nhẹ nhàng, lại đầy sức sắc sảo không lộ.
Dao Anh không khỏi giật mình, lập tức thành thật, không nhúc nhích, tiếp tục lắng nghe.
Đàm Ma La Già nhìn trên đỉnh mái tóc đen nhánh mềm mại của nàng một chút rồi dời ánh mắt.
Dao Anh không dám động đậy, ngồi tiếp một khắc nữa, trong đám đông vang lên tiếng xúc động, tiếng tụng kinh liên tiếp, rồi tất cả đứng dậy, chắp tay về phía Đàm Ma La Già, đưa mắt nhìn ngài xuống đài cao, giữa các vị sư vây quanh rời đi.
Chờ bóng lưng cao gầy của chàng biến mất sau cửa điện, tim Dao Anh mới thả lỏng: Vậy xong rồi nhỉ? Ngài ấy không kiểm tra bài nàng à?
Thì ra chỉ cần nàng thành thành thật thật ngồi nghe tảo khóa là được.
Dao Anh đứng dậy định rời đi, thì mấy bóng người lướt tới.
Bát Nhã và mấy vị sư đứng trước mặt nàng, vẻ rất nghiêm túc, cười lạnh chìa ra mấy quyển kinh: “Công chúa tu tập Phật pháp, có thu hoạch được gì không?”
Dao Anh giật khóe miệng: Mừng quá sớm rồi, người kiểm tra bài còn chờ đây nè!
Bát Nhã đứng trước mặt Dao Anh, sống lưng ưỡn như khúc cây bạch dương, bắt đầu rút ra vài nội dung trong quyển kinh Dao Anh đọc. Câu hỏi vừa đúng phần Đàm Ma La Già nói Duyên Giác nhắc qua Dao Anh.
Dao Anh sửng sốt, lập tức cười thầm: Hòa thượng giúp nàng gian lận.
Dù nàng không thể giải thích sâu xa nghĩa trong sách nhưng học thuộc lòng không làm khó được nàng, đối đáp trôi chảy.
Bát Nhã nhíu mày, lật ra một quyển khác, tiếp tục hỏi. Dao Anh vẫn lưu loát thuộc lòng.
Liên tiếp hỏi mấy quyển không làm khó được Dao Anh, Bát Nhã không khỏi tức giận, hỏi: “Giải nghĩa được không?”
Dao Anh nhắm hai mắt lại, cười nói, “Không thể.”
Không đợi Bát Nhã nói tiếp, nàng hỏi lại: “Thế cậu hiểu không?”
Bát Nhã vốn định phản bác, đối diện với ánh mắt cười khanh khách của Dao Anh, đỏ hết cả mặt, cậu không phải sư quy y mà chỉ là hộ vệ đi theo Đàm Ma La Già, nào dám nói mình có thể hiểu được ý nghĩa trong sách kinh? Nếu cho ra một câu trả lời khẳng định, hẳn sẽ bị hỏi đuổi đến cùng!
Cậu đành phải lắc đầu. Dao Anh mỉm cười. Bát Nhã không chịu thua, hỏi tiếp: “Mấy nay công chúa học bao nhiêu đây thôi hả?”
Dao Anh ho nhẹ, nghiêm mặt nói: “Mấy ngày qua ta dốc lòng nghiên cứu một bộ kinh văn.”
Bát Nhã nhìn ánh mắt nàng tràn ngập hoài nghi: “Kinh văn gì?”
Dao Anh đọc từng chữ Tâm kinh.
Tâm kinh, còn gọi Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa tâm kinh, ngắn gọn tỉ mỉ, bản dịch của Đường Huyền Trang tổng cộng chỉ hơn ba trăm chữ, đơn giản rõ ràng, lại hàm nghĩa vô tận, bởi vì nó là tinh hoa rút ra từ mấy trăm bộ kinh Phật, cô đọng từ điển tịch Phật giáo mấy trăm vạn chữ mênh m.ô.n.g như biển khói.
*Mai: bản dịch và số chữ của Tâm kinh có nhiều phiên bản khác nhau.
Dao Anh nghĩ qua rồi, bộ kinh này ở Trung Nguyên lưu hành rộng rãi, đủ cho nàng đối phó được mấy tháng kiểm tra, nhẹ bớt việc.
Nàng đọc được rất lưu loát, vẻ mặt Bát Nhã lại mờ mịt: “Cô đọc gì thế?”
Dao Anh càng mờ mịt hơn cậu: “Tâm kinh?”
Bát Nhã nói chắc chắn: “Ta chưa từng nghe qua kinh này.”
Dao Anh giải thích: “Ta đọc là bản dịch của Pháp sư Trung Nguyên Huyền Trang, có thể khác với chỗ các cậu nghiên cứu.”
Bát Nhã chau mày, cùng mấy vị sư đứng cạnh liếc nhau, một người lắc đầu, mấy người nhỏ giọng thảo luận một lát, nói: “Công chúa có thể lĩnh ngộ không ạ?”
Dao Anh chắp tay trước ngực, nói: “Kinh văn sâu sắc, ta vẫn chưa lĩnh ngộ được chân nghĩa trong đó, có điều sau khi niệm mấy lần giúp tâm tình trở nên yên tĩnh ôn hòa.”
Bát Nhã ngây ra, Dao Anh nếu có nói ra vài điểm cậu còn tranh cãi được, nói thế này đúng là không tìm thấy sai lầm.
Một vị sư đứng cạnh lộ vẻ vẻ tán thưởng, vuốt cằm: “Công chúa có thể lĩnh ngộ thế này, thật đúng là dốc lòng tu tập.”
Dao Anh cười khiêm tốn. Mi mắt Bát Nhã giật giật. Mấy vị sư cúi chào Dao Anh rời đi. 
Dao Anh hỏi Duyên Giác đứng cạnh: “Vậy là ta qua được kỳ kiểm tra rồi nhỉ?”
Duyên Giác cười cười, nói: “Công chúa biểu hiện rất tốt, sau này trong thành cũng bớt đi ít lời đồn nhảm, chỉ cần công chúa biểu hiện tốt trong tu tập Phật pháp, họ cũng không dám cố tình khó xử công chúa.”
Dao Anh trong lòng chợt động. Thì ra Đàm Ma La Già dặn nàng trả lời kiểm tra cho tốt là để giúp thời gian nàng ở Thánh Thành trải qua tốt hơn. 
Thấy đến giờ dùng cơm trưa, Duyên Giác đưa Dao Anh về viện tử. 
Sau lưng có tiếng bước chân, một cận vệ đuổi đi theo: “Vương mời công chúa đi thiền phòng.”
Duyên Giác vâng lời, hộ tống Dao Anh đi thiền phòng.
Trong viện yên tĩnh, bầu trời xanh thẳm, mây trôi nhẹ lượn lờ, mảnh hoa lá trên khung lam mái vòm tản ánh nắng chiếu qua thành màu xanh mát rượi, ánh vàng trên mấy tấm bích họa như đang nhảy nhót. 
Đàm Ma La Già ngồi trước trường án đọc thư, mấy tên vệ sĩ mặc áo lam phong trần mệt mỏi quỳ gối trước đình viện, một trong số đó là hầu cận của A Sử Na Tất Sa.
Tin từ Bắc Nhung truyền về.
Dao Anh bước nhanh vào hành lang, đến ngoài thiện phòng, dừng bước, trong vô thức nín thở ngưng thần, rảo bước vào phòng.
Trong phòng mát lạnh, Đàm Ma La Già không ngẩng lên, ngón tay thon dài giơ lên, ra hiệu Dao Anh ngồi xuống.
Dao Anh ngồi quỳ thẳng thớm đối diện chàng.
Đàm Ma La Già xem xong thư, nâng tầm mắt, nói: “Hải Đô A Lăng bị thương ở chân.”
Dao Anh khẽ giật mình. Đàm Ma La Già liếc qua đình viện, Duyên Giác hiểu ý, ra hiệu hầu cận của A Sử Na Tất Sa tiến lên.
Hầu cận quỳ gối ngoài hành lang, chậm rãi nói: “Khi Tướng quân A Sử Na đến Bắc Nhung, Vương tử Hải Đô A Lăng đã về nha trướng, nghe nói dọc đường y bị cướp tập kích, một chân bị ngựa hoảng đạp nát. Khí trời nóng bức, vết thương thối rữa, Vu y cứu chữa dùng sai thuốc nên đùi phải của Hải Đô A Lăng bị phế. Tướng quân nói, mấy vị Vương tử xông vào lều vải chính mắt nhìn thương thế của Hải Đô A Lăng, chân y còn đang sinh giòi bọ.”
Dao Anh nghe mí mắt không ngừng giật. Quả nhiên Hải Đô A Lăng vẫn bị “hỏng” một chân. Mấy toán cướp mai phục kia hẳn là cạm bẫy của mấy vị Vương tử bố trí, y tương kế tựu kế, giả vờ hỏng một chân 
Hầu cận cuối cùng nói: “Tướng quân nhớ Văn Chiêu công chúa nhắc nhở ngài rằng Hải Đô A Lăng sẽ dùng khổ nhục kế, sinh nghi chân của y không hỏng thật, phái thuộc hạ về gặp Vương xin chỉ thị, tiện hỏi công chúa một câu.”
Đàm Ma La Già nhìn Dao Anh. Lập tức Dao Anh thấy không thở nổi, nói: “Đúng là ta có nhắc nhở Tướng quân A Sử Na.”
Hầu cận nhỏ giọng nói: “Công chúa hiểu tính tình của Vương tử Hải Đô A Lăng như lòng bàn tay, tướng quân muốn nghe đề nghị của công chúa.”
Cả viện yên tĩnh.
Dao Anh đón ánh mắt mong chờ của hầu cận, nhắm mắt nói: “Hải Đô A Lăng đã dùng khổ nhục kế, không bằng Tướng quân tương kế tựu kế, để Vương tử Hải Đô A Lăng dưỡng thương cho tốt.” Hải Đô A Lăng giả bộ hư một chân, A Sử Na Tất Sa có thể lợi dụng lòng nghi kỵ của mấy vị Vương tử, làm chân đó hư thật.
Mấy hầu cận trao đổi một ánh mắt, mắt Duyên Giác canh giữ ngay cửa lộ vẻ kinh ngạc.
Đàm Ma La Già như không hề ngạc nhiên với câu trả lời của Dao Anh, không lên tiếng, cầm bút viết thư. Hầu cận đứng dậy nhận thư, cúi chào, vội vàng rời đi.
Dao Anh cũng đứng dậy rời khỏi thiền phòng, khi xuống hành lang, vừa vặn gặp mấy cận vệ dọn bàn ăn đến, nàng hờ hững quét mắt qua mâm bạc, ngớ ra.
Một mâm thịt bò nhoáng qua ngay trước mắt.
Dao Anh quay lại, ánh mắt dán lên mâm thịt bò.
Bàn ăn được đưa đến trước mặt Đàm Ma La Già, ngón tay thon dài thanh tú của chàng nhón một miếng thịt.
Dao Anh rớt cả miệng.
Trong phòng, Đàm Ma La Già phát hiện ánh mắt Dao Anh đang nhìn chăm chú, ngước nhìn lại.
Thiếu nữ đứng trong đình viện, ngơ ra nhìn chàng, vẻ mặt như bị sét đánh.
Đàm Ma La Già khựng lại, một tia nghi hoặc nhẹ lướt qua đôi mắt xanh trong.
Nàng ấy đói bụng à?
Bạn cần đăng nhập để bình luận