Đàn Hương Hình

Đàn Hương Hình - Chương 37

Lão Triệu Giáp, ôm Cọc Đàn Hương đi thẳng bước, phán một câu hương đảng dỏng tai nghe. Ta ôm đây là ôm quốc pháp, so với vàng quý báu hơn nhiều. Gọi con trai nhanh chân một chút, dọc đường đừng ngó ngó nghiêng nghiêng. Ngày mai đây ta cùng trình diện, như cá chép biến thành giao long! Ba bước gộp hai, hai gộp một, đi như chớp giật, ta đến cho nhanh.
Ngẩng nhìn lên, trước mặt thư viện một quảng trường, cát trắng phủ đầy mặt đất bằng. Quảng trường một góc thành sân khấu, con cháu lê viên diễn tích trò.
Đế vương khang tướng, công tử vương tôn, anh hùng hào kiệt, tài tử giai nhân… xoay xở như đèn kéo quân.
Chỉ thấy, huyện quan đã dựng đài Thăng Thiên, bên đài nghiêm chỉnh một tốp binh, người côn thủy hỏa, người đao sắc, trước đài lều cỏ, chiếu trải khắp, bên đài ghênh lớn dầu sôi sục!
Chư vị khán giả, vở kịch sắp bắt đầu!
Ta buộc con gà vào cột lều. Con vật nghẹo đầu nhìn ta, mắt tròn xoe, con ngươi màu vàng óng ánh. Ta bảo con trai lấy nước sạch trong chum nhào bột. Con trai nghẹo đầu nhìn ta, cái nhìn y hệt con gà.
- Nhào bột làm gì, cha?
Bảo con nhào thì cứ nhào, đừng hỏi nhiều. Trong khi đợi con trai nhào bột, ta ngắm nhìn xung quanh: Lều cói mặt trước rộng mở, mặt sau bịt kín, đối diện với sân khấu phía xa. Tốt, ta cần như thế, ổ rơm tốt, chiếu cói vàng ươm rải trên rơm tiểu mạch.
Rơm mới, chiếu mới, mùi thơm tắc mũi. Gỗ đàn hương đụng dầu, chìm tới đáy, chỉ đoạn đuôi hình vuông ló lên.
Người ta bảo, phải đun ba ngày ba đêm, nhưng không kịp, một ngày một đêm cũng được rồi. Hai thanh kiếm gỗ này dù không đun trong dầu thì chúng cũng không thấm nhiều máu.
Ông sui gia, được dùng hình cụ này là phúc cho ông! Ta ngồi xuống ghế, nhìn mặt trời lặn đỏ rực trên nền trời nhập nhoạng tối.
Đài Thăng Thiên dáng kiêu hùng, mây khói vờn quanh mỗi tầng.
Tri huyện Tiền, ông nên làm quan ở bộ Công, điều hành giám sát những công trình phải đo bằng kính kinh vĩ mới xứng, ở cái xó Cao Mật này hủy hoại cả một thiên tài.
Ông sui gia Tôn Bính, ông cũng là nhân vật kiệt xuất vùng Đông Bắc Cao Mật, tuy ta không thích ông, nhưng ta biết ông là rồng phượng trong nhân quần. Người như ông mà chết không thăng hoa thì đất trời đâu có chịu?
Chỉ đàn hương hình, chỉ Thăng Thiên đài mới xứng với ông. Tôn Bính, kiếp trước ông không vụng đường tu, nên kiếp này ông được đền bù thỏa đáng, ta sẽ làm cho ông lưu danh thiên cổ.
- Cha! Con trai bê một quả bột to bằng cối xay, đứng sau ta. Bột nhào xong rồi.
Ôi, con ta! Nhào hẳn một bao bột! Thôi cũng được, ngày mai cha con mình làm việc cật lực, bụng rỗng thì không ổn. Ta véo một cục bộ, kéo dài thành cái quẩy, thuận tay thả vào ghênh dầu đang sôi. Cái quẩy lập tức vặn vẹo rồi nhào lộn trong dầu như một con lươn đang giẫy chết.
Con trai vỗ tay nhẩy cẫng:
- Dầu cháo quẩy! Dầu cháo quẩy!
Hai cha con bỏ từng cái quẩy vào ghênh, thoạt đầu chúng chìm xuống rồi nổi lên rất nhanh, lộn quanh hai thanh đàn hương. Ta rán quẩy trong ghênh là để đàn hương thấm mùi ngũ cốc. Ta biết, thanh đàn hương này sẽ đi từ cốc đạo rồi xuyên suốt lên trên.
- Giải thích từ "cốc đạo" nghĩa là hậu môn. Hết giải thích.
Đàn hương nhiễm vị ngũ cốc có lợi cho cơ thể Tôn Bính. Mùi dầu cháo quẩy thơm lừng, vậy là đã chín. Ta dùng kẹp có cán dài lấy ra từng chiếc. Ăn đi con!
Con trai lưng tựa vách lều, cắn quẩy nóng bỏng, má nổi từng cục, nét mặt hỉ hả.
Ta cầm lấy một cái quẩy, mân mê trong tay. Đây không phải là quẩy
thông thường, vì trong này có mùi vị đàn hương, mang màu sắc nhà Phật.
Từ khi ta được Lão Phật gia ban cho chuỗi tràng hạt bằng gỗ đàn hương,
ta bắt đầu ăn chay.
Củi gỗ thông cháy rực trong bếp, dầu sôi phát ra tiếng bục bục. Ăn xong một cái quẩy, ta bắt đầu xẻo từng miếng thịt bò to bằng nắm tay, bỏ vào ghênh. Bỏ thịt vào nghênh, ta cho hai thanh đàn hương thấm mùi thịt sau khi thấm mùi ngũ cốc. Thấm mùi thịt thì gỗ đàn hương mới dẻo.
Thôi thì tất cả vì sui gia! Con trai đến trước mặt dề môi:
- Cha, con muốn ăn thịt!
Ta nhìn con trai bằng ánh mắt thương cảm, nói:
- Con ơi, thịt này không ăn được. Lát nữa con ăn thịt ở chảo. Khi nào bố vợ Miêu Xoang của con thụ hình thì con ăn thịt, ông ấy húp nước! Tên đầu mục gian giảo trí trá Ba Tống chạy tới, xin ý kiến về công việc phải làm tiếp.
Hắn khom lưng khuỵu gối, đúng bộ dạng nô tài, làm như ta là quan lớn vậy. Đương nhiên, ta cũng làm ra vẻ quan dạng, đằng hắng một tiếng, nói:
- Hôm nay không còn việc gì nữa. Việc phải làm tiếp là đun đàn hương, nhưng đây không phải là việc của các người. Các người đi đi, cần làm gì thì làm.
- Tiểu nhân không thể đi.
Tên đầu mục ngọt xớt, lời nói như con lươn chui ra từ cái miệng nhẵn thín:
- Chúng tiểu nhân đều không được đi đâu hết.
- Phải chăng đây là lệnh quan huyện các người?
- Không phải quan huyện, mà Tuần phủ Sơn Đông Viên đại nhân lệnh cho lũ tiểu nhân phải ở đây để bảo vệ lão tiên sinh. Thưa ông lớn, ngài đã trở thành báu vật!
Tên đầu mục thò tay nhón một chiếc quẩy nhét vào miệng.
Ta nhìn cái miệng nhoe nhoét dầu mỡ của hắn, bụng nghĩ: bọn đốn mạt, không phải ta là báu vật, mà là ta có vật báu.
Ta lấy chuỗi tràng hạt đương kim thánh minh Từ Hi Hoàng Thái Hậu ban tặng, lần từng hạt trên tay. Ta nhắm mắt dưỡng thần, y như một nhà sư nhập định. Bọn đốn mạt làm sao biết được ta nghĩ gì? Nghiền chúng nát thành tương thì chúng cũng đoán không ra ta nghĩ gì?
Ngồi trước lều, Triệu Giáp ta ngổn ngang trăm mối.
- “Cha đang nghĩ gì thế?”
Chuyện cũ nối nhau diễn trong đầu.
- “Chuyện gì thế hở cha?”
Viên đại nhân không quên người cũ, cha con mình mới có hôm nay.
- “Hôm nay là hôm nào?”.
Mậu Xoang “Đàn hương hình. Phụ tử đối đáp.”
Thi hành xong hình phạt lăng trì đối với hảo hán Tiền Hùng Phi, ta thu thập đồ nghề, định cùng học trò ngay trong đêm trở về Bắc Kinh. Người ta bảo rằng, nơi ầm ĩ đừng đến, đất thị phi đừng ở. Giữa lúc hành lý đã trên lưng, đệ tử ruột của Viên đại nhân đứng chắn ngay trước mặt, mắt nhìn trời, bảo ta:
- Ông giết người, khoan đi vội, Viên đại nhân có lời mời.
Ta bảo đồ đệ đợi ở một quán nhỏ, còn ta chạy gằn theo người kia, qua rất nhiều vọng gác, quỳ sụp trước Viên đại nhân.
Lúc này, ta mồ hôi cùng mình, thở hổn hển.
Ta dập đầu rõ kêu, và cùng với ngẩng lên cúi xuống, ta trông thấy phúc tướng của Viên đại nhân.
Ta biết, hai mươi ba năm nay, biết bao khuôn mặt cao sang tuấn tú lướt qua như đèn kéo quân trước mặt, chưa chắc đại nhân còn nhớ nhân vật tép riu như ta. nhưng đại nhân thì ta nhớ như in. Viên đại nhân của hai mươi ba năm trước là một thiếu niên anh tuấn, mép chưa có râu, thường theo chú ruột là Thị Lang Bộ Hình Viên Bảo Hoàn ra vào nha môn.
Những lúc rỗi, Viên đại nhân lại chạy đến Đông Khoái Viện là nơi anh em đao phủ ở, tán chuyện gẫu.
Đại nhân à, nhớ khi ấy ngài rất thích thú nghề đao phủ.
Ngài bảo Già Dư khi ấy còn rất khỏe:
- “Già thu nhận tôi làm đồ đệ đi!”.
Già Dư sợ quá, bảo:
- “Viên công tử, công tử lại diễu chúng tiểu nhân rồi!”.
Đại nhân, khi đó ngài nói rất nghiêm túc:
- “Không phải nói đùa. Đại trượng phu thời loạn, không nắm ấn tín thì nắm cán đao”.
- Già Triệu, công việc tốt đấy!
- Lời Viên đại nhân cắt dòng hồi ức của ta. tiếng ngài vang như chuông, nghe mà rung động tâm can! Ta biết, công việc của ta cũng được, không đến nỗi để Bộ Hình mất mặt, chỉ mỗi ta ở Bộ Hình thực hiện được hình phạt tùng xẻo ở trình độ ấy, nhưng ta không dám khoe mẽ trước mặt Viên đại nhân.
Ta tuy là nhân vật tép riu nhưng cũng biết được địa vị của Viên đại nhân trong triều đình, địa vị của người cầm đầu đội quân tân tiến nhất, tinh nhuệ nhất của nhà Đại Thanh. Ta nói, giọng khiêm tốn:
- Làm không tốt thì phụ lòng mong đợi của đại nhân, mong đại nhân mở lượng hải hà mà châm chước cho.
- Già Triệu, nghe Già nói như người có học.
- Bẩm đại nhân, tiểu nhân chữ nhất là một cũng không biết.
- Ta hiểu. Viên đại nhân mỉm cười, đột nhiên ngài đổi sang lối nói Hà Nam, y như người ta cởi bỏ quan phục, mặc quần áo dân thường.
“Quẳng một con chó vào nha môn nuôi mười năm, nó cũng biết mở miệng là chi hồ giả dã”.
Quả như lời đại nhân, tiểu nhân là con chó của Bộ Hình.
Viên đại nhân cười thoải mái. Cười xong, ngài nói:
- Hay lắm! Dám tự miệt thị là hảo hán! Ông là con chó của Bộ Hình, còn bản quan là con chó của triều đình.
- Tiểu nhân đâu dám so bì với đại nhân…
Đại nhân là ngọc Kim Nhưỡng, tiểu nhân là đá củ đậu.
- Triệu Giáp, ông ta đã giúp ta một việc lớn, ta nên cảm ơn ông thế nào đây?
- Tiểu nhân là con chó của nhà nước, đại nhân là lương đống của triều đình, tiểu nhân nên vì đại nhân mà gắng sức.
- Nói vậy cũng đúng. Nhưng ta vẫn phải tặng thưởng cho ông. Viên đại nhân nhìn tùy tùng đứng dưới, bảo:
- Xuất kho một trăm lượng bạc tặng Già Triệu.
Ta quỳ sụp, dập đầu một cái rõ kêu, nói:
- Ân điển của đại nhân, tiểu nhân đến chết không quên, nhưng bạc thì tiểu nhân không dám nhận.
- Sao?
Viên đại nhân lạnh nhạt. Chê ít hả?
Ta vội dập đầu lia lịa, nói:
- Cả đời tiểu nhân chưa bao giờ một lần được một trăm lượng, tiểu nhân không dám nhận. Đại nhân cho tiểu nhân được đến Thiên Tân thi hành án lăng trì, là đẹp mặt cho tiểu nhân lắm lắm.
Ở Bộ Hình. Tiểu nhân nhận số bạc này sẽ bị giảm thọ.
Viên đại nhân trầm ngâm hồi lâu, nói:
- Già Triệu, làm công việc này uổng cho cái tài của ông quá!
Ta vội vàng dập đầu một cái rõ kêu, nói:
- Bẩm đại nhân, tiểu nhân yêu công việc này. Được đem tài mọn đóng góp cho triều đình, tiểu nhân cảm thấy thật là tam sinh hữu hạnh!
- Triệu Giáp, bản quan muốn lưu ông ở phòng quân pháp của ta, ông bằng lòng không?
- Đại nhân đã đề cử, tiểu nhân đâu dám không phục tùng. Nhưng tiểu nhân làm ở Bộ Hình đã hơn bốn mươi năm, đích thân trảm quyết chín trăm tám mươi bảy phạm, hỗ trợ thì không kể.
Tiểu nhân chịu ơn sâu nhà nước, vốn nên cúc cung tận tụy, làm cho đến già, đến chết mới phải.
Nhưng từ sau khi hành quyết Sáu người trong vụ Đàm Tự Đồng, tiểu nhân mắc chứng cổ tay đau buốt, khi bệnh phát, không cầm nổi đũa. Tiểu nhân muốn được về quê dưỡng lão, xin đại nhân nói hộ Bộ Hình ân chuẩn.
Viên đại nhân cười nhạt một tiếng, khiến ta không hiểu ra sao.
- Đại nhân, tiểu nhân thật đáng chết! Tiểu nhân là loại tiện dân, chưa được liệt vào trong chín hạng người trong xã hội, đi là chó, ở lại cũng là chó, hoàn toàn không dám phiền đến chư vị đại nhân.
Nhưng tiểu nhân dám mạo muội cho rằng, tiểu nhân là con người hạ tiện, nhưng công việc mà tiểu nhân theo đuổi không hạ tiện, tiểu nhân tượng trưng cho quyền uy đất nước. Nhà nước có hàng nghìn luật lệ, nhưng cuối cùng vẫn phải dựa vào tiểu nhân mà thực thi.
Tiểu nhân và đồ đệ, năm không bổng, tháng không lương, để duy trì cuộc sống, chủ yếu bán những thứ thu nhặt từ người chết cho người ta làm thuốc.
Tiểu nhân làm ở Bộ Hình trên bốn mươi năm, không xu để dành. tiểu nhân hi vọng Bộ Hình cấp cho phí bảo hiểm, để không rơi vào cảnh đầu đường xó chợ. Tiểu nhân mạnh dạn thay mặt anh em xin được đối xử theo lẽ công bằng, nhà nước nên đưa đao phủ vào biên chế Bộ Hình, có lương tháng. Tiểu nhân trước hết vì bản thân, lớn hơn là vì mọi người. Tiểu nhân cho rằng, chỉ cần đất nước còn, thì không thể thiếu nghề đao phủ.
Nay đất nước loạn lạc, quan viên phạm tội hàng đàn, giặc giã nổi như ong, nhà nước cần gấp những đao phủ giỏi. Tiểu nhân liều chết thân mình, mong đại nhân làm ơn xem xét.
Nói xong, ta dập đầu đánh cốp một cái, rồi vẫn quỳ , liếc trộm xem phản ứng của Viên đại nhân. Ta thấy, Viên đại nhân vê vê hàng ria chữ bát, nét mặt bình thản, hình như đang suy nghĩ rất lung. Chợt ngài bật cười, nói:
- Già Triệu, ông không những tay nghề giỏi, mà ăn nói cũng giỏi.
- Tiểu nhân đáng chết, tiểu nhân nói toàn sự thật. Tiểu nhân biết đại
nhân nhìn xa trông rộng, khí độ phi phàm, do vậy mới dám mạo muội tâu
lên.
- Triệu Giáp. Chợt Viên đại nhân hạ thấp giọng, vẻ thần bí. Ông có nhận ra ta không?
- Đại nhân phong độ oai nghiêm, đã gặp là không thể quên.
- Ta không nói bây giờ, ta nói là cách đây hai mươi ba năm. Cách đây hai mươi ba năm, chú họ ta làm Tả Thị Lang Bộ Hình, ta thường đến nha môn chơi, ngày ấy, ông có gặp ta không?
- Tiểu nhân mắt không tinh, trí nhớ kém, quả thực nhớ không ra. Nhưng Viên Bảo Hoàn đại nhân thì nhớ. Viên đại nhân hồi nhậm chức ở Bộ Hình, tiểu nhân từng chịu ơn ngài…
Thực ra, làm sao ta không nhận ra tôn dung của ngài? Khi đó, Viên đại nhân là một thiếu niên ngỗ ngược.
Ông chú ngài rất muốn ngài học hành đỗ đạt thành danh. Nhưng ngài không thích học. Rỗi một cái là ngài mò đến Đông Khoái Viện chơi với bọn tiểu nhân. Ngài thuộc lòng quy củ của đao phủ. Ngài đã từng giấu ông chú thuyết phục được Già Dư, lén thay quần áo đao phủ, bôi máu gà lên khuôn mặt tròn vành vạnh của ngài, theo bọn tiểu nhân đến Thái Thị Khẩu thi hành án, chém đầu một tên phạm dám săn thỏ ở khu lăng mộ Hoàng gia, kinh động nơi yên nghỉ của các tiên đế.
Khi thi hành án, tiểu nhân kéo ngược bím tóc tên phạm để cổ hắn vươn ra, còn ngài thì giơ đao lên, mặt không đổi sắc, tay không run, phập một nhát, không cần nhát thứ hai, ung dung chém rơi đầu tên phạm.
Về sau, chú ngài biết chuyện, đánh ngài một bạt tai thật mạnh, khiến bọn tiểu nhân sợ quá lạy như bổ củi.
Chú ngài mắng: Đồ mạt rệp! Dám làm cái chuyện như thế.
Ngài phân trần:
“Xin chú bớt giận, vì trộm cướp mà giết người thì lẽ trời không dung, vì chấp pháp mà giết người, thì đó là vì nước tận trung.
Ngu điệt chí tại nơi biên cương, hôm nay hóa trang đi thi hành án, là để rèn luyện lòng can đảm vậy thôi.”
Chú ngài tuy vẫn còn quát tháo, nhưng tiểu nhân biết, ngài đã nhìn đại nhân bằng con mắt vị nể…
- Lão Triệu, ông là con người thông minh. Viên đại nhân mỉm cười:
- Ông không phải là không nhận ra ta, ông sợ bản quan trách cứ ông, thực ra, ta không coi chuyện ấy là chuyện dở. Khi ta ở chỗ ông chú Bộ Hình, ta đã nghiên cứu rất sâu về nghề đao phủ, có thể nói rất bổ ích.
Đi theo đao phủ các ông thi hành án giết người, ta có những thể nghiệm đặc biệt về nhân sinh. Đoạn đời ngày ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến ta. Ta mời ông đến, là để cảm ơn ông. Ta dập đầu cảm ơn mãi không thôi.
Viên đại nhân nói:
- Đứng dậy!
Về Kinh ông hãy chờ, có thể là một tin đại hỉ.
Viên đại nhân dự báo mãi không thấy tới.
Chẳng lẽ đó chỉ là mười lượng bạc thưởng của Thiết đại nhân?
Không phải, chắc chắn là không phải.
Viên đại nhân thưởng ta một trăm lượng ta còn không lấy cơ mà! Mười lượng thì có gì ghê gớm mà bảo đại hỉ! Ta tin chắc đại nhân không nói chơi, đại nhân với ta là mối giao tình cũ, ngài không để ta mừng hụt.
Buổi tối mồng hai tháng Hai, Tôn Lang Trung đích thân truyền đạt, yêu cầu ta ngày mai dậy vào lúc canh tư, đun nước tắm rửa, không ăn no, chỉ ăn lưng dạ, không ăn gia vị có mùi hôi như tỏi; quần áo hoàn toàn mới, không đem theo vật nhọn, canh năm đợi trước cửa Ngục Áp Tư.
Ta rất muốn hỏi kỹ, nhưng nhìn khuôn mặt dài thượt của quan Lang Trung, ta lại không dám.
Ta có cảm giác chuyện mừng mà Viên đại nhân nói sắp sửa xảy ra, nhưng khi ấy có đem chém thì cũng không nghĩ rằng đức Từ Hi Hoàng Thái Hậu sống lâu muôn tuổi và đức Hoàng thượng muôn năm muôn năm muôn muôn năm, tiếp kiến ta rất trọng thể.
Vừa sang canh ba, ta không thể nằm yên được nữa. Đánh lửa châm đèn, hút một tẩu thuốc, sai Cháu Ngoại đi đun nước.
Các đồng sự phấn khởi dậy theo, mắt sáng rực, nói chuyện rầm rì.
Dì Cả giúp ta tắm trong bồn lớn. dì Hai lau khô toàn thân cho ta. Dì Út giúp ta thay quần áo.
Thằng nhỏ khôi ngô tuấn tú, nhanh nhẹn linh hoạt, vốn là tên ăn mày đói lả, ta đem về nuôi nấng bên người. Nó hiếu thuận với ta như con với cha.
Niềm vui trong lòng nó chảy qua kẽ mắt. Sáng hôm đó, các đồ đệ của ta ai nấy mặt mày rạng rỡ,thầy vẻ vang trò được thơm lây.
Họ vui tự đáy lòng, không giả vờ.
Ta nói:
- Anh em, chớ vội mừng! Không biết phúc hay họa đây?
Phúc ạ. Dì Út cướp lời:
"Con đảm bảo là phúc.
- Sư phụ dù sao cũng đã già.
Ta thở dài. Gừng càng già càng cay! Với lại cách đây mấy chục năm, Già đã từng vào đại nội thi hành án.
Lúc này, ta tưởng lại có một thái giám phạm tội, triệu ta vào thi hành án.Nhưng nghĩ lại thấy không phải.
Năm xưa, khi được triệu vào để thi hành án "Đai Diêm vương", các yêu cầu đặt ra rất cụ thể, và không có chuyện phải thay quần áo mới, ăn lưng dạ...
Nhưng nếu không là thi hành án, thì một đao phủ làm được chuyện gì?
Chả lẽ tự chém đầu mình?
Chính trong tâm trạng thấp thỏm ấy, ta ăn nửa cái bánh kẹp nhân thịt, lấy muối tinh cọ răng, súc miệng bằng nước lã, ra ngắm ngôi Tam Tinh hơi ghé hướng tây.Mõ canh tư chưa điểm, thực ra hãy còn sớm. Ta chuyện vãn với các học trò một lúc.
Khi nghe tiếng gà gáy Một, ta nói với các đồ đệ:
- Sớm còn hơn muộn, ta đi thôi!
Các đồ đệ xúm xít quanh ta, đến trước cửa Ngục Áp Tư.
Đầu tháng Hai ở Bắc Kinh vẫn rất lạnh. Để tỏ ra sức lực còn khá, ta chỉ mặc một cái áo bông cộc tay bên trong.
Khí lạnh ban mai ùa tới, răng đánh cầm cập, cổ tự nhiên rụt lại. Đột nhiên, trời trở lại tối đen, sao nhấp nháy đầy trời.
Đợi mất nửa giờ, trống canh năm mới điểm.
Chân trời phía đông giãn ra màu trắng bụng cá. Tiếng động vang lên khắp nơi, cánh cổng kêu kin kít, xe chở nước cót két.
Một xe kiệu do ngựa kéo vội vã xộc tới cổng Bộ Hình, trước xe có hai người cầm đèn lồng, trên đèn có chữ "Thiết" màu đen, ta biết Thiết đại nhân đã tới.
Người hầu vén rèm kiệu, Thiết đại nhân mặc áo hồ cừu, chui ra.
Người hầu đánh xe lui sang hai bên.
Thiết đại nhân lắc lư đến trước mặt ta. Ta hốt hoảng vái chào. Đại nhân khạc nhổ xong,nhìn ta từ đầu đến chân, nói:
- Lão Triệu, nhà ngươi phúc tầy đình!
- Tiểu nhân sức mọn tài hèn, tất cả đều do đại nhân tác thành cho.
- Vào trong ấy liệu mà ứng đối, cái gì đáng nói hãy nói, không đáng nói thì...
Tia mắt đại nhân lóe lên trong đêm.
- Tiểu nhân xin vâng.
- Bọn bay về đi. Đại nhân bảo đồ đệ ta.
Sư phụ các ngươi gặp vận rồi!
Các đồ đệ về rồi, trước cửa Ngục Áp Tư chỉ còn ta và Thiết đại nhân.
Người hầu của đại nhân đứng rất xa, chỗ xe kiệu.
Đèn lồng đã tắt, trong bóng tối chỉ nghe tiếng nhai cỏ rào rạo và mùi cỏ thơm. Ta ngửi thấy thứ căn của ngựa gồm đậu đen rang và rơm tiểu mạch.
- Bẩm đại nhân, không rõ tiểu nhân...
- Im cái mồm!
Đại nhân lạnh lùng.
Nếu ta là ngươi thì ta không nói gì hết, trừ phi Hoàng Thái Hậu và Hoàng thượng hỏi.
- Chả lẽ...
Khi ta chui ra khỏi cỗ kiệu nhỏ rèm xanh, một thái giám lưng hơi gù, quần áo màu lông lạc đà gật đầu mỉm cười với ta, vẻ bí hiểm.
Ta đi theo ông ta qua lớp lớp hành lang đến một đại điện cao hơn cả trời.
Lúc này, vầng dương vừa ló, ngàn vạn tia nắng màu hồng xòe như nan quạt, bừng lên một màu thiên hỏa giữa bốn bề tường vàng vách ngọc.
Vị thái giám lưng gù cong ngón tay trỏ xuống đất, ta thấy mặt đất lát gạch vuông màu xanh nhạt, sạch như lau như chùi.
Ta không hiểu ý của người thái giám, định tìm lời giải trên nét mặt ông ta, nhưng ông ta đã quay mặt đi. Ta trông ông đứng thõng tay, điệu bộ cực kỳ cung kính, chợt hiểu, ông bảo ta đứng đợi ở chỗ vừa trỏ. Lúc này, ta mới xác định được điều đại hỉ như Viên đại nhân đã nói.
Ta trông thấy chốc chốc lại có một đại nhân nón chóp đỏ đầu cúi, lưng khom, rón rén từ đại điện đi ra.
Các đại nhân đều nghiêm trang, hơi thở không đều, có vị mồ hôi lấp lánh trên mặt.
Thấy các vị như vậy tim ta đập như trống làng, hai chân run lẩy bẩy, người lạnh toát nhưng lòng bàn tay thì nhơm nhớp mồ hôi.
Không hiểu chờ đợi ta là phúc hay họa, nếu được lựa chọn, thì ta chạy một lèo về nhà, chui vào buồng, dùng rượu át nỗi sợ.
Nhưng giờ thì không kịp rồi. Một đại thái giám mặt hồng hào, đội mũ chóp đỏ, ló ra từ chỗ cửa cao đến nỗi phải ngước nhìn lên, vẫy vị thái giám đứng trước mặt ta.
Khuôn mặt rộng bản của vị thái giám sáng lên như có bùa phép. Đến nay vẫn chưa ai cho ta biết tên của vị đại thái giám này, nhưng ta đã đoán ra. Ông ta chính là Tổng quản đại thái giám Lý Liên Anh, anh em kết nghĩa với Viên đại nhân.
Ta được Hoàng Thái Hậu tiếp kiến, chắc là do ông thu xếp. Ta không biết phải làm gì, nên đứng như một tên ngố. Viên thái giám trước mặt khẽ kéo áo ta, nói nhỏ:
- Đi mau, truyền gặp ông đấy! Lúc này, ta mới nghe thấy tiếng gọi the thé:
- Truyền cho Triệu Giáp...
Đến nay ta vẫn không nhớ ta đã vào đại điện bằng cách nào.
Ta chỉ nhớ, hào quang sáng rực, như có rồng vàng phượng đỏ xuất hiện trước mặt.
Ta nhớ hồi còn nhỏ nghe mẹ ta nói, Hoàng hậu là phượng đỏ chuyển kiếp.
Ta run sợ quỳ sụp xuống, mặt đất nóng như mặt bếp lò.
Ta dập đầu lia lịa, về sau mới biết trán ta dập nát, máu bê bết, nhoe nhoét như củ cải thối, chắc là Thái hậu và Hoàng thượng kinh lắm.
Tiểu dân đáng chết vạn lần! Lẽ ra ta phải nói ngay, kính chúc Hoàng Thái Hậu, Hoàng thượng sống lâu muôn tuổi, nhưng ta lẩm cẩm quá, đầu óc bã đậu, thành ra cứ dập đầu mà lạy mãi.
Một bàn tay hộ pháp túm lấy đuôi sam nhỏ xíu của ta, không cho lạy tiếp.
Ta cố cưỡng lại, thì có tiếng nói phía sau:
- Đừng lạy nữa, Lão phật gia hỏi chuyện ngươi.
Một chuỗi cười khanh khách ròn tan vang lên phía trước.
Ta lúng túng nhìn lên, một bà, chết, ta nói nhịu, đương kim Hoàng Thái Hậu, Lão phật gia chí thánh sống lâu muôn tuổi, ngồi trên bảo tọa trước mặt, toàn thân sáng lòa.
Ta nghe một giọng vô cùng chậm rãi từ trên ấy lượn xuống:
- Ta hỏi tên chém người, ngươi tên chi?
Tiểu dân Triệu Giáp.
- Ngươi quê ở đâu? Tiểu dân quê Cao Mật tỉnh Sơn Đông.
- Làm nghề này bao nhiêu năm rồi?
- Bốn mươi năm.
- Ngươi đã chém bao nhiêu người rồi?
- Chín trăm tám mươi bảy.
- Eo, Ma vương giết người rồi còn gì! Tiểu dân đáng chết.
- Đáng chết gì mà đáng chết, những người bị ngươi chém mới đáng chết!
- Dạ.
- Ta hỏi Triệu Giáp, lúc chém người, ngươi có sợ không? Khi mới vào nghề thì sợ, bây giờ thì không sợ nữa.
- Ngươi đi Thiên Tân làm gì cho Viên Thế Khải? Tiểu dân đi Thiên Tân thực hiện một cái án tùng xẻo. - Là lấy dao xẻo từng miếng người sống, không cho nó chết ngay phải không?
Dạ phải.
- Ta bàn với Hoàng thượng rồi, bỏ hình phạt tùng xẻo. Bỏ tùng xẻo tức là cải cách pháp luật, ta nói đúng không, Hoàng thượng?
- Đúng.
Một giọng u uất từ phía bên vọng lại. ta mạnh dạn liếc sang bên,thấy một người ngồi phía trái Hoàng Thái Hậu.
Người này mặc hoàng bào,
trước ngực thêu một con rồng vàng vẩy lấp lánh, đầu đội mũ cao, trên mũ gắn một viên ngọc phát sáng to bằng quả trứng gà.
Phía dưới mũ là một khuôn mặt to bản,trắng như đồ sứ.
Ôi, chính là Hoàng thượng, là Ông Trời, là vua nhà Đại Thanh!
Ta biết Hoàng thượng bị cánh Khang Hữu Vi làm cho ăn không ngon ngủ không yên với Thái hậu, nhưng Hoàng thượng vẫn là Hoàng thượng, Hoàng thượng muôn năm! Hoàng thượng nói:
- A Pa nói đúng đấy ạ.
- Nghe Viên Thế Khải nói, ngươi muốn cáo lão về quê?
Lời Thái hậu rõ ràng có ý chế diễu, ta sợ đến nỗi ba hồn bay mất hai hồn rưỡi, dập đầu lia lịa:
- Tiểu dân tội đáng muôn chết!
Tiểu dân như loài chó lợn, không đáng để Thái hậu bận tâm.
Tiểu nhân không nghĩ cho bản thân tiểu nhân.
Tiểu nhân cho rằng, đao phủ tuy là hạng đốn mạt, nhưng công việc mà đao phủ đảm nhiệm không đốn mạt.
Đao phủ đại diện cho sự tôn nghiêm của đất nước.
Đất nước có nghìn vạn pháp quy, nhưng thực thi thì phải nhờ vào đao phủ.
Tiểu nhân cho rằng, nên đưa đao phủ vào chính ngạch của Bộ Hình, có lương tháng.
Tiểu nhân còn hi vọng triều đình có chế độ hưu trí cho đao phủ, cho họ có chỗ dựa khi về già, không phải lang thang đầu đường xó chợ.
Tiểu nhân còn hi vọng có chế độ cha truyền con nối cho nghề đao phủ,để cho cái nghề cổ lỗ này trở nên vinh hiển...
Thái hậu oai vệ ho một tiếng.
Ta sợ run lên, vội ngậm miệng, lạy như bổ củi, miệng lảm nhảm:
- Tiểu dân đáng chết! Tiểu dân đáng chết!
- Kể ra hắn nói có tình có lý. Thái hậu nói:
"Ba nghề chín nghiệp, thiếu một nghề không được. người ta bảo, nghề nào cũng có Trạng nguyên. Triệu Giáp, ta phong ngươi là Trạng nguyên của nghề đao phủ!"
Thái hậu phong cho ta là Trạng nguyên của nghề đao phủ! Vinh dự biết mấy!
Ta dập đầu lạy mãi.
- Triệu Giáp, ngươi vì nhà Đại Thanh đã giết bấy nhiêu người, không có công thì cũng là góp sức, lại có Viên Thế Khải và Lý Liên Anh nói hộ, ta phá lệ một lần:
"Ban cho ngươi hàm Thất phẩm, cho ngươi về quê dưỡng lão. "
Thái hậu quẳng chuỗi hạt bằng gỗ đàn hương cho ta, nói:
"Rời bỏ tay đao, lập tức thành Phật!"
Ta dập đầu lạy mãi.
- Thế còn Hoàng thượng?
Thái hậu hỏi:
"Triệu Giáp giết hộ Ngài bấy nhiêu người, giết sạch cả tay chân thân tín của Ngài. Ngài cũng nên thưởng cho hắn cái gì chứ?"
Ta thấy Hoàng thượng lúng túng đứng dậy, phân bua:
- Trẫm chẳng có gì cả. Cho hắn cái gì bây giờ?
- Ta bảo này.
Thái hậu lạnh lùng:
"Ngài cho hắn cái ghế mà ngài không ngồi nữa, được không?"
Nghe cha kể lịch sử,
Giáp Con càng hoan hỉ.
Cha cha cha ghê nhỉ!
Thái hậu, Hoàng thượng đều gặp đủ. Tớ học bố tớ cho tốt, tớ thích làm đao phủ.
Miêu Xoang "Đàn hương hình. Phụ tử đối".
Đêm dần khuya, Giáp Con ngồi trên ổ rơm ấm sực, lưng dựa cột lều, mắt lim dim như mắt thỏ. Lửa trong lò hắt lên khuôn mặt trẻ trung của hắn, miệng hắn lẩm bẩm những câu ngốc nghếch mà chẳng ngốc chút nào, những câu cứ xen vào dòng hồi ức của ta, kết nối hồi ức với sự thật trước mắt,
"Cha, bản tướng của Hoàng thượng là con gì?",
"Cha, Thái hậu có vú không?"
Ta hốt hoảng vì chợt ngửi thấy mùi khét bốc lên từ đáy ghênh, chợt hiểu ra,ta luộc trong dầu chứ không phải luộc trong nước.
Luộc trong nước thì dừ, luộc trong dầu thì cháy. Ta bật dậy khỏi ổ, gọi to:
- Giáp Con, lại đây mau!
Ta chạy tới bên ghênh dầu, không kịp lấy kẹp, nhón hai thanh kiếm đàn hương ra khỏi ghênh, đem đến trước đèn lồng, xem kỹ.
Chúng thơm phức, lấp lánh màu đen, có vẻ chưa cháy. Ta lấy vải lót tay cho đỡ nóng, lau sạch dầu, nắn thử, ơn trời, chúng chưa cháy!
Cháy là những miếng thịt bò. Ta lấy muỗng vớt những miếng thịt ra, vứt sang bên. Tên đầu mục lẻn vào, thì thào:
- Có sao không, ông?
- Không sao cả.
- Không sao thì tốt.
- Lão Tống, bố tớ nay là quan Thất phẩm, tớ không sợ các ông nữa. Con trai nói xen vào:
"Sau này mà còn khinh tớ thì tớ cho ông ăn đạn. "
Con trai chỉ vào đầu Ba Tống, nói:
"Pằng, vọt óc ra!"
- Giáp Con, ta có bao giờ khinh người anh em?
Ba Tống ỡm ờ. Ông đây quan Thất phẩm hay không Thất phẩm, ta không bao giờ dám trêu cậu, chỉ cần vợ cậu dề môi một cái với quan lớn Tiền là ta mất việc liền.
Dào, thằng ngố, lại bị lỡm rồi!
Ta trông thấy có một số nha dịch đứng trong bóng tối của đài Thăng Thiên và sân khấu. Ta bớt lửa, thêm dầu vào ghênh, rồi cẩn thận thả hai thanh bảo bối vào, tự nhủ: Triệu Giáp, phải hết sức cẩn thận! Trâu chết để da, người ta chết để tiếng, chỉ có thực hiện viên mãn án đàn hương này, ngươi mới là Trạng nguyên thứ thiệt! Nếu làm hỏng việc, thanh danh của ngươi thế là tong!
Ta đeo vào cổ chuỗi hạt đàn hương của Thái hậu ban tặng, rời chiếc ghế dựa mà nhà vua đã từng ngồi, ngửa mặt nhìn trời. Trời sao thưa thớt, vầng trăng tròn như mâm bạc nhô lên từ phương đông. Trăng quá sáng khiến ta chợt thấy trong lòng rối bời, hình như sắp sửa có chuyện quan trọng.
Ta trấn tĩnh lại, chợt nhớ ra hôm nay là mười bốn, ngày mai rằm tháng Tám, ngày tết Trung thu, ngày cho thiên hạ đoàn viên.
Viên đại nhân chọn ngày như vậy để hành hình! Tôn Bính, ông thật có phúc! Nhờ ánh lửa bếp và ánh trăng, ta nhìn thấy hai thanh đàn hương nhào lộn trong dầu như hai con rắn đen. ta dùng miếng vải trắng lót tay cầm một thanh lên.
Đừng có ẩu mà chết. thanh gỗ bóng lộn, từng chuỗi giọt dầu nối đuôi nhau từ mũi nhọn chảy vào ghênh.
Dầu trong ghênh đã quánh lại rất rõ, thoang thoảng có mùi khét.
Ta cảm thấy đàn hương đã nặng thêm, tức là dầu đã thấm trong gió,làm thay đổi tập tính của gỗ, giờ đây nó đã trở thành hình cụ tinh xảo, đẹp mắt, vừa cứng vừa trơn.
Giữa lúc ta đang một mình chiêm ngưỡng thanh đàn hương, tên đầu mục Ba Tống rón rén đến sau lưng ta, hỏi:
- Thưa ông, cùng lắm là đóng đinh cho chết, hà tất phải công phu như thế! Ta liếc xéo hắn, hừ một tiếng trong mũi. Hắn thì biết gì ngoài những chuyện cáo mượn oai hùm đe nẹt dân chúng, vơ vét tiền bạc của dân!
- Thực ra, tiên sinh có thể về nhà ngủ một giấc, công việc cỏn con này giao cho tiểu nhân là được rồi. Hắn đem bám sau ta, nói:
"Cái thằng Tôn Bính chó chết ấy, xem ra cũng là một nhân vật kiệt xuất. Có tài, có gan, dám làm dám chịu, đáng mặt thằng đàn ông. Tiếc là tiếc cho cái số của hắn chẳng ra gì, sinh ra ở cái xó Cao Mật, uổng cả một đời tài hoa!"
Ba Tống cứ lẵng nhẵng bám sau lưng như định tranh thủ tình cảm của ta.
Tiên sinh xa quê đã lâu, không hiểu hết ngọn nguồn của sui gia Tôn Bính, tiểu nhân chơi với hắn lâu năm, chim hắn của có bao nhiêu nốt ruồi, tiểu nhân biết hết."
Loại người như Ba Tống ta đã gặp nhiều, chó cậy gần nhà, cáo mượn oai hùm, đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy.
Nhưng ta cũng không muốn lật tẩy hắn, kệ cho hắn cứ lải nhải đằng sau.
- Tôn Bính đa tài, xuất khẩu thành chương, nghe một lần là thuộc.
Chỉ tiếc hắn không biết chữ, nếu biết, hắn đỗ mười bằng tiến sĩ.
Ba Tống nói:
"Năm ấy, mẹ lão Tần chết, mời gánh hát của Tôn Bính khóc kèn. Tôn Bính và lão Tần là bạn thân, mẹ lão Tần là mẹ nuôi của Tôn Bính. Tôn Bính hát điếu với tình cảm ấy. Hát rất tình cảm là một chuyện, hát mà con cháu người chết đứt từng khúc ruột đã đành, còn như hát mà trong quan tài có tiếng lục đục, khiến con cháu sợ xanh mắt thì mới khiếp.
Chẳng phải chỉ là cái xác sao?
Chỉ thấy Tôn Bính đến bên quan tài, đàng hoàng mở nắp ván thiên, bà lão ngồi bật dậy, mắt sáng rực như hai ngọn đèn trong đêm tối.
Tôn Bính hát rằng: Kêu một tiếng mẹ nuôi, mẹ lắng nghe con hát khúc Thường Mậu khóc hồn. Nếu sống chưa đủ thì người sống tiếp, sống đủ rồi thì sau khúc hát, người lên thiên đàng.
Chỉ một mình Tôn Bính, lúc đóng vai nam, khi đóng vai nữ, giọng khóc giọng cười, giữa chừng còn đệm bao nhiêu tiếng mèo kêu, biến buổi khóc kèn thành một cuộc trình diễn sân khấu cực kỳ sống động, con cháu người chết quên cả đau thương, những người đến xem quên cả có một thi hài đang ngồi nghe hát.
Mãi đến khi Tôn Bính hát xong câu cuối cùng, dư âm của nó dài lê thê như cái đuôi diều giấy, bà lão từ từ nhắm mắt, thở dài một tiếng tỏ vẻ thỏa mãn, rồi đổ ụp xuống như tường đổ.
Đó là chuyện Tôn Bính hát mà người chết sống lại, còn chuyện hát chết người đang sống thì nhiều vô kể..."
- Ba Tống vừa kể vừa nghiêng người chộp lấy một miếng thịt ở rìa ghênh, cười hì hì, không biết xấu hổ. Cụ biết không, miếng thịt này có một mùi thơm đặc biệt!...
Ba Tống nói chưa dứt câu, ta thấy hắn rướn lên một cái, đầu hắn bộp cái nở một đóa hoa, rồi hắn nhào vào trong ghênh dầu.
Cùng với những gì mắt nhìn thấy, tai ta nghe thấy một tiếng nổ đanh, và ngay sau đó, ta ngửi thấy mùi lưu huỳnh xen trong mùi gỗ đàn hương.
Ta hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra:
Có kẻ bắn lén, mục tiêu đương nhiên là ta, Ba Tống háu ăn nên đã chết thay ta.
Bạn cần đăng nhập để bình luận