Thánh Nhân Kim Cổ
Chương 1: Trang Tử bảo kiến thức sách vở là “đôi dép mục”, là “cặn bã” của tiền nhân
Điều kỳ dị của cuốn Nam Hoa Kinh là ở chỗ không ai có thể tự cho mình hiểu hết được nó, càng cố hiểu càng thấy rối mù. Ngay cả việc cuốn sách ấy phần nào do chính Trang Tử viết, phần nào do người đời sau viết, cũng khó mà xác định.
Nhiều thế hệ học giả Trung Quốc đã dày công so sánh, đối chiếu, loại suy và xác định được 7 thiên thuộc phần Nội thiên là do chính Trang Tử viết, còn phần Ngoại thiên và Tạp thiên nhiều khả năng do người đời sau viết thêm vào. Nhưng ông Bùi Giáng của chúng ta thì bảo chưa chắc, biết đâu Trang Tử đã dùng lối nghịch hành.
Tư Mã Thiên nói các bậc vương công không ai biết nổi Trang Tử là người như thế nào. Mà đâu chỉ có các vương công, các văn nhân học giả cũng vậy thôi, đâu có mấy người biết nổi. Phải lấy Trang Tử mà giải thích Trang Tử, tuyệt đối không nghe sự giải thích của bất kỳ ai và đừng bắt ai phải theo Trang Tử, đó là lời khuyên của các bậc túc học “biết biển biết rừng” thời xưa ở Trung Quốc.
Việt Nam hiện có 4 bản dịch Nam Hoa Kinh của Nhượng Tống, của Nguyễn Hiến Lê, của Nguyễn Duy Cần và của Nguyễn Tôn Nhan. Đọc mỗi bản dịch kèm theo lời bình giải, bạn sẽ hiểu Trang Tử theo mỗi cách khác nhau. Ông Nguyễn Hiến Lê soạn sách công phu nhất, nhưng đọc sách của Nguyễn Hiến Lê người ta thấy cái công phu của Nguyễn Hiến Lê thì nhiều mà thấy Trang Tử thì ít nhất. Nhưng nếu đọc những trang ngao du cà rỡn của Bùi Giáng về Trang Tử, bạn lại thấy Trang Tử nhiều hơn bất cứ chỗ nào.
1. Để mon men theo Trang Tử thật không biết phải đi đường nào, bởi mọi “con đường” đều không đến được ông. “Đạo” của Trang Tử không phải là một “con đường”, mà ở mọi vật mọi chốn mọi nơi, mênh mông bát ngát. Ông phất ống tay áo lên là biến thành tấm lưới lồng lộng thâu tóm luôn hai ngàn rưỡi năm dâu bể.
Cần phải có học cao biết rộng mới tiếp cận được Trang Tử chăng ? Không hẳn. Trang Tử bảo kiến thức sách vở là “đôi dép mục”, là “cặn bã” của tiền nhân. Theo đó thì “lấy Trang Tử mà giải thích Trang Tử” chắc cũng không ổn, vì Nam Hoa Kinh cũng chỉ là “đôi dép mục” mà thôi.
Phải là chính nhân quân tử mới tiếp cận được Trang Tử chăng ? Cũng không luôn. Trang Tử phản đối nhân nghĩa. Theo ông thì dân vốn sống tự nhiên cùng đồng ruộng cây cối chim muông, “dệt mà mặc, cày mà ăn”, “ngậm cơm mà vui, vỗ bụng mà chơi”, “không biết gì là quân tử với tiểu nhân”. Đó là đạo đức thường hằng hồn nhiên như cây cỏ. Chính những kẻ gọi là thánh nhân “cặm cụi làm nhân, tập tễnh làm nghĩa, mà thiên hạ sinh ngờ; lan man làm nhạc, khúm núm làm lễ, mà thiên hạ mới phân chia”. Phải hủy đạo đức mới làm được nhân nghĩa, vì đạo đức không phế thì lấy đâu ra nhân nghĩa ?
Trang Tử lên án cả những “người tốt” lúc chết khiến mọi người thương khóc. Lão Tử chết, “người già khóc như khóc con mình, người trẻ khóc như khóc mẹ mình”, Trang Tử cho rằng người này lúc sống ắt có những chuyện “không cần nói mà nói, không cần khóc mà khóc”, khiến cho thiên hạ nhớ những gì ông ta đã “cho” mà quên đi những gì ông ta đã “nhận”. Đó là “vi thiện cận danh”, ông coi chẳng ra gì.
Chủ trương “vi thiện vô cận danh” tức là làm thiện không vì danh của ông nghe dễ hiểu mặc dù khó làm, ở một phương trời khác Jésus cũng từng nói: “Tay phải làm điều thiện không được cho tay trái biết”. Nhưng Trang Tử lại bảo “vi ác vô cận hình”, tức là làm ác không gần hình phạt. Điều này thì nghe quá choáng, mặc dù nó không khác mấy bài “lách luật” mà ngày nay thiên hạ vẫn thường áp dụng.
Ông “tề vật” một cái là sống chết như nhau, nhỏ to không phân biệt, thiện ác phải quấy san bằng. Cái chiêu “tề vật” của ông có kình lực ghê người, làm rung chuyển hơn hai thiên niên kỷ, khiến cho các công hầu khanh tướng lũ lượt giũ áo từ quan về nấu cơm cho vợ, kéo vua chúa từ ngai vàng xuống đồng rộng và lôi sư sãi ra khỏi chùa chiền “thõng tay vào chợ”.
Một nhị tổ Thiền tông Huệ Khả sau khi đại ngộ được truyền y bát hẳn hoi, đã suốt đời lang thang lao động kiếm sống, uống rượu ăn thịt như một phàm phu. Không phải Trang làm cho Phật đảo điên. Phải chăng hội tụ với Trang, Phật trở lại với cái vô biên vốn có của đời thường, “Như Lai giả vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai” ?
2. Những điều kỳ diệu của y học cổ truyền phương Đông, giờ đã được thế giới công nhận, mặc dù còn lâu khoa học hiện đại mới giải thích nổi, có sự góp phần của hai kiệt tác tư tưởng dường như không liên quan đến y học: Nam Hoa Kinh và Pháp bảo đàn kinh. Các bậc danh y ngày xưa đồng thời là các nhà tư tưởng, đã giải mã những mật ngữ trong hai kiệt tác này để khám phá sự vận hành tinh tế của sự sống, từ đó làm giàu thêm nền tảng y thuật.
Mở đầu thiên "Dưỡng sinh chủ" trong Nam Hoa Kinh, Trang Tử viết: "Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai; dĩ hữu nhai tùy vô nhai, đãi dĩ ! Dĩ nhi vi tri giả, đãi nhi dĩ hĩ ! Vi thiện vô cận danh, vi ác vô cận hình, duyên đốc dĩ vi kinh, khả dĩ bảo thân, khả dĩ toàn sinh, khả dĩ dưỡng thân, khả dĩ tận niên".
Tạm dịch: Đời ta có hạn mà tri thức thì không bờ. Lấy cái có hạn mà đuổi theo cái không bờ thì nguy. Đã biết nguy mà còn đuổi theo thì càng nguy hơn. Làm điều thiện không vì danh, làm điều ác không để bị hình phạt, duyên đốc dĩ vi kinh, có thể giữ được thân mình, có thể bảo toàn được sinh mệnh, có thể phụng dưỡng được mẹ cha, có thể sống trọn tuổi trời.
Riêng 5 chữ "duyên đốc dĩ vi kinh", theo tôi thì không thể dịch được, mặc dù đã có nhiều người dịch.
Ông Nhượng Tống dịch là "dựa theo sống lưng để làm đường dọc", đọc nghe sượng trân, không ai hiểu ý của câu này là gì.
Ông Nguyễn Hiến Lê dịch "chỉ người nào giữ cái đạo trung", dù phía dưới ông có chua thêm: "duyên đốc" là "theo mạch đốc", có nghĩa là giữ đạo trung, không thiên lệch, không thái quá. Dịch như vậy đọc cũng không hiểu. Nếu vậy thì tại sao Trang Tử không nói luôn là "giữ đạo trung" cho dễ hiểu mà phải nói "theo mạch đốc" cho rắc rối ?
Ông Nguyễn Duy Cần thì dịch "theo con đường giữa mà đi", phía dưới ông có chua thêm: Duyên đốc: Duyên có nghĩa là thuận; đốc là giữa. Muốn giữ được Đạo dưỡng sinh, cần ăn ở mực thước, đừng có cái gì thái quá. No quá, đói quá không nên; vui quá, buồn quá cũng không nên. Dịch như vậy cũng na ná như ông Nguyễn Hiến Lê dịch, lời chua cũng không làm người ta hiểu thêm được điều gì.
Tóm lại, 5 chữ đó không dịch ra tiếng Việt được. Nó cũng là một thứ "vô nhai". Tôi hoàn toàn không có ý nói tiếng Việt ta là “hữu nhai”, không đuổi kịp 5 chữ Hán “vô nhai” kia. Tôi dám chắc rằng hơn hai ngàn năm nay, bất kỳ văn nhân học giả nào, dù là người Hán hay Việt, khi đọc đến 5 chữ trên đều ngắc ngứ.
Trang Tử biết rõ hơn ai hết sự giới hạn của ngôn ngữ. Ông đã phải sử dụng “tam ngôn” là ngụ ngôn, trùng ngôn, chi ngôn để có thể diễn đạt một cách tối đa những gì ông muốn nói. Nhưng giữa ngổn ngang những ngụ ngôn trùng ngôn chi ngôn của Trang Tử, bạn phải nhìn cho ra những chỗ nhiếp dẫn và mon men theo đó mà dòm vào chỗ “vô ngôn” và những mật ngữ.
Trong 5 chữ trên, 2 chữ “đốc” và “kinh” là những mật ngữ. Dòm thấy rồi, nhưng để hiểu thì bạn nhất định phải đi tìm một bậc chân y theo học nghề thầy thuốc để biết bắt mạch. Học nghề thầy thuốc không thể học qua sách vở, vì sách vở Đông y trôi nổi trên thị trường không thể tin được, thầy thuốc không do chân truyền cũng không thể tin. Học từ sách ấy, từ thầy ấy bạn có thể bị tẩu hỏa nhập ma. Chân y thời nay có thể có vài ba người, trong vài ba người đó tôi biết một người. Ông ấy bảo rằng nghề thầy thuốc ngay cả cha truyền cho con, ông truyền cho cháu, đứa nào thông minh cũng phải mất 15 năm mới biết được 8 trong số 24 mạch danh căn bản mà một thầy thuốc cần biết.
Nhưng phải biết rõ 24 mạch danh thì mới hiểu được Trang Tử muốn nói gì qua 5 chữ “Duyên đốc dĩ vi kinh”, tức là từ khi dòm thấy hai chữ “đốc” và “kinh” đến khi hiểu “Duyên đốc dĩ vi kinh” bạn phải mất ít nhất 45 năm, nếu bạn là một người thông minh.
Chỉ nghĩ đến số năm thôi, đã thấy hơi bị tổn thọ rồi, trong khi Nam Hoa Kinh vốn không phải là cuốn sách đọc để mà tổn thọ.
3. Đoạn Trang Tử viết về tiếng gió mở đầu thiên "Tề vật luận" trong Nam Hoa Kinh được coi là thiên cổ hùng văn. Nhưng phải dành một thời gian học chữ Hán mới thưởng thức được cái hùng vĩ tinh tế của nó, còn đọc mấy bản dịch thì thấy lủng ca lủng củng.
Dựa vào các bản dịch đối chiếu lại với nguyên tác, tôi thử phóng bút diễn nôm lại ý tứ đoạn này :
"Ta thưởng thức tiếng nhạc của người mà ít quan tâm tiếng nhạc của trời đất. Đất thở thành gió. Gió không nổi thì thôi, khi nó nổi lên thì muôn hang lỗ cùng thi nhau gào thét. Gió thổi qua rừng qua núi, qua đồi cao qua thung lũng, qua biển cả qua ao sâu qua vũng cạn, qua những hang hốc trong bọng cây như tai như mũi như miệng, như thưng như chén như đấu, lúc gào lúc thét, lúc réo, lúc quát, lúc rú lúc kêu, khi như thú gầm khi như hơi thở nhẹ, khi mắng mỏ, khi khóc than, khi như chim ríu rít, khi như người trước hô người sau đáp, tiếng trước ầm ào tiếng sau du dương réo rắc. Qua đại dương thì gầm rú, qua rừng núi thì hùng vĩ, qua đồng lúa thì mơn man. Khi gió ngừng thì các hang hốc lặng im trống rỗng, gió chỉ còn xôn xao trong kẽ lá".
Đọc Trang Tử, ta thấy ông cực đoan không coi trọng tiếng nhạc của người, thậm chí ông còn nói phải đập đàn huỷ sáo thì tai của người mới có thể nghe được tiếng nhạc của trời. Ta không nên bận tâm vào sự nghịch hành cường điệu của ông, mà nên hiểu rằng, âm nhạc chân chính do con người sáng tạo ra là sự mô phỏng âm nhạc của đất trời, những kiệt tác âm nhạc chính là sự mô phỏng ở mức cao nhất.
Những âm thanh nhân tạo bị lạm dụng đã và đang làm hỏng đôi tai chúng ta, khiến chúng ta không còn nghe được âm nhạc của trời đất nữa. Đôi tai chúng ta không còn được nuôi dưỡng bởi âm nhạc của đất trời nên thực ra đã bị "điếc", không còn cảm nhận được sự hùng tráng tinh tế của thiên nhiên nữa. Cơ thể chúng ta ngày càng bị ngăn cách với khí thiêng trời đất, bệnh tật cũng từ đó mà sinh ra.
Ra biển, lên rừng, đứng trước sự mênh mông của bình nguyên mà nghe tiếng gió, ta thấy cơ thể mình khoẻ mạnh, tinh thần hào sảng. Từ đôi tai sẽ tác động đến lục phủ ngũ tạng, đó chẳng phải là một trong những cách hữu hiệu để chữa lành và ngăn ngừa bệnh tật, cả bệnh tật về tâm hồn lẫn thể xác, hay sao?
Đặc biệt đối với các em nhỏ, chúng ta nên tạo điều kiện tối đa cho các em nghe tiếng nhạc của thiên nhiên để các em không bị hỏng đôi tai như chúng ta. Trước khi nghe nhạc, học nhạc, đôi tai các em cần được tiếp xúc thường xuyên với tiếng gió.
Tạm thời mon men theo Trang Tử đến vậy, còn sức sẽ theo tiếp...
Bạn cần đăng nhập để bình luận