Minh Thiên Hạ

Chương 43: Ai là đại anh hùng? (1)

Mông Vân Chiêu rất đau, có điều chỉ đau thôi, không bị thương, thời gian qua y đánh nhau với hai con ngan, bị chúng mổ sắp mất tri giác rồi, y bị phạt thì bị phạt, ai dám đánh y rách da chảy máu chứ, mẹ y là người đầu tiên không tha.
Từ Nguyên Thọ kiểm tra cục đá nam châm rất lâu, cuối cùng đặt xuống, mắt quác lên nhìn Vân Chiêu, râu tóc như muốn dựng lên, tựa hồ vô cùng tức giận: “ Năm xưa quân Khăn Vàng đào bới Quan Trung, đế vương quân tướng phơi xác ngoài đồng hoang, sau lại có Tào Tháo tới đào mộ, lấy đồ bồi táng của tiên vương các đời Đại Hán làm quân trang thống nhất phương bắc. Vân Trệ, ngươi định làm lại chuyện cũ của Ngụy Vũ à?”
Vân Chiêu trưng ra cái mặt béo ngu ngơ đầy nghi hoặc: “ Học sinh chỉ muốn hỏi tiên sinh, có phải trên Ngọc Sơn có nhiều đá nam châm lắm không, bọn học sinh muốn hút thật nhiều cát sắt từ cát bên suối thôi.”
Từ tiên sinh nghe vậy thì giải trừ phần nào sự đề phòng: “ Cục đá nam châm này lấy ra từ cục đá nam châm lớn, ngươi chỉ cần tìm người nhặt được nó hỏi tìm thấy ở đâu, vậy cục nam châm lớn hẳn là ở gần đó. Nếu không tìm được lấy một sợi dây thừng treo lên đi loanh quanh, cục đá nam châm này nhúc nhích, cục lớn sẽ ở gần.”
Vân Chiêu chắp tay thi lễ: “ Đa tạ tiên sinh giải đáp, đợi thương thế của bọn con lành rồi sẽ lên Ngọc Sơn tìm đá nam châm.”
Từ tiên sinh dặn: “ Dẫn theo gia đinh, trên núi nhiều dã thú lắm, giờ mùa xuân chúng vừa ngủ đông thức dậy, đang đói cả đấy.”
Vân Chiêu vâng một tiếng rồi chạy ù đi, ở sau lưng đôi mắt thâm thúy của Từ tiên sinh không rời khỏi lưng y.
Chạy qua ngã rẽ, khuất khỏi tầm mắt của Từ tiên sinh, vẻ mặt Vân Chiêu trở nên âm trầm.
Trên Ngọc Sơn không có quặng nam châm.
Đời sau khoa học kỹ thuật hưng thịnh không phát hiện ra mỏ nam châm, huyện Lam Điền có nhiều ngọc Lam Điền, đáng tiếc rất nhiều năm trước sau một trận động đất lớn, mọi người không tìm được mỏ quặng cổ xưa nữa.
Về sau chất lượng ngọc Lam Điền rất tệ, nó liền mất đi giá trị, không thể so sánh với thủy thương ngọc làm ngọc tỷ của Thủy hoàng đế.
Lam Điền nhật noãn ngọc sinh yên, đó là một điển cố, Thái Bạch Kim Tim thác mộng cho thư sinh trợ nghèo làm việc thiện Dương Bá Ung :" Tình thiên nhật xuất nhập Nam Sơn, khinh yên phiêu sự tàng ngọc nhan."
Sau đó được Lý Thương Ẩn viết vào thi ca, tiếp đó vang danh thiên hạ.
Rồi sau đó nữa nhiều người vào núi tìm mỹ ngọc, song chỉ món gót giày phí công, chẳng có tiến triển gì.
Nhưng Ngọc Sơn chắc chắn là nơi phong thủy bảo địa, vì thế mà nơi này có rất nhiều mộ táng ...
Từ tiên sinh nói không sai, Vân Chiêu cũng phát hiện cục đá nam châm này từ khối đá nam châm lớn rơi ra, Lam Điền không có đá nam châm, vậy tảng đá nam chân đó hẳn là từ môn thường dùng trong mộ táng.
Tác dụng chủ yếu của từ môn chính là đề phòng những kẻ mang vũ khí đi vào mộ, mà chết rồi vẫn cứ lo người khác tới đào bới, chỉ có thể thuộc về quý tộc.
Vân Chiêu không ngại làm một tên trộm mộ, không ngại chút nào luôn, thậm chí y cho rằng đám quý tộc thời xưa chết rồi đem theo vô số đồ quý giá chôn cùng, bị người ta đào ra là đáng đời.
Người tốt chết đi, mang theo ít đồ có ý nghĩa kỷ niệm chôn cùng thì hiểu được, không nêm đem vô số đồ tốt do người ta vất vả làm ra chôn cùng, đó là tư tưởng ích kỷ biến thái, không chấp nhận được.
Rõ ràng Từ tiên sinh không nghĩ như thế, thậm chí cho rằng đào mộ là hành vi trái lễ giáo, là sai lầm tính chất cực kỳ ác liệt.
Hoàn cảnh mà Vân Chiêu lớn lên, trừ hiếu thảo với cha mẹ ra thì những lễ giáo khác bị con người ta lãng quên rồi.
Bởi thế, y xét tới tính khả thi, không phải lễ giáo.
Khi về tới căn nhà nhỏ của Vân Quyền, y phát hiện ra đám huynh đệ cần cù bất chấp thương tích ở mông đã mang thêm nhiều đá nam châm ra suối rồi.
Mùa xuân nước suối lạnh buốt, mấy năm qua hạn hán, con suối chảy ra từ Ngọc Sơn đã khô dần, nếu không có trận mưa vừa rồi, ai cũng lo nó còn chảy được bao lâu.
Với trẻ con nông gia mà nói, mặc quần hay không chẳng phải là chuyện quan trọng, thế nên trừ Vân Dương đã lớn, những đứa khác để phơi cái mông chi chít vết thương, tụ tập trên bãi cát dùng đá nam châm chút cát sắt, trận đòn không làm đứa nào nhụt chí mà trải qua “hoạn nạn”, càng thêm gắn kết.
Cái lợi của nhiều người là cho dù làm công việc hiệu suất thấp đến đâu thì luôn có thể tích tiểu thành đại, cho nên chập tối Vân Dương đã có một cái gầu đầy cát sắt, thêm vào số cát sắt mà hắn thu gom từ lâu, đã tới hơn 150 cân.
Đám trẻ con như đội quân đánh thắng trận, uy phong đẩy xe mang cát sắt tới lán thợ rèn bên suối, Lưu Tông Mẫn chỉ nhìn một cái, tiếp tục công việc.
Vân Dương là một người rất biết ý, thấy Lưu Tông Mẫn rèn sắt một mình thì chủ động cầm búa đứng ở bên, Lưu Tông Mẫn đổi búa nhỏ, đập nhẹ lên cục sắt, Vân Dương dùng búa lớn đập mạnh, mới đầu còn lóng ngóng, lát sau đã phối hợp rất tốt.
Búa nhỏ chỉ điểm, búa lớn dùng sức, tiếng cheng cheng không dứt bên tai.
Có Vân Dương ở đây thì chuyện coi như thành rồi, Vân Chiêu và đám huynh đệ trở về, dọc đường còn hưng phấn bàn nhau, mai tiếp tục đi kiếm cát sắt, người Tần chuộng võ, có thanh đao là khao khát của rất nhiều đứa bé.
Đến tối, Vân Nương vẫn cho nhi tử trở về.
Bởi thế nên Vân Chiêu vào nhà rất có khí thế, như đại tướng quân khải hoàn.
Hừ một tiếng, Vân Xuân liền giúp y cởi giày, hừ một tiếng nữa, Vân Hoa bê nước rửa chân, lại hừ thêm một tiếng, Tần bà bà chuẩn bị cơm nước, đến khi Vân Chiêu sắp hừ tiếng nữa thì nhìn thấy khuôn mặt phủ sương giá của mẹ, liền nuốt ngược lại, tí thì sặc nước bọt.
Ở nông thôn, mọi hoạt động ngủ nghỉ đều theo quy luật lên xuống của mặt trời, bởi thế cho dù lúc này mặt trời lặn chưa lâu, toàn bộ Vân gia trang tử đều chìm trong yên tĩnh, trừ loáng thoáng tiếng gõ búa ở tiệm rèn của Lưu Tông Mẫn, tiếng chó sủa đâu đó, thì không còn nghe thấy chút âm thanh nào nữa.
Đại hộ như Vân gia cũng không phải ngoại lệ, hạ nhân gần như đã tắt đèn ngủ rồi, chỉ có ở nội trạch ánh đèn le lói rọi ra từ trong ô cửa sổ hẹp, còn có tiếng nói mơ hồ truyền tới...
Hôm nay ăn tối có cả Phúc bá, có điều ăn ở một cái bàn khác, không ngồi cùng bàn với mẹ con Vân Chiêu.
“ Có một người tên Cao Tòng Long là du kích tướng quân tới phủ Tây An, cho nên rất nhiều người ở trên núi đã xuống núi. “ Phúc bá uống một ngụm rượu, gắp một miếng rau rồi mới nói:
Vân Nương dừng đũa thắc mắc: “ Người tên Cao Tòng Long đó lợi hại lắm sao?”
“ Rất lợi hại, khi ở trấn Duyên Tuy, hắn giết cự khấu Vương Đại Lương, được Tần vương mời tới Tây An luyện binh.”
Vân Nương hiểu ra: “ Vậy là Lưu Tông Mẫn chạy tới nhà chúng ta là để tị nạn à?”
Phúc bá lắc đầu: “ Không phải ạ, Lưu Tông Mẫn không hợp với Thôi Sơn Hổ, cho nên mới rời Nguyệt Nha Sơn, chuẩn bị ẩn nấp một thời gian lánh phong ba, sau đó mới quyết định đi đâu.”
Vân Nương hỏi nhỏ: “ Phúc bá coi trọng người này à?”
“ Vâng, người này lòng dạ độc ác, hung hãn vô cùng, lão nô cho rằng có thể dùng làm đầu mục gia đinh, thử chiêu lãm mấy lần, phát hiện chí hướng của hắn không phải ở đây, nếu cố giữ, e là sinh họa.” Phúc bá thận trọng nói: .
Bạn cần đăng nhập để bình luận